Sinh ra và lớn lên ở Bắc Giang, nhưng lập gia đình và sinh sống tại Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Hồng (Thanh Xuân) mỗi dịp hè lại đưa 2 con về quê chơi cùng ông bà nội, ngoại.

“Sau nhiều tháng học tập căng thẳng, áp lực, cường độ cao, các con không có nhiều thời gian cho việc vui chơi giải trí. Thêm vào đó, sống tại thành phố đông đúc, chật chội, không gian cho các con vui chơi cũng rất hạn chế. Cũng bởi vậy mà mỗi khi đến dịp hè, tôi đều cho các con về quê để có không gian vui chơi thoải mái, được tìm hiểu những điều xung quanh. Về quê, các con được trải nghiệm một môi trường sống hoàn toàn khác với thành thị, gần gũi với ông bà, học cách chia sẻ và giúp đỡ người khác. Đặc biệt, con cũng hạn chế được tối đa thời gian dùng điện thoại, xem tivi”, chị Hồng chia sẻ.

Vợ chồng chị Nguyễn Bảo Phương cũng đều sinh ra và gắn bó với làng quê, nhưng sau thời gian đại học gắn bó với thủ đô, anh chị đã quyết định chuyển về Hà Nội sinh sống gần 15 năm. Chị Phương vẫn luôn muốn con mình có một kỳ nghỉ hè thú vị, được trải nghiệm cuộc sống thôn quê như thế hệ của bố mẹ những năm 80. Mùa hè năm trước, chị Phương quyết định cho con tham gia trải nghiệm tại một trại hè không có bố mẹ đi cùng.

“Dù không được sống tại quê, nhưng với một chương trình ngắn ngày, con đã có những trải nghiệm rất lý thú. Các con được trở về cuộc sống làng quê Bắc Bộ đúng nghĩa, được sống và sinh hoạt trong những ngôi nhà mái lá thoáng mát, cửa liếp then tre, cùng các bạn kiếm củi nướng khoai, làm lều chơi trận giả… đó là những trải nghiệm con chưa từng có khi sống tại thành phố. Khi về nhà, tôi thấy con có chút đen hơn, nhưng rắn rỏi hơn, hay nói và mạnh dạn hơn”, chị Phương chia sẻ.

Mỗi khi hè về, việc lựa chọn cho con chơi gì, học gì mùa hè cũng là băn khoăn của không ít bậc phụ huynh. Trong đó, thay vì ép con có thêm một “học kỳ thứ ba”, nhiều bố mẹ quyết định đưa con về quê hoặc chọn những trại hè có tính chất tương tự để con được giải trí, “xả stress” sau một năm học tập vất vả, được hòa mình với thiên nhiên, được trải nghiệm những trò chơi tuổi thơ thú vị.

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý, giáo dục cho rằng, để trẻ trưởng thành và phát triển toàn diện, việc dạy những kiến thức trên lớp là chưa đủ. Những hoạt động trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp học sinh biến những kiến thức trong sách vở thành hiểu biết của riêng mình, giúp các em gần hơn với thực tế cuộc sống. Hiện nay những trại hè và các hoạt động trải nghiệm đều có ý nghĩa gắn kết những kiến thức trong nhà trường và cuộc sống.

Bên cạnh đó, những trại hè này cũng sẽ giúp trẻ có cái nhìn rộng hơn, thay đổi bản thân, trau dồi đạo đức, kỹ năng sống một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.

