Sau 20 năm được ban hành, đến nay, Luật Biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội đối với công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia.
Luật Biên giới quốc gia khẳng định biên giới quốc gia Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Sự ra đời của Luật đã thể chế đầy đủ, toàn diện các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.
Luật Biên giới quốc gia đã pháp điển hóa các văn bản pháp lý và Điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ; là cơ sở cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch xây dựng, phát triển khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đặc biệt trong đầu tư xây dựng công trình biên giới, mốc quốc giới để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Luật cũng xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; trong đó xác định rõ bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới (khoản 2 Điều 31).
Hiện nay, cùng với Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia đã tạo cơ sở pháp lý rất vững chắc, đầy đủ để các cấp, các ngành, các lực lượng huy động nguồn lực của Nhà nước, xã hội trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới ngày càng vững mạnh; góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến – Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng cho biết: “Có thể khẳng định việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Biên giới quốc gia đã tạo động lực phát triển mới trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, làm cho biên giới giàu mạnh, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng được cải thiện; tạo tiềm lực về chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ Biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Sau 20 năm thi hành Luật Biên giới quốc gia, giá trị về pháp lý và những thành tựu thực tiễn của Luật là rất lớn.
Trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cùng với các hiệp định, thỏa thuận về biên giới, lãnh thổ, vùng biển, quản lý biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu giữa Việt Nam và các nước láng giềng được ký kết đầy đủ và hợp tác toàn diện; hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia, biên phòng được ban hành kịp thời, đồng bộ, khép kín đã phát triển tiềm lực quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trên tuyến biên giới đất liền, đã ký kết 7 văn kiện pháp lý về biên giới, phân giới cắm mốc được hơn 5.000 cột mốc, cọc dấu. Là cơ sở pháp lý để bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng tổ chức duy trì kiểm tra, kiểm soát tại hơn 200 cửa khẩu, lối mở, đường qua lại trên biên giới đất liền và cảng biển; kiểm tra, kiểm soát gần 800 triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu; kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục và đảm bảo an ninh, an toàn cho khoản 15 triệu lượt người xuất, nhập cảnh.
Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng đã tổ chức nắm chắc tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển, tình hình nội, ngoại biên, âm mưu ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại đối tượng, tội phạm; qua đó kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra chủ trương, đối sách đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, phương thức hoạt động, ý đồ chống phá cách mạng Việt Nam, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, góp phần giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự ở khu vực biên giới, vùng biển.
Kết quả sau hơn 20 năm thi hành Luật Biên giới quốc gia, bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý gần 60.000 vụ/ hơn 100.000 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia; hơn 115.000 vụ/hơn 200.000 đối tượng hình sự; xử lý vi phạm hành chính hơn 140.000 vụ/ hơn 250.000 đối tượng với tổng số tiền phạt hơn 200 tỷ đồng.
Trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, trên cơ sở Luật Biên giới quốc gia, Nhà nước đã tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực, sức mạnh để phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội, thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền; qua đó tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Đến nay cả nước đã thành lập 15 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu trên biên giới đất liền; có 267 cụm công nghiệp hoạt động ở khu vực biên giới, chiếm 36,6% cụm công nghiệp đang hoạt động trên cả nước; các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo tại các khu vực biên giới đã đóng góp đến 44% tổng sản lượng điện toàn quốc, góp phần củng cố an ninh năng lượng, bảo đảm sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới được củng cố và giữ vững.
Cùng với việc đầu tư phát triển công nghiệp, Đảng, Nhà nước, địa phương biên giới triển khai gần 300 dự án, chương trình phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, xây dựng hơn 200 mô hình giúp dân phát triển kinh tế; phát triển nông thôn mới, xóa nghèo bền vững; thu hẹp chênh lệch vùng miền; đến nay, với hơn 2 triệu hộ/hơn 9 triệu khẩu, đã có 100% các xã, phường, thị trấn biên giới có đường ô tô đến trung tâm và có điện lưới quốc gia, 95% thôn bản được phủ sóng điện thoại di động 94% số hộ thoát nghèo; 95% số hộ thoát cận nghèo.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, bộ đội biên phòng còn tập trung xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, nhất là sức mạnh của quần chúng nhân dân khu vực biên giới trong tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Triển khai nội dung trên, hiện nay hơn 10 đề án, dự án trọng điểm đang được triển khai thực hiện ở khu vực biên giới và đang xin chủ trương đầu tư 05 đề án, dự án; đồng thời, các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng còn đang triển khai thực hiện 19 phong trào, mô hình, chương trình tiêu biểu góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của các dân tộc, quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới trong bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, bảo đảm giữ vững sự ổn định của biên giới và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho phát triển đất nước, Việt Nam cần tăng cường phát huy trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác biên giới lãnh thổ của các cấp, các ngành, các lực lượng và chính quyền địa phương có biên giới để tạo sức mạnh tổng hợp, lâu dài, bền vững trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Thứ hai, cần tiếp tục tổ chức xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia gắn với các chương trình, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu tiên, ưu đãi tạo điều kiện cho khu vực biên giới phát triển; quan tâm xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới.
Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phối hợp với các lực lượng, các cấp, các ngành tăng cường quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biên phòng với các nước láng giềng; nhân rộng mô hình kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị và nhân dân hai bên biên giới; triển khai có hiệu quả mô hình hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam với lực lượng hữu quan của các nước láng giềng.
Thứ tư là thường xuyên triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý biên giới, tập huấn nâng cao nhận thức cho lực lượng quản lý biên giới và cư dân biên giới trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo các điều ước quốc tế và pháp luật hiện hành của Việt Nam. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đối với đội ngũ cán bộ làm công tác biên giới lãnh thổ; triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các văn kiện pháp lý, thỏa thuận song phương về công tác quản lý biên giới.
Thứ năm, cần tích cực đẩy mạnh công tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới trong thời gian tới, theo đó, cần làm tốt một số nội dung như:
Thực hiện nghiêm túc các văn kiện pháp lý và thỏa thuận song phương về biên giới trên đất liền đã được ký kết; phát huy hiệu quả các cơ chế phối hợp quản lý biên giới; kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh trên biên giới; ứng phó hiệu quả, sáng tạo, linh hoạt với những vấn đề, thách thức mới nổi tại khu vực biên giới; đẩy mạnh hơn nữa giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương biên giới của ta với các địa phương các nước láng giềng tiếp giáp. Từng bước đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình biên giới phục vụ công tác quản lý bảo vệ biên giới; hiện đại hóa công tác quản lý biên giới trong tình hình mới.
Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cửa khẩu nhằm nâng cao năng lực và nhu cầu giao thương của các địa phương trong cả nước. Quy hoạch, đầu tư các tuyến đường giao thông (cao tốc) liên vùng, kết nối đến các cửa khẩu quan trọng. Trên cơ sở nhu cầu phát triển của nước ta và các nước láng giềng, tiếp tục nghiên cứu, triển khai mở mới và nâng cấp các cặp cửa khẩu biên giới đất liền.
Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới, trong đó tập trung vào các chính sách thúc đẩy kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch...
Tăng cường công tác quảng bá, thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực có ưu thế tại khu vực biên giới như gia công chế biến nông - lâm sản, dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng thương mại biên giới, du lịch biên giới…, phù hợp với điều kiện tự nhiên và chiến lược phát triển chung của đất nước; phát huy hiệu quả vai trò của các khu kinh tế cửa khẩu.
Tựu chung lại, có thể thấy rằng biên giới, lãnh thổ luôn gắn liền với lòng tự hào, tâm lý, tình cảm dân tộc, do đó, quá trình giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ thường phải kéo dài, trải qua với nhiều cuộc đàm phán ở các cấp khác nhau. Vì vậy, trong việc giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ, cần tránh tư tưởng nóng vội, muốn đạt kết quả sớm, tuy nhiên cũng không được bỏ qua thời cơ giải quyết vấn đề. Trong đàm phán cần kiên trì thúc đẩy các điểm tương đồng và thu hẹp những điểm khác biệt, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng, phù hợp luật pháp quốc tế trong quá trình giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.
Việc đề xuất phương án cũng như tiến hành giải quyết các bất đồng về biên giới lãnh thổ cần có sự đồng lòng, nhất trí và phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, có sự ủng hộ tích cực của nhân dân khu vực biên giới. Nói một cách ngắn gọn là cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của đất nước.
Trên cơ sở các bài học và kinh nghiệm vừa qua, Việt Nam cần tiếp tục định hướng, hoàn thiện pháp luật về biên giới lãnh thổ nhằm khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế tại khu vực biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển để điều chỉnh và có những giải pháp phù hợp với thực tế.
Tác giả: Hùng Cường, Lê Hoàng, Kiều Anh
Ảnh: Ủy ban Biên giới Quốc gia