Giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện, bao gồm cả kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân mà còn kiến nghị các giải pháp cụ thể, sát thực. Với sự chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa; cách làm khoa học, trách nhiệm, báo cáo giám sát phác họa rõ nét hàng loạt vấn đề không thể làm ngơ.
Ngay từ đầu, sau khi Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội rất rõ ràng: Giám sát trọng tâm tâm, trọng điểm, chỉ rõ địa chỉ, phản ánh “con số biết nói”, “nói có sách, mách có chứng” và sàng lọc, lựa chọn tạo danh mục một loạt vụ việc lớn vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cảnh tỉnh, răn đe và tạo hiệu ứng xã hội. Chính vì vậy, hàng loạt câu hỏi như “Bao nhiêu dự án treo, dự án dang dở hay đầu tư xong rồi lại phơi mưa phơi nắng? Diện tích đất hoang hoá, chưa kiểm kê đo đếm, vi phạm mà chưa thu hồi là bao nhiêu? Các dự án, diện tích đó tên gì, nằm ở đâu?” dù rất khó nhưng đã được trả lời cơ bản toàn diện, thẳng thắn.
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) đánh giá, do đổi mới cách thức tổ chức và phương pháp thực hiện nên kết quả giám sát giải quyết được rất nhiều vấn đề một cách hiệu quả, thiết thực. Theo đó, ngoài việc xác định cụ thể những tồn tại, hạn chế trong ban hành chính sách pháp luật, định mức, tiêu chuẩn chế độ thì báo cáo còn chỉ rõ ra theo cách “bắt tận tay, day tận trán” và lượng hóa định mức cụ thể giá trị, khối lượng, địa chỉ những hạn chế, tồn tại, qua đó cũng khắc phục được tình trạng nêu chung. “Vì cứ nêu chung thì nhiều nội dung vấn đề đã được đánh giá, kết luận nhưng nhiều người cũng sẽ không nghĩ trong đó có bóng dáng của cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình” – ông Lê Minh Nam nói.
Báo cáo đã phác họa bức tranh khá toàn diện trên cơ sở 580 báo cáo, văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng hệ thống phụ lục kèm theo khoảng 100.000 trang tài liệu, kết quả giám sát được phản ảnh tại báo cáo đầy đủ (93 trang), 42 phụ lục, 30 báo cáo giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương với tổng số 1.685 trang. Kết quả đó được đúc rút sau các cuộc làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, cơ quan trung ương; 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và với khối cơ quan tư pháp. Sự công phu, trách nhiệm đó là cơ sở để các số liệu báo cáo trước Quốc hội và quốc dân đồng bào qua sóng phát thanh, truyền hình trở nên “biết nói”, thuyết phục.
Quốc hội ghi nhận về tổng thể, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước. Ấn tượng khi tiết kiệm chi hơn 350 nghìn tỷ đồng; việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính là “điểm cộng”.
Số liệu trong báo cáo cho thấy: 179 luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan đến THTK, CLP được Quốc hội, UBTVQH thông qua; 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương ban hành. Tổng thu và quy mô thu ngân sách Nhà nước 5 năm giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 25,3% GDP, vượt mục tiêu đề ra và gấp 1,66 lần giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ mức 22,9% tổng chi NSNN năm 2016 lên khoảng 29% năm 2020.
Bên cạnh đó giảm 13,85% số đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 10,01% biên chế công chức; giảm 11,12% viên chức so với 2015, vượt mục tiêu đề ra. Một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100.000ha đất của các dự án chậm triển khai.
Bên cạnh mặt đạt được, đoàn giám sát chỉ rõ số dự án chậm tiến độ gần như tăng dần qua các năm (năm 2016 có 1.448 dự án, năm 2017 là 1.609, năm 2018 là 1.778, năm 2019 là 1.878, năm 2020 là 1.867 và năm 2021 là 1.962). Dự án có thất thoát, lãng phí cũng được công khai tương ứng với 6 năm trên là 590, 840, 422, 125, 923 và 185. Ngoài ra, hàng nghìn dự án sử dụng vốn nhà nước phải điều chỉnh đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.
Nhận diện rõ hơn ở địa phương, báo cáo cho thấy, TP Hà Nội còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí. TP.HCM có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở. Ở các địa phương mà đoàn giám sát làm việc có hàng nghìn công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai phải hủy bỏ với tổng diện tích trên 12.015ha.
Đại biểu Quốc hội cũng không khỏi giật mình khi được biết 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng…
Điều đáng lưu ý là các thông tin, số liệu về thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo chỉ là các số liệu, ví dụ điển hình thu thập được qua kết quả giám sát trực tiếp của đoàn giám sát và báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan khối tư pháp; chưa tổng hợp được đầy đủ chi tiết thông tin, số liệu của cả nước do các bộ, ngành, địa phương báo cáo chưa đầy đủ nội dung theo yêu cầu. Dù mới chừng ấy thôi song cũng phản ánh mức độ lãng phí, thất thoát nguồn lực trên nhiều lĩnh vực, và như Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.
