+ Khép lại một năm 2021, tôi vẫn đầy ấn tượng với hình ảnh ông cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên tình nguyện lên đường vào “tâm dịch TP. Hồ Chí Minh” để triển khai thông tin một cách nhanh, chính xác và hiệu quả về tình hình dịch COVID-19. Điều gì đã thôi thúc một cuộc xung kích tác chiến đúng nghĩa ấy trong thời điểm dịch bệnh vô cùng căng thẳng, thưa ông?

- Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là cơ quan truyền thông đa loại hình đa phương tiện, ngoài các tòa soạn phát thanh, truyền hình, điện tử, báo in đặt tại Hà Nội, ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và phía Nam, chúng tôi cũng có đại diện của VTC, có hai phiên bản VOV giao thông phục vụ địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong suốt đợt dịch lần thứ tư bùng phát, các kênh báo của Đài Tiếng nói Việt Nam đã luôn bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, phản ánh liên tục, toàn diện, chân thực về tình hình dịch bệnh, các chính sách phòng chống, cũng như cố gắng nỗ lực của cả nước, của người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong “trận chiến” chưa từng có trong lịch sử này.

Trong quá trình đưa tin về dịch bệnh, nhiều phóng viên, kỹ thuật viên của chúng tôi ở cơ quan thường trú TP. Hồ Chí Minh, VOV giao thông khu vực phía Nam đã bị mắc COVID-19. Nhưng họ vẫn khắc phục mọi khó khăn về gia đình, về điều kiện tác nghiệp ngặt nghèo để hoàn thành nhiệm vụ. Như tôi đã nói, đại dịch COVID-19 là điều chưa từng xảy ra đối với Việt Nam, dịch bệnh đã khiến mọi hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ, đời sống của mỗi người dân đều đảo lộn. Đặc biệt đối với khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, dịch bệnh đã cướp đi quá nhiều sinh mạng của nhân dân, gây bao đau thương, bất hạnh và mất mát.

Trong hoàn cảnh đó, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định cử tôi cùng một số phóng viên đi tăng cường vào khu vực phía Nam. Việc chúng tôi đi không phải để làm thay cơ quan thường trú của Đài ở TP. Hồ Chí Minh mà là thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, và quyết tâm đồng hành của lãnh đạo Đài đối với các phóng viên biên tập viên đang tác nghiệp ở tuyến đầu. Chúng tôi muốn đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… của VOV luôn luôn sẵn sàng tâm thế phụng sự, dấn thân, gắn bó mật thiết với mọi sự kiện hệ trọng của đất nước, của dân tộc.

Những người làm báo và các kênh, báo của VOV phải có mặt ở những điểm nóng, những thời điểm lịch sử quan trọng để làm tốt chức năng thư ký của thời cuộc. Đây cũng là nhiệm vụ, sứ mệnh của báo chí nói chung và của Đài Tiếng Nói Việt Nam nói riêng, một cơ quan báo chí hình thành và phát triển cùng với chế độ. (Đài Tiếng nói Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập ngày 7/9/1945). Chúng tôi cũng mong muốn có thêm nhiều tác phẩm báo chí chân thật hơn, sống động hơn, xứng đáng với giai đoạn lịch sử này của đất nước chúng ta. Với cá nhân tôi và các đồng nghiệp, việc xuất hiện ở trong những tình huống như vậy là trách nhiệm nghề nghiệp, ở mức độ nào đó cũng là “cơ may” của nghề này, cho dù hiểm nguy, rủi ro là có thật.

+ Sự xung kích, tiên phong của đội ngũ người làm báo trong đại dịch là cách để VOV chứng tỏ vai trò của một cơ quan báo chí chủ lực quốc gia, cung cấp thông tin một cách chính thống, tin cậy, trách nhiệm, nhân văn và định hướng dư luận xã hội, phải vậy không thưa ông?

