Vừa qua, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 4 vụ, trong đó, vụ việc xảy ra đầu tháng 4/2024 khiến hàng chục em học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường, TP Nha Trang bị đau bụng, nôn sau khi ăn sáng, một học sinh lớp 5 tử vong. Mới đây nhất, ngày 2/5, 15 học sinh của 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) sau khi ăn sushi và bánh mì trước cổng trường thì chóng mặt, nôn, được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa nghi do ngộ độc thực phẩm và được đưa đi cấp cứu...
Dạo quanh một số trường học trên địa bàn Hà Nội vào cuối buổi chiều, ở trước mỗi cổng trường đều xuất hiện những gánh hàng rong là những cửa hàng ăn uống “mini” tiện lợi. Tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận Thanh Xuân, Hà Nội), dãy vỉa hè phía trước bao bọc lấy trường đã được các chủ hàng rong chiếm giữ.
16h30 phút, sau khi tiếng trống tan trường đã điểm, học sinh ùa ra như đàn ong vỡ tổ và bắt đầu “sà” đến các tiệm hàng rong để mua đồ ăn nhanh đã được chiên rán sẵn và nước uống đủ màu sắc.
Trên chiếc xe đẩy bán hàng, chủ hàng rong lắp đặt thành một gian hàng bán đồ ăn nhanh siêu tiện lợi, vừa có nơi chứa hàng, vừa thiết kế một ô để kê bếp chiên rán, còn một ô là bày biện các loại thực phẩm bắt mắt. Mặt hàng chủ yếu là các loại đồ ăn nhanh đã được gắn vào từng que xiên như xúc xích, cá viên, thịt viên, mực viên, xúc xích phô mai, tôm… với đủ màu sắc sặc sỡ. Những món ăn như tôm, mực viên chiên chỉ có giá từ 2.000-3.000 đồng/xiên, hay túi thịt bò khô, mực khô tẩm ướp chỉ ghi chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc được bán cho trẻ với giá rất rẻ chỉ khoảng 4.000-5.000 đồng.
Theo quan sát, việc chế biến đồ ăn cũng rất đơn giản, được thực hiện ngay trên đường mà không cần che chắn, thậm chí nhiều món đồ được chiên đi chiên lại, dầu dùng để chiên đã ngả màu đen.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, thực phẩm không có tủ lạnh bảo quản rất dễ ôi thiu, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng các quán ăn này lại rất “hút” khách. Khách hàng ăn rất ngon miệng nhưng chẳng để ý rằng phía sau món ăn đầy đủ màu sắc kia tiềm ẩn mối lo về sức khỏe nghiêm trọng đó là ngộ độc thực phẩm.
Chị Nguyễn Thúy Quỳnh, phụ huynh có con đang học tại đây cho hay, có hôm con cầm về nhà 2 que tôm chiên và một gói tẩm ướp gia vị. Thấy tôm chiên cũng bắt mắt, có hình thù con tôm rõ ràng, chị đã ăn thử. Thế nhưng khi ăn thử miếng đầu tiên chị đã phải nhè ra vội, bởi đây chỉ là thực phẩm mang hương vị tôm, thành phần của nó hầu như toàn bột, nên chị đã không đồng ý cho con ăn những loại thực phẩm này.
“Khi được hỏi những món ăn này làm sao con có, con tôi trả lời là bạn bè mua ở cổng trường học rồi cho. Một buổi chiều sau khi đi đón con, tôi thấy ở cổng trường nơi con theo học đúng là có một dãy các gánh hàng rong bán đồ chiên rán như vậy. Tôi thấy khá là lo lắng, bởi tôi cấm con như vậy nhưng rất khó có thể theo sát con mỗi ngày và không biết liệu con có lén mua sau lưng mình những thực phẩm không rõ nguồn gốc như vậy không?”, chị Quỳnh nói.
Chuyển địa điểm qua Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), ở đây là một “ma trận” của các đồ ăn nhanh. Và mặt hàng “xiên bẩn” – tên gọi món ăn của giới trẻ ngày nay, không hề thiếu. Những món ăn như tôm viên, cá viên, bò viên, gà viên, phô mai chiên, xúc xích rán, thịt xiên nướng, nước uống màu đỏ cam... cùng các loại bánh kẹo, bim bim không nguồn gốc, không xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng luôn cuốn hút học sinh.