“Những năm gần đây, có một số trại hè cho trẻ được trải nghiệm cuộc sống làng quê thôn dã, đưa các con trở về với thiên nhiên, tạm cách xa thế giới công nghiệp. Qua những trải nghiệm này, trẻ sẽ có cơ hội được khám phá, mở rộng thêm tầm nhìn, hiểu biết nhiều về thế giới xung quanh. Nhiều học sinh ở thành phố chỉ biết đến những vật nuôi phổ biến như gà, chó, mèo… nhưng khi về nông thôn các em sẽ được thấy những loài vật khác như châu chấu, cào cào, bọ ngựa, nghe tiếng dế mèn, tiếng ếch nhái…

Những bài học này ở thành phố thầy cô chỉ có thể dạy lý thuyết, rất khó để trẻ có thể hiểu, nhưng khi về trải nghiệm thực tế tại nông thôn, tiếp xúc với tự nhiên, các em sẽ rất ngạc nhiên trước những phát hiện mới lạ và nhận ra con người vốn rất nhỏ bé trước thiên nhiên”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Theo TS Vũ Thu Hương, khi chọn trại hè cho trẻ, phụ huynh nên mạnh dạn chọn những môi trường còn khá xa lạ với cuộc sống bình thường của các con vì có thể tạo ra những trải nghiệm mới. 

Ths Nguyễn Minh Trang –Người sáng lập trại hè Làng Háo Hức (Thái Nguyên) cho biết, tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, các chương trình trải nghiệm thực tế như các trại hè là một trong những hoạt động không thể thiếu, có truyền thống từ lâu đời. Phụ huynh thường xuyên cho con tham gia các trại hè để có thêm trải nghiệm sau những tháng học ở trường và cũng giúp bố mẹ yên tâm đi làm. Tại Việt Nam, các trại hè mới chỉ trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây.

Là một nhà hoạt động giáo dục, đồng thời là mẹ của 4 con nhỏ, Ths Nguyễn Minh Trang chia sẻ, bản thân chị luôn mong muốn các con có được những mùa hè trọn vẹn, những trải nghiệm, tuổi thơ đáng nhớ như thế hệ trước. Với mong muốn đó, trại hè Làng Háo hức đưa trẻ đến với cuộc sống chuẩn phong vị của làng quê Bắc Bộ truyền thống với nhà tranh mái lá, giếng nước, cầu ao, vườn rau, đàn gà, đàn lợn, cùng những con đường rừng ríu rít tiếng chim hót và rợp bóng cây xanh. Đến đây trẻ được trải nghiệm cuộc sống rộn rã niềm vui, hòa mình với thiên nhiên, nhưng vẫn được tích luỹ những kỹ năng sống, rèn luyện thể lực, ý chí bản lĩnh…

Ngoài ra, ở Làng Háo Hức, trẻ sẽ được thỏa sức tự sáng tạo những đồ chơi dựa trên các nguyên liệu tự nhiên như sỏi, gỗ. Với sỏi, bằng trí tưởng tượng, trẻ sẽ biến chúng thành chim, hoa, lá. Với gỗ, các em sẽ được học cách mài phẳng, vẽ và tô màu theo ý thích bên trên, rồi khoan lỗ, luồn dây thừng gai, làm thành vật trang trí treo trên góc học tập. Đó là những sáng tạo nghệ thuật trên tinh thần của thiên nhiên”, Ths Nguyễn Minh Trang chia sẻ và cũng cho rằng, nếu so sánh với các phương pháp giáo dục hiện đại, thì những trò chơi dân gian đơn giản nhưng lại mang đậm tinh thần của STEM (Science – Khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – Kỹ thuật, Math – Toán học). Những trò chơi này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng gồm thể lực, sự kiên trì, sáng tạo, tư duy, tinh thần làm việc nhóm, sự phối hợp các giác quan tay, chân mắt…

Tại Làng Háo Hức, mỗi hoạt động đều được lồng ghép  các bài học, giá trị khơi dậy tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm trong từng bạn nhỏ. Giúp các trại sinh tự nhận ra, trân trọng giá trị của gia đình, bạn bè và sống có trách nhiệm hơn với thế giới quanh mình nhưng vẫn được vui chơi, giải trí.

“Ví dụ, khi các em học về các loại cây trên rừng, trại hè sẽ lồng ghép buổi học đó dưới hình thức một chuyến phiêu lưu đi tìm kho báu. Các em dậy từ 5 giờ sáng, được phát đồng phục, được chia đội và háo hức tham gia vào hành trình đầy hào hứng trước mắt. Trong mỗi hoạt động trải nghiệm, hay từ mỗi bữa cơm, các sinh hoạt chung đều được lồng ghép trong đó những giá trị giáo dục một cách nhẹ nhàng tự nhiên nhất với trẻ”, chị Trang cho biết.

