Ông Siu Un, 58 tuổi ở thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai từng cầm đầu Fulro cấp vùng, giữ vai trò cốt cán trong cuộc bạo loạn ở Ayun Pa vào năm 2001 nhằm phản đối “người Kinh lấy đất của người dân tộc thiểu số”, đòi thành lập “Nhà nước Đêga độc lập”. Kéo lên trụ sở xã gây o ép chính quyền, Siu Un bị bắt vào tháng 2/2001 và chịu mức án 16 năm tù vì các tội danh “bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng và phá rối an ninh” (sau này được giảm án 2 năm tù). Tuy nhiên, ngay khi bị bắt, Siu Un vẫn tràn đầy tin tưởng.

“Trước đó, họ nói với tôi rằng, chính quyền không dám bắt các anh đâu. Nếu bị bắt thì chỉ 1 đến 3 tháng là họ phải thả vì sẽ có Liên Hợp Quốc can thiệp. Họ cũng không cho ai đi vượt biên, bảo cứ ở lại địa phương để thành lập Nhà nước của riêng mình. Lúc mới vào tù, tôi chờ đợi từng ngày, tin tưởng chắc chắn sẽ được giúp đỡ. Rồi hết tháng này qua tháng khác. Sau 3 năm giam giữ, tôi được gặp những cùng quê ở trại giam. Tất cả đều bảo nhau phải kiên trì chờ đợi. Nhưng rồi, chẳng ai hỏi thăm hay cứu giúp mình cả. Lúc đó, chúng tôi nhận được thông tin, chính những kẻ cầm đầu, kêu gọi chúng tôi biểu tình đã trốn sang Campuchia. Đến năm thứ 5 thì tôi mất hoàn toàn hy vọng về một Nhà nước Đêga độc lập”.

Siu Un từng tham gia Tin lành miền Nam Việt Nam (được nhà nước công nhận) rồi tách ra thành Tin lành Đêga (bất hợp pháp). Vì sao phải tách ra như vậy, Siu Un lý giải “vì khọ muốn tuyên truyền bí mật về Nhà nước Đêga với các tín đồ. Họ gắn chữ “Đêga” mang yếu tố chính trị vào tôn giáo, tức là “Tin lành”. Họ bắt các làng phải ký cam kết tham gia Tin lành Đêga. Sau này ở trong tù, ngẫm nghĩ lại, tôi hiểu rằng, họ đã lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng và gây chia rẽ. Họ lợi dụng những người trung thành như chúng tôi”.

Ở một địa bàn khác của tỉnh Gia Lai là làng Bối, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, ông Ksor Mel (52 tuổi) theo Tin lành Đêga từ năm 2001. Từ năm 2004, Ksor Mel được giao làm chấp sự, phụ trách 4 làng có người theo Tin lành Đêga ở xã Hòa Phú.

Trả lời câu hỏi “Ai đã lôi kéo ông tham gia Tin lành Đêga”, Ksor Mel kể tên 3 đối tượng đang sinh sống ở nước ngoài, trong đó có người anh cùng cha khác mẹ đã định cư tại Mỹ.

“Mấy năm trước, những người này vẫn thường xuyên gọi điện về cho tôi. Họ bảo tôi phải giữ bằng được Tin lành Đêga để sau này nếu thành lập Nhà nước Đêga thì phải có tôn giáo riêng. Rồi họ quay cảnh nhà thờ Tin lành Đêga ở Mỹ để tôi tin tưởng. Họ nói, nếu Tin lành Đêga ở Việt Nam mà bị cấm thì quốc tế sẽ can thiệp, giúp đỡ, không việc gì phải sợ. Trong khi đó, ở trong nước, tôi được giao phụ trách Tin lành Đêga ở 4 làng nên càng nghĩ mình là người quan trọng”.

Theo lời Ksor Mel, vì không được công nhận nên những người theo Tin lành Đêga ngoài cầu nguyện ở nhà thì thường lén lút nhóm họp ở đám tang hay mừng nhà mới, lễ thôi nôi, báo hiếu…

“Nếu chính quyền đến giải tán thì chúng tôi được hướng dẫn phải vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, phải chống lại cán bộ, chống lại chính quyền. Sau này khi tham gia Tin lành chính thống thì tôi hiểu rằng, việc làm của chúng tôi đã sai. Ngày 8/5/2024, tại cuộc họp với chính quyền và nhân dân trong xã, tôi hứa sẽ quyết tâm không nghe theo kẻ xấu, từ bỏ Tin lành Đêga”.

Từ những trải nghiệm của mình, Ksor Mel kết luận: Tin lành Đêga không chỉ gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh mà ngay trong chính nội bộ những người Jrai cũng mất đoàn kết. Từ nhận thức đó, ông tự nguyện từ bỏ Tin lành Đềga. Không chỉ trở về với Tin lành chính thống, Ksor Mel còn được đi học giáo lý để trở thành người truyền đạo. Giờ đây, gia đình ông đã được chính quyền cấp phép, trở thành điểm nhóm để các tín đồ sinh hoạt vào tối thứ tư, tối thứ 7 và sáng chủ nhật hàng tuần.   