Các loại thực phẩm chiên rán ở đây cũng có giá rất rẻ, dao động từ 2.000 đồng/xiên nhỏ, 5.000 - 8.000 đồng/xiên to; các loại nước chua ngọt màu sắc bắt mắt chỉ có giá 5.000 - 10.000 đồng/cốc. Tuy nhiên khi được hỏi về nguồn gốc của các mặt hàng này, người bán chỉ trả lời chung chung rằng nhập ở siêu thị về bán, hay đại loại như nhà tự làm.
Hay xung quanh khu vực Trường Học viện Bưu chính Viễn thông, việc buôn bán những mặt hàng này cũng sầm uất không kém. Không chỉ các bạn học sinh mà ngay cả sinh viên các trường đại học cũng thích thú. Ở đây người bán hàng sử dụng gánh hàng rất đơn giản, chỉ cần một chiếc bếp gas mini, một chảo dầu là có thể chiên rán các thể loại đồ ăn. Dù là dầu mỡ đã sử dụng nhiều lần, nhưng món ăn vẫn là có sức hút với đông đảo học sinh và các bạn sinh viên.
Không những thế, người bán hàng cũng không đeo bao tay khi chiên các món ăn. Các loại đồ ăn bày bán không che đậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh nơi cổng trường vẫn chực chờ…
Nhà máy, xí nghiệp, trường học là những đơn vị có lượng người ăn khá lớn, việc chế biến thực phẩm đôi khi khó đạt được vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tại trường học, nguy cơ ngộ độc ATTP cao hơn nữa, bởi hệ thống miễn dịch của của học sinh còn yếu, do đó cần thận trọng trong việc tạo ra các bữa ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng cho các con.
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, giai đoạn này, thời tiết ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đang bắt đầu vào mùa hè, nhiệt độ tăng lên. Đây cũng là thời điểm chuyển mùa, các vi sinh vật có điều kiện phát triển nhiều hơn, tốc độ cao hơn. Chỉ sau 20p các vi sinh vật đã phát triển và chỉ sau 2-4 tiếng, lượng vi sinh vật trong thực phẩm để bên ngoài đã nhân lên gấp đôi. Do đó thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều vấn đề liên quan đến VS ATTP tại các trường học, cả trong và ngoài nhà trường. Trong nhà trường, các bữa ăn bán trú của học sinh cũng là 1 vấn đề cần được quan tâm. Ngoài ra tại các cổng trường, các gánh hàng rong bán đồ ăn nhanh lại không đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trẻ em thường rất thích ăn vặt và không nhận thức được đâu là thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch, chính vì thế vấn đề ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến các cháu chiếm tỉ lệ lớn.
TS. BS Trương Hồng Sơn cho biết, mặc dù quy định về ATTP đã được Bộ Y tế xây dựng và Quốc hội cũng đã thông qua luật về ATVSTP, những quy định cụ thể về đảm bảo vệ sinh ở các hàng ăn, bán hàng rong cũng đã có. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại những cách hiểu sai hoặc đôi khi cũng rất khó áp dụng. Chẳng hạn như khu vực cổng trường học nên được hiểu như thế nào, đó là giới hạn về diện tích cổng trường hoặc diện tích bề ngang mặt đường của trường. Thế nên khi các hàng rong bán chỉ cách cổng trường một đoạn, người bán bảo vệ mình rằng không bán trước cổng trường. Điều này cũng gây khó khăn cho các cấp chính quyền khi triển khai nội dung này.
Điểm đặc biệt rằng, người ta vẫn thường nghiễm nhiên cho rằng nhà hàng, cửa hàng bán đồ ăn sẵn cố định có giấy phép hoạt động và có chứng nhận VSATTP, còn hàng rong thì không nên việc quản lý là điều không thể?
