Hiện nay các nước trên thế giới tiếp tục sử dụng y học cổ truyền (YHCT) trong phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cũng như nâng cao sức khoẻ. Đồng thời, xác định YHCT như là một nhân tố quan trọng đảm bảo sự thành công chiến lược chăm sóc sức khoẻ chủ động.
Tại Việt Nam, YHCT cũng giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên quá trình khám chữa bệnh bằng YHCT vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) khiến việc bảo tồn, phát triển khám chữa bệnh bằng YHCT gặp không ít khó khăn, thách thức.
Hiện cả nước có 66 bệnh viện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Bên cạnh sự phát triển của bệnh viện y học cổ truyền, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành lập khoa y học cổ truyền, tổ y học cổ truyền chiếm khoảng 88%, trong đó khoa y học cổ truyền chiếm 63,2%, tổ y học cổ truyền chiếm 24,5%. Tính đến ngày 28/12/2019, cả nước đã có 83,2% trạm y tế có tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Ngoài ra còn có hệ thống trên 18.000 phòng khám, phòng chẩn trị do các bác sĩ, y sĩ, lương y được cấp phép hoạt động. Điển hình như Hội Đông y TP. Hà Nội, mỗi năm cán bộ hội viên của hội đã tham gia tư vấn, khám chữa bệnh cho hàng triệu lượt người, từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Bà Bùi Thị Phương Hoa, Trưởng Phòng khám Chuyên khoa YHCT Trường Xuân, trực thuộc Hội Đông y TP. Hà Nội cho biết, mỗi năm các cơ sở YHCT trên phạm vi toàn thành phố đã khám và điều trị cho trên 3 triệu lượt bệnh nhân và điều đáng nói là số người dân có nhu cầu khám chữa bệnh theo phương pháp YHCT đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
“Tuy nhiên có một thực tế rất đáng quan tâm và gây bức xúc cho những bệnh nhân có thẻ BHYT, đó là tình trạng họ không được hưởng quyền lợi BHYT. Ở đây chúng tôi có rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đến với phòng khám, chúng tôi hỗ trợ gần như hoàn toàn về quá trình điều trị”, bà Hoa nói.
Không thể phủ nhận lợi ích của việc chẩn đoán và điều trị bệnh bằng YHCT tại các cơ sở uy tín. Tuy nhiên hiện nay nếu tổng số tiền quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho khám chữa bệnh là hơn 120.000 tỷ/năm thì số chi cho YHCT chỉ chiếm 1%.
Tại các phòng khám, phòng chẩn trị YHCT được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cũng chưa được BHYT thanh toán làm hạn chế quyền lợi của người tham gia BHYT khiến người bệnh có tâm lý rút ngắn liệu trình điều trị hoặc không quay lại điều trị lần sau.
Trước đây, bà Nguyễn Thị Nhận (phường Văn Quán, quận Hà Đông) bị đau đầu, mất ngủ triền miên, cơ thể lúc nào cũng rơi vào tình trạng mệt mỏi và bà đã tìm đến Đông y để được chữa trị.
"Tôi đến với Đông y đã được 5 năm nay. Khi đến đến với phòng khám YHCT, tôi được điều trị về chứng mất ngủ. Qua một vài liệu trình, tôi thấy nhẹ nhàng, ngủ ngon và ăn ngon hơn", bà Nhận nói.
Tuy nhiên theo bà Nhận, khi đến với phòng khám của Hội Đông y Hà Nội - đây là phòng khám đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, lại trực thuộc Hội Đông y TP Hà Nội, nhưng lại không được bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh phải hoàn toàn tự túc mọi chi phí.
“Trước tôi đi khám, điều trị tại các bệnh viện đa khoa, mức chi trả của bảo hiểm cũng rất thấp. Khi đến phòng khám của Hội Đông y, tôi cũng được biết ở đây không thể dùng bảo hiểm y tế. Đây là một sự bất công. Là người dân, tôi có quyền được lựa chọn nơi khám, chữa bệnh phù hợp với chính mình. Do đó tôi thấy đang có sự không bình đẳng trong việc thực hiện các chế độ chính sách đối với các cơ sở thăm khám bằng YHCT”, bà Nhận chia sẻ.
