Một buổi chiều trong hải trình trên Tàu 561 đưa quà Tết từ mọi miền Tổ quốc ra quần đảo Trường Sa, đoàn phóng viên đã chứng kiến cuộc gặp “đặc biệt” giữa ngư dân và các chiến sĩ hải quân Việt Nam giữa biển trời mênh mông.
Khi đó, tàu cá KH 95724TS do ông Phan Tài (Ninh Thủy, Khánh Hòa) làm truyền trưởng đã tiếp cận với tàu tàu 561. Ông Phan Tài và các thuyền viên không ngừng hô to “Cho xin bao gạo, hết gạo rồi!”.
Trong khi tất cả cánh phóng viên có mặt trên tàu nhanh chóng đổ về đuôi tàu để chụp ảnh, ghi hình tác nghiệp, thì các thuyền viên tàu 561 khẩn trương hướng dẫn tàu cá tiếp cận an toàn và chuẩn bị gạo, rau xanh, gia vị hỗ trợ các ngư dân.
Có lẽ chỉ có các phóng viên mới dùng từ “đặc biệt” để mô tả cuộc gặp này. Còn với các cán bộ, chiến sĩ Tàu 561, việc gặp, hỗ trợ, cứu hộ… tàu cá và các ngư dân giữa Biển Đông là vô cùng quen thuộc.
Đại úy Phạm Văn An, Thuyền trưởng tàu 561, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân, cho biết, tàu 561 là tàu vận tải tổng hợp kiêm quân y. Giữa biển khơi, hình Chữ Thập đỏ lớn trên thân tàu giống như một điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Mỗi khi đánh bắt trong khu vực quần đảo Trường Sa hay trên Biển Đông, nhìn thấy “chữ thập đỏ” từ xa, bà con ngư dân sẽ tìm đến khi cần hỗ trợ về thuốc men, thực phẩm và cả sửa chữa máy móc, ghe thuyền. Hay khi có tình huống cần liên lạc gấp về bờ, tàu 561 cũng hỗ trợ với tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng ngư dân.
“Hỗ trợ bà con ngư dân là một phần nhiệm vụ của chúng tôi. Hơn hết sự xuất hiện của ngư dân trên biển là một sự khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam”, Đại úy Phạm Văn An nhấn mạnh.
Theo Đại úy Hồng Long, Chính trị viên tàu 561, mỗi năm, tàu thực hiện 4-5 chuyến đi, chở các đoàn công tác ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, tàu còn đảm nhiệm việc tiếp tế lương thực, thực phẩm khô, đồ hộp hàng đông lạnh định kỳ cho các đảo, nhà giàn và tàu trực sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức khám sức khỏe, cấp cứu, điều trị cho cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ hoạt động trên biển, đảo và vận chuyển người bệnh vào đất liền.
Trong năm 2023, tàu 561 tiến hành cấp cứu tàu gặp nạn trên biển, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho gần 40 ngư dân, tàu cá; vận chuyển 10 ngư dân bị thương vào đất liền.
Thường xuyên hoạt động trong điều kiện thời tiết khó khăn, sóng to gió lớn, cán bộ, chiến sĩ Tàu 561 đều thể hiện quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, để hỗ trợ đoàn phóng viên tác nghiệp và thực hiện chuyến công tác thành công, tàu 561 đã tổ chức các tổ quân y, hậu cần, kỹ thuật, các tổ phục vụ… để hoàn thành tốt nhiệm vụ lần này.
Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khó khăn, đoàn phóng viên có thể không thích ứng được và bị say sóng, do vậy, tổ quân y đã chuẩn bị thuốc say sóng và sẵn sàng có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời nhất với các lực lượng đi trên tàu.
Trung úy Lê Quang Triệu, Trưởng ngành cơ điện tàu 561 chia sẻ: “Trước mỗi hành trình, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, đặc biệt là thiết bị máy móc. Bởi trong điều kiện thời tiết khó khăn, khắc nghiệt, việc hỏng hóc trang thiết bị là khó tránh khỏi. Do vậy, phải luôn có thiết bị dự phòng để thay thế ngay trên biển. Trong trường hợp, tàu cá gặp nạn, hỏng hóc, chúng tôi cũng có thể hỗ trợ và giúp sửa chữa trang thiết bị cho tàu ngư dân”.
