Là người đồng bào dân tộc Tày, thuộc hộ nghèo ở tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì mọi chi phí học hành, sinh hoạt của em đều dựa vào tiền làm thêm. Cứ sau giờ học, Nguyệt đi bán nước theo ca ở cổng ký túc xá Lương Thế Vinh, vào những giờ rảnh rỗi, em còn làm cộng tác viên bán hàng online. Với công việc như vậy, thu nhập của em hơn 3 triệu/tháng. Với số tiền này, Nguyệt sẽ dùng chi trả tiền phòng cùng các chi phí cho sinh hoạt cá nhân.

Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, mọi công việc làm thêm của Nguyệt phải dừng hẳn. Ở quê, bố Nguyệt cũng chỉ trông chờ vào ruộng nương, không có thu nhập ổn định. Vì thế, mỗi khi Nguyệt cần tiền để trang trải cuộc sống thì bố mẹ quê phải xoay sở mọi cách để gửi tiền cho con, mỗi tháng chỉ có thể gửi hơn 1 triệu đồng. Gia đình Nguyệt thuộc diện hộ nghèo và là đồng bào dân tộc nên học phí ở trường được miễn giảm một phần.

Cũng trong những ngày giãn cách, khu trọ của Nguyệt nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương, đó là những gói an sinh nhu yếu phẩm hàng ngày. Khi mọi thu nhập bị cắt giảm, việc chi tiêu trở nên tằn tiện thì được hỗ trợ gạo, mì tôm là điều vô cùng quý.

Thời gian qua, Nguyệt là một trong những sinh viên bị mắc kẹt trên địa bàn phường Khương Trung được nhận gói hỗ trợ 500.000 đồng của MTTQ phường. “Bác Bí thư Chi bộ Khu dân cư đã đến từng nhà trọ sinh viên để thông báo cho chúng em được làm đơn nhận tiền. Em thấy thủ tục đăng ký rất nhanh, đơn giản. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, em và các bạn ở đây đã được nhận số tiền này”, Nguyệt cho biết.

Cũng có hoàn cảnh khó khăn tương tự trong thời gian cả thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, em Trần Thị Phương Mai, sinh viên năm thứ 4 Học viện Ngân hàng cho hay, trước đó, em có đi làm thêm, bán hàng, làm gia sư, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa gửi về giúp đỡ gia đình. Trong 2 tháng giãn cách xã hội, mọi sinh hoạt của em gặp rất nhiều khó khăn, không có thu nhập. Bố mẹ ở quê làm nông dân, công nhân nên không thể hỗ trợ được nhiều.

Trong thời điểm khó khăn đó, Mai cùng một số bạn sinh viên bị mắc kẹt ở Hà Nội đã nhận được gói hỗ trợ 500.000 đồng của MTTQ thành phố Hà Nội. Mai cảm thấy rất vui vì đã được quan tâm kịp thời và và hỗ trợ đúng lúc, đúng thời điểm.

Vợ mất vì mắc bệnh hiểm nghèo vào năm 2014, anh Nguyễn Phi Hùng (sinh năm 1976, ở Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) gánh vác trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi 2 đứa con ăn học. Ngoài chạy xe ôm, bưng bê, bảo vệ nhà hàng, ai thuê việc gì anh cũng nhận làm, miễn sao có tiền nuôi con.

Cũng như nhiều người lao động nghèo khác, thời điểm Hà Nội thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội là khoảng thời gian khó khăn nhất với anh Hùng từ trước tới đây. Niềm an ủi với gia đình anh Hùng trong quãng thời gian vừa qua có lẽ đó là sự động viên, chia sẻ, quan tâm từ chính quyền địa phương cơ sở. Trải qua 4 đợt giãn cách, ngoài được hỗ trợ về lương thực thực phẩm, gia đình anh cũng đã nhận được gói hỗ trợ 500.000 đồng từ MTTQ các cấp.

“Với tôi, trong thời điểm khó khăn thì 500.000 đồng là một số tiền lớn. Trong thời điểm dịch bệnh, không có công ăn việc làm, số tiền này đã giúp tôi vơi bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống. Tôi xin cảm ơn các bác, MTTQ các cấp đã dành sự quan tâm cho những người lao động tự do như tôi”, anh Phi Hùng chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình chị Vũ Thị Thắm (Xuân Đài, Xuân Trường, Nam Định) lên Hà Nội, thuê nhà ở trọ tại phường Quang Trung (quận Đống Đa) để làm việc gần 20 năm nay. Bình thường, vợ chồng chị cùng con trai, con gái, con rể hàng ngày chạy xe ôm, mua ve chai, đồng nát, thu nhập mỗi ngày khoảng 150.000 đồng.