- Tôi xin nhấn mạnh, việc tường thuật cho công chúng ở vị trí trực tiếp sự kiện, trong trái tim sự kiện, nhìn nhận, quan sát sự kiện bằng chính cảm nhận của nhà báo khác hẳn việc chúng ta cùng nhau phát một nội dung thông cáo báo chí, với những con số đơn thuần, lâu dần sẽ thành quen thuộc, nhàm chán. Tôi rất khâm phục các đồng nghiệp của mình, những nhà báo VOV còn rất trẻ, họ không quản ngại hiểm nguy, đã có mặt ở những điểm nguy hiểm nhất, trong các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức tích cực… hàng giờ đồng hồ để chứng kiến cuộc chiến sinh tử bảo vệ tính mạng sức khỏe của các bệnh nhân, sự vất vả ngoài sức tưởng tượng của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu, những đau thương mất mát do dịch bệnh gây ra mà chỉ những con số chúng ta nghe, đọc hằng ngày không nói được hết…

Đúng như kỳ vọng của chúng tôi, những câu chuyện thực tế mà các phóng viên chuyển tải, những con người bình dị đang trực tiếp dấn thân, cống hiến, đồng cảm, đồng hành với đồng bào, với TP. Hồ Chí Minh xuất hiện trên các kênh phát thanh, truyền hình, điện tử… đã góp phần mang đến những thông tin trung thực, sống động, rất thật về đại dịch. Công việc của đội ngũ truyền thông, báo chí cả nước, trong đó có VOV, đã và đang đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong công cuộc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, thông tin lại đa dạng, đa diện, đa chiều, nhiều nguồn, báo chí chính thống không còn độc tôn như trước, muốn giữ vai trò định hướng dẫn dắt dư luận, chúng ta cần thay đổi cách thức làm việc, tư duy về công việc, tư duy quản trị, quản lý, chỉ đạo báo chí. Tôi cho rằng muốn dẫn dắt định hướng được dư luận, trước hết báo chí phải phản ánh được sự thật khách quan, phải đảm bảo được tốc độ thông tin và tính chuyên nghiệp. Tóm lại, báo chí chính thống phải thực hiện được chức năng cơ bản là phản ánh sự thật có kiểm chứng, giúp công chúng hiểu được bản chất các sự kiện, dự đoán được chiều hướng sự phát triển của sự kiện.

Với đại dịch đang diễn ra, nguồn tin chính thức, chính thống, kịp thời, phong phú đa dạng của các cơ quan báo chí vẫn là nguồn thông tin chủ lưu, giữ vai trò dẫn dắt, với điều kiện phải đi trước một bước, chủ động và có trách nhiệm. Với VOV, ngoài những nền tảng phân phối nội dung truyền thống, chúng tôi tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng phổ biến nhất… để phân phối các nội dung chính thức về dịch bệnh. Khi thông tin của báo chí chủ động tìm đến công chúng trên nhiều kênh sẽ góp phần đẩy lùi những thông tin tiêu cực, thiếu chính xác, gây hoang mang dư luận.

+ Nhìn rộng hơn, không chỉ ở đại dịch, VOV – Đài Phát thanh Quốc gia đã gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng như thế nào? Ngoài giá trị cốt lõi chung, VOV có những giá trị cốt lõi “riêng” nào trong sứ mệnh của mình, thưa ông?

- Đài Tiếng nói Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, chỉ năm ngày sau Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hơn 76 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đồng hành với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, của đất nước. Số phận, sứ mệnh của Đài gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng của đất nước do Đảng lãnh đạo. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là kênh phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, phản ánh được những yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, hội nhập phát triển, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và vì hạnh phúc của người dân.

Chúng tôi may mắn, vinh dự và tự hào với lời xướng “Đây là Tiếng nói Việt Nam”. Lời xướng trang nghiêm, nhiều ý nghĩa và tên gọi không cơ quan báo chí nào có được vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm nặng nề đối với nhiều thế hệ cán bộ phóng viên biên tập viên, kỹ thuật viên, văn nghệ sĩ của Đài, nhắc nhở chúng tôi phải làm như thế nào để xứng đáng. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng VOV thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, chuyên nghiệp hiện đại, xứng đáng là cơ quan báo chí chủ lực của đất nước. VOV đã phát triển mọi loại hình báo chí, trên nhiều nền tảng, nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy vậy, Tiếng nói Việt Nam vừa là tên gọi vừa có thể coi là slogan chi phối, dẫn dắt sự phát triển mọi hoạt động của chúng tôi.

