Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV ngày 20/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng kỳ họp mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp của hoạt động Quốc hội. Tuy vậy, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.

Kết quả các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hàng loạt hoạt động của các cơ quan của Quốc hội trong năm 2021 đã cho thấy quyết tâm đổi mới, chủ động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh tinh thần trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẳng định, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm mọi quyết sách đều vì quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 161/2021/QH14, trong đó có nội dung xây dựng và triển khai đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội được tiến hành đồng thời trên cả 3 lĩnh vực hiến định là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia cũng như của công tác ngoại giao nghị viện.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, Quốc hội đã tiến hành điều chỉnh nội quy kỳ họp, linh hoạt trong tổ chức, điều hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo, được Quốc hội đồng ý thử nghiệm và đã thực hiện thành công việc họp trực tuyến bao gồm cả việc chia tổ thảo luận. Tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) vừa qua, Quốc hội đã chia làm 72 tổ, trong đó có 10 tổ ở Nhà Quốc hội, 62 tổ ở 62 tỉnh, thành phố - trừ Hà Nội họp tại Nhà Quốc hội. Khi thảo luận tổ ở địa phương, đại diện các sở, ngành có thể tham dự và cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội.

Vì vậy, cử tri và nhân dân đánh giá kỳ họp vừa rồi thể hiện Quốc hội ngày càng gần dân hơn. Nhờ cải tiến này, hoạt động thảo luận tại tổ chưa bao giờ có nhiều ý kiến như vậy, chỉ trong 8 phiên thảo luận tổ mà đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu.

Trên cơ sở đó, ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp báo cáo giải trình sơ bộ. Nhờ vậy, hoạt động thảo luận tại hội trường chỉ còn tập trung vào các nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau, qua đó góp phần rút ngắn được thời gian họp.

Một nội dung cải tiến khác là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình và Quốc hội đã đồng ý cho áp dụng hệ thống biểu quyết trực tuyến bằng hệ thống điện tử được cài đặt trên Ipad của đại biểu.

Chính việc mạnh dạn áp dụng một số đổi mới, cải tiến, Quốc hội đã dần thay đổi phương thức làm việc một cách linh hoạt, hiệu quả, không chỉ thích ứng tình hình dịch bệnh trước mắt mà có thể đáp ứng yêu cầu lâu dài, phù hợp với một Quốc hội điện tử. Đặc biệt, phiên chất vấn và trả lời chất vấn có sự kết hợp cả hai hình thức chất vấn trực tiếp và chất vấn trực tuyến. Nghị trường vẫn “nóng” dù họp online khi nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng đường truyền, thiết bị đảm bảo. Qua đó cho thấy Quốc hội luôn bắt nhịp hơi thở cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.

8 phiên thảo luận tổ mà đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu (Ảnh: Quốc hội)

Nhìn lại năm đầu tiên của Quốc hội khóa XV có thể nhận thấy một thông điệp cũng như hành động mạnh mẽ, xuyên suốt là “chủ động từ sớm, từ xa” và như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, không để xảy ra tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người". Chính điều đó giúp công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình, sang chủ động dẫn dắt thực hiện quyền lập pháp, kiểm soát quy trình lập pháp. Đây cũng chính là cơ sở để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW và định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó nêu rõ 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần được thực hiện. Công tác lập pháp bám sát yêu cầu được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, có tuổi thọ cao, đảm bảo khả thi, đi vào cuộc sống.

Đại biểu chất vấn các nhóm vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực (Ảnh Quốc hội)

Chính vì vậy, các dự án luật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Quốc hội khoá XV phải phấn đấu để đạt được những yêu cầu rất cao, phải có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nói riêng.

Kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ mới, Quốc hội đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề. Đây là kỳ họp đặc biệt, kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ, diễn ra ở thời điểm khi mà dịch bệnh COVID-19 bùng phát với chủng Delta vô cùng nguy hiểm. Vượt lên mọi khó khăn, đại biểu Quốc hội đều có mặt ở Hội trường Diên Hồng để chung tay đưa ra các quyết định quan trọng cho cả nhiệm kỳ. Và như nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ, có thể gọi kỳ họp này là kỳ họp lịch sử trong một giai đoạn lịch sử của đất nước, Quốc hội tạo ra những khuôn khổ pháp lý trước mắt và dài hạn cho cả nhiệm kỳ 5 năm.