Trong 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, cả gia đình mắc kẹt tại Hà Nội, buộc phải ở nhà, không có thu nhập. Sự hỗ trợ từ các gói an sinh của phường, các mạnh thường quân thì có giới hạn, số tiền dành dụm ít ỏi cũng đã tiêu xài hết, cuộc sống của gia đình chị rơi vào cảnh khó khăn cùng cực.

Chị Thắm chia sẻ, đúng vào thời điểm gia đình khó khăn nhất thì chị nhận thông tin tin từ phường Quang Trung, những người chạy xe ôm, phụ hồ, bán vé số, hàng rong, mua phế liệu sẽ nhận được số tiền hỗ trợ là 500.000 đồng. Rất nhanh chóng, số tiền này đã được trao tận tay cho các thành viên trong gia đình chị. Với chị Thắm, số tiền hỗ trợ rất kịp thời này chẳng khác nào “nắng hạn gặp mưa rào”.

“Nhận được tiền hỗ trợ 2 triệu đồng cho cả gia đình, chúng tôi rất vui mừng, đối với chúng tôi là rất lớn, trong lúc khó khăn thì 1.000 đồng cũng quý. Số tiền này đã giúp gia đình tôi vượt qua được phần nào khó khăn trong mùa dịch”, chị Thắm cho hay.

Ngay sau khi nhận được Chỉ đạo của MTTQ thành phố Hà Nội và quận Thanh Xuân, MTTQ phường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã cũng tập trung nghiên cứu kỹ văn bản sau đó xây dựng kế hoạch thực hiện triển khai xuống địa bàn khu dân cư, tổ dân phố.

Theo đó, sau khi rà soát, xét duyệt các đối tượng được nhận hỗ trợ thì danh sách của Phường gửi lên có 1898 người, trong đó có 1319 lao động và 579 sinh viên được đề xuất hỗ trợ gói 500.000 đồng.

Trong thời gian thực hiện gói hỗ trợ 500.000 đồng, toàn bộ hệ thống chính trị của phường Khương Trung, không chỉ mỗi ban công tác mặt trận, tổ dân phố mà Bí thư chi bộ cũng làm nhiệm vụ đi gửi đơn và thu đơn về. Sau đó, phường lại tiếp tục tổng hợp danh sách, nhập thông tin đảm bảo không bị trùng, không bị sót trường hợp nào.

“Phải làm cả đêm, thậm chí có những hôm cả nhân viên, lãnh đạo vừa trực sở chỉ huy vừa làm. Thậm chí phường còn kêu gọi cả những bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên nhập dữ liệu, huy động cả người nhà của cán bộ ra ngoài trụ sở phường để làm việc”, bà Nông Thị Việt Hà – Phó Bí thư TT Đảng ủy – Chủ tịch UBMTTQ phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết.

Trong quá trình làm việc, MTTQ phường Khương Trung đã linh hoạt trong việc thực hiện chi trả tiền tới tay người dân. Trước khi kinh phí hỗ trợ về vào ngày 27/9, được sự đồng ý của Chủ tịch quận Thanh Xuân, phường Khương Trung đã tạm ứng tiền trước để cấp cho người dân trong 2 ngày 25 - 26/9 (thứ 7 và chủ nhật).

“Thời điểm đó Hà Nội đã nới lỏng giãn cách từng bước, vì thế, để mọi người đi nhận tiền theo kế hoạch của quận vào các ngày trong tuần sẽ gây khó khăn cho việc học tập online của các bạn sinh viên cũng như người lao động làm việc. Vì thế, phường đã huy động tiền mặt và thực hiện chi trả cho hơn 1.200 đối tượng, chia làm 2 ca sáng và chiều vào 2 ngày nghỉ, đảm bảo giãn cách, mỗi khu dân cư một múi giờ. Những ngày sau với những người chưa nhận, chúng tôi phát tại bộ phận thương binh và xã hội cho khoảng 700 trường hợp còn lại”, bà Nông Thị Việt Hà cho biết thêm.

Để nhận gói hỗ trợ 500.000 đồng, theo anh Phạm Tuấn Minh – Chủ tịch MTTQ phường Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội), về mặt thủ tục rất đơn giản. Chỉ với một lá đơn nhận hỗ trợ có xác nhận của trưởng ban Mặt trận Tổ quốc địa bàn và tổ trưởng tổ dân phố, người lao động ngoại tỉnh và sinh viên khó khăn, bị kẹt lại Hà Nội, người nước ngoài đã có thể nhận được hỗ trợ 500.000 đồng/người.

Tại phường Quang Trung, công tác triển khai thực hiện Chỉ đạo của MTTQ TP. Hà Nội, Chỉ đạo của MTTQ quận Đống Đa rất nhanh chóng. Tất cả mọi công việc thông qua các đồng chí trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng dân phố các phường tiến hành rà soát, phát đơn xin hỗ trợ, lập danh sách gửi MTTQ phường. MTTQ phường phối hợp cùng UBND phường họp hội đồng xét duyệt và thống nhất về danh sách các đối tượng gửi MTTQ quận. Theo đó, tại phường Quang Trung có 938 trường hợp đủ điều kiện được nhận hỗ trợ.

