Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm, nhưng ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam vẫn còn khoảng 800.000 tấn; tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,31% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Không chỉ gây nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, bom mìn sót lại sau chiến tranh còn gây ra nhiều thương vong, tổn thất cho người dân và gánh nặng cho xã hội.

Nguồn: VNMAC

Từ năm 1975 đến nay đã có hơn 4 vạn người Việt Nam thiệt mạng, 6 vạn người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi năm, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tật suốt đời.

Với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, 50 năm qua, kể từ khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/1/1973, Việt Nam đã triển khai khảo sát và rà phá được gần 2,5 triệu ha đất đai bị ô nhiễm bom mìn để phục vụ tái định cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân và xây dựng công trình kinh tế.

Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng; tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế do Liên Hợp Quốc (Cơ quan Hành động Bom mìn Liên Hợp Quốc - UNMAS, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc - UNDP, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - UNICEF, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế - ICRC) và các tổ chức quốc tế (Trung tâm Rà phá bom mìn Nhân đạo quốc tế Geneva - GICHD, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ - USAID, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, Trung tâm Hành động bom mìn ASEAN - ARMAC) tổ chức, qua đó trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực trong thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh....

Trong những năm qua, chính phủ một số nước và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng đã quan tâm giúp đỡ giải quyết hậu quả bom, mìn ở Việt Nam.

Bà Ashley Bartlett, viên chức Chính trị - Quân sự, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chia sẻ: “Đầu năm 2023, trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định nỗ lực của Mỹ trong lĩnh vực hỗ trợ Việt Nam rà phá bom mìn là nền tảng cho quan hệ hợp tác hai nước, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.

Chúng tôi đã phá dỡ 800.000 các loại bom, vật liệu nổ khác nhau. Chúng tôi cũng giáo dục đào tạo cho 2 triệu người dân về nguy cơ rủi ro của bom mìn; làm sạch 20.000 ha đất để có thể xây dựng trường học, phục vụ nông dân sản xuất, xây dựng cơ sở kinh doanh. Mỹ cũng hỗ trợ kinh phí để khảo sát, xác định địa điểm tiến hành dự án hỗ trợ rà phá bom mìn, giúp các khu vực này giảm thiểu tai nạn có thể gây thương tích cho người dân”.

Ở góc độ quân sự, phía lục quân Mỹ cũng có các hoạt động hỗ trợ Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) nhằm đào tạo đội ngũ rà phá bom mìn phù hợp, đạt tiêu chuẩn. Lực lượng này sau đó có thể đào tạo cho các cán bộ khác trong trung tâm, xây dựng năng lực rà phá bom mìn hiệu quả hơn.

“Từ năm 2015, chúng tôi đã hỗ trợ VNMAC qua cố vấn kỹ thuật cấp cao cả trên mặt pháp lý và kỹ thuật, đồng thời hỗ trợ xây dựng phát triển năng lực cho trung tâm thông qua đào tạo về mặt kỹ thuật, đầu ra, cũng như thực hiện các dự án, chương trình. Chúng tôi cũng hỗ trợ VNMAC xây dựng tầm nhìn, phương hướng thời gian tới. Thông qua chương trình hành động bom mìn quốc gia Việt Nam với tầm nhìn 2050, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ thời gian tới”, Đại tá TJ Bouchillon - Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nói.

Chia sẻ về những nỗ lực chung tay với Việt Nam trong hoạt động rà phá bom mìn, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken cho biết: “Năm 2023, Na Uy hỗ trợ cho hoạt động rà phá bom mìn tại Việt Nam 5,5 triệu NOK (tương đương 500.000-700.000 USD/năm). Đây là khoản đóng góp hàng năm trong 3 năm qua.

Các khoản hỗ trợ của Na Uy cho Việt Nam được chuyển qua Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) - tổ chức đã làm việc ở Việt Nam từ năm 2007. NPA hợp tác với Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) và các cơ quan hành động bom mìn cấp tỉnh để đạt được các mục tiêu chiến lược giai đoạn từ năm 2020 - 2025”.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken cho biết: “Tôi đã có cơ hội đến thăm Quảng Trị cùng NPA vào tháng 10 năm ngoái và chứng kiến ​​thực tế hoạt động rà phá bom mìn. Qua đó tôi có thể tìm hiểu về hậu quả lâu dài của các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh - về nguy cơ gây tai nạn cũng như ảnh hưởng của nó đối với việc khai thác, sử dụng đất trong nông nghiệp, nhà ở hay kinh doanh…