“Tuy nhiên khó không có nghĩa là không làm được. Bởi hiện nay, quy định của chúng ta đã rất đầy đủ. Vấn đề đặt ra ở đây là kiểm soát có chặt chẽ hay không, có thực hiện một cách thường xuyên và xử lý nghiêm minh hay không? Điều này dựa vào vai trò chủ đạo của các cấp chính quyền. Bởi chúng ta đã có hành lang pháp lý, những chế tài phù hợp. Thế nhưng các cấp chính quyền thường viện ra các lý do như địa bàn rộng quá, lực lượng quá mỏng nên chưa giải quyết triệt để vụ việc, do đó hàng rong vẫn còn tồn tại”, TS.BS Trương Hồng Sơn nói.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, vấn đề VS ATTP đã được đề cập rất nhiều, nhưng mọi người chẳng ai chú ý, chẳng ai nghe, do đó cần phải có biện pháp bắt buộc phải chú ý và phải nghe.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết rằng những thứ bán ở cổng trường là những thứ hấp dẫn về màu sắc, mùi, vị nhưng đảm bảo an toàn hay không thì không ai dám chắc được và không phải tất cả đều độc. Tuy nhiên những người kinh doanh hàng rong trước cổng trường là những người tự do, vì thu nhập cá nhân cho gia đình mà họ thiếu trách nhiệm với xã hội, đặc biệt với trẻ em. Để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm tại cổng trường học, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?
“Đầu tiên đó là hiệu trưởng nhà trường. Bởi nhà trường có trách nhiệm quản lý học sinh. Thế nhưng đơn vị này chỉ quản lý từ cổng trường trở vào, còn từ cổng trường trở ra là do lực lượng khác”, ông PGS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, từ cổng trường trở vào, nhà trường có trách nhiệm trong việc yêu cầu giáo viên chủ nhiệm cùng các thầy cô giáo vừa là khuyên nhủ, vừa là động viên để học sinh thực hiện nghiêm túc việc không ăn vặt trước cổng trường. Phân tích tác hại và đưa ra những dẫn chứng về các vụ ngộ độc xảy ra, dần dần các em tự giác. Ngoài ra khi phát hiện học sinh ăn vặt ngoài cổng trường, nhà trường có biện pháp phê bình. Phê bình mang tính chất giáo dục để các cháu tiến bộ.
Từ cổng trường trở ra, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Bởi họ chính là người thực hiện quyền đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên chính địa bàn quản lý. Do đó chính quyền địa phương ra lệnh, dán thông báo cấm bán ở cổng trường thì đó là mệnh lệnh phải chấp hành. Và người thực hành là công an tại địa phương. Lực lượng công an khu vực đó có nhiệm vụ đảm bảo trật tự đường phố, dẹp 1 lần không được, phải dẹp tiếp đến khi họ giải tán mới yên được cổng trường.
“Trong vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là đơn vị quản lý chung. Cần sự vào cuộc hơn nữa của Bộ để tạo sự thống nhất giữa các trường trên toàn quốc, các địa phương trong tỉnh. Từ đó nâng cao vai trò của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn trường học, an ninh trật tự tại cổng trường. Vì thế cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc và cùng chịu trách nhiệm”, PGS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, câu chuyện VSATTP là chuyện không của riêng ai. Tại trường học, đó không chỉ là câu chuyện của chính quyền mà còn là câu chuyện của nhà trường.
“Ngộ độc thực phẩm ở trường học, đôi khi có những trường hợp rất nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó vai trò của nhà trường rất quan trọng. Nhà trường với vai trò giáo dục học sinh, nên tổ chức những hội thảo nhỏ để tuyên truyền về tác hại của thực phẩm không rõ nguồn gốc, tránh xa những hàng rong vỉa hè không đảm bảo VSATTP. Giáo dục các con phải biết giám sát lẫn nhau, để các cháu vẫn còn mua quà vặt trước cổng trường sẽ nhìn hành động của các bạn xung quanh dần dần thay đổi thói quen. Đây là 1 nội dung bao gồm cả vấn đề về quản trị, vấn đề về quản lý hành chính, nhưng đồng thời bao gồm vấn đề rất quan trọng đó là giáo dục, là truyền thông về an toàn thực phẩm trong nhà trường”, TS.BS Trương Hồng Sơn nói.
