Điều khiến đại biểu Quốc hội và cử tri tâm đắc nhất sau cuộc giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là đã tổng hợp và chỉ ra được những công trình không hiệu quả, làm nghèo đất nước, những công trình làm chậm tiến độ hoặc những vấn đề còn những khiếm khuyết, hạn chế mà bấy lâu nay dư luận đề cập nhưng chưa được nhận diện rõ ràng. Quốc hội nêu lên và phân tích khá toàn diện các vấn đề liên quan, kèm theo đó là những con số, đúc kết mà bất cứ ai đọc tới cũng khó có thể làm ngơ.
“Chuyên đề giám sát được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào Quốc hội để tạo sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ, thiết thực, có hiệu quả sau khi giám sát. Việc tổ chức tiến hành giám sát là hết sức công phu, tỉ mỉ, bài bản, vừa mang tính khái quát cao, vừa cụ thể, chi tiết. Giám sát chuyên đề lần này đã góp phần tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” – đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) khẳng định.
Thực tế cho thấy, theo yêu cầu của đoàn giám sát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành chính sách pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành và cả trong tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của đoàn giám sát.
Có thể thấy rõ điều đó qua hành động mạnh tay dự án "treo", chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài gây nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian dài. Thực trạng lãng phí đất công không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, bức xúc trong nhân dân mà còn phát sinh những hệ lụy xấu về công tác thu hút đầu tư, trở thành rào cản, điểm nghẽn cho phát triển kinh tế của các địa phương. Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo rà soát kỹ, phân nhóm dự án, dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn.
Trung tuần tháng 7/2022, Chính phủ tiếp tục mạnh tay xử lý lãng phí đất công khi yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo”.
Từ các phương án chỉ đạo của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố đã có sự chủ động rà soát và đưa hàng loạt dự án lớn vào tầm ngắm thu hồi. Có thể kể đến tỉnh Đồng Nai thu hồi hàng chục dự án có quy mô lớn trong khu Nhơn Trạch, rồi Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Vĩnh Phúc, Quảng Trị… cũng cương quyết chấm dứt hàng chục dự án. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng đã có động thái thu hồi chủ trương đầu tư nhiều dự án chậm triển khai, nhất là các khu đô thị, khu nhà ở được phê duyệt đầu tư hàng chục năm nhưng chưa đầu tư xây dựng và công bố công khai danh sách.
Ngay trong thời gian Quốc hội tiến hành giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết quả xử lý vi phạm tại 38 tỉnh trong số 48 tỉnh có báo cáo cho thấy đã thực hiện xử lý 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9 ha. Ngoài ra, còn hủy bỏ quyết định hoặc thông báo thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư tại 100 dự án với diện tích 5.387.8 hecta, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư do chậm làm thủ tục giao đất 732 dự án với tổng diện tích 7.488 hecta.
Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 cũng được khẩn trương ban hành với hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực công đi cùng với hàng loạt giải pháp mạnh mẽ. Mục tiêu đặt ra là thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các lĩnh vực, đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngày 14/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội. Bên cạnh chú trọng xây dựng Đề án tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ, từ năm 2023, triển khai trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; báo cáo rõ kết quả rà soát, phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan.
Bên cạnh đó làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết này tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan và việc thực hiện các kiến nghị trong nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát năm 2023 và các năm tiếp theo.
Các ý kiến đều cho rằng, nếu thực hiện tốt giải pháp mà Quốc hội bàn và thống nhất, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta sẽ có chuyển biến căn bản, tạo cú hích mang tính đột phá để nâng cao chất lượng công tác này một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), chuyên đề giám sát đã chỉ rõ được tính chất nguy hiểm và mức độ lãng phí. Qua những số liệu của báo cáo giám sát, đặc biệt là những “con số biết nói” liên quan đến hàng trăm dự án, hàng trăm nghìn hecta đất, hàng chục nghìn tỷ đồng bị lãng phí tạo một cảm giác rất xót xa. Do đó, “chuyên đề giám sát này giống như một liều thuốc kháng sinh cực mạnh đặc trị để chúng ta xử lý dứt điểm”.
Báo cáo giám sát có tác động mạnh đến mức có ý kiến đề nghị chuyển các cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán, kể cả cơ quan công an để xác định rành rọt, xử lý bảo đảm có hiệu quả; đồng thời kiến nghị Quốc hội sau 2 đến 3 năm cần có một lần giám sát lại về việc thực hiện các kết luận của giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đoàn giám sát cũng nhận diện những hạn chế, vướng mắc, tồn tại đang tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát của một số lĩnh vực cụ thể cần phải tiếp tục đi sâu giám sát chuyên sâu để đề ra các giải pháp giải quyết căn cơ, cụ thể.
Chính vì vậy, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, cuộc giám sát được đánh giá rất cao và phù hợp với tình hình thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; mang lại niềm tin của người dân đối với cơ quan lập pháp và hành pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Quốc hội chỉ ra cái lãng phí, nơi nào lãng phí, lãng phí như thế nào và kiến nghị giải quyết rốt ráo. Thực tế địa phương cho thấy vừa qua có chuyển biến cả trong mua sắm tài sản công, chi thường xuyên, tinh giản biên chế và nhất là với công trình xây dựng cơ bản nhưng “đắp chiếu, trùm mền”. Tuy nhiên, theo ông, sự chuyển biến đó đến mức độ nào thì khách quan phải có đôn đốc, nhắc nhở và thực hiện hậu giám sát, tránh “giám sát xong rồi, có kiến nghị rồi thì để đó”.
“Giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội trong lĩnh vực công có sức nặng rất lớn, rất quan trọng. Quốc hội đã thấy, đã hiểu, đã biết, nắm rõ nội dung, vấn đề, lĩnh vực mà cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra lãng phí và có dấu hiệu lãng phí. Kết quả giám sát thể hiện rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Quốc hội có đủ thẩm quyền trong giám sát để trả lời cử tri, công luận rằng cơ quan lập pháp sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân về giám sát hoạt động của cơ quan công quyền trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội ban hành” – vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.
Có thể nói, cuộc giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thể hiện tinh thần đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, tiêu biểu chứng minh hiệu quả giám sát chuyên đề nói chung cần được phát huy, để lại dấu ấn của Quốc hội khóa XV. Hơn thế, các nội dung bàn thảo, quyết sách nơi nghị trường được đánh giá không chỉ có ý nghĩa quan trọng cho những năm tiếp theo mà còn cho cả nhiệm kỳ. Và không quá khi cho rằng, sức nặng từ cuộc giám sát tối cao trên sẽ còn có tác động tích cực rộng và dài hơn thế, vượt qua cả nhiệm kỳ!./.