Biến thể virus là Delta - B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ, có khả năng lây lan nhiều hơn và làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân.

Đến chiều 30/4/2021, Bộ Y tế xác nhận biến thể Delta đã có mặt tại Việt Nam. 5 bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể Delta được ghi nhận tại Yên Bái, gồm 4 chuyên gia người Ấn Độ, nhập cảnh vào Việt Nam và 1 lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2 - nơi cách ly tập trung chuyên gia và người từ nước ngoài về của tỉnh Yên Bái. Sau đó, dịch lây lan vào các KCN ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ngày 27/4/2021, sau chuỗi gần 50 ngày không phát sinh ca nhiễm, TP.HCM ghi nhận ca mắc mới. Đến ngày 26/5, phát hiện ca mắc đầu tiên thuộc Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Từ ngày 31/5/2021, TP.HCM bắt đầu áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15. Sau đó, là Chỉ thị 16 và tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Trong đợt dịch thứ tư TP.HCM ghi nhận gần 500.000 ca mắc COVID-19.

Dịch lây lan sang các tỉnh, thành phía Nam, trong đó, các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Bình Dương với gần 290.000 ca, Đồng Nai có 96.000, Tây Ninh có hơn 67.000 và Long An có gần 40.000.

Cả nước thời điểm này đã tập trung, dồn vaccine vào TP.HCM để tạo yếu tố miễn dịch cộng đồng nhanh nhất cho khu vực TP.HCM. Với khu vực này, đương nhiên chúng ta phải có biện pháp chống dịch khác với các khu vực còn lại của đất nước.

Từ 0h ngày 23/8/2021, TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, lực lượng quân đội, công an đã được tăng cường “chống dịch như chống giặc”. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cùng y bác sĩ từ các bệnh viện Trung ương và địa phương được tăng cường vào hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.

Thực tế chống dịch vừa qua cho thấy, không chỉ các địa phương có dịch nặng bị căng thẳng. Vào thời điểm dịch cao điểm, các địa phương dù không có dịch, các lực lượng vẫn rất căng thẳng và vất vả.

Các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, nên khả năng về con người, nguồn ngân sách cũng khác nhau, theo đó, đòi hỏi sự linh hoạt, tự lực của các địa phương, đồng thời, có sự chi viện, hỗ trợ lẫn nhau. Từ Trung ương cũng luôn luôn sẵn sàng lực lượng để chi viện cho các tỉnh.

Khi dịch bùng phát mạnh ở Bắc Ninh và Bắc Giang, Việt Nam đã có “công thức” huy động các tỉnh, thành khác đến chi viện. Trong đó, huy động đầu tiên là hỗ trợ của Quảng Ninh tới Bắc Giang. Ở giai đoạn này, khi một tỉnh dịch căng thẳng thì Trung ương và địa phương cùng phối hợp hỗ trợ và chi viện. Qua đấy, thể hiện sự phối hợp trong phòng, chống dịch tại các địa phương ngày càng nhuần nhuyễn hơn.

Sáng 10/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Có 19.000 điểm tiêm và áp dụng triệt để ứng dụng CNTT để theo dõi sát sao các điểm tiêm và công khai minh bạch về số liều vaccine, số người đăng ký, người được tiêm…

Đến thời điểm này, cả nước đã tiêm gần 150 triệu liều vaccine trong tổng số hơn 166 triệu liều đã được phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% dân số. Tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà WHO đề ra đến hết năm nay, 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Từ tháng 7/2021, Bộ Y tế hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, tuy nhiên, mới chủ yếu được thực hiện tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Từ ngày 16/8/2021, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm cách ly và điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà. Từ giữa tháng 11/2021, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc bắt đầu cho F1 cách ly tại nhà.

Đến ngày 16/12/2021, Bộ Y tế có Công văn 10696/BYT-MT về cách ly 7 ngày tại nhà các trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Ngày 25/9/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128-NQ/CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Xác định, nới lỏng giãn cách, hoạt động đi lại giữa các địa phương rất nhiều nên số ca mắc sẽ tăng cao, trong đó sẽ có nhiều ca cộng đồng. Người dân không chủ quan lơ là phòng, chống dịch.

TS Ki-dong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, khi Việt Nam hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế và chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, thì Việt Nam cần tiếp tục năng lực đáp ứng với dịch bệnh thông qua tiêm phòng vaccine, cùng với điều chỉnh các biện pháp y tế công cộng, xã hội và quản lý lâm sàng hiệu quả.

“Chúng ta phải dựa trên bằng chứng khoa học để đưa ra các quyết định trong triển khai các nhiệm vụ này, đồng thời phải đoàn kết, phối hợp trong nước và giữa các nước là cần thiết”, ông Kidong Park nhấn mạnh.

WHO và khối Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong nâng cao năng lực chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh, như là một phần cốt lõi trong nhiệm vụ, nhằm hướng tới một thế giới khỏe mạnh hơn và đạt được “các mục tiêu phát triển bền vững”.

Bộ Y tế cấp phép cho vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Tại Việt Nam đang sử dụng vaccine Comirnaty của Pfizer tiêm cho trẻ em.

Ngày 27/10/2021, Quận 1 và huyện Củ Chi, TP.HCM là những địa phương đầu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Riêng tại Bạc Liêu, có trẻ chưa đủ 12 tuổi (SN 2010) được tiêm vaccine COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, đến nay, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm hơn 10 triệu liều vacicne COVID-19 cho trẻ em, trong đó có gần 7 triệu liều mũi 1 và hơn 3 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 76,2% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 34,1% dân số từ 12 -17 tuổi.

Ngày 17/12/2021, Bộ Y tế cho phép tiêm liều vaccine thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc; hoặc liều bổ sung cho người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

Khoảng cách tiêm liều nhắc lại xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi hai) như trước đây.

Cả nước đã tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là gần 2.570.000 liều. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố hoàn tất tiêm mũi ba vaccine COVID-19 cho nhóm người trên 18 tuổi vào quý 1/2022.

Hà Nội trong gần 10 ngày qua (tính đến 27/12/2021) liên tiếp đứng đầu cả nước về số ca mắc COVID-19 mới, với số ca mắc kỷ lục khoảng 2.000 ca/ngày.

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, hiện 8 quận trên có cấp độ dịch mức độ 3 (màu cam) gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19.

Theo đó, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định mắc COVID-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.

Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine COVID-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện). Các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng COVID-19.

Xuất hiện từ cuối tháng 11/12021, đến nay, biến chủng Omicron đã xuất hiện tại khoảng 78 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Ngày 28/12/2021, Bộ Y tế thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Đây là người nhập cảnh trở về từ Anh, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh.

Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 nói chung và khả năng nhiễm biến chủng Omicron nói riêng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng đầy đủ./.

Thứ Ba, 12:08, 28/12/2021