Bà Nhận cho rằng, nếu bảo hiểm có thể đỡ được một phần thì bản thân bà cũng như những người dân khác sẽ thường xuyên sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được BHYT chi trả, từ đó người dân cũng mặn mà hơn với BHYT. Bà kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các văn bản để đảm bảo lợi ích của người dân.
Ông Lê Mạnh Cường, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông là người thường xuyên đến phòng khám YHCT để điều trị thoái hóa cột sống lưng và cổ vai gáy. Việc lựa chọn YHCT để thăm khám và điều trị khiến ông rất yên tâm, bởi đây là phương pháp không xâm lấn, hạn chế tác dụng phụ, và hiệu quả. Song mong muốn của ông cũng như bao bệnh nhân khác là được có quyền lợi khi tham gia thụ hưởng chính sách BHYT tại các cơ sở YHCT.
Bà Bùi Thị Phương Hoa - Trưởng Phòng khám Chuyên khoa YHCT Trường Xuân, trực thuộc Hội Đông y TP. Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm một chương, hoặc một điều trong Luật BHYT quy định về vấn đề này, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể để người bệnh có thẻ BHYT được thụ hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh bằng phương pháp YHCT.
Việc sớm tháo gỡ những vướng mắc cho YHCT không chỉ vì hoạt động của các cơ sở phòng khám mà còn thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh YHCT và khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng YHCT.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho biết, trong thời gian qua, ông đã đi tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh về vấn đề thanh toán BHYT đối với việc thăm khám và điều trị bằng YHCT còn hạn chế và ở một số cơ sở được cấp phép hoạt động như phòng khám YHCT thì dường như bảo hiểm không phát huy tác dụng.
Do đó ông Hòa cho biết Bộ Y tế cũng như các ngành liên quan cần có sự điều chỉnh về vấn đề này để người dân tích cực tham gia đóng BHYT, trong đó có việc thăm khám và điều trị bệnh về đông y.
Nhấn mạnh vai trò của đông y đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cho biết, việc xây dựng và phát triển mô hình phòng khám y học cổ truyền chất lượng cao hiện nay hết sức quan trọng vì sẽ giúp cho người dân được tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao tại cơ sở, thuận tiện và hiệu quả; góp phần giảm tải các bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tuyến y tế cơ sở, tạo niềm tin cho người dân vào chế độ chính sách của Đảng và nhà nước.
Tuy nhiên liên quan đến vấn đề chi trả BHYT trong các phòng khám YHCT, PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII khẳng định không phải tất cả phòng khám đông y nào cũng đều có thể khám chữa bệnh bằng BHYT mà nên có bảng tiêu chí là những phòng khám nào đạt được tiêu chuẩn và phải tham gia ký kết với cơ quan BHYT về việc khám chữa bệnh.
“Thời gian qua đã xảy ra những sự việc đáng tiếc. Ở một số phòng khám đông y, một số thầy lang đã hoạt động trái pháp luật, làm hại đến sức khỏe và tiền của của nhân dân. Do đó tôi kiến nghị chúng ta cần siết chặt quản lý để làm sao chỉ nên cấp phép cho những phòng khám điều trị bằng YHCT đúng tiêu chuẩn”, PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
Cũng như các bệnh viện được phân thành các tuyến thì phòng khám YHCT cũng cần phải phân loại như thế.
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người sử dụng thẻ BHYT đòi hỏi các chính sách cần được bổ sung sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, phấn đấu đến năm 2030 có hơn 95% số người tham gia BHYT giảm chi tiền túi của người dân xuống dưới 30%. Hơn 95% số dân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được BHYT thanh toán, hoàn thiện giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ.
Tác giả: Nguyễn Hà - Trình bày: Kiều Anh