Việc tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc có nhiều đóng góp vào chiến lược tích cực hội nhập quốc tế và khu vực của Đảng và Nhà nước; tăng cường củng cố đối ngoại quốc phòng và an ninh, nâng cao vị thế đất nước, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng các biện pháp hòa bình trong thời bình.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã và đang để lại những ấn tượng sâu sắc đối với bạn bè quốc tế. Trả lời phỏng vấn VOV, Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã có những chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới để đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

PV: Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từng đánh giá lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam là một trong những lực lượng uy tín nhất và có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất hiện nay ở các phái bộ của Liên Hợp Quốc. Chúng ta đã làm gì để có thể đạt được kết quả tốt đẹp như vậy, thưa ông?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Để có được những kết quả như vậy trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác tạo nguồn, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc.

Sau hơn 9 năm triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, cán bộ, nhân viên Việt Nam đã khắc phục sự khác biệt về ngoại ngữ, phong tục, tập quán địa phương, tích cực tham gia các hoạt động cùng với nhân dân nước sở tại và bạn bè quốc tế bằng nhiều hoạt động thiết thực, như: mở các lớp dạy học cho trẻ em; gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với sinh viên thành lập câu lạc bộ sinh viên tình nguyện; phối hợp tổ chức các hoạt động thiện nguyện, văn hóa, văn nghệ; hướng dẫn cho người dân địa phương tự trồng rau xanh, nấu các món ăn Việt Nam; đặc biệt hơn, vào thời điểm tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, một nữ sĩ quan của ta tại Cộng hòa Trung Phi đã may khẩu trang tặng miễn phí cho nhân viên sở chỉ huy Phái bộ và người dân bản địa...

Từ tháng 5/2022, Đội Công binh số 1 của Việt Nam được triển khai làm nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA (thuộc khu vực Abyei). Sau một năm thực hiện nhiệm vụ, ngoài nhiệm vụ chuyên môn do Liên Hợp Quốc giao, Đội Công binh số 1 đã giúp đỡ người dân địa phương cải tạo, nâng cấp, sửa chữa thậm chí là thi công mới những công trình như đường xá, cống thoát nước, sân bay quân sự… góp phần bảo đảm giao thông cho các con đường huyết mạch, khu chợ, trường học. Với những đóng góp của mình, Đội Công binh số 1 đã được Chỉ huy Phái bộ đánh giá “làm thay đổi diện mạo của Phái bộ tại khu vực Abyei”.

PV: Ngoài những kết quả đạt được, theo ông, đâu là những hạn chế của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam? Chúng ta đã có phương hướng để khắc phục những hạn chế này như thế nào?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Hiện nay, lực lượng của Việt Nam được chuẩn bị để tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được đào tạo rất bài bản, chuyên nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu của Liên Hợp Quốc đề ra.

Tuy nhiên một số nội dung liên quan đến chế độ chính sách bảo đảm cho quân nhân tham gia hoạt động trên vẫn còn bất cập; Công tác điều phối quốc gia về tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc còn chưa được rõ nét; chưa được thực hiện đồng bộ, bài bản, dẫn đến, gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, việc luân chuyển quân của các đội hình đơn vị vẫn còn gặp khó khăn vì phải phụ thuộc vào đối tác quốc tế; một vấn đề nữ là duy trì được tỷ lệ nữ quân nhân tham gia Gìn giữ hòa bình bảo đảm đúng theo kỳ vọng của Liên Hợp Quốc (hiện nay tỉ lệ nữ của Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là hơn 16%).

Trong thời gian tới, chúng ta cần chủ động cập nhật tình hình, khảo sát thực tiễn làm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tính chất, yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn đặt ra; Tăng cường phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành liên quan và các cơ quan chức năng trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về việc tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; Làm tốt công tác hợp tác quốc tế về Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nhằm thu hút nguồn lực, kinh nghiệm của quốc tế và các đối tác, góp phần xây dựng, nâng cao năng lực cho lực lượng của Việt Nam.

PV: Được biết, yêu cầu đối với mỗi sỹ quan làm nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc là rất cao, khó khăn các chiến sĩ phải đối mặt là rất lớn, ông có thể cho biết rõ hơn về công tác huấn luyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Các quân nhân khi được lựa chọn để tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đều là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ tốt (đặc biệt là đối với các sĩ quan làm nhiệm vụ cá nhân) để làm việc trong môi trường đa phương, có sức khỏe tốt có thể chịu đựng được môi trường làm việc khắc nghiệt, đe dọa về an ninh và dịch bệnh.

Trước khi triển khai làm nhiệm vụ tại các phái bộ, tất cả các quân nhân sẽ được huấn luyện tiền triển khai, huấn luyện sinh tồn, huấn luyện chuyên môn quân y, công binh, huấn luyện ngoại ngữ chuyên ngành. Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến cấp 2 sẽ được huấn luyện thực hành trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2, huấn luyện kỹ năng thực hành cứu trợ đường không cho tổ cứu trợ đường không; đội công binh được huấn luyện vận hành trang thiết bị công binh hạng nặng trong khuôn khổ chương trình hợp tác đối tác 3 bên; các sĩ quan được triển khai theo hình thức cá nhân sẽ được tham gia các lớp sĩ quan tham mưu Liên Hợp Quốc; Sĩ quan hậu cần Liên Hợp Quốc; Khóa chuyên gia quân sự phái bộ Liên Hợp Quốc...

Đối với các quân nhân tham gia các đội hình đơn vị, ngoài những khóa huấn luyện trên còn được huấn luyện một số kỹ năng mềm để giao lưu văn hóa với người dân bản địa và bạn vè quốc tế như: văn nghệ, nấu ăn, đàm phán, truyền thông... Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ động phối hợp với các đối tác liên quan trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình để phối hợp mời các Đoàn chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm, huấn luyện cho quân nhân tất cả những kỹ năng cần thiết để tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các Phái bộ.

PV: Vừa qua, chúng ta đã tiếp tục cử bệnh viện dã chiến và đội công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Vậy thời gian sắp tới, Việt Nam có kế hoạch mở rộng tham gia thêm các lĩnh vực khác của hoạt động gìn giữ hòa bình hay không, thưa ông?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ Nam Sudan, Đội Công binh tại Phái bộ Abyei và các vị trí cá nhân hoạt động độc lập như hiện nay; đồng thời tăng tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc; Cố gắng duy trì và tăng thêm số lượng các sĩ quan triển khai tới Trụ sở Liên Hợp Quốc; Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ mở rộng các hình thức khác như kiểm soát quân sự, lực lượng bảo vệ,…; Chuẩn bị lực lượng triển khai ở các vị trí chỉ huy ở các Phái bộ...

Đồng thời, xây dựng và nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và xây dựng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trở thành trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của quốc tế và khu vực.

Tham mưu, đề xuất và làm tốt công tác chuẩn bị cho lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng, thao trường huấn luyện, đảm bảo vật chất, tổ chức huấn luyện nâng cao năng lực...); nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình và đưa vào huấn luyện, giảng dạy tại các học viện, nhà trường trong quân đội. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong công tác triển khai lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, bao gồm việc tổ chức, hỗ trợ huấn luyện nâng cao năng lực...

PV: Vâng, xin cám ơn ông!

Tác giả: Ngọc Tú, Lê Hoàng, Kiều An, Cường Trần/VOV.VN

Thứ Sáu, 06:12, 30/06/2023