Trong bối cảnh dịch vẫn phức tạp và chưa có dự báo nào về diễn biến dịch trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải tiếp tục triển khai công tác ngoại giao vaccine, ngoại giao y tế phù hợp với tình hình mới.

Hiện nay, Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, chiến lược mới về thích ứng lâu dài, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch vẫn phức tạp và chưa có dự báo nào về diễn biến dịch trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải tiếp tục triển khai công tác ngoại giao vaccine, ngoại giao y tế phù hợp với tình hình mới.

“Với vaccine, hiện nay chúng ta đã cơ bản đảm bảo được nguồn cung cho nhu cầu trong nước. Song chúng ta vẫn phải theo sát diễn biến dịch trên thế giới để có những biện pháp triển khai phù hợp, đảm bảo nguồn vaccine để tiêm chủng cho người dân. Vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, chúng ta vẫn phải theo dõi chặt chẽ khuyến cáo của các tổ chức chuyên môn, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm của các nước để chúng ta kịp thời có những kiến nghị và hướng tiếp cận nguồn vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Trong giai đoạn hiện nay, khi thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi nghĩ rằng việc tiếp cận thuốc điều trị là một hướng chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế theo dõi sát tình hình phát triển thuốc trên thế giới và làm việc với các đối tác để kịp thời tiếp cận”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Hằng chia sẻ về chiến lược ngoại giao vaccine, ngoại giao y tế sắp tới.

Với vấn đề ngoại giao thuốc, trong thời gian tới việc tiếp cận các nguồn thuốc cũng sẽ là ưu tiên của Việt Nam. Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế sẽ theo dõi sát diễn biến phát triển thuốc điều trị COVID-19 trên thế giới. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sẽ phải phối hợp rất chặt chẽ với các đối tác sở tại để nghiên cứu, theo dõi và kịp thời kiến nghị và báo cáo về trong nước để nắm được nguồn thuốc.

Theo đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế. Bởi lĩnh vực thuốc mang tính rất chuyên môn và cần có đề nghị của Bộ Y tế về tiếp cận cụ thể những loại thuốc nào, với những đối tác nào… để các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài trao đổi và làm việc với những đối tác đó để chúng ta nhanh chóng tiếp cận các nguồn thuốc. Sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế trong vấn đề này sẽ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Bà Hằng cũng nhấn mạnh, việc hợp tác về công nghệ để thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, để Việt Nam tự chủ vaccine trong dài hạn. Bên cạnh đó, là hợp tác với các nước về nâng cao năng lực y tế, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là y tế địa phương. Theo đó, vận động các nước hỗ trợ Việt Nam trang thiết bị y tế cũng như hợp tác đầu tư về y tế, dược phẩm để về lâu dài Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển và nâng cao hệ thống y tế trong nước.

“Qua triển khai ngoại giao vaccine và bài học thành công của ngoại giao vaccine, chúng tôi thấy có rất nhiều bài học trong triển khai công tác ngoại giao. Có lẽ bài học lớn mà chúng tôi nhận được là việc xác nhận đúng, trúng nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao và để đáp ứng phù hợp nhất với nhu cầu trong nước tại từng thời điểm. Đây là bài học mà chúng tôi thấy rằng việc chúng ta triển khai công tác ngoại giao vaccine là quyết định hết sức chiến lược, hết sức quan trọng”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Hằng chia sẻ.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rất rõ vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Và qua triển khai ngoại giao vaccine, đội ngũ cán bộ ngoại giao thấy rất rõ rằng, khi huy động tổng lực triển khai công tác đối ngoại, việc thu hút và tranh thủ nguồn lực bên ngoài đã có được kết quả rất cụ thể. Điều này để lại bài học cho các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để biết cách phát huy tối đa sức mạnh của đối ngoại, của ngoại giao.

“Ngoại giao vaccine có yếu tố đi xin? Có ràng buộc hay không?” - trao đổi thẳng thắn về câu hỏi này, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho biết, các quốc gia khi cho vaccine, có những trường hợp có đặt điều kiện nhưng cũng có những trường hợp không có điều kiện bởi vì việc “cứu hàng xóm cũng là cứu mình”. Đó là lý do mà cơ chế COVAX ra đời. Vì thế, Việt Nam đã tham gia COVAX và được hưởng nhiều lợi ích từ COVAX.

“Việc xin bao giờ cũng có điều kiện. Chúng ta phải chấp nhận điều đó. Bằng việc giải quyết những khó khăn trước mắt chúng ta cố gắng tìm cách chủ động đón và giải quyết những vấn đề lâu dài”, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên nói.

Với Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long, công tác ngoại giao vaccine ở Anh có 3 hoạt động chính. Thứ nhất là vận động mua vaccine. Sau đó, khi dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam, phải tăng tốc bàn giao các hợp đồng vaccine. Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả với công ty dược AstraZeneca và ký được lô vaccine đầu tiên, thúc đẩy Anh bàn giao vaccine sớm, đặc biệt lúc đại dịch bùng phát mạnh.

“Vận động chính phủ Anh viện trợ vaccine cho Việt Nam vào thời điểm không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khó khăn về vaccine. Anh đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước đầu tiên được nhận viện trợ vaccine cũng vào lúc dịch bùng phát mạnh nhất ở Việt Nam cũng là một thành công của ngoại giao vaccine”, Đại sứ Hoàng Long nhấn mạnh.

Nói về thành công của công tác ngoại giao vaccine, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo cho rằng, nguyên nhân thành công thể hiện ở một số khía cạnh. Đầu tiên là uy tín, vị thế của Việt Nam đã giúp chúng ta có tiếng nói có trọng lượng. Việt Nam có hệ thống bạn bè rất tình nghĩa và gắn kết chặt chẽ lợi ích. Thứ hai là sự khẳng định vai trò, vì trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khi Việt Nam là một thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu Việt Nam bị ảnh hưởng quá nhiều vì đại dịch thì sẽ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng và các nước nằm trong chuỗi cung ứng đó cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi đã dùng lập luận này để trao đổi với các nước EU. Vaccine không chỉ giúp cho Việt Nam mà còn giúp cho chính các nước châu Âu. Họ cũng đã ý thức điều này rất rõ ràng và họ đã viện trợ vaccine”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói.

Nguyên nhân thành công là chúng ta đã có sự kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa.

Thành công của chiến lược vaccine là một yếu tố quyết định để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, phát triển và hội nhập trong giai đoạn “bình thường mới”.

Ngoại giao vaccine sẽ không chỉ dừng ở tiếp cận, nhập khẩu vaccine, Việt Nam đang thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất lâu dài. Bởi “Đây là bài toán cơ bản để Việt Nam bảo đảm nguồn vaccine lâu dài và ổn định, đồng thời thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất vaccine trong nước”.

Trong thời gian tới, ngoại giao vaccine sẽ tiếp tục góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu tự chủ sản xuất vaccine “made in Việt Nam” và đưa Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực và trên thế giới./.

Thực hiện: Hoàng Lê, Hùng Cường, Thùy Linh, Kiều Anh

Thứ Ba, 06:13, 01/02/2022