Như chúng tôi đã phản ánh ở bài viết trước, muốn kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở khu vực Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, các thế lực thù địch đã lợi dụng triệt để vấn đề dân tộc, tôn giáo. Chúng dựng lên cái gọi là “Tin lành Đêga” để tập hợp lực lượng, tuyên truyền tư tưởng cực đoan, tiến tới thành lập Nhà nước Đêga. Không ít người một thời nghe và tin theo Tin lành Đềga đã tự nguyện tử bỏ tổ chức bất hợp pháp này, quay về với Tin lành chính thống, được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, phần nhiều trong số họ còn mang nặng tư tưởng mặc cảm, tự ti.
Nhiều năm qua, các cấp chính quyền ở Gia Lai đã thật sự vào cuộc, đưa những người một thời lầm lỗi trở lại với cộng đồng. Nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo đã trở thành điển hình ở khu vực Tây Nguyên.
Sau 14 năm chấp hành án, Siu Un – người từng theo Fulro ở thôn Tân Điệp 1, xã Ia ke, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai được ra tù. Mang trong mình sự tự ti, mặc cảm, Siu Un không dám quay về với Tin lành chính thống vì trước đó, ông ta từng là người đi lan truyền “Tin lành Đêga”. 7 năm ở tù ra, Siu Un tự cầu nguyện tại nhà, lén lút. Nhiều lần muốn đoạn tuyệt với Tin lành Đêga nhưng Siu Un nghĩ, mình cần một “cầu nối”.
“Nhiều lần chính quyền cho người đến nhà động viên. Họ rất tận tình, tạo điều kiện để tôi làm ăn kinh tế, giúp tôi làm sổ đỏ cho thửa đất của mình, rồi họ giúp tôi cây giống. Họ cũng khuyên giải tôi nên từ bỏ Tin lành Đêga, quay lại với tổ chức Tin lành chính thống” – Siu Un nhớ lại.
Nhưng, phải đến năm 2022, khi những mục sư của Hội thánh Tin lành Truyền giáo Cơ đốc (một tổ chức Tin lành đã được Nhà nước công nhận) ở xã Ia Ma Rơn, huyện Phú Thiện kêu gọi những người lầm đường lạc lối về với hội thánh hợp pháp, xóa bỏ mặc cảm tự ti, gia đình Siu Un mới chính thức bước qua “bóng tối”. Mục sư Siu Than, người truyền đạo của Hội thánh cho biết: “Ở địa bàn chúng tôi phụ trách có rất nhiều người bị kẻ xấu xúi giục đi theo Tin lành Đêga như ông Siu Un. Quá trình cảm hóa họ phải rất kiên trì, bền bỉ. Chúng tôi lắng nghe suy nghĩ của họ để hiểu họ, động viên, khích lệ họ, giúp họ nhận ra sai lầm”.
Ngày 26/3/2022 là một ngày đáng nhớ với mục sư Sui Than. Hôm đó, tại trụ sở UBND xã, Hội thánh đứng ra làm lễ tiếp nhận những người từng theo Tin lành Đềga. Ông Siu Un cùng 12 hộ gia đình đã chính thức về với Hội thánh tin lành chính thống. Mục sư Siu Than là người làm chủ lễ, đã ôm Siu Un thật chặt, mừng vui khôn xiết như anh em được trở về một nhà. Giờ đây, tại điểm nhóm Tin lành do mục sư Siu Than phụ trách, trong tổng số hơn 300 tín đồ thì có gần 200 người từng theo Tin lành Đêga – một điểm nhóm rất đặc biệt tại Phú Thiện nói riêng và Gia Lai nói chung. Siu Un – từ một người từng theo Fulro và Tin lành Đêga đã trở thành người phụ tá của mục sư, chăm chỉ và trách nhiệm. Chính Siu Un đã trực tiếp vận động hơn 100 người quay về với tôn giáo chính thống.