Đến ngày 21/9 sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ từ MTTQ quận, MTTQ phường Quang Trung đã tiến hành chi trả tiền hỗ trợ đến các đối tượng thông qua trưởng ban công tác mặt trận và tổ trưởng dân phố.

“Trong điều kiện tình hình dịch bệnh phức tạp, gói hỗ trợ của MTTQ Thành phố rất kịp thời, món quà tuy nhỏ nhưng thấm đẫm tính nhân văn và tiếp thêm động lực để mọi người đoàn kết vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19”, anh Phạm Tuấn Minh – Chủ tịch MTTQ phường Quang Trung cho biết.

Là người thực hiện công tác thông báo, rà soát các đối tượng tại khu dân cư, bà Lê Thị Minh Phương – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận cụm dân cư số 10, phường Khương Trung (Thanh Xuân) đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát các đối tượng. “Chúng tôi đã phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố để nắm bắt sinh viên, người lao động thuê trọ. Đồng thời phối hợp với cảnh sát khu vực để rà soát sự có mặt của họ trên địa bàn để tiến hành thông báo, hướng dẫn viết đơn”.

Là cán bộ cơ sở, bà Phương cũng như các đồng nghiệp khác rất vui mừng. Bởi năm nay dịch dã căng thẳng, Đảng, Nhà nước, Chính quyền và Mặt trận đã dành nhiều sự quan tâm và hỗ trợ tới nhiều đối tượng hơn, đi chợ có phiếu, được tiêm vaccine, được test Covid-19 miễn phí, được nhận các gói an sinh, nay là tiền hỗ trợ 500.000 đồng/người.

“Bản thân tôi thấy rằng về gói hỗ trợ này của MTTQ rất kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đây tạo được niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, MTTQ luôn cưu mang, giúp đỡ những đối tượng khó khăn đó là người lao động và sinh viên từ các tỉnh khác về thủ đô lao động và làm việc”, bà Lê Thị Minh Phương nói.

Cuộc sống mưu sinh vất vả của người lao động

Theo ông Nguyễn Sỹ Trường – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, để hỗ trợ những người lao động bị mất việc làm, không được hưởng các gói hỗ trợ của Trung ương, thành phố, sinh viên đang ở các khu trọ, người nước ngoài gặp khó khăn về tài chính, MTTQ các cấp triển khai rất nhanh, khẩn trương, chỉ trong một thời gian ngắn, đã rà soát danh sách trên 171.000 người có đủ điều kiện được hưởng gói hỗ trợ 500.000 đồng của MTTQ thành phố. Đến nay, các đơn vị đã triển khai hỗ trợ với tổng kinh phí 85,9 tỷ đồng.

Cơ bản hiện nay, các gói hỗ trợ đã được triển khai rất kịp thời, công khai, minh bạch, công tác chi trả đều đảm bảo đến được với người khó khăn đúng thời điểm.

Cũng theo ông Trường, thời gian vừa rồi, khi phải thực hiện giãn cách xã hội tới 4 lần, những người lao động đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn vì không đi làm được, nhiều người không đủ điều kiện để nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố. Khi được hỗ trợ 500.000 đồng, số tiền này không phải là lớn nhưng đó là tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội, nhà hảo tâm, Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội. Nhiều người cho rằng, đây là sự hỗ trợ rất kịp thời, đáng quý để họ trang trải cuộc sống, vơi bớt phần nào khó khăn khi chưa được đi làm trở lại.

Nhiều người lao động, sinh viên, người nước ngoài khi nhận được sự hỗ trợ này đã rất xúc động.

“Nhiều người nước ngoài sau khi nhận được sự hỗ trợ đó, họ đã chia sẻ những cảm xúc của mình trên trang cá nhân, rất cảm kích trước sự quan tâm, hỗ trợ của TP. Hà Nội trong thời gian họ ở lại Hà Nội, thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh hỗ trợ 500.000 đồng, chúng tôi cũng thường xuyên hỗ trợ về nhu yếu phẩm cho những người gặp khó khăn thông qua đường dây nóng của MTTQ. Bất cứ ai đó gặp khó khăn về nhu yếu phẩm thì hoàn toàn có thể liên hệ qua đường dây nóng của MTTQ, ngay lập tức thông tin sẽ được gửi tới cơ sở để xác minh. Nếu như họ gặp khó khăn thực sự thì MTTQ các cấp sẽ tiếp cận và hỗ trợ nhu yếu phẩm”, ông Nguyễn Sỹ Trường chia sẻ./.


Thứ Sáu, 06:00, 08/10/2021