Mỗi năm, ngành nông nghiệp nước ta tạo ra hơn 150 triệu tấn phế phụ phẩm nông - lâm - thuỷ sản. Hầu hết nguồn phụ phẩm này đang bị bỏ phí hoặc chưa được khai thác và tái sử dụng hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Những “mỏ vàng” tài nguyên phụ phẩm nông nghiệp trị giá hàng tỷ đô la đang trở thành gánh nặng đối với các địa phương.

Đến thủ phủ một thời của nghề chăn nuôi lợn miền Bắc - xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những kênh, mương, cống, rãnh đen ngòm, nhuộm màu nước thải. Từng được mệnh danh là vùng chăn nuôi lợn lớn nhất phía Bắc, những năm qua, nhờ chăn nuôi mà diện mạo kinh tế-xã hội trên địa bàn có nhiều đổi thay, nhưng cùng với đó là hệ lụy không hề nhỏ.

Chỉ tay về phía những nắp hầm bê tông sau chuồng lợn, ông Nguyễn Ngọc Luyến, thôn Đội, xã Ngọc Lũ cho biết, giải pháp chủ yếu người dân đang áp dụng để xử lý môi trường là lắng, lọc chất thải qua hầm Biogas. Tuy nhiên, thời điểm giá lợn cao, quy mô đàn vượt quá công suất thiết kế của công trình khiến phân, nước thải sủi bọt “trồi” ra ngoài, xả trực tiếp vào cống, rãnh.

Năm 2010, để hỗ trợ Ngọc Lũ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải với kinh phí 7 tỷ đồng tại địa bàn. Đáng nói là, từ khi hoàn thành đến nay, công trình này vẫn “đắp chiếu” trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đang nhức nhối với xã Ngọc Lũ nói riêng, huyện Bình Lục nói chung.

Theo ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục, để vận hành công trình hoạt động thường xuyên, mỗi tháng cần phải có nguồn kinh phí hàng chục triệu đồng, trong khi người dân không thống nhất được khoản đóng góp cho việc thu gom, xử lý chất thải: “Người dân nghĩ rằng thà xả thải trực tiếp ra môi trường mà không mất kinh phí còn hơn đồng ý cho nhà máy đến thu gom hàng tháng”. Mặc dù các cấp chính quyền, các ngành chức năng ra sức tuyên truyền, vận động nhưng chưa chuyển biến được nhận thức và việc làm của các hộ chăn nuôi.

Tình trạng chất thải, nước thải trong quá trình sản xuất chưa được xử lý triệt để là vấn đề tồn tại đối với ngành nông nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp trong của Việt Nam là hơn 150 triệu tấn. Đây được xem là nguồn tài nguyên quý giá có thể tạo ra thặng dư về kinh tế. Tuy nhiên nếu không quản lý tốt sẽ gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, mỗi năm có trung bình 60 triệu tấn phân và trên 300 triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính, nhưng chỉ có 20% được xử lý, tái sử dụng; còn lại 80% bị lãng phí. Trong khi đó, ngành nông nghiệp phải chi ra 1,45 tỷ USD hàng năm để nhập khẩu phân bón vô cơ. Đối với lĩnh vực trồng trọt, lượng phế, phụ phẩm được sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn (làm thức ăn gia súc, ủ phân, đun nấu, mục đích khác) cũng chỉ chiếm 45%.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc thu gom, xử lý tái sử dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam cho rằng, vướng mắc đầu tiên là vấn đề khung pháp chế. Hiện nay, nhà nước khuyến khích các hộ sản xuất nông nghiệp áp dụng mô hình  kinh tế tuần hoàn, khuyến khích người dân thu gom, tái chế chất thải, phế phụ phẩm, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất. Tuy nhiên, khung pháp lý cho mô hình này chưa đầy đủ, dẫn đến việc khó triển khai trên thực tế: “Kinh tế tuần hoàn coi phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp là tài nguyên nhưng Luật Bảo vệ Môi trường coi là chất thải, cá nhân, đơn vị muốn đứng ra thu gom, vận chuyển phải được Nhà nước cho phép qua đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ, phải có phương tiện, thiết bị chuyên dụng. Đây là vấn đề rất khó khăn”.

Ngoài ra, việc thương mại hoá sản phẩm trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, bởi còn thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sản xuất và sử dụng các loại phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. “Ví dụ muốn tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi làm phân bón cho sản xuất trồng trọt. Nhưng bản chất và hàm lượng thành phần trong chất thải chăn nuôi như thế nào? có đạt các tiêu chí theo quy định về môi trường, chỉ số an toàn đối với sức khỏe hay không? phương pháp tái chế ra sao? với từng vùng đất cần bổ sung khối lượng bao nhiêu? thời gian sử dụng cũng chưa có chuẩn cụ thể”, ông Đỗ Mạnh Hà nhấn mạnh.

Thiếu khung pháp lý cho kinh tế tuần hoàn nói chung hay nông nghiệp tuần hoàn nói riêng dẫn đến việc thiếu những hỗ trợ và khuyến khích của Chính phủ thông qua việc cung cấp các cơ hội hay tài trợ, đào tạo, chính sách thuế... Bởi vậy, các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở nước ta hiện nay mới phát triển một cách manh nha, mang tính chất mò mẫm, tự phát.

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán ở khu dân cư cũng là yếu tố gây khó khăn cho việc thu gom phế, phụ phẩm và thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn.

Ông Trịnh Bá Biện, thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh hiện đang nuôi 30 con bò thịt. Lượng phân thải ra sau quá trình chăn nuôi được ông sử dụng nuôi trùn quế với mục tiêu vừa giảm lượng phát thải ra môi trường, vừa tạo thành phẩm bán cho các công ty sản xuất phân bón trùn quế. Tuy nhiên đến nay, mục tiêu này vẫn chưa đạt được do sản lượng của gia đình quá ít, giá bán cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Biện cho biết: Xung quanh địa phương cũng không có hộ sản xuất tương tự nên việc đưa sản phẩm trùn quế thành hàng hóa không dễ.

Khó khăn thách thức còn đến từ nhận thức của các nông hộ và doanh nghiệp sản xuất. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận thức trong việc bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, nên phần lớn trong số họ chưa sẵn sàng cho việc áp dụng nông nghiệp tuần hoàn.

Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế yếu trong khi đó để ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp chi phí là không nhỏ. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng muốn áp dụng kinh tế tuần hoàn nhưng khó áp dụng vì không có nguồn lực. Trong khi khung luật pháp hiện nay chưa hoàn thiện thì các doanh nghiệp cũng sẽ “lấn cấn” trong vấn đề đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, do e ngại rủi ro cao.

>> Bài 1: SẠCH MÔI TRƯỜNG - LỢI NHÀ NÔNG

>> Bài 2: NHỮNG MỎ VÀNG BỊ BỎ QUÊN

>> Bài 3: NÔNG NGHIỆP TUẨN HOÀN - XU THẾ TẤT YẾU CỦA "KINH TẾ XANH"

Tác giả: Hữu Hưng, Hương Giang, Hương Lan | Thiết kế: Lê Anh

Thứ Ba, 06:10, 14/11/2023