Hơn 20 năm qua, kể từ khi Siu Un đi chấp hành án (2001), chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi – cán bộ hội phụ nữ xã Ia Ke đã thật sự trở thành người thân trong gia đình. Từ chỗ được chính quyền phân công giúp đỡ, bằng tình cảm, trách nhiệm và sự chân tình, chị đã cùng vợ Siu Un vượt qua những ngày hoạn nạn. Ngay cả khi Siu Un trở về, chị Lợi vẫn ngày ngày qua lại. Có việc gì trong gia đình, vợ chồng Siu Un thường tham khảo ý kiến của chị.
Giờ đây, trong căn nhà khang trang, vợ ông Siu Un không giấu nổi xúc động: “Dù bố nó đi tù nhưng cả 4 đứa con của tôi đều được đến trường, không ai hắt hủi, xa lánh cả. Bây giờ, chúng tôi đã theo Tin lành chính thống, được các mục sư quan tâm, thoải mái tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng tôi cùng đi cầu nguyện với bà con trong làng, không phải lén lút như trước”.
Trên mảnh đất của gia đình Siu Un, một nhà nguyện rộng rãi, thoáng mát cũng vừa được xây cất, có đủ chỗ cho khoảng 70 tín đồ Tin lành bày tỏ đức tin. Đợi hoàn thành các thủ tục pháp lý và đủ điều kiện theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, căn nhà nguyện này sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Con đường đưa những những người một thời theo Fulro, theo Tin lành Đêga trở về với đức tin chân chính ở Gia Lai không phải chỉ bằng lời nói, bằng sự động viện, khích lệ của các cấp chính quyền mà quan trọng hơn, phải bằng những việc làm cụ thể.
Tại xã nghèo Ya Pết của huyện Đắk Đoa, con đường trở về của ông Siu Bler gặp không ít gian nan.
Ông Bler từng là một đối tượng Fulro cốt cán trong vùng, từng đi cải tạo 15 năm tù về tội phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài. 9 năm qua, kể từ khi được ra tù (2015), gia đình Bler luôn thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, chỉ có 50 gốc cà phê, trong khi ông Bler có tới 7 người con. Nhờ các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, gia đình ông đã nhận được nhiều khoản hỗ trợ như: 2 con heo giống, 1 con bò sinh sản (trị giá 15 triệu đồng), được ngân hàng BIDV hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà khi con cái ông lập gia đình. Ngay trong năm 2024 này, con gái ông được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách với số tiền 80 triệu để xây nhà mới. Đến thăm gia đình ông Bler khi ông đang bận rộn với con bò giống sắp đến ngày sinh sản, ông Bler xúc động nói: “Nhà nước rất quan tâm đến gia đình chúng tôi. Lúc mới đi tù về, mỗi tháng nhà tôi được hỗ trợ 1 bao gạo, mỳ tôm, nước mắm và cả tiền nữa”.
Bằng những việc làm thiết thực của chính quyền, cùng với sự vận động của Ban chấp sự, cuối năm 2022, cả gia đình ông Bler đã chính thức trở về với Tin lành chính thống (Tin lành miền Nam Việt Nam), từ bỏ Tin lành Đêga. Không phải lén lút hoạt động như trước, giờ đây, cả gia đình ông có thể đến các điểm nhóm sinh hoạt cùng bà con trong làng, trong xã.
Hiểu rõ bản chất của Tin lành Đêga và âm mưu kích động tư tưởng ly khai, tự trị , nhiều năm qua, Công an tỉnh Gia Lai với vai trò tham mưu đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai công tác vận động các đối tượng Fulro, Tin lành Đêga quay về các tôn giáo được công nhận. Đặc biệt, từ năm 2022, Gia Lai triển khai thí điểm mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên bản làng” tại 4 huyện trọng điểm gồm: Chư Sê, Phú Thiện, Đak Đoa, Ia Grai.