Gắn bó với tàu 561 từ những ngày đầu thành lập năm 2012, Thiếu tá quân y, y sĩ Phan Văn Linh cho biết, tàu 561 là tàu vận tải tổng hợp kiêm quân y. Đây là con tàu duy nhất của quân chủng Hải quân được trang bị hệ thống máy móc tương đương như một bệnh viện tuyến huyện.
Tàu có kíp quân y 12 người, gồm 4 bác sĩ và 8 y sĩ. Với quy mô như một bệnh viện đa khoa, tàu có 3 buồng bệnh, 15 giường và đầy đủ các phòng chức năng: phòng chụp Xquang, phòng mổ, phòng nội soi, siêu âm, phòng khám bệnh răng-hàm-mặt, phòng hậu phẫu... Đặc biệt, trên tàu còn có buồng điều áp - là một trong những buồng hiện đại nhất để điều trị các bệnh lý nặng như giảm áp, phục vụ cấp cứu và điều trị cho những ngư dân gặp phải biến chứng nguy hiểm khi lặn sâu khai thác hải sản. Đồng thời, tàu có phòng siêu âm được trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến qua hệ thống truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175.
“Với trang thiết bị ngang với bệnh viện tuyến huyện tàu quân y 561 có thể thực hiện các ca cấp cứu tai biến nặng, các trường hợp đau ruột thừa hay các tình huống đột xuất khác. Điểm đặc biệt của Hải quân là buồng giảm áp để khám tuyển chiến sĩ cho tàu ngầm và cấp cứu các trường hợp ngư dân gặp nạn khi lặn sâu. Phòng mổ trên tàu kết nối trực tuyến với Bệnh viện Quân y 175 để hội chẩn, hướng dẫn trực tiếp với các tình huống, các ca mổ”, Thiếu tá Phan Văn Linh nói.
Hạ thủy ngày 26/4/2012 và đi vào hoạt động đầu năm 2013, sau hơn 10 năm chính thức đi vào thực hiện nhiệm vụ, tàu quân y 561 đã thực hiện khám, chữa bệnh trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và cho ngư dân trên biển, trong đó, nhiều trường hợp ngư dân bị ngã, chấn thương, chấn thương sọ não, hôn mê, suy hô hấp…
“Chúng tôi đã cấp cứu thành công trường hợp ngư dân Quảng Ngãi bị hôn mê, phải mở nội khí quản. Sau đó, đưa người bệnh vào đảo Trường Sa để bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục cấp cứu và đưa người bệnh bằng trực thăng vào bờ”, y sĩ Phan Văn Linh kể lại.
Với chính các cán bộ, chiến sĩ trên tàu, say sóng, ốm… là điều không tránh khỏi. Nhưng họ luôn nói vui với nhau rằng “đi tàu quân y thì ốm cũng không sợ”.
Chiến sĩ Tàu 561 Thái Quốc Hòa chia sẻ: “Trong những chuyến đầu đi biển, tôi và nhiều đồng đội cũng bị say sóng. Khi đó, chúng tôi đều được các bác sĩ, y sĩ trên tàu thăm, khám và phát thuốc. Với tôi và các chiến sĩ khi đi tàu đều cảm thấy rất yên tâm để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Theo Thuyền trưởng Phạm Văn An, tàu 561 có thể nói là tàu bệnh viện đầu tiên và hiện đại nhất không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả khu vực Đông Nam Á: “Chính vì vậy mỗi cán bộ, chiến sĩ của tàu đều được đào tạo cơ bản về các kỹ năng xử lý tình huống khi cấp cứu người bị nạn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ không ngừng trau dồi nghiệp vụ để con tàu xứng đáng là bệnh viện di động trên biển”.
Một trong những nhiệm vụ tàu 561 hoàn thành xuất sắc chính là đại diện cho Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia cuộc diễn tập đa phương Hải quân ASEAN (KOMODO) kết hợp cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai do thảm họa sóng thần từ 25/3 đến 16/4/2014. Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của 18 nước, ngoài khối ASEAN còn có Hải quân các nước Nga, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia tham dự.
Trong lần tham gia KOMODO, đội ngũ Quân y đã thực hiện 3 ca tiểu phẫu trên tàu cùng việc khám, phát thuốc cho hàng nghìn người dân Indonesia.
Tác giả: Lê Hoàng - Trình bày: Kiều Anh