Ngoài ra, nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng đã triển khai thực hiện nhiều dự án giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho nhân dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Chính phủ Nhật Bản năm 2001 đã hỗ trợ một số thiết bị như máy cắt cây, phá mìn phục vụ dự án xây dựng Đường Hồ Chí Minh. Dự án “Hợp tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giữa Việt Nam và Hàn Quốc” cũng đang được triển khai góp phần đem lại cuộc sống an toàn cho người dân tại hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị…

Nhiều dự án về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Chính phủ các nước Hàn Quốc, Anh, Đức, Australia…, các tổ chức của Liên Hợp Quốc như UNDP, UNICEF... và tổ chức phi chính phủ nước ngoài như NPA, MAG, IC, Golden West, Peace Tree, CRS… đã thực hiện thành công ở Việt Nam.

Ghi nhận những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, Báo cáo của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về công tác khắc phục hậu quả bom mìn toàn cầu tại các phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 74 năm 2019, lần thứ 76 năm 2021 đều đánh giá cao kết quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam với “cách tiếp cận và triển khai hành động mìn quốc gia chuyên nghiệp, hiệu quả”.

Trong các năm 2014 và 2016, Việt Nam đã thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn và Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn (MAPG), góp phần tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, ủng hộ tự nguyện vật chất, tài chính thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, hỗ trợ bảo đảm an toàn đời sống, sinh hoạt cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống cộng đồng.

Bà Bartlett nói: “Chúng tôi rất tự hào về những hoạt động đã thực hiện trong thời gian vừa qua với các đối tác. Chúng tôi cũng cảm ơn Việt Nam đã tạo ra một bầu không khí hợp tác tích cực. Đây là cơ hội để các đối tác, công dân các nước, tổ chức phi chính phủ tham gia ở cấp độ quốc gia và địa phương. Chúng tôi đã hợp tác với Anh để thực hiện chương trình rà phá bom mìn ở Quảng Trị, Quảng Bình từ 2006 - 2022. Chúng tôi cũng hợp tác với Nhật Bản, Ireland thực hiện các hoạt động giáo dục về rủi ro bom mìn với tỉnh Quảng Trị. Gần đây chúng tôi hợp tác chặt chẽ với phía Hàn Quốc. Hàn Quốc đã hỗ trợ xây dựng nhiều làng hữu nghị để hỗ trợ hoạt động rà phá bom mìn ở nhiều khu vực và tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho những khu vực này.

Ngoài ra tôi cũng muốn đề cập đến một số tổ chức phi chính phủ đã có sự hợp tác mạnh mẽ với chúng tôi thời gian vừa qua. Chúng tôi đã có nhiều sự hợp tác với các đối tác trên và đạt được nhiều thành tựu”.

“Phía Mỹ sẽ có cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển hơn nữa thời gian tới, thực hiện nhiều hoạt động rà phá bom mìn. Việt Nam là đối tác tốt của chúng tôi thời gian qua. Chúng tôi sẽ hỗ trợ VNMAC xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về rà phá bom mìn, đảm bảo trung tâm này dễ tiếp cận với các đối tác cũng như các đơn vị địa phương, có dữ liệu chính xác để giúp những người ra quyết định ở cấp quốc gia và địa phương có điều kiện phát triển tốt nhất các dự án rà phá bom mìn. Những nỗ lực này thể hiện cam kết của Mỹ, đó là hỗ trợ một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng độc lâp, xây dựng niềm tin giữa 2 nước, không chỉ giữa 2 chính phủ mà cả nhân dân 2 nước”, bà Bartlett chia sẻ.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng về sự phối hợp với địa phương thông qua Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị và cách thức điều hành của các cơ quan chức năng Việt Nam: “Sự hợp tác của chúng tôi với phía Việt Nam trong lĩnh vực này rất tốt đẹp. Chúng tôi rất ấn tượng với nỗ lực của Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam trong việc tìm ra giải pháp hiệu quả nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương. Nguồn lực có hạn và điều quan trọng là phải sử dụng tốt những gì có trong tay. Đây là lý do tại sao việc khảo sát các khu vực lại rất quan trọng và sau đó kết hợp việc này với các khía cạnh khác như môi trường, chính trị và xã hội khi quyết định cách thức và địa điểm thực hiện việc dọn sạch bom mìn.

Tôi rất vui mừng khi NPA có kế hoạch tăng cường hợp tác với Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam và các bên liên quan khác để tìm hiểu cơ hội thực hiện các dự án mới ở các tỉnh mới ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam”, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nói.

Tác giả: Ngọc Tú, Lê Hoàng, Hùng Cường, Kiều Anh/VOV.VN

Thứ Năm, 06:04, 19/10/2023