Với phương châm “dùng tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo”, qua hơn 3 năm triển khai, mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” đã giải quyết cơ bản các vấn đề then chốt liên quan đến hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo của Fulro. Cụ thể, các cấp chính quyền ở tỉnh Gia Lai đã đã vận động được hơn 780 trường hợp quay về 5 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận bao gồm Tin lành miền Nam Việt Nam, Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, Tin lành Truyền giáo Cơ đốc, Tin lành Báp tít Việt Nam và Công giáo, tăng gần 200 trường hợp quay về so với cả giai đoạn 2015-2022, trước khi triển khai công tác vận động theo quy trình.
Ngoài ra, còn có 136 trường hợp từ bỏ Fulro, không tham gia tổ chức tôn giáo nào. Tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn triển khai công tác vận động được giữ vững ổn định, các hoạt động phục hồi Fulro, Tin lành Đêga, lôi kéo người dân tộc thiểu số, di cư trái phép được kéo giảm rõ rệt. Qua đó, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, cải thiện chất lượng công tác dân vận.
Theo ông Ra Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nếu như trước đây, Gia Lai tập trung cả hệ thống chính trị để giáo dục, cảm hóa, thuyết phục các đối tượng Fulro trở về với cộng đồng thì nay, lại có thêm những cách làm mới để đưa những người theo Tin lành Đêga trở về với đức tin chính thống.
“Với vai trò tham mưu của ngành công an, các huyện thị trên địa bàn tỉnh đang triển khai mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng”. Đây là một trong những mô hình chúng tôi đánh giá rất cao về tính hiệu quả, sự thiết thực và Bộ Công an xác định, mô hình này có thể nhân rộng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đặc điểm chung của mô hình này là việc huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị, nhất là những người có uy tín, những chức sắc tôn giáo trở thành cầu nối để thuyết phục, vận động những người lầm lỡ, nghe và theo Tin lành Đêga trở về sinh hoạt tôn giáo chính thống. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Gia Lai thời gian qua cơ bản được ổn định”- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá.
Làm thế nào để mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” không bị các thế lực thù địch vu cáo là “ép tín đồ bỏ đạo”?. Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai khẳng định: các cấp chính quyền, các chức sắc tôn giáo đã tuyên truyền, làm rõ bản chất phản động của Fulro, của Tin lành Đềga, quyền và lợi ích của người dân khi tham gia các tổ chức tôn giáo hợp pháp. Từ đó giúp họ nâng cao nhận thức, tự nguyện quay về sinh hoạt tôn giáo chính thống. Việc thực hiện mô hình vận động “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” cũng nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, trong đó có Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Người được vận động có quyền lựa chọn bất kì tôn giáo nào để tham gia nếu thấy phù hợp hoặc không theo bất kì tôn giáo nào.
Bên cạnh đó, cũng theo Thiếu tướng Rah Lan Lâm, mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” được xác định là phong trào dân vận cơ sở, với sự vào cuộc của tất cả cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở địa phương. Trong đó, chức sắc, chức việc các tôn giáo là những người trực tiếp vận động. Quá trình thực hiện mô hình, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để đối tượng vận động ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để chủ động giải quyết các nhu cầu chính đáng của họ và thân nhân.
Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên cần sự ổn định để phát triển. Vì vậy, những yếu tố “cản đường” mục tiêu đó phải được giải quyết triệt để. Nhưng giải quyết bằng cách nào? Đó là cả một quá trình với sự tận tân vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn Gia Lai. Họ không thể dùng mệnh lệnh cưỡng ép người dân từ bỏ Tin lành Đêga trong ngày một ngày hai. Đó là một quá trình thay đổi nhận thức để người dân tự nhìn ra, con đường nào là “con đường sáng”.
Mời quý độc giả đón đọc bài 3 với nhan đề “KHÔNG AI CẤM CẢN CÁC HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO THUẦN TÚY”.