


PV:Thưa ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là kỳ thi đầu tiên dành cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2018. Ông đánh giá thế nào về kỳ thi và chương trình mới?
TS. Lê Viết Khuyến: Đây là kỳ thi đầu tiên áp dụng cho lứa học sinh học trọn vẹn theo Chương trình GDPT 2018, mang ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới giáo dục của Việt Nam. So với chương trình GDPT năm 2006, chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi căn bản: từ việc học sinh được lựa chọn môn học ngay từ lớp 10, đến cách tiếp cận phát triển năng lực thay vì chỉ truyền thụ kiến thức.
Với chương trình mới, học sinh buộc phải xác định định hướng nghề nghiệp sớm hơn, thông qua việc lựa chọn các môn học phù hợp với sở thích, năng lực và mục tiêu tương lai. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị tốt từ nhà trường, gia đình và xã hội, sẽ gây ra những bỡ ngỡ, áp lực nhất định cho học sinh.
Việc thay đổi tư duy và phương pháp giáo dục là một hành trình dài. Chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Nhiều quốc gia đã cần hàng chục năm để hoàn thành quá trình này. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn còn chủ quan và thiếu chuẩn bị đồng bộ về cơ sở vật chất, đội ngũ, lẫn hệ thống đánh giá. Nếu lớp học vẫn 45-50 học sinh, cơ sở vật chưa đủ điều kiện, giáo viên chưa được tập huấn bài bản… thì việc đổi mới dễ dẫn đến nửa vời, không hiệu quả.

PV: Theo ông, những giải pháp nào là cần thiết để việc đổi mới có thể đi vào thực chất và không “gây sốc” cho giáo viên, học sinh, phụ huynh?
TS. Lê Viết Khuyến: Trước hết, cần đánh giá toàn diện hiệu quả triển khai chương trình 2018, không chỉ ở kỳ thi mà còn cả nội dung sách giáo khoa, năng lực giáo viên, và khả năng thích ứng của học sinh.
Thực tế hiện nay, tư duy ra đề thi vẫn nặng tính nội dung, chưa bám sát yêu cầu phát triển năng lực. Một số môn học trong chương trình mới còn có xu hướng quá tải, chưa phù hợp với mặt bằng phổ thông, nhất là với học sinh ở vùng khó khăn.
Tôi cho rằng phải thiết kế lại đề thi theo hướng phân hóa rõ rệt hơn, có phần cơ bản phù hợp với học sinh đại trà và phần nâng cao để phân loại. Ngân hàng đề cần xây dựng dựa trên thực nghiệm với chính học sinh phổ thông, chứ không phải chỉ dựa trên cảm nhận của giáo viên hay chuyên gia.

PV: Nếu tư duy thi cử chưa thay đổi đồng bộ, liệu điều đó có ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình đổi mới?
TS. Lê Viết Khuyến: Chắc chắn là ảnh hưởng. Nếu đề thi - vốn là “đầu ra” của quá trình học - vẫn mang tư duy cũ thì giáo viên và học sinh sẽ phải dạy và học theo lối cũ để chạy theo đề thi. Điều này sẽ làm cho toàn bộ quá trình đổi mới bị lệch pha, không đạt được mục tiêu phát triển năng lực.
Tôi nghĩ rằng, Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm liên tục để điều chỉnh kịp thời. Và phải thừa nhận rằng, một số môn học trong chương trình hiện tại có phần quá sức với học sinh phổ thông. Vì vậy, cần có điều tra, đánh giá cụ thể để xác định mặt bằng thực tế, từ đó xác lập một chuẩn năng lực tối thiểu phù hợp.
Tôi đã trao đổi với một số chuyên gia giáo dục quốc tế, họ cũng có nhận định rằng chương trình của Việt Nam có xu hướng “nâng cao hóa” quá nhiều. Có những nội dung lẽ ra thuộc về năm đầu đại học thì lại đưa vào bậc phổ thông. Điều này có thể khiến học sinh quá tải, đặc biệt là học sinh ở những vùng chưa được đầu tư nhiều về giáo dục.

PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay có các mục tiêu khác nhau, và có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS. Lê Viết Khuyến: Chúng ta không thể dồn mọi mục tiêu vào một kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp chỉ nên dùng để xét tốt nghiệp. Còn nếu mục tiêu là đánh giá năng lực hay tuyển sinh đại học thì phải có kỳ thi riêng.
Với đề thi tốt nghiệp cần vừa sức, phù hợp với mặt bằng phổ thông, tránh đánh đố. Quan điểm của tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là kỳ thi có độ tin cậy cao nhất hiện nay. Nếu cải tiến khâu kỹ thuật, khâu đề thi, đặc biệt là phân tích phổ điểm thì hoàn toàn có thể sử dụng cho xét tuyển nhiều ngành học.
Nhiều nước không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mà để trường tự đánh giá. Nhưng ở ta thì không thể làm vậy, vì vẫn còn rất nặng bệnh thành tích, tiêu cực, gian lận. Nếu không có một kỳ thi chung, chất lượng GDPT sẽ tụt dốc rất nhanh.
PV: Ông từng nhiều lần cảnh báo về chất lượng “đầu vào” đại học. Việc tổ chức thi cử như hiện nay có ảnh hưởng đến điều này không?
TS. Lê Viết Khuyến: Tất nhiên là có. Nếu kỳ thi THPT không đánh giá đúng năng lực thực tế, “đầu vào” đại học sẽ bị méo mó. Sinh viên vào trường với năng lực không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực sau này.
Khi mắt xích “đầu vào” đã lệch chuẩn, thì chất lượng nhân lực xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT giữ vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác cho toàn bộ hệ thống.
Một điểm đáng lưu ý là nếu không tách bạch rõ ràng giữa kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh, thì sẽ khó thiết kế một đề thi đạt được cả hai mục tiêu. Hệ quả là giáo viên và học sinh không biết nên dạy - học theo định hướng nào.


