Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, đến ngày 20/2 một số tỉnh/thành phố đã quyết định lùi thời gian tổ chức học trực tiếp. Song bên cạnh đó, một số địa phương cũng thể hiện quyết tâm dạy học trực tiếp với phương châm “dù còn một học sinh cũng mở cửa trường học”. Đây không chỉ là khẩu hiệu nhằm thể hiện quyết tâm cao độ mở cửa trường học mà thực tế đang được thực hiện trong các nhà trường. Với “chiếu chỉ” này, nhiều trường học đang loay hoay chật vật trong tổ chức dạy học.

Phụ huynh Hà Nội chia ca đưa đón con đi học trực tiếp nửa ngày

8h sáng cô Nguyễn Thanh Phúc, Phó Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội đi kiểm tra từng lớp học trực tiếp, lớp nào nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 50% học sinh đến lớp, có lớp chỉ còn 3-4 em, cá biệt, có lớp giáo viên ngồi đợi đến gần 8h nhưng cũng chỉ có 1 học sinh duy nhất đến học trực tiếp. Số học sinh còn lại học trực tuyến do là F0, F1, một số phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con nên cũng đã chủ động làm đơn xin cho con học online tại nhà.

Một cô – một trò học trực tiếp, lớp sĩ số 50 học sinh, thì đến 49 em học trực tuyến qua camera tại lớp học. Dù chỉ còn một học sinh duy nhất, song lớp học vẫn diễn ra theo hình thức đặc biệt hiếm có này, vị Phó Hiệu trưởng này cũng cho rằng, thực tế khi số học sinh đi học còn quá ít, việc cố duy trì lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến là không hiệu quả, vất vả cho cả giáo viên và học sinh trong mùa dịch, song nhà trường vẫn phải thực hiện vì đã có chỉ đạo “dù chỉ còn một học sinh cũng mở cửa trường học”.

Dù chỉ còn một học sinh duy nhất, song lớp học vẫn diễn ra

“Quan điểm sống chung với dịch là đúng đắn vì không biết chính xác khi nào dịch sẽ kết thúc. Tuy nhiên chỉ đạo cứng nhắc 1 học sinh vẫn mở cửa trường học là không phù hợp, mà nên giao quyền tự chủ cho các trường linh hoạt xử lý tùy vào số lượng học sinh đi học thực tế. Khi lớp chỉ còn một vài em học sinh khiến việc dạy học hoàn toàn không hiệu quả. Các em đến lớp học trực tiếp để giao lưu với thầy cô, bạn bè, nhưng chỉ còn một mình ngồi đối diện với giáo viên bản thân các em cũng không hào hứng học tập.

Trong khi đó, gần 50 học sinh còn lại học trực tuyến, theo dõi qua camera cũng rất khó tiếp thu bài giảng. Giáo viên cũng không thể chú tâm đến những học sinh đang học ở nhà như khi học 100% trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà trường cũng vất vả bố trí giáo viên, dù chỉ còn 1 học sinh, thì 11 thầy cô của 11 bộ môn vẫn phải lên lớp dạy trực tiếp”, cô Nguyễn Thanh Phúc nói.

Theo vị Phó hiệu trưởng, sau 2 tuần trở lại học trực tiếp toàn trường đã có hơn 200 học sinh F0 và hàng trăm học sinh khác là F1, hơn 30 giáo viên F0, F1 đang phải dạy trực tuyến tại nhà. Bởi vậy nhiều lớp học rơi vào tình trạng học sinh đến trường… để học trực tuyến do giáo viên đang cách ly.

 “Với cách làm này, chúng tôi lại phải phân công thêm một giáo viên lên trông lớp, mang theo máy móc để kết nối bài giảng trực tuyến của giáo viên lên máy chiếu cho học sinh tại lớp theo dõi. Như vậy mỗi lớp học sẽ diễn ra tại 3 điểm cầu, tại nhà giáo viên, nhà học sinh và trên lớp, dù đến trường hay ở nhà, học sinh vẫn phải học trực tuyến. Với những giáo viên là F0, dù biết thầy cô rất vất vả, mệt mỏi, nhưng chúng tôi vẫn phải động viên để ngoài những thời điểm quá mệt, sốt cao thì vẫn tham gia dạy trực tuyến tại nhà. Những giáo viên còn lại phải đảm “gánh” thêm khối lượng công việc nhiều gấp 2-3 lần bình thường”, cô Phúc nói.

Cô Phúc cho biết, số lượng học sinh mắc Covid-19 khi đến trường tăng nhanh từng ngày, buổi học buổi nghỉ khiến nhiều phụ huynh đều hoang mang, lo lắng.