“Chúng ta hiệu triệu chống này, chống kia nhưng khi Quốc hội giám sát mới thấy con số lãng phí rất lớn. Ta còn buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều công trình trên tất cả lĩnh vực làm thất thu ngân sách, thấy lãng phí mà chưa chỉ ra được, xử lý được hay làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan ra sao. Kết quả giám sát cho thấy rõ, sáng ra nhiều vấn cần chấn chỉnh” – Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Quán triệt quan điểm “báo cáo rõ với nhân dân và cử tri”, Quốc hội khóa XV dành 1 ngày làm việc tại Kỳ họp thứ 4 (31/10/2022) để nghe Đoàn giám sát báo cáo và tiến hành thảo luận, với đại diện 10 đoàn của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đến dự khán và toàn bộ nội dung làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Phiên giám sát tối cao đặt ra nhiều vấn đề vang vọng nghị trường, để lại dư âm tích cực sau báo cáo chất lượng, thẳng thắn; 47 ý kiến phát biểu và tranh luận phong phú, sâu sắc, có giá trị cao cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nêu ý kiến khi đó, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, cuộc giám sát tối cao này là một cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô đối với lĩnh vực công. Đây là một cuộc giám sát khó về mặt lượng hóa, sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm. Khó khăn là vậy, nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy, sự lãng phí trong thực tế đối với cả công trình, dự án và các hoạt động cụ thể, từ việc lớn đến việc nhỏ, hầu khắp các lĩnh vực được giám sát và kể cả chưa được giám sát.
“Nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình về những thất thoát quá lớn, trong khi đất nước còn khó khăn, một bộ phận người dân còn đang nghèo khó. Những con số thực sự cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc như: giai đoạn 2016 đến 2021 có đến 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát lãng phí; 74.378,7 hecta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật và nhiều con số đáng suy ngẫm khác báo cáo giám sát chưa chỉ ra và cũng chưa khẳng định. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư công ở nước ta được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu” – ông Trần Quang Minh nói, đồng thời cho rằng ngoài chính sách pháp luật quy định thì việc tiết kiệm, chống lãng phí rất cần đến ý thức và lương tâm của người cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.
“Có một điều khiến tôi vô cùng băn khoăn, đó là tại sao hiện tượng lãng phí trong khu vực công luôn xảy ra nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư?” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đặt vấn đề. Bởi lẽ, nỗ lực là thế nhưng khu vực công vẫn còn nhiều thất thoát, lãng phí từ việc nợ đọng thuế, thất thu thuế cho đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Nữ đại biểu nhấn mạnh, dù hệ thống pháp luật có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, thành phẩm chất của mỗi cá nhân thì chừng đó việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và vẫn còn rất nhiều vi phạm.
Ở góc độ khác, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng, đằng sau những lãng phí hữu hình được chỉ ra trong báo cáo giám sát là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền. Điều mà vị đại biểu này muốn nói đến là "lãng phí trách nhiệm" khi tinh thần trách nhiệm của không ít cán bộ, công chức, viên chức do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí và từ đó gây nên những lãng phí khôn lường, không đo đếm được cho xã hội, cho đất nước.
“Khi tiêu cực, yếu kém, trì trệ trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra tiêu cực, yếu kém, trì trệ mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy” – vị đại biểu đoàn Tây Ninh khẳng định và đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để không bị “lãng phí trách nhiệm” - những tài sản, tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước.
Đánh giá Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát, tuy nhiên theo Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà), vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất lãng phí đó, giải pháp và lộ trình xử lý tiếp theo như thế nào để tránh kéo dài từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác. Điều quan trọng, cốt lõi là cần có chiến lược xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc hiệu quả dù là việc nhỏ nhất.
Bày tỏ ấn tượng báo cáo giám sát ngay câu đầu tiên dẫn chiếu nguyên nhân cho toàn bộ hạn chế đã tóm lại bằng một cụm từ rất gọn "việc chấp hành luật pháp còn chưa nghiêm", đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, với kết luận trên, cần phải có hai công đoạn nữa: Chỉ rõ ai, tổ chức nào chấp hành luật chưa nghiêm và nếu đúng thế rồi thì theo luật phải làm thế nào? Nếu chưa thực hiện được hai công đoạn này có nghĩa chúng ta có luật nhưng chưa làm theo hoặc chưa dùng đến, tức là lãng phí luật.
Phiên giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nhìn thẳng vào tồn tại hạn chế để đặt ra những vấn đề cần được quan tâm đúng mức hơn, nhất là lãng phí vô hình, khó định lượng nhưng ảnh hưởng lại rất lớn và lâu dài. Sự thẳng thắn, rõ ràng và mạnh mẽ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trên tinh thần gợi mở, đồng hành đã và đang đặt ra yêu cầu đủ mạnh để tạo chuyển biến trên thực tế./.