PV: Khi bàn về chất lượng nguồn nhân lực, nhiều ý kiến cho rằng gốc rễ nằm ở GDPT. Quan điểm của ông?
TS. Lê Viết Khuyến: Tôi đồng tình với ý kiến này. Từ lâu, Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị năm 1979 đã xác định rõ sự phân định giữa GDPT và giáo dục nghề nghiệp. GDPT phải làm tốt vai trò nền tảng - cả về kiến thức, kỹ năng và định hướng nghề nghiệp. Nếu nền móng này không vững, thì giáo dục đại học hay giáo dục nghề cũng khó phát triển.
Ảnh hưởng của phổ thông thể hiện ở hai khía cạnh: trình độ chuẩn và cơ cấu nhân lực. Nếu phổ thông không đảm bảo chất lượng, năng suất lao động thấp là điều không thể tránh khỏi. Và nếu cơ cấu phân luồng không hợp lý, thì toàn hệ thống giáo dục sẽ bị lệch pha, dẫn tới nhân lực mất cân đối.
PV: Thực tế, hiện tỷ lệ học sinh học THPT vẫn rất cao, trong khi giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn. Điều này có đi ngược với tinh thần phân luồng không thưa ông?
TS. Lê Viết Khuyến: Đúng vậy. Nghị quyết 29 của Trung ương từng xác định: Sau lớp 9, cần phân luồng học sinh theo hai hướng: học tiếp THPT hoặc học nghề. Nhưng thực tế thì 80% học sinh vẫn học THPT, chỉ một phần nhỏ vào hệ trung cấp nghề.
Hệ thống trung cấp nghề còn rất yếu, thiếu trường và đặc biệt là hệ thống liên thông chưa được đồng bộ trong thực tế. Học sinh học nghề không có cơ hội học lên, bị vướng bằng cấp. Điều này khiến học sinh, phụ huynh đổ dồn vào THPT, gây áp lực lên đại học, còn giáo dục nghề nghiệp thì thiếu hụt trầm trọng.
Nhiều nước có tỷ lệ học sinh vào trung học nghề cao hơn THPT. Học xong trung học nghề, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp phổ thông, vừa có chứng chỉ nghề, có thể đi làm hoặc học tiếp. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đưa ra mô hình hai luồng sau THCS là tín hiệu tốt, cần sớm thể chế hóa.

PV: Vậy, GDPT nên đóng vai trò gì trong kiến tạo cơ cấu nhân lực hợp lý thưa ông?
TS. Lê Viết Khuyến: Phổ thông phải là nền tảng để hình thành cơ cấu nhân lực hợp lý. Không thể chỉ dạy văn hóa mà phải lồng ghép giáo dục hướng nghiệp, kỹ năng thực hành. Với chỉ 400 trường nghề so với hơn 2.000 trường THPT, làm sao đảm bảo phân luồng?
Nếu không điều chỉnh thì tình trạng vừa thiếu thợ, vừa thiếu thầy sẽ còn kéo dài. GDPT cần có chương trình tích hợp, định hướng sớm, tạo điều kiện để học sinh lựa chọn con đường phù hợp với năng lực và điều kiện.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, cơ cấu nhân lực lý tưởng của Việt Nam là thế nào?
Việt Nam - một quốc gia đang phát triển thì cơ cấu nhân lực hợp lý nên là hình tháp. Tức là lao động trình độ trung học nghề phải chiếm tỷ lệ cao nhất, làm nền tảng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay thì ngược lại.
Theo Tổng cục Thống kê, đến năm gần đây, có tới khoảng 75% lực lượng lao động Việt Nam không có chuyên môn kỹ thuật. Cái gọi là “thừa thầy, thiếu thợ” là không đúng, vì vừa thiếu thợ, vừa thiếu thầy. Do đó, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung phát triển trung học nghề, xem đó là nền tảng để cải thiện toàn bộ cơ cấu nhân lực quốc gia.
Nếu làm được điều đó, chúng ta không chỉ đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực phù hợp với trình độ phát triển hiện nay, mà còn giảm áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - một kỳ thi vốn nặng nề suốt nhiều năm qua.

PV: Theo ông, đâu là điều kiện tiên quyết để việc đổi mới giáo dục thực sự tạo ra chuyển biến căn bản, đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực trong giai đoạn hiện nay?

TS. Lê Viết Khuyến: Cải cách giáo dục phải xuất phát từ nhu cầu phát triển bền vững của quốc gia chứ không thể chỉ chạy theo chỉ tiêu hay bệnh thành tích. Và đặc biệt, phải có lộ trình rõ ràng. Không thể đổi mới bằng mệnh lệnh hành chính hay theo phong trào. Muốn phát triển đất nước, cần một đội ngũ nhân lực đông đảo, chất lượng, đồng đều mà tất cả đều phải bắt đầu từ phổ thông.
Phân luồng là một chủ trương rất đúng nhưng chưa được thực hiện hiệu quả do thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu mô hình, thiếu đầu tư. Bộ GD-ĐT cần thể hiện vai trò dẫn dắt rõ ràng hơn. Nếu không, cơ cấu nhân lực sẽ tiếp tục bị méo mó, không thể đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nội dung: Nguyễn Hằng - Hà Nguyễn
Đồ Họa: Đồng Toàn