Tôi có hẹn phỏng vấn với những bệnh nhân “xóm chạy thận” - là khu nhà trọ của những bệnh nhân nghèo, trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào một chiều mưa lớn.
Cơn mưa giúp xoa dịu cái nóng oi bức của mùa Hè, nhưng cũng kéo bóng tối đến sớm hơn, bao trùm lên những căn nhà thuê nằm im lìm trong con ngõ nhỏ. Xóm chạy thận đang có 117 bệnh nhân đang chạy thận ở nhiều bệnh viện khác nhau như Bệnh viện Bạch Mai, Đống Đa, Việt Xô, Bưu điện…
Anh Mai Anh Tuấn được các bệnh nhân trong xóm chạy thận tin tưởng bầu làm “xóm trưởng”. Anh Tuấn cho biết, thời điểm đông nhất, xóm chạy thận có 150 “cư dân”, đến nay còn 117 người.
Với những bệnh nhân chạy thận có thể nói “khó khăn chồng khó khăn”. Không chỉ chi phí chạy thận, họ còn phải mua rất nhiều loại thuốc bổ trợ khác như thuốc tăng hồng cầu, sắt, đạm, bổ gan, huyết áp, dạ dày… Nhiều bệnh nhân yếu hay có thêm bệnh nền còn phải mua thêm nhiều loại thuốc khác nữa. Một tháng, bệnh nhân chạy thận phải chi từ 2-5 triệu đồng.
Bệnh nhân phải tới viện 3 lần/tuần để chạy thận. Những ngày thời tiết nắng nóng, mưa bão khiến cho cuộc sống trong xóm nhỏ thêm phần khó khăn hơn.
Anh Tuấn chia sẻ, báo chí vừa qua đã đưa tin rất nhiều về tình trạng khó khăn của các bệnh viện, từ thiếu thuốc, máy móc cũ, không đấu thầu được máy mới… cùng với những khó khăn chung, với bệnh nhân chạy thận nếu máy móc cũ thì sẽ không đảm bảo cho người bệnh.
“Ví dụ, ngày chạy thận máy phải đảm bảo rút được 3kg độc, máy cũ sẽ không lọc được và bệnh nhân tồn dư độc trong cơ thể và dần dần sẽ bị mệt mỏi, về nhà ăn uống không ngon miệng, mất sức, không làm được nhiều công việc nữa… Nếu được chạy máy mới, bệnh nhân mỗi lần chạy thận về sẽ như người khỏe. Chỉ cần chạy máy nửa tiếng đến một tiếng, bản thân mình sẽ thấy mồm miệng thèm ăn, ăn uống rất ngon…”, anh Tuấn nói.
Cùng cảnh ngộ, các bệnh đều thấu hiểu và giúp đỡ nhau hết sức mình. Với những người bệnh khỏe hơn, họ vẫn có thể đi làm kiếm thêm được nguồn chi phí trang trải phần nào cho cuộc sống và điều trị. Những người ốm, mệt luôn được mọi người xung quanh giúp đỡ, đi chợ nấu cơm hộ. Thậm chí, trong trường hợp hết thuốc, thiếu thuốc mà mọi người trong xóm có cũng sẽ đưa sang cho người bệnh dùng trước.
Là một trong những bệnh nhân đầu tiên đến đây và lưu lại lâu nhất, đến nay là 28 năm, xóm chạy thận và những bệnh nhân nơi đây đã chứng kiến gia đình nhỏ của anh Tuấn hình thành và phát triển hạnh phúc.
Sau khi chạy thận 5 năm, anh Anh Tuấn lập gia đình. Vợ anh là cô bạn gái thân thiết hơn 10 năm trước khi kết hôn. Khi anh mắc bệnh về đây chạy thận, chị là người luôn động viên và tới thăm nom anh… Rồi tình yêu đến lúc nào không biết. Một năm sau ngày cưới, hai anh chị đón thành viên mới là cậu con trai nhỏ.
Thời điểm anh Tuấn mới tới đây, xóm chỉ có một vài bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đã ra đi. Những bệnh nhân sau này đến luôn có những người ở đây lâu năm hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn khi trong điều trị hay san sẻ cùng nhau những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống hằng ngày.
Để đoàn kết hơn, xóm nhỏ đã thống nhất một bản nội quy, để san sẻ với nhau những món quà thiện nguyện. Từ đó, xây dựng tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn.
“Những người mới đến luôn được người ở lâu chia sẻ, động viên, giúp đỡ từ những việc nhỏ nhất trong… Khi có những người mới đến tìm thuê nhà… những hàng xóm xung quanh đều chủ động giúp đỡ, từ làm quen đến, hỗ trợ dọn nhà cửa và hơn nữa là giới thiệu công việc có thể làm”, anh Tuấn chia sẻ.
Được mọi người tin tưởng bầu chọn làm “xóm trưởng”, anh Anh Tuấn trở thành đầu mối, sát sao kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm tới từng trường hợp cụ thể.
“Đầu năm 2023, thời điểm đó vẫn là trong Tết Nguyên đán, có trường hợp anh N sau khi chạy thận xong đã trở về quê vì nhớ nhà nhớ con. Nhưng khi về đến nhà, anh N lại phải vào viện cấp cứu và chuyển lên Hà Nội điều trị trong tình trạng thập tử nhất sinh. Tôi cũng có liên lạc với một số nhà hảo tâm để kêu gọi hỗ trợ cho người bệnh”, anh Tuấn kể lại.
Nói về “xóm trưởng” Mai Anh Tuấn, bà Vũ Thị Mai (55 tuổi ở Thái Bình) cho biết, một tập thể hơn 100 người, cũng có những “khúc mắc”, nhưng khi đó, anh Tuấn lại đứng ra để giải quyết, giúp truy trì đoàn kết của gia đình lớn này. Anh Tuấn cũng là nhịp cầu đưa nhà hảo tâm đến hỗ trợ người bệnh, giúp vơi bớt gánh nặng bệnh tật.