Thứ 6 ngày 25/2, cô Phương Anh, giáo viên một trường THCS tại Hà Nội cũng ngỡ ngàng khi lớp học chỉ còn duy nhất 1 học sinh. “Hôm trước vẫn còn 5 em, thì đến nay chỉ còn duy nhất 1 em đến học, trong khi tổng sĩ số là 45 em. Buổi học buổi nghỉ, tinh thần học tập của các em cũng giảm sút rõ rệt. Để ứng phó với tình trạng này, nhà trường buộc phải ghép lớp để dạy cho những học sinh đến trường học trực tiếp, song tiến độ bài giảng mỗi lớp khác nhau nên học sinh và giáo viên đều khó khăn, vất vả hơn”.

Giáo viên này cho rằng, khi số lượng học sinh đi học trực tiếp còn quá ít, nên để các trường linh hoạt chuyển sang dạy 100% trực tuyến với các lớp này.

Cô T.K.H, Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Đà Nẵng cũng cho biết, trường đang áp dụng kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến. Song với những học sinh nhỏ tuổi, buộc nhà trường phải phân công giáo viên gộp các em cùng khối lớp để dạy trực tuyến riêng vào buổi tối. Như vậy, khối lượng công việc của giáo viên tăng gấp đôi khi ban ngày dạy trực tiếp, tối về lại dạy trực tuyến. Không chỉ vậy, đi học mùa dịch, giáo viên các trường không chỉ đảm nhiệm vai trò dạy học mà còn căng mình chống dịch.

“Cả trường quay cuồng với việc trực cổng trường, phân luồng đón học sinh đầu giờ, xử lý F0, F1, sát khuẩn lớp học mỗi ngày. Ngày nào giáo viên cũng quần quật làm việc từ 6h30 sáng đến 5h30 chiều, nhiều khi phụ huynh đến đón con muộn, các cô vẫn phải ở lại để trông học sinh. Vẫn biết trong bối cảnh hiện nay tất cả đều cần cố gắng, nhưng số học sinh đến trường, đến lớp gảm mỗi ngày. Kết quả nhận về so với những công sức bỏ ra chưa xứng đáng”, cô T.K.H chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng: “Khẩu hiệu còn một học sinh cũng mở cửa trường học thể hiện quyết tâm cao độ của ngành giáo dục trong việc mở cửa trường học, tuy nhiên việc mở cửa lớp học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phải thực sự linh hoạt. Chúng ta hướng đến mục tiêu cuối cùng vẫn là chất lượng dạy và học, do vậy tôi cho rằng không nên cứng nhắc mà cần tìm giải pháp sao cho đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi học sinh đến trường”.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Các trường luôn ủng hộ chủ trương của Chính phủ khi mở cửa trường học, đây là quyết định hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, tại một số địa phương như Hà Nội dịch bệnh bùng phát nhanh, mạnh với hàng ngàn ca mỗi ngày, số lượng học sinh là F0, F1 tăng từng ngày, đội ngũ giáo viên cũng trở thành “F” phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Do đó công tác dạy và học bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc mở cửa trường học là cần thiết, song tôi cho rằng chủ trương còn một học sinh vẫn mở cửa trường học không sát thực tế, không thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là thích ứng linh hoạt. Nếu số lượng học sinh đến lớp quá ít vẫn suy trì dạy cả trực tiếp và trực tiếp thì thực sự không hiệu quả”, thầy Bình cho biết.

Qua 2 tuần triển khai kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cho biết toàn trường đã có hơn 20 giáo viên là F0, F1, 30% học sinh là F0, F1 đang phải cách ly tại nhà. Một số lớp chỉ còn lại vài em đủ điều kiện đi học trực tiếp. Nhận thấy tính kém hiệu quả và an toàn trong công tác dạy và học sinh số học sinh mắc Covid-19 ngày càng lớn, trường THCS-THPT Lương Thế Vinh đã chuyển sang dạy và học trực tuyến 100% từ ngày 28/2.

Thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc quy định dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch tại từng vùng chỉ mang tính tương đối. Với những địa phương có số ca mắc Covid-19 đang rất cao như Hà Nội nên có chủ trương giao quyền chủ động cho các trường, linh hoạt lựa chọn phương thức phù hợp nhất dựa trên tình hình thực tế. Theo đó, Hiệu trưởng là người quyết định phương thức dạy học và chịu trách nhiệm về quyết định đó./.

Thứ Ba, 06:33, 01/03/2022