Theo ông Sơn, để hình thành thói quen tốt cho trẻ, trách nhiệm của gia đình đóng vai trò quan trọng. Cha mẹ cần thẩn trọng hơn việc mua và sử dụng thực phẩm cho trẻ. Bởi trẻ muốn mua thứ gì đó cần phải có tiền, thứ 2 là cha mẹ mua cho.
“Thực ra chúng ta phải hiểu rằng các loại thực phẩm bán ở cổng trường về mặt dinh dưỡng là nó không đạt được nhiều giá trị, thực phẩm này không rõ nguồn gốc, là thực phẩm bán lề đường rất mất vệ sinh nhưng lại thu hút trẻ. Ngoài ra đó còn là vấn đề bảo quản thực phẩm, là vấn đề vệ sinh của người bán. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của con, mà cha mẹ cần nắm được để hạn chế bằng cách không để con có tiền tự mua và nói chuyện với con một cách nghiêm túc về vấn đề ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ như thế nào. Đặc biệt là đừng mua cho con và đừng coi thực phẩm mua ở cổng trường là món quà cho con sau 1 ngày học”, TS.BS Trương Hồng Sơn nói.
Về giải pháp hạn chế các vụ ngộ độc tại trường học, TS.BS Trương Hồng Sơn cho rằng, thiết nghĩ biện pháp đầu tiên là nhắc nhở, yêu cầu người bán hàng rong không được kinh doanh buôn bán trước cổng trường học. Nếu họ không chấp hành sẽ thực hiện cưỡng chế, tuyệt đối không để các hộ kinh doanh buôn bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện ở khu vực trường học.
Về nguyên tắc Luật ATTP cũng đã quy định, ngộ độc xảy ra trên địa bàn nào thì các cấp chính quyền đó phải chịu trách nhiệm. Khi có sự phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng địa phương như quản lý thị trường, cảnh sát khu vực, nhân viên y tế và nhà trường thì vấn đề đảm bảo vệ sinh thực phẩm ngoài trường học sẽ giảm thiểu nguy cơ.
Thứ 2 là khoanh vùng khu vực cổng trường. Hiện nay một số trường ở Hà Nội đã áp dụng cách này. Họ dựng barie xung quanh khu vực cổng trường để cấm tuyệt hàng rong có điều kiện manh nha buôn bán. Nếu kiên quyết làm thì chúng ta vẫn làm được.
Thứ 3 là công tác tuyên truyền cho học sinh và các bậc cha mẹ học sinh không nên cho con ăn thức ăn đường phố nhất là các quầy hàng rong trước cổng trường. Việc này không chỉ liên quan đến vệ sinh ATTP mà còn liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, đảm bảo an toàn trường học.
TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết: “Hiện nay những quy chuẩn, luật, nghị định về ATTP đều đã có, tuy nhiên chúng tôi thấy rất là băn khoăn khi chính quyền phường địa phương chỉ coi việc này là 1 trong những nội dung quen thuộc trong khi sức khỏe lại là vốn quý nhất. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn phải là 1 quan điểm cần chú trọng và có những hành động mang tính thực chất”.
Đối với người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức tự bảo vệ mình để phòng chóng ngộ độc thực phẩm bởi không ai có thể giúp mình tốt hơn bằng chính bản thân mình”.
Mọi người cần hiểu rằng ngộ độc thực phẩm là một chu trình kéo dài, trải qua nhiều khâu, nhiều bước. Chẳng hạn một vụ ngộ độc sẽ có xuất phát điểm từ việc canh tác ở đồng ruộng, sau đó đến giai đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm, khâu vệ sinh từ người kinh doanh chế biến… Do đó chúng ta rất khó đánh giá được thực phẩm đó có nguy cơ ngộ độc hay không. Nếu như thực phẩm ôi thiu thì có thể ngửi là phát hiện được, tuy nhiên cũng có những thực phẩm mà nhìn cảm quan bằng mắt thường sẽ rất khó nhận được các yếu tố nguy cơ. Do đó cách tốt nhất để bảo vệ mình đó chính là ăn chín uống sôi, chế biến tại gia đình. Nếu ăn uống ở bên ngoài nên chọn những cơ sở uy tín, vệ sinh sạch sẽ để nếu chẳng may xảy ra vấn đề gì bản thân chúng ta cũng dễ quy trách nhiệm tốt hơn.