Với những chuyến đi từ 3-5 ngày, đến với Làng Háo Hức, các con sẽ tự tham gia mà không có sự đồng thành của bố mẹ. Chị Nguyễn Minh Trang cho rằng, việc trải nghiệm một mình sẽ giúp trẻ rèn được tính độc lập, biết cách tự giải quyết các vấn đề, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, biết cách chờ đợi, chia sẻ…

“Với không ít trẻ tham gia trại hè là lần đầu tiên xa nhà, không có bố mẹ đi cùng, nhiều bạn nhỏ ban ngày rất vui vẻ, nhưng khi chuẩn bị đi ngủ bỗng dưng lại òa khóc vì nhớ nhà. Khi đó, các cô sẽ cho các con viết nhật ký, kể về trải nghiệm và cảm xúc của bản thân để nguôi đi nỗi nhớ nhà, nhiều cha mẹ rất xúc động khi đọc được nhật ký của con. Với trẻ, việc học cách vượt qua nỗi nhớ nhà cũng là một thành tựu”.

Ths Nguyễn Minh Trang cho biết, một trong những vấn đề phụ huynh quan tâm nhất khi đăng ký cho con tham gia các trại hè là vấn đề an toàn và phòng tránh rủi ro. Tại Làng Háo Hức các quy trình an toàn được đảm bảo nghiêm ngặt từ các bước lựa chọn đơn vị vận chuyển, thường xuyên rà soát an ninh trong khuôn viên trang trại…

Trong khu vực trại hè cũng luôn có nhân viên y tế túc trực, bên cạnh đó, mỗi nhân viên trong Làng Háo hức đều được tập huấn về kỹ năng sơ cứu sẵn sàng xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.

Ngoài ra, trại sinh cũng học được cách tự xử lý những rủi ro nhỏ hơn như tự làm các loại thuốc xịt côn trùng từ chính những nguyên liệu tự nhiên trong vườn, cách xử lý những vết xây xước nhẹ khi hoạt động…

“Mỗi hoạt động của Làng Háo Hức đều hướng tới mục tiêu mỗi trại sinh khi tham gia sẽ có những ngày thật vui vẻ, những trải nghiệm thú vị và khi ra về sẽ có thêm những kiến thức bổ ích về thiên nhiên, kỹ năng sinh tồn, văn hoá, kỹ năng sống, thêm yêu thương gia đình, biết tự lập và chia sẻ cùng người khác. Đặc biệt hơn, mỗi bạn nhỏ sẽ luôn mang về nhà những thành quả do chính tay mình tạo ra để thiên nhiên luôn hiện diện mỗi ngày cùng cuộc sống của các bạn và gia đình”, chị Nguyễn Minh Trang chia sẻ.

Chị Nguyễn Thanh Vân (Hà Nội) không khỏi bất ngờ khi đón con trở về từ khóa trải nghiệm tại Làng Háo Hức: “Con đi xa tôi cũng khá lo lắng, thế nhưng khi xem những bức ảnh, video và thông tin các cô cập nhật trong suốt chuyến đi tôi hoàn toàn yên tâm. Khi mới đến check-in và nhận team con đã rất chững chạc và tự tin khi cầm tay một em trong nhóm làm quen và giới thiệu tên tuổi, còn động viên em giới thiệu về bản thân mình nữa. Trở về sau vài ngày trải nghiệm không dài, nhưng con chững chạc hẳn, biết cách chăm sóc bản thân tốt hơn và biết giúp mẹ làm những công việc nhà, chăm em. Sau hơn 1 tuần từ Làng trở về, con vẫn không ngừng kể về những trải nghiệm, những câu chuyện ở Làng và vẫn giữ liên lạc với các bạn mới quen tại đây”./.


Thứ Hai, 06:15, 22/05/2023