Trao đổi với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3) vào đầu tháng 11 năm 2024, Tổng Bí thư khẳng định, những thành tựu quan trọng thời gian qua đã củng cố thêm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước qua 40 năm đổi mới, tạo nên diện mạo mới, thế và lực mới để chúng ta có thể tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình trong thời gian tới.

“Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây chính là ước nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời và mục tiêu của chúng ta phải hướng tới", Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết.

Và ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là từ Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Do đó, phải có kế hoạch dài hạn trong 5 năm cần làm gì, 10 năm tới ra sao để đạt được mục tiêu đã đề ra. Bởi thế giới đang thay đổi liên tục, chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới. Nhìn chung thành tựu chung đạt được là rất lớn, chúng ta ngày càng có kinh nghiệm, hướng vào sản xuất, kinh doanh với những con số rất đáng mừng, “nhưng nhìn vào thực chất cũng rất lo”, bởi đất nước chưa thực sự phát triển đủ nhanh và bền vững. Trên diễn đàn Quốc hội, dẫn thực trạng về lãng phí, nhất là hàng loạt dự án, công trình bỏ hoang, đầu tư rồi hàng chục năm không đưa vào hoạt động, nhiều chương trình mục tiêu khó về đích do còn có những vướng mắc, ông đặt vấn đề: “Vướng chỗ nào thì tháo gỡ đi, phải có người chịu trách nhiệm. Sao thấy vướng mà cứ để làm khó mình đến thế! Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ. Phải phối hợp, không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau được”.

Đất nước sẽ đạt được mục tiêu và sẽ tiếp tục hoàn thiện được thể chế có những đòn bẩy kinh tế, tạo cảm hứng cho phát triển. Ảnh: Quốc hội

Tổng Bí thư cũng phân tích, nhìn lại chặng đường vừa qua đất nước đạt được nhiều thành tựu rất lớn, song nhìn ra thế giới mới thấy sốt ruột vì họ phát triển rất nhanh. Chúng ta cần nhìn vào những tấm gương đó để phấn đấu, mà vươn mình lên. Ai cũng nhìn thấy, mục tiêu đã rõ, chỉ tiêu thống thất, bàn nhau đồng thuận rồi thì phải cụ thể mỗi mốc đạt được cái gì, tạo tiền đề, nền tảng phát triển tốt hơn. Và một trong những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, trong đó giải pháp là đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp.

 Trước mắt, tập trung khắc phục những "điểm nghẽn" về thể chế hiện tại, đồng thời cũng phải tăng tốc hơn nữa trong xây dựng thể chế cho những lĩnh vực mới, xu hướng mới. “Người đứng đầu Đảng ta nói thế là có chiều rất sâu, là nhấn mạnh phát triển bền vững” – Đại biểu Nguyễn Quang Huân chia sẻ. Bởi theo ông, kinh tế nước ta vẫn đang được dẫn dắt bởi đầu tư nước ngoài FDI; các ngành mũi nhọn để “vươn mình” vẫn chưa được khai thông, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại vẫn chưa đạt được như mong muốn; chuyển dịch năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn chậm; trong số 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có đến 37,6 triệu người không qua đào tạo dẫn đến năng suất lao động không cao…

“Một ngành kinh tế số có thể đóng góp tới 20% GDP, là động lực chính để bước vào kỷ nguyên mới là đúng, nhưng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng phải chạy. Để làm được điều đó thì lực lượng lao động phải tốt, phải được đào tạo. Rất rõ ràng phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm và phải thay đổi từ thể chế, vì phát triển một ngành nào đó phải có chính sách”, ông Nguyễn Quang Huân nói.

Ảnh: Lê Hải Sơn, KT

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào trung tuần tháng 10 năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Báo cáo Chính trị ở Đại hội XIV sẽ có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là thông điệp rõ, ngắn gọn trong từng nội dung của định hướng chiến lược. Bên cạnh đó còn có những nội dung mà trước đây Văn kiện Đại hội XIII chỉ đề cập một câu, nay dành hẳn một vấn đề, đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Điều đó cho thấy cải cách, hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước và Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng vì thông qua các chức năng hiến định để từng bước tạo lập các cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc cho công cuộc phát triển đất nước. Những nhiệm vụ Đảng giao cho Quốc hội cũng như sự kỳ vọng của nhân dân đối với Quốc hội ngày càng lớn hơn, đòi hỏi quyết sách của Quốc hội kịp thời thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các quy định của pháp luật; tạo động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Nhìn lại gần một nhiệm kỳ qua, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đồng tình với đánh giá đất nước đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thế giới, tạo ra nền tảng rất quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong những năm qua được tăng cường đầu tư đồng bộ, tiêu biểu là nhiều tuyến đường bộ cao tốc, vành đai được triển khai, đưa vào sử dụng; hay đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối được đánh giá là biểu tượng của sức mạnh niềm tin và sự đoàn kết của Việt Nam ...

