Những thành tựu đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.
Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sẽ bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ bây giờ, toàn Đảng, toàn dân cần tập trung 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần sau thời gian lâm bệnh nặng để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho toàn Đảng, toàn dân và bạn bè quốc tế. Điếu văn tại lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Xuyên suốt trong tư tưởng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và không ngừng củng cố đoàn kết thống nhất, trước hết là đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế trong sáng”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ của người cộng sản kiên trung, trọn đời sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một tấm gương tuyệt vời về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những giá trị mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại về một hệ thống chính trị vững mạnh, niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết dân tộc sẽ mãi mãi là di sản quý báu cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đến nay, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ngày 25/11, tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; quyết tâm hoàn thành việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong Quý I năm 2025.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng đòi hỏi sự dũng cảm, hy sinh của cán bộ, công chức, viên chức, yêu cầu phải thực hiện một cách khách quan, công tâm, khoa học để chuẩn bị đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi tích cực trong năm 2024. Tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 7%, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiến sát mốc kỷ lục 800 tỷ USD, xuất siêu gần 25 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Thu hút vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, sự tăng trưởng này không chỉ là nền tảng cho sự phát triển trong năm 2025 mà còn cho thấy xu thế phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam.
Năm 2024, công tác kiện toàn nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước diễn ra với sự thống nhất cao, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả lãnh đạo và quản lý đất nước, đảm bảo sự phát triển ổn định. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII đã suy tôn, với số phiếu tuyệt đối, bầu đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước giữ chức Tổng Bí thư. Quốc hội khóa XV đã bầu Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch nước Lương Cường, cùng với đó là việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo ở Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục là trọng tâm trong năm 2024. Nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước đã bị kỷ luật, xử lý hình sự, cho thấy chủ trương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thể hiện quyết tâm xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, đổ bộ vào miền Bắc nước ta ngày 7/9/2024 với sức gió giật trên cấp 17, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bão và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng, làm 323 người chết, 22 người mất tích và 1.978 người bị thương, thiệt hại kinh tế ước tính hơn 81.700 tỷ đồng. Chính phủ đã chủ động chỉ đạo, ứng phó từ sớm, từ xa, kịp thời, quyết liệt phòng chống bão; ban hành các nghị quyết khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả, đảm bảo tái thiết cơ sở hạ tầng và ổn định đời sống người dân sau bão.
Trong thiên tai, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam lại được khơi dậy mạnh mẽ. Các hoạt động từ thiện đã lan tỏa trên toàn quốc, kịp thời giúp người dân vùng thiên tai vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Năm 2024, những dự án chiến lược về giao thông và năng lượng đã và đang tạo động lực phát triển kinh tế, đảm bảo năng lượng bền vững, khẳng định tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đến nay, hơn 2.000 km đường cao tốc đã được đưa vào sử dụng và phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025. Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã khánh thành.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thành mục tiêu cơ bản vào năm 2035. Quốc hội cũng quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với dự án sân bay Long Thành, Quốc hội đồng ý giai đoạn 1 đầu tư xây dựng hai đường cất hạ cánh ở phía Bắc và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Quốc hội khóa XV đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2024 với hàng loạt quyết sách đổi mới tư duy lập pháp và xử lý các vấn đề hệ trọng quốc gia. Với 2 kỳ họp thường kỳ và 2 kỳ họp bất thường trong năm 2024, Quốc hội khóa XV xem xét và quyết sách hàng loạt vấn đề rất quan trọng liên quan công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
18 luật và 21 nghị quyết đã được thông qua, bao gồm các quyết định đột phá như cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, từ 1/8/2024. Các luật sửa đổi quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Quy hoạch được thông qua nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, thúc đẩy phân cấp và giải phóng sức sản xuất. Với tinh thần đổi mới, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, Quốc hội xây dựng hành lang pháp lý cho các lĩnh vực mới, khuyến khích sáng tạo và khơi thông nguồn lực, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Ngày 5/10/2024, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi "Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít" với mục tiêu hoàn thành việc xóa bỏ 153.000 nhà tạm, nhà dột nát trên khắp cả nước trước ngày 31/12/2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Năm 2024 là một năm đầy biến động đối với thị trường bất động sản và vàng tại Việt Nam. Giá nhà đã lên cao đến mức vượt quá thu nhập của người dân, gây ra sự mất cân bằng rõ rệt giữa giá trị tài sản và khả năng chi trả.
Thị trường vàng cũng ghi nhận sự tăng giá do tác động của thị trường vàng thế giới. Những biến động trên đòi hỏi cần có chính sách kiểm soát hiệu quả hơn, hướng tới việc hạn chế đầu cơ, khuyến khích đầu tư dài hạn và đảm bảo thị trường phát triển hài hòa với lợi ích của người dân và nền kinh tế.
Trình bày: Hà Phương; Ảnh: VOV, VTC, Chinhphu.vn, Quochoi.vn, Thanh Niên...