“Trong xóm có những bệnh nhân sức khỏe yếu, bị cao huyết áp… phải đưa đi cấp cứu, mọi người sẽ gọi điện cho anh Tuấn để được hỗ trợ. Những bệnh nhân ở đây ai khoẻ, có xe sẽ xúm lại hỗ trợ những người khác”, bà Mai kể lại.
Trường hợp bà Mai, đã chạy thận 18 năm qua, bà luôn dặn lòng “tàn không phế, thân bệnh nhưng tâm không bệnh”, để từ đó, không chỉ vượt hoàn cảnh khó khăn của bản thân mà còn giúp đỡ được những người người đồng cảnh ngộ trong xóm trọ.
Thời gian đầu, bà Mai chạy thận cấp cứu ở BV Bạch Mai, sau này, chuyển sang BV Bưu Điện. Hằng tuần, bà sẽ tự đạp xe đạp đến viện chạy thận. Tháng 6/2022, bà Mai bị mổ u tuyến giáp. Sau thời gian nằm viện, bà Mai trở lại xóm chạy thận và được mọi người xúm vào giúp đỡ, hỗ trợ.
“Tôi cũng như nhiều người khác ở đây một mình, nên khi có bất cứ vấn đề gì cũng đều nhờ mọi người xung quanh giúp đỡ. Trong xóm, người khoẻ luôn hỗ trợ người yếu hơn. Có những thiếu thốn về tài chính, vật chất mà gia đình ở quê chưa kịp gửi lên, chúng tôi có thể nhờ cậy sự giúp đỡ của những người xung quanh”, bà Mai chia sẻ.
Với mẹt hàng rong chỉ vài chai nước bán dạo quanh cổng các trường học, bà Mai chỉ có mong ước đơn giản giữ được tình trạng sức khoẻ ổn định để có thể kiếm thêm vài đồng, đỡ đần giúp gia đình tiền thuốc, tiền nhà trọ…: “Trong các dịp, mọi người đều có người thân, được sum vầy với gia đình. Chúng tôi thì không có cơ hội như vậy. Tết nếu cố gắng tôi cũng chỉ về được ngày 30, Mùng 1 rồi là lại phải đi rồi. Gia đình cũng thương, mình cũng tủi thân, nhưng bệnh tật vậy biết làm thế nào”… Bù lại, lễ, Tết, chúng tôi ở đây với nhau quây quần thành một gia đình lớn. Tôi vẫn may mắn hơn vì nhiều người ở đây còn yếu lắm nên còn không được về với người thân”.
Cô gái Đặng Thị Xiêm (29 tuổi, Bắc Kạn) đã chạy thận và gắn bó với xóm trọ được 7 năm. Những ngày đầu từ quê đến xóm chạy thận, Xiêm cũng có nhiều bỡ ngỡ, cái gì cũng không biết nên đã được các chị, các cô bác giúp đỡ, hướng dẫn rất nhiều.
“Khó khăn nhất của em khi mới vào xóm là thích nghi với môi trường sống. Ở quê mọi thứ quen thuộc với em, còn ở thành phố lại quá đông đúc. Xa nhà, xa gia đình em rất nhớ nhà, nhiều lúc mất ngủ và không thích nghi được”, Xiêm chia sẻ.
Ở đây phần lớn là các cô chú lớn tuổi, Xiêm đến sau và trẻ tuổi hơn nên có nhiều khoảng cách khác biệt về tính cách, lối sống… như việc các bạn trẻ đi ngủ muộn hơn, nói chuyện to ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Xiêm lấy chồng năm 21 tuổi, nhưng chỉ 1 năm sau cô có triệu chứng đi khám và phát hiện bị suy thận. Hiện đang chạy thận ở Bệnh viện Đống Đa, Xiêm có bảo hiểm hộ nghèo nên chi phí chạy thận sẽ đỡ hơn, nhưng vẫn có những chi phí bên ngoài, tiền thuê nhà, sinh hoạt rất lớn.
Vì quê ở xa nên bố mẹ Xiêm chỉ gọi điện hỏi thăm và động viên. Còn chồng Xiêm đang làm giao hàng tại Hà Nội, cứ khoảng một tháng, hai vợ chồng cũng cố thu xếp về thăm quê một lần.
Xiêm chia sẻ, mong ước đơn giản nhất của mình là ngày nào cũng khỏe mạnh để gia đình không phải lo lắng và mong ước to lớn hơn là một ngày nào đó sẽ có đủ tiền để ghép thận, để không phải đi viện, để khỏe mạnh, sinh con và chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
“Buồn nhất là lúc nghe tin các bác trong xóm từ bỏ cuộc chiến với bệnh tật để về quê. Còn vui nhất là lúc thấy mọi người xung quanh khỏe mạnh, cười nói vui”, Xiêm nói.
Luôn giữ nụ cười và tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật, Xiêm đã đi học và nhận làm thiệp handmade trong 3 năm qua. Công việc này mang lại cho Xiêm nguồn động viên tinh thần, giúp cô gái trẻ có thêm bạn bè để trò chuyện, chia sẻ và một phần thu nhập nhỏ hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày.
“Có bạn cũng chạy thận và đã đi làm trước đó, nên giới thiệu cho em đi học và nhận hàng. Hồi đầu học việc, em chỉ làm được một thiệp mỗi ngày. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Khi có đơn hàng phải làm gấp, mỗi ngày em phải cố gắng làm được 6-7 tấm thiệp mỗi ngày”, Xiêm nói.
Tác giả: Hoàng Lê. Trình bày: Kiều Anh