Trước Tết Quý Mão khoảng 1 tháng, chị Nguyễn Thị Vân (28 tuổi, Thái Bình) đã đưa gia đình nhà chồng về Việt Nam đón Tết sớm. Sau 8 năm làm dâu xứ Hàn, chị Vân đã có 2 thiên thần nhỏ và gia đình chị tại Hàn Quốc đã có một phần sắc màu của văn hoá Việt Nam.

Được bạn bè giới thiệu và nên duyên, vợ chồng chị Vân và anh Kim Youn Ung khẳng định hạnh phúc phải được vun đắp và xây dựng từ cả hai phía. 

Vợ chồng chị Vân và anh Kim Youn Ung đang sinh sống tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Tám năm làm dâu xứ Hàn, năm nay có lẽ là cái Tết đặc biệt nhất với gia đình chị Vân. Khoảng 1 tháng trước Tết Quý Mão, chị Vân đã đưa cả gia đình chồng về Việt Nam. Dù không về quê hương đúng dịp Tết cổ truyền nhưng chuyến đi này lại giúp gắn kết hai gia đình thông gia Việt - Hàn.

“Mẹ em nói rằng năm nay được ăn Tết sớm vì gặp bà thông gia, con rể cùng hai cháu ngoại sau bao ngày xa nhớ. Bà nội của 2 đứa cũng rất thích món Việt Nam, thậm chí còn thích hơn chồng em. Mẹ chồng em thấy cuộc sống ở Việt Nam so với Hàn Quốc cũng không khác nhau nhiều. Bà nghĩ nếu chưa sang Việt Nam thì còn cảm thấy xa lạ, nhưng khi đã đến rồi thì cảm thấy rất quen thuộc”, chị Vân chia sẻ. 

Về thăm Việt Nam chỉ trong 1 tuần, nhưng chị Vân đã đưa cả gia đình đi chơi Sa Pa. Mẹ chồng chị Vân năm nay đã 74 tuổi được tận mắt chứng kiến cuộc sống, nét đẹp văn hoá của các dân tộc thiểu số Việt Nam, mà trước đây bà chỉ xem trên ti vi.

Chị Vân cho biết, chồng chị - anh Kim Youn Ung cũng rất thích Việt Nam và thường tìm hiểu về Việt Nam qua Youtube hay bật tivi lên để cả nhà cùng xem. 

Theo anh Kim Youn Ung, khoảng cách do khác biệt văn hoá trong gia đình anh chị đang ngày càng thu hẹp. Ở phía người chồng cũng luôn có trách nhiệm giữ hạnh phúc gia đình và giữ bản sắc của gia đình đa văn hoá: “Những nỗ lực này sẽ giúp cộng đồng có cái nhìn tốt hơn, tích cực hơn, gắn kết giữa người dân hai nước”.

Với các con, chị Vân cho các bé tham gia lớp học tiếng Việt và cố gắng tạo điều kiện cho các con giao lưu với các bạn cũng gia đình người Việt khác.

Sau khi học tiếng Hàn được 6 tháng, chị Vân được bạn bè giới thiệu với anh Kim Youn Ung. Anh sang Việt Nam gặp chị và nên duyên vợ chồng. 

“Do tuổi tác cách biệt, 21 tuổi, nên ban đầu chúng em cũng có chút do dự nhưng về sau vẫn quyết định đi đến hôn nhân. Thực ra nếu không biết tuổi thì cũng không ai nghĩ là cách biệt nhiều tuổi đến thế. Lúc kết hôn, chồng em 41 tuổi, còn em 20 tuổi”, chị Vân nhớ lại những cảm xúc rung động ban đầu.

Sang Hàn Quốc làm dâu, chị Vân sống với mẹ chồng, còn bố chồng đã mất. Thời gian đầu, chị Vân cũng giống như nhiều cô dâu Việt khác, gặp phải những khó khăn do khác biệt văn hóa, ngôn ngữ. 

“Trong cuộc sống đôi khi có chút hiểu lầm. Nhưng em quan niệm, không phải mình sống ngày một, ngày hai, mà mình phải sống lâu dài với mẹ chồng và gia đình chồng nữa, mình không thể sống trong sự hiểu lầm như thế được. Về văn hóa của mình thì mình phải giải thích, còn về văn hóa của Hàn Quốc thì mình vẫn phải tiếp nhận để sinh sống tốt ở đây”, chị Vân nói.

Không chỉ nỗ lực từ phía chị Vân như cố gắng học tiếng, gia đình nhà chồng chị, nhất là anh Kim Youn Ung và mẹ chồng chị cũng giải thích về văn hóa để chị tiếp nhận văn hóa một cách rất tự nhiên chứ không khiên cưỡng.

Sau khoảng 1 năm làm dâu xứ Hàn, gia đình chị Vân ngập tràn hạnh phúc đón bé trai lớn chào đời năm 2016 và bé thứ 2 sinh năm 2019.

“Sinh bé đầu tiên còn hơi vất vả một chút vì là lần đầu tiên nuôi con. Nếu như ở Việt Nam, lần đầu tiên mình nuôi con sẽ có cả mẹ chồng và mẹ đẻ bên cạnh. Như em còn trẻ, dù có kiến  thức đi chăng nữa thì vẫn còn nhiều bỡ ngỡ vì người Việt với người Hàn có cách nuôi con rất khác nhau. Đôi khi có những mâu thuẫn, mình phải ở giữa, mình phải là người điều hòa, phải dung hòa sự khác biệt như vậy”, chị Vân kể lại.

