Năm học 2020-2021, là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng đưa vào giảng dạy thực tế, chương trình đã nhận được phản ánh của giáo viên và phụ huynh học sinh về việc chương trình nặng, một số nội dung trong sách Tiếng Việt 1 chưa phù hợp.

Trước những phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT đã chính thức thông báo sẽ sửa lại SGK Tiếng Việt lớp 1.

Tại văn bản báo cáo với đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, mặc dù việc chỉnh sửa, hiệu đính SGK vẫn thường xuyên được thực hiện đối với các SGK trước đây, tuy nhiên, việc để xảy ra những bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của Bộ Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, Hội đồng thẩm định và tác giả.

Trong đó, công tác truyền thông về việc triển khai thực hiện chương trình, SGK mới chưa tốt, việc phản hồi các phản ánh về những điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều còn chưa kịp thời.

Dù Bộ GD-ĐT đã kịp thời có những chấn chỉnh những điểm không phù hợp. Tuy nhiên, việc chỉnh sửa SGK khi đã bắt đầu năm học cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Hiện Bộ GD-ĐT đang trong quá trình thẩm định SGK lớp 2, câu chuyện được nhiều giáo viên và phụ huynh quan tâm là sách mới được thẩm định ra sao để tránh những sai sót không đáng có như sách lớp 1.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, sau khi ban hành thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 2 và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 2, Bộ GD-ĐT đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 nhà xuất bản (NXB), gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở các thành viên đã tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và bổ sung một số thành viên mới vào mỗi Hội đồng, Bộ trưởng GD-ĐT đã ban hành Quyết định thành lập 9 hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2. Trong số này, 2 hội đồng có số lượng thành viên ít nhất là 7; các hội đồng còn lại có từ 9 đến 15 thành viên.

Thành phần các hội đồng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, là bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Sau những sự cố của SGK lớp 1 gây xôn xao dư luận, để tránh những sai sót như SGK lớp 1, trao đổi với VOV.VN, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục cho rằng: “Sự bí mật quá đáng của những cuốn SGK lớp 1 đang triển khai là điều không tốt. Lẽ ra những văn bản về SGK lớp 1 nên sớm được công bố. Trong thời đại số, ngoài hội đồng thẩm định, xã hội có thể nhận ra những bất cập trong nội dung sách từ đó góp ý, chỉnh sửa trước khi đưa vào phê duyệt”.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng, nếu SGK sớm được công bố rộng rãi trên mạng, được nhiều người biết đến sẽ không xảy ra những sai sót đáng tiếc.

Theo TS Lê Thống Nhất, hiện nay, khi đang thẩm định vòng 1 SGK lớp 2 và lớp 6, Bộ GD-ĐT cần sớm công bố nội dung các cuốn sách để dư luân được biết và theo dõi. Ngoài hội đồng thẩm định, cần có phản biện kín với từng cuốn SGK để đảm bảo tính chính xác, khách quan.

“Bộ GD-ĐT nên có đổi mới, thẩm định sách không chỉ cần ý kiến của 15 người trong hội đồng thẩm định, mà còn cần các ý kiến của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn để nhìn nhận cuốn sách một cách khách quan, đa chiều hơn”, TS Lê Thống Nhất nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm cần công khai nội dung sách trước công chúng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: “SGK muốn tốt, cần được thông tin rộng rãi trước khi đưa vào thực nghiệm để cả xã hội cùng có sự đóng góp, xây dựng”.

Theo đánh giá của TS Lê Thống Nhất, một trong những nguyên nhân dẫn đến SGK lớp 1 bị phản ánh là quá nặng, nội dung có “sạn” do quá trình chiêm nghiệm, thực nghiệm vội vàng, chưa có sự thăm dò trên diện rộng.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh Bộ GD-ĐT cần đứng ra tổ chức thực nghiệm SGK lớp 2, lớp 6, thay vì để các NXB, các công ty phát hành tự tổ chức thực nghiệm, tự báo cáo kết quả thực nghiệm như hiện nay.

Còn theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, muốn biết sách có hay, phù hợp hay không, cần đưa 1vào thực nghiệm trên diện rộng và đánh giá kỹ lưỡng. Kết quả thực nghiệm là cơ sở để hội đồng thẩm định có “thông qua” bộ SGK đó hay không.

