Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá việc triển khai ngoại giao vaccine của Việt Nam là hiệu quả và nhanh chóng. Theo đó, một trong những nội dung trao đổi trong chuyến thăm Việt Nam của Tiến sĩ Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương là kinh nghiệm của Việt Nam về triển khai ngoại giao vaccine để WHO có thể trao đổi và chia sẻ với các nước trong khu vực.
WHO và COVAX đánh giá rất cao việc triển khai tiêm chủng tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam đã triển khai tiêm khoa học, hiệu quả và không lãng phí một liều vaccine nào. Lãnh đạo WHO cho biết rằng, họ đã vào trang web về tiêm chủng của Việt Nam để theo dõi và đánh giá Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh cao sự thành công trong công tác “ngoại giao vaccine” của Việt Nam, theo đó, đảm bảo nguồn vaccine để tiêm phủ tỷ lệ lớn cho người dân trong nước.
Theo TS Kidong Park đánh giá: “Việt Nam đã có thành công ấn tượng khi huy động được hơn 160 triệu liều vaccine và đã tiêm được hơn 147 triệu liều cho người dân có đủ điều kiện trong một thời gian ngắn. Để đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng, cơ chế COVAX đã chuyển hơn 800 triệu liều vaccine tới 144 nền kinh tế thành viên, trong đó, 46 triệu liều đã về đến Việt Nam”.
Trưởng đại diện WHO khẳng định, WHO và các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong nâng cao năng lực chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh, như là một phần cốt lõi trong nhiệm vụ, nhằm hướng tới một thế giới khỏe mạnh hơn và đạt được “Các mục tiêu phát triển bền vững”.
“Để chống dịch thành công, Việt Nam cần hoàn thiện càng sớm càng tốt chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19, đồng thời đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng ưu tiên và giảm thiểu mọi rủi ro trong nhóm đối tượng này”.
Tiến sĩ Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, người vừa có cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vào chiều 10/1/2022 đã đánh giá rất cao về tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19, cũng như những nỗ lực đến cuối cùng để tiêm chủng cho những người dễ tổn thương và ở các khu vực khó khăn, khó tiếp cận tại Việt Nam.
“Tôi rất ấn tượng với những cố gắng của toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam. Chiến dịch tiêm chủng theo phương pháp đi từng ngõ, gõ từng nhà sẽ cứu được rất nhiều sinh mạng, ví dụ như cho những người lớn tuổi hoặc có vấn đề sức khỏe mà không thể đến được trung tâm tiêm chủng”, ông Kasai nói.
Với rất nhiều đối tác, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và tiếp xúc với Bộ Ngoại giao, nhiều nước cũng ấn tượng với việc triển khai tiêm vaccine tại Việt Nam, đặc biệt là các Đại sứ ở Hà Nội.
Hơn ai hết, các Đại sứ các nước tại Việt Nam hiểu được khó khăn của Việt Nam trong tiếp cận nguồn cung vaccine ở giai đoạn đầu.
Để triển khai ngoại giao vaccine, bên cạnh đàm phán, vận động, Việt Nam cũng phải thúc đẩy toàn diện quan hệ với các nước để thúc đẩy và tạo thuận lợi trong triển khai ngoại giao vaccine. Trong đó, việc thực hiện tiêm vaccine cho người nước ngoài ở giai đoạn đó cũng phải thúc đẩy. Tại tất cả các nước cũng đều triển khai tiêm cho người nước ngoài. Do vậy, trong quá trình Việt Nam trao đổi với các nước và vận động ngoại giao vaccine, thì họ cũng rất muốn tiêm cho công dân của họ ở Việt Nam.
Là người trực tiếp tham gia công tác ngoại giao vaccine, với những cảm xúc không thể quên trong cuộc đời làm ngoại giao, bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho biết, Việt Nam đã triển khai chính sách này rất phù hợp. Dựa theo nguồn vaccine, Việt Nam cũng triển khai tiêm không chỉ có đối tượng ưu tiên trong nước, mà còn cho người nước ngoài và công nhân trong các nhà máy để đảm bảo duy trì sản xuất của các đối tác. Đây là chính sách toàn diện để đảm bảo Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Việt Nam tới các nguyện vọng và đề xuất của các đối tác.
"Lúc đó, Việt Nam đã chủ động với tinh thần “tương thân tương ái” và chủ động hỗ trợ giúp đỡ các đối tác trong khả năng của Việt Nam ".
Việt Nam có một nền ngoại giao được xây dựng trên nền ngoại giao Hồ Chí Minh, là nền ngoại giao hòa hiếu và nghĩa tình. Trong 3 đợt dịch đầu, Việt Nam đã phòng chống dịch rất tốt, nhưng nhiều nước lại gặp khó khăn như Mỹ, châu Âu và nhiều đối tác của Việt Nam tình hình dịch bệnh rất phức tạp. Chính phủ Việt Nam đã quyết định trao tặng khẩu trang và một số thiết bị y tế cho các đối tác. Và đến khi Việt Nam vận động và trao đổi với các đối tác về vaccine thì rất nhiều nước đã nhắc lại những cử chỉ đó của Việt Nam.
“Nhiều đối tác trong đó có Mỹ, lãnh đạo Mỹ đã trao đổi với Đại sứ của Việt Nam và trong cuộc gặp với nhã lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng đã nhắc lại rằng, khi Mỹ gặp khó khăn thì chính Việt Nam đã hỗ trợ cho Mỹ về thiết bị và khẩu trang. Đó là điều các nước rất khi nhận và khi chúng ta cần, các nước bạn cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Điều này xuất phát từ truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam, với nền ngoại giao tương thân tương ái, có tinh thần hỗ trợ, hòa hiếu nhân nghĩa, giúp bạn cũng như giúp mình”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) khẳng định.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bà Marie C. Damour cũng khẳng định, Chính phủ Mỹ cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Phía Việt Nam cũng đã có những hỗ trợ thiết thực khi Mỹ cần để phòng, chống dịch.
“Đến nay, Mỹ đã đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 24 triệu liều vaccine COVID-19. Đây là minh chứng cho sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế, cũng như sự đánh giá cao của Mỹ trong hợp tác y tế với Việt Nam”, bà Marie C. Damour nhấn mạnh.
"Chúng tôi đánh giá cao hệ thống y tế Việt Nam trong nỗ lực phân phối vaccine cho người dân trong nước và cả hỗ trợ các nước khác trong khu vực".
Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, ngoại giao vaccine sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2022, nhằm đảm bảo nguồn mua, tiếp cận nguồn vaccine cho trẻ em, đặc biệt, là hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước, cũng như hỗ trợ sản xuất, điều chế thuốc điều trị trong nước. Đây là lời giải cho bài toán để Việt Nam bảo đảm nguồn vaccine lâu dài và ổn định, đồng thời thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất vaccine trong nước./.