Ông nhấn mạnh để phát triển phải có nền móng là thể chế và Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thời gian qua. Quốc hội sẵn sàng họp bất thường, làm việc cả ngày nghỉ, các cơ quan của Quốc hội thậm chí làm việc cả buổi tối để quyết đáp kịp thời các vấn đề cấp bách cũng như chiến lược đặt được đặt ra. Trong tình hình mới, “điểm nghẽn” thể chế đã thấy và tiếp tục được xử lý để hoàn thiện các dự án luật được đặt lên bàn nghị sự. Thể chế sẽ tháo bung được nguồn năng lượng còn bị đậy lại, còn bị bế tắc, và đó là cơ sở nền móng để có thể tăng tốc, bứt phá.

“Như nhiều dự án có sẵn 90% rồi, chỉ cần thêm 10% của thể chế tháo gỡ thì hoàn thành, qua đó huy động hiệu quả nguồn lực. Hay nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư hiện có rất nhiều nhưng vẫn nằm đó, tại sao không đưa vào sử dụng? Tháo gỡ cái đó vừa chống lãng phí, vừa khai thác được nguồn lực rất lớn! Tôi rất tự tin kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng tốc phát triển, đúng như Tổng Bí thư nhận định là đủ cơ sở để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình”, ông Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Việt Nam nỗ lực thực hiện thành công hai mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và 2045 gắn với kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Để đạt mục tiêu, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân phân tích, quy mô nền kinh tế năm 2045 phải gấp 3 lần năm 2025 (IMF dự báo năm 2024 đạt khoảng 465,8 tỷ USD). Trung bình tăng trưởng 7% thì sau 10 năm quy mô nền kinh tế mới gấp đôi, tức vào 2035 đạt gần 1000 tỷ USD. Giai đoạn 10 năm tiếp theo sau đó, khi đó nền kinh tế lớn hơn, mức tăng trưởng có thể thấp đi, nên mục tiêu lên 1.500 tỷ USD cũng là hợp lý. Mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được nhưng phải có chính sách phù hợp và phải tháo gỡ ngay từ thể chế.

“Chúng ta không thể nhìn câu chuyện năm nay đạt 7% thì sang năm sẽ đạt 7%, vì năm nay khơi thông điểm này nhưng sang năm có khi lại nghẽn chỗ khác, rồi thiên tai, dịch bệnh không lường trước được. Thực sự vào kỷ nguyên vươn mình thì chuyển đổi số phải là mũi nhọn; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phải là song hành; phải có cơ cấu chuyển dịch lao động chứ không thể để lao động không được đào tạo cao như thế… ”, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh và tin rằng trách nhiệm hoàn thiện thể chế sẽ tiếp tục được tăng cường, song “hành pháp cũng phải quyết tâm để luật được thực hiện nghiêm minh”.

Ảnh: Lê Hải Sơn

Ở góc độ khác, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường lưu ý, đất nước muốn vươn mình thì yếu tố con người rất quan trọng vì là nguồn lực, là động lực. Con người mới có thể tạo ra, huy động được tối đa năng lực, sức mạnh. Nếu không có sự đổi mới về khoa học công nghệ, không có đầu óc để ứng dụng và không có người lao động đủ khả năng để làm việc thì không thể đột phá. Và để nguồn lực con người được khơi thông thì tiên phong phải là cơ chế tháo gỡ cho chính những nhà quản lý.

“Đặc biệt, chúng ta cần khuyến khích đội ngũ cán bộ vì nếu không phát huy được khả năng dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo thì không có được cơ chế mới, từ đó không thể có được sự bứt phá. Nhìn vào lịch sử đất nước từ trước tới nay, mỗi một lần đổi mới, bứt phá đều là sự thay đổi từ cơ chế và đều do nhà quản lý dám “bung ra”, ông Hoàng Văn Cường nói.

Còn theo bà Vũ Thị Lưu Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đổi mới là yêu cầu tất yếu và “cuộc sống là dòng chảy bất tận và không bao giờ dừng lại. Đổi mới ở khía cạnh nào, màu sắc nào, cho dù là Quốc hội hay Chính phủ thì chúng ta có quyền tin rằng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đất nước sẽ đạt được mục tiêu và sẽ tiếp tục hoàn thiện được thể chế có những đòn bẩy kinh tế, tạo cảm hứng cho phát triển và cũng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân”.

Thực tiễn sinh động đã chứng minh sức mạnh đồng thuận nơi Hội trường Diên Hồng thể hiện rõ nét qua các quyết sách có tính lịch sử của Quốc hội, góp phần đưa đất nước kiên cường vượt qua những giai đoạn đầy cam go, thử thách. Chính vì vậy, dù hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ quan trọng, luôn là một quá trình đầy khó khăn và thách thức, nhất là yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật phải kịp thời, nhưng với truyền thống vẻ vang, Quốc hội sẽ hoàn thành trọng trách kiến tạo thể chế phát triển để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ: “Nhân dân tin tưởng, Quốc hội phải làm việc hết sức mình”./.

Thứ Bảy, 07:00, 16/11/2024