“Thời gian qua quá trình thực nghiệm làm qua loa theo kiểu thành tích, nên có phần cấp tốc. Trước kia, SGK sau khi tác giả viết xong, được hội đồng thẩm định sơ bộ, sau đó đem đi thực nghiệm để phát hiện những sai sót, hạn chế, sau đó tiếp tục đưa lại hội đồng thẩm định để đánh giá và cùng các tác giả chỉnh sửa, báo cáo trình lên Bộ trưởng sau đó mới in thành sách. Hiện nay, SGK lớp 2, lớp 6 đang trong quá trình thẩm định, cần sớm công bố để công chúng có thể theo dõi. Hội đồng thẩm định không chỉ có 15 thành viên, mà nên đưa bản thảo sách tới các trường học, xin ý kiến đánh giá từ chính những giáo viên để họ chỉ ra những điểm được và chưa được”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ góp ý.

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo của Chính phủ cho rằng, việc giao cho NXB tự chịu trách nhiệm tổ chức thực nghiệm sách lấy mẫu chưa đủ lớn. Sau khi dạy xong nếu chỉ đánh giá giáo viên theo kiểu định tính mà chưa có đánh giá khả năng tiếp thu bài giảng sau từng tiết giảng thử SGK mới.

TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, sau mỗi tiết giảng, giáo viên phải làm các bài kiểm tra ngay sau buổi dạy thử để biết mức độ tiếp thu của học sinh. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch khi thử nghiệm chương trình SGK mới. Quá trình thực nghiệm không thể làm gọn nhẹ ở một vài nơi, mỗi vùng miền, điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau, quy mô lớp học khác nhau, việc thực hiện chương trình, đầu ra cũng sẽ có sự khác biệt.

“Chưa kể  chuyện bồi dưỡng giáo viên thực hiện theo kiểu tập trung cả trăm thầy cô để bồi dưỡng, kỹ năng dạy học mới theo chương trình học viên chưa kịp hình thành sau đó chuyển về các địa phương tập huấn lại cho các trường khó tránh khỏi “tam sao thất bản”, TS Vinh lo ngại.

Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh, từ những sai sót của SGK lớp 1, khi tiến hành thẩm định các bộ sách tiếp theo, Bộ GD-ĐT cần đứng ra tổ chức, chỉ đạo quá trình thực nghiệm từng bộ sách. Quá trình tập huấn giáo viên cũng cần có hướng dẫn đầy đủ, tránh kiểu tập huấn tập trung cho đúng quy trình, kế hoạch, dẫn đến giáo viên chưa kịp nâng cao kỹ năng đã kết thúc chương trình.

Từ thực tế những vấn đề của SGK lớp 1 đang gặp phải, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, khi tiến hành thẩm định sách mới, Bộ cần quy định rõ năng lực, trách nhiệm giải trình của những người trong Hội đồng thẩm định. Bộ cũng cần vào cuộc, đứng ra tổ chức, chỉ đạo quá trình thực nghiệm từng bộ sách. Quá trình tập huấn giáo viên cũng cần có hướng dẫn đầy đủ, “tránh kiểu tập huấn tập trung cả trăm giáo viên chỉ để cho xong kế hoạch, mà các giáo viên dự tập huấn chưa kịp nâng cao kỹ năng thực hiện chương trình”.

TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, từ bài học kinh nghiệm của SGK lớp 1, cần phân định rõ trách nhiệm của Bộ, Sở GD-ĐT các địa phương trong quá trình thực nghiệm sách, để tránh những “hạt sạn” đáng tiếc.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông, nguyên Giảng viên cao cấp Trường ĐHKHXH&NV cho rằng, kể cả khi tiến hành xã hội hoá, Nhà nước vẫn phải đóng vai trò xương sống, có trách nhiệm dẫn dắt.

“Quan điểm này của tôi có thể khiến nhiều doanh nghiệp không thích, nhưng đứng trên góc độ vì lợi ích chung thì giáo dục - vấn đề cốt yếu của một dân tộc. Nhà nước phải đứng ra thực hiện. Đứng trên góc độ phản biện, vấn đề SGK hiện nay vừa khiến Nhà nước thất thu, vừa tốn kém tiền tài của nhân dân và mất đi độ thống nhất cao.

Hiện, Hội đồng thẩm định và nhóm tác giả đang chỉnh sửa lại một số nội dung trong SGK lớp 1. Nhưng theo tôi, cách xử lý này vẫn mang tính chắp vá. Cơ sở để biên soạn sách không xuất phát từ điểm chuẩn, không đạt yêu cầu, do vậy có bổ sung thêm ngữ liệu cũng sẽ chắp vá”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt nói.

Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cho rằng, với SGK, cần có cách làm việc bài bản, từ Nhà nước xây dựng hệ thống thống nhất để biên soạn SGK.

“Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã có nhiều bài học sâu sắc, nhưng với giáo dục thì đây là mối nguy hiểm vô cùng. Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông có thể khắc phục được trong 20-30 năm. Nhưng một bộ SGK hỏng thì có thể ảnh hưởng cả một thế hệ học sinh”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt lo ngại./.


Thứ Năm, 12:06, 29/10/2020