Kết quả của Kỳ họp thứ 2 chứng minh điều trên khi Quốc hội hoàn thành đúng tiến độ toàn bộ nội dung chương trình với không ít dấu ấn khi thông qua 2 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến đối với 5 dự án luật cũng như quyết định hàng loạt vấn đề quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Không nặng về “Xuân – Thu nhị kỳ”, Quốc hội sẵn sàng họp, xem xét những vấn đề cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra từ 4 - 11/1/2022) càng cho thấy điều đó. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chủ động giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhất trí thông qua 4 nội dung cơ bản để trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong đó có dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Và để hoạt động hiệu quả, điều quan trọng nữa là sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, thể hiện qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị xác đáng của cử tri và nhân dân. Một ví dụ sinh động cho điều này là công tác dân nguyện trước đây chỉ báo cáo tại kỳ họp của Quốc hội mỗi năm hai lần thì hiện nay đã được báo cáo hằng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan khối nội chính, tạo ra sự chuyển biến rất tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Một trong những quyết định trọng nhất của Quốc hội trong năm 2021 chính là việc thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, ngày 28/7/2021, trong đó Quốc hội đồng ý trao một số quyền cho Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào từng nhiệm vụ cụ thể sẽ cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết nhanh những vấn đề có thể chưa có quy định của luật, nhưng cần thiết để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.

Việc bổ sung ngay vào chương trình kỳ họp để xem xét trao một số quyền “đặc biệt, đặc thù, đặc cách” nhằm tăng tính chủ động cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19 cũng như rút ngắn 3 ngày làm việc so với chương trình đã được thông qua vào đầu kỳ họp là điều chưa từng có trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Điều đó mang ý nghĩa chính trị, pháp lý cao, thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch bệnh, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhận được sự đánh giá cao của các cấp, ngành, cử tri cả nước và dư luận trong Liên minh nghị viện các nước ASEAN.

Điểm đặc biệt là chỉ 2 ngày sau khi có đề xuất, các cơ quan của Quốc hội đã hoàn thành dự thảo nghị quyết chung của kỳ họp để trình ra Quốc hội. Đây là thời gian được đánh giá là kỷ lục so với nội dung này. Để làm được điều đặc biệt đó, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc xuyên ngày đêm, có những lúc báo cáo thẩm tra được hoàn thành vào lúc nửa đêm để kịp phục vụ trong Quốc hội.

"Quốc hội tăng cường sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt, làm việc ngoài giờ, làm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Riêng đối với cơ quan của Quốc hội, làm xuyên đêm” - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ. Đây là những biểu tượng rất quan trọng của một Quốc hội đổi mới, Quốc hội vì dân và một Quốc hội linh hoạt, sáng tạo trong bối cảnh khăn.

Còn nhớ, ngay sau khi Nghị quyết số 30 được ban hành, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực vào cuộc để xử lý các yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch theo yêu cầu. 9 ngày sau, chiều 6/8, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập Ủy ban Thường vụ họp bất thường cho ý kiến về các quy định khác luật trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay tối hôm đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268 cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 86 trên cơ sở được thực hiện 4 quy định khác luật, kịp thời triển khai các nhiệm vụ cấp bách, mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch Covid-19.

Và chỉ hơn 1 tháng sau, Chủ tịch Quốc hội lại chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ để đưa ra những chính sách chưa từng có liên quan đến phòng chống dịch khi cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt, khác với quy định của luật hiện hành, tập trung vào việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn như miễn, giảm thuế với tổng mức khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng; cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương để ưu tiên sử dụng cho phòng, chống dịch Covid-19; chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những phiên họp khẩn, những nghị quyết chưa có tiền lệ ra đời bất kể ngày đêm là động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu cấp bách. Đó chính là tinh thần đổi mới của một quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Có thể nói, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bắt đầu trong một hoàn cảnh đặc biệt đầy thách thức. Tuy nhiên, những dấu ấn đổi mới ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV không chỉ khơi dậy niềm tin về một nhiệm kỳ thành công của Quốc hội Việt Nam mà với những bước đi mạnh mẽ trong thực hiện những chức năng hiến định, Quốc hội khóa XV được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ và bền vững./.

Ngoại giao vaccine

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cuộc hội đàm hay tại các phiên thảo luận cấp cao nhiều lần đề cập tới vấn đề hợp tác trong phòng, chống COVID-19, hỗ trợ vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam. Với chuyến công du châu Âu từ ngày 5-11/9/2021, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng mang về tin vui khi đối tác hỗ trợ 200.000 liều vaccine và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vaccine. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ các trang thiết bị và vật tư y tế với tổng trị giá trên 1.028 tỷ đồng./.

Thứ Tư, 06:00, 29/12/2021