Những vất vả ban đầu khi làm dâu, làm mẹ của chị Vân được anh Kim Youn Ung chia sẻ. Trong mối quan hệ vợ chồng, ai cũng phải mất một thời gian để tạo dựng lòng tin. Chị Vân cho biết, anh Kim Youn Ung có những suy nghĩ khá giống người Việt Nam, anh rất coi trọng chữ hiếu, coi trọng lễ nghĩa.

Văn hóa Hàn Quốc rất quan trọng việc chào hỏi, thái độ chào hỏi, nên anh Kim Youn Ung rất nghiêm khắc. Nhất là trong việc nuôi con, nếu con chào hỏi không đúng cách, không lễ phép thì phải nhắc nhở rất nhiều.

“Trước đây, do chồng em sống một mình rất lâu nên không quen với việc phải nuôi con, nên thời gian đầu khi nuôi bé thứ nhất cũng rất khó trong việc điều chỉnh thời gian, ví dụ như đi làm về thì phải làm những gì. Mình phải hướng dẫn, ví dụ như em rửa bát thì anh phải trông con, hay anh rửa bát thì em trông con. Những việc như thế mình phải liên tục nói, hai bên cùng phối hợp, sau rồi mọi việc mới dần vào nếp. Em cảm thấy giữa bé thứ nhất với bé thứ 2 có sự khác biệt rất lớn. Khi mới có bé thứ nhất, anh còn rất lóng ngóng không biết làm gì, nhưng khi đến bé thứ hai thì anh đã rất “chuyên nghiệp” rồi”, chị Vân hạnh phúc chia sẻ.

Không chỉ chia sẻ với vợ việc chăm sóc con, anh Kim Youn Ung cũng luôn ủng hộ quyết định tìm việc làm của chị Vân. Anh khuyên chị kiên nhẫn thêm, nên định hướng thêm công việc.

“Khi sinh bé thứ nhất được 4 tháng, em bắt đầu đi xin việc và đã nhận được công việc đầu tiên là dịch phim tại nhà. Lúc đấy, chủ yếu là vừa trông con vừa dịch phim kiếm thêm, tuy không được nhiều lắm, nhưng đủ để trang trải tiền bỉm sữa cho con. Chồng em khuyên nên kiên nhẫn thêm 1,2 năm nữa, để học tiếng và định hướng việc làm. Em muốn làm gì anh đều đồng ý, động viên vợ đi làm. Khi bé thứ nhất được 10 tháng thì em xin làm việc ở cơ quan. Rất may, từ đó đến giờ em làm công việc phiên dịch ở Trung tâm đa Văn hóa (Trung tâm Văn hóa quận Rồng Xanh, Seoul)”, chị Vân kể.

Đến nay, chị Vân đã ổn định với công việc biên dịch, cung cấp thông tin cho các cô dâu Việt ở khu vực quận Rồng Xanh, thuộc Bộ Phụ nữ và gia đình Hàn Quốc. Các chương trình hỗ trợ tại Trung tâm đều miễn phí, để giúp các cô dâu Việt chưa thạo tiếng Hàn đỡ gặp khó khăn về vấn đề giao tiếp; đồng thời, hỗ trợ thông tin cuộc sống, hay những khó khăn cho các gia đình đơn thân, bố mẹ ly hôn hay con cái mắc bệnh hiểm nghèo. 

Tham gia Chương trình Xuân quê hương 2023 “Chào Xuân Quý Mão” do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức, vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân và anh Kim Youn Ung mặc trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam, với nhiều cảm xúc, niềm vui và hạnh phúc rạng rỡ trên gương mặt.

Anh Kim Youn Ung cũng cho biết, với anh đây sự kiện quan trọng nên đã có sự chuẩn bị trước và hai vợ chồng cố gắng đưa cả 2 con đến tham gia. 

Trong 8 năm đi làm dâu xa xứ, chị Vân và chồng con chỉ về Việt Nam ăn Tết được hai lần. Những năm đầu ở Hàn Quốc, chị Vân không quen với không khí Tết tại đây. Những năm sau, vợ chồng chị đã mua thêm quần áo dài của Việt Nam cho hai bé để Tết chụp ảnh. Chị cũng trổ tài nội trợ làm thêm chả nem, mua thêm chiếc bánh chưng. 

“Tết nào nhà em cũng có bánh chưng. Ban đầu mọi người chưa quen, nhưng khi em giới thiệu đây là món ăn truyền thống mỗi dịp tết của người Việt Nam thì cả gia đình đều muốn thưởng thức”.

Cứ dần dần như vậy, gia đình chị Vân đã có một phần Tết Việt. Buổi sáng năm mới, cả gia đình sẽ gọi điện chúc Tết ông bà ngoại. Buổi sáng thứ hai của Tết ở Hàn, chị Vân thường nấu 8 bát phở cho cả nhà, trong đó, người lớn sẽ ăn phở bò, còn 2 bé ăn phở gà. 

Không chỉ dịp Tết, nhà chồng chị Vân giờ đây cũng thích các món ăn ngày thường của Việt Nam. Do vậy, mâm cơm hằng ngày không chỉ có món ăn Hàn mà còn cả những món ăn Việt. 

“Mọi người rất thích chả, nem. Ngày Tết này em cũng cố làm bánh mì nhân thịt hoặc nấu phở cho cả nhà ăn. Buổi sáng thứ hai của ngày Tết em thường nấu phở. Đây cũng là một trong những nét văn hóa Việt mà mình phải tự gieo trong gia đình, để chồng và con hiểu và yêu văn hoá Việt”, chị Vân chia sẻ./.

Thực hiện: Lê Linh | Thiết kế: Kiều Anh

Thứ Ba, 07:05, 24/01/2023