+ Vẫn có những trăn trở về câu chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh” hay sức ỳ của sự đổi mới báo chí... Từ kinh nghiệm cá nhân, ông tâm đắc nhất điều gì? Các cơ quan báo chí cần làm gì trên hành trình gìn giữ giá trị cốt lõi?

- Sức ỳ bắt nguồn từ cơ chế bao cấp, tâm lý cầu an, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của không ít phóng viên biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí nói chung. Những tiêu cực đây đó trong làng báo mà chúng ta gặp là nỗi buồn của những người làm báo có trách nhiệm, của các nhà quản lý, nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận như một hiện tượng xã hội. Nghề báo không hoàn hảo, làng báo cũng như các ngành nghề khác, luôn có những điều tích cực, chủ đạo chi phối, nhưng sẽ luôn có những cá nhân cá biệt tha hoá, tiêu cực bị xử lý.

Chúng ta có thể làm cho cái tích cực giữ vai trò chủ đạo, áp đảo bằng đổi mới cơ chế chính sách quản lý báo chí, quản trị các tòa soạn, bằng quy trình nghiệp vụ nghiêm ngặt, bằng sự nghiêm ngắn của người đứng đầu. Những người làm báo có khát vọng, có trách nhiệm, có năng lực đổi mới và chính trực sẽ là những nhân tố chủ đạo góp phần xây dựng được những cơ quan báo chí có uy tín, sắc bén, được tín nhiệm, tin tưởng.

+ Giữ được giá trị cốt lõi cũng là giữ được niềm tin nơi công chúng. Điều đó cũng là yếu tố sống còn của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhưng không thể phủ nhận rằng, những sức ép mà báo chí đang phải đối mặt đã khiến cho hành trình “nuôi dưỡng, vun đắp” giá trị cốt lõi ấy gian nan, khó khăn hơn. Trong bối cảnh ấy, VOV sẽ làm gì để hành trình ấy không ngừng nghỉ, thưa ông?

- Trong những năm gần đây, không kể đến tác động rất tiêu cực của đại dịch đến phát triển kinh tế xã hội, thì hoạt động của các cơ quan báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn. Báo chí không chỉ bị cạnh tranh khốc liệt về nội dung và công chúng từ các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, mà còn bị chia sẻ thị phần rất lớn một cách bất công bằng từ các nền tảng này. Vấn đề bản quyền nội dung, vấn đề kiểm soát việc kinh doanh của các nền tảng công nghệ xuyên quốc gia… đều đang có những vấn đề không ổn, gây bất lợi rất lớn cho các cơ quan báo chí trong nước. Thu nhập từ hoạt động quảng cáo, các hoạt động kinh tế báo chí khác của đa số các cơ quan báo chí đang có xu hướng giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Bên cạnh đó là xu hướng phát triển quá nhanh về công nghệ cũng khiến cho nhiều cơ quan báo chí chới với, tụt hậu. Đời sống của cán bộ nhân viên nhiều cơ quan đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức, có thể nói là chưa từng có. Để cho đội ngũ báo chí chính thống phát triển, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, có rất nhiều vấn đề đặt ra. Quan trọng nhất là ưu tiên phát triển của Nhà nước, thể hiện qua cơ chế đầu tư, khung khổ pháp luật, chính sách quản lý báo chí, các ưu tiên ưu đãi về thuế, về đầu tư phát triển, công nghệ, về nhân sự… Nhiều lĩnh vực đang cần được quan tâm điều chỉnh kịp thời. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chia sẻ khó khăn chung mà bất kỳ cơ quan báo chí nào cũng đang đối diện lúc này.

Để tiếp tục phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, chúng tôi đang nỗ lực đổi mới về nội dung, về cơ chế quản trị nội bộ, về khoa học công nghệ, với mục tiêu duy trì và gia tăng công chúng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng & Chính phủ, chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam thành cơ quan truyền thông đa phương tiện chuyên nghiệp, hiện đại theo quy hoạch báo chí nói chung. Chúng tôi tin rằng khi đề án này được thông qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ ngành và sự tin tưởng, yêu mến của công chúng, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ có thêm nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển, xứng đáng là một trong những cơ quan báo chí hàng đầu.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!


Thứ Hai, 15:04, 07/02/2022