Cũng tại huyện Chư Păh, gia đình ông Rơ Châm Mreng (sinh năm 1969, dân tộc Jrai) ở làng Vân, thị trấn Yaly bị lôi kéo tham gia Tin lành Đêga từ năm 2017. Những phần tử phản động ở nước ngoài kết bạn với Rơ Châm Mreng qua Internet rồi tuyên truyền rằng, nếu đi theo Tin lành Đêga, người Jrai sẽ có đất nước của riêng mình, sẽ có nhân quyền, có tự do tôn giáo.

Cầu nguyện tại gia, lén lút theo Tin lành Đêga, vợ chồng ông Rơ Châm Mreng đã thấu hiểu, thế nào là hoạt động tôn giáo trái phép. Tất cả những hứa hẹn về một nhà nước riêng, một tôn giáo riêng chỉ là “bánh vẽ”. Ông Rơ Châm Mreng không khỏi bức xúc khi nhắc đến Rơ Châm Kút – đối tượng cầm đầu Tin lành Đềga đang sống lưu vong tại hải ngoại, cốt cán trong tổ chức Fulro lưu vong.

“Tôi muốn nói với ông ta rằng, chính ông ta đã tuyên truyền để bà con trong nước chống phá chính quyền, làm mất an ninh trật tự. Ông ta hãy để cho chúng tôi được yên ổn làm ăn”.

Trong các năm 2001, 2004, 2008 ở Tây Nguyên, “Hội thánh Tin lành Đêga” dưới sự giật dây, chỉ đạo, hậu thuẫn của các thế lực thù địch từ hải ngoại đã kích động người dân gây ra các vụ bạo loạn khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Dù mang danh xưng tôn giáo, song “Tin lành Đêga” đẩy mạnh các hoạt động mang màu sắc chính trị như việc xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực tôn giáo, dân tộc. Các đối tượng kích động các tín đồ Tin lành đuổi người Kinh về xuôi với lý lẽ là “đòi lại đất đai cho người Thượng”, xây dựng cơ sở tôn giáo trái phép, tiến hành các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp. Khi bị chính quyền xử lý, chúng vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức, cá nhân phản động, thiếu thiện chí ở nước ngoài.

Người dân tộc thiểu số phải có Nhà nước riêng, tôn giáo riêng. Đó là luận điệu lừa phỉnh mà các thế lực thù địch vẫn luôn tuyên truyền để lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hòng thực hiện mưu đồ ly khai, tự trị.  

Thông qua mạng xã hội facebook, chúng kết bạn với những người dân tộc thiểu số trong nước, đăng tải các video về cuộc sống sinh hoạt ở Mỹ, về “nhà thờ Tin lành Đêga đã được quốc tế công nhận”, tuyên truyền móc nối và lôi kéo các đối tượng trong nước, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tôn giáo…

Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, lợi dụng tôn giáo là một thủ đoạn nham hiểm của các phần tử xấu. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, những năm qua, những người từng theo Fulro, Tin lành Đêga là những nhóm đối tượng thường xuyên bị móc nối, kích động tư tưởng ly khai, tự trị. Qua theo dõi của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Gia Lai vẫn còn hàng chục điểm phục hồi hoạt động của Fulro và Tin lành Đêga. Các nguy cơ hình thành Fulro mới sau sự kiện khủng bố ở Đắk Lắk tháng 6/2023 vẫn đang hiện hữu.  

Cũng theo ông Rah Lan Lâm, Fulro lưu vong dựng lên nhiều danh xưng tôn giáo nhằm “đánh tráo” bản chất phản động, từ đó dụ dỗ, lôi kéo người dân tộc thiểu số tham gia như các danh xưng “Sang pơ pữ ana cư” – Nhà thờ người Thượng; “Blung Hlơu” – Đạo Đầu tiên; hay “Tin lành Đấng Christ”, “Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”. Qua điều tra, theo dõi, cơ quan chức năng phát hiện các dấu hiệu móc nối giữa các tổ chức mang danh tôn giáo với  các tổ chức phản động, khủng bố người Việt lưu vong.

Tổng số người bị khởi tố trong vụ việc ở Đắk Lắk đã lên đến 84 người, trong số đó 75 đối tượng bị khởi tố về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân".

Giúp người dân tộc thiểu số từ bỏ ảnh hưởng của Fulro, từ bỏ Tin lành Đêga cũng là cách để giúp Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng giữ được sự ổn định về an ninh trật tự, tập trung phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện cuộc sống của người dân. Vậy các cấp chính quyền ở Gia Lai đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

Mời quý độc giả đón đọc bài 2 nhan đề “ĐOẠN TUYỆT VỚI TIN LÀNH ĐÊGA: AI ĐÃGIÚP HỌ VƯỢT QUA MẶC CẢM?”.


Thứ Ba, 09:11, 03/12/2024