Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Quốc đã sụt giảm mạnh. Không khí buôn bán tại các chợ biên giới cũng kém sôi động dù đang là mùa cao điểm mua sắm dịp giáp Tết.

Tại cửa khẩu Cốc Nam, cảnh hàng hóa tập nập ngược xuôi đã là chuyện “thời xa vắng”. Hàng hóa ít hơn, cộng thêm các quy định kiểm dịch chặt chẽ khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Cả dãy phố buôn bán quanh khu vực cửa khẩu Cốc Nam, trong đó có chợ Hồng Kông vắng tanh. Khu chợ vốn sầm uất giờ chỉ lèo tèo vài khách ra vào, nhiều quầy đã tạm ngừng hoạt động vì thu không đủ bù chi. Những hàng còn mở cửa thì ngóng khách mua hơn cả "mong mẹ về chợ", và cố cầm cự vì hy vọng tình hình sẽ được cải thiện khi Tết đang tới gần.

Ngồi lướt web và nghe nhạc để giết thời gian, chị Thanh Hoa, chủ một quầy hàng kinh doanh đồ thời trang và đồ gia dụng tại chợ Hồng Kông buồn bã: “Suốt từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cả khu chợ này ế ẩm, hầu như không có khách tới. Quầy của tôi mấy ngày liền chẳng bán được món hàng nào nhưng hiện tôi vẫn phải mở quầy để chờ khách”.

Ế ẩm hơn là khu vực chuyên doanh đồ điện tử khi cả dãy hàng đều phủ bạt kín mít, tạm ngừng kinh doanh, thậm chí một số quầy còn treo biển sang nhượng. Anh Thành, chủ một ki-ốt ở đây cho hay, mặc dù giá hàng hóa rẻ hơn năm ngoái nhưng vẫn không thể bán được. Khách vào chỉ mua một số đồ dùng lặt vặt, những món đắt tiền ít ai hỏi tới.

Tương tự, tại các trung tâm kinh doanh nổi tiếng khác ở Lạng Sơn như chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, siêu thị Thành Đô, Đồng Tiến... cũng rơi vào tình trạng "im hơi lặng tiếng". Người dân địa phương cho hay, tại Lạng Sơn có nhiều lễ hội, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thu hút rất đông du khách tới tham quan, mua sắm, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các lễ hội đều không tổ chức, lượng du khách tới xứ Lạng rất ít. Do đó, các điểm mua sắm lớn đều vắng teo.

Tại cửa khẩu Tân Thanh tiếp giáp biên giới Việt - Trung, được xem là một trong những trung tâm biên mậu lớn nhất của các tỉnh biên giới phía Bắc, không còn những đoàn dài xe container chở hoa quả, hàng hóa để xuất sang Trung Quốc chờ thông quan như mọi khi.

Thực trạng này cũng diễn ra tương tự tại cửa khẩu Hữu Nghị khi cả dãy phố im lìm, các xe chở hàng thưa thớt, một số đang “nằm” chờ thông quan.

Ông Triệu Quang Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết: ở thời điểm hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 xe hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh.

Theo ông Hòa, hiện tại chủ yếu Việt Nam xuất khẩu nông sản là thanh long và dưa hấu. So với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát thì lượng xe thông quan giảm mạnh. Trước đây mỗi ngày khoảng hơn 200 xe hàng hóa nông sản xuất khẩu và hơn 100 xe nhập khẩu. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, Hải quan Việt Nam đã phối hợp với chính phủ Bằng Tường của Trung Quốc tăng thời gian thông quan trong ngày - mở cửa khẩu lúc 7h và đóng cửa khẩu lúc 19h để tăng lượng hàng hóa lưu thông giữa hai bên.

“Do dịch bệnh phức tạp nên việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc vẫn rất chậm”, ông Triệu Quang Hòa chia sẻ.

Dù giao thương khu vực biên giới gặp nhiều khó khăn nhưng công tác thu thuế tại một số cửa khẩu vẫn đạt chỉ tiêu, thậm chí vượt chỉ tiêu được giao, trong đó có Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị. Các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng giảm đáng kể, thậm chí không có vụ nào như ở cửa khẩu Tân Thanh.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cho biết: Năm 2020 là một năm thực sự khó khăn đối với ngành hải quan. Từ đầu năm, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, và cửa khẩu Hữu Nghị tiếp giáp với Trung Quốc nên đã có một số thay đổi.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi tăng cường kiểm soát dịch bệnh, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát đường mòn lối tắt để ngăn chặn hiện tượng xuất nhập cảnh trái phép, và do đó hàng hóa vận chuyển trái phép qua đường đồi, đường mòn lối tắt là không có”, bà Nga cho hay.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị nhấn mạnh: “Chúng tôi tăng cường kiểm tra kiểm soát việc làm thủ tục tại khu vực cửa khẩu, trong đó tăng cường kiểm tra việc doanh nghiệp khai sai, khai gian lận về tên hàng, về chủng loại, về số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tính từ ngày 1/1/2020 đến nay, chúng tôi đã phát hiện và xử lý 310 vụ buôn lậu và gian lận thương mại. Đặc biệt, trong năm 2020, chúng tôi đã hoàn thiện việc chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với 1 vụ án hình sự liên quan đến sở hữu nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ”.

Về công tác thu thuế xuất nhập khẩu, bà Nga thông tin, trong năm 2020 Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị được giao 2.850 tỷ đồng và đến nay (đầu tháng 12/2020) đã thu về hơn 3.200 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao, và dự kiến có thể đạt được con số 3.300 tỷ đồng trong năm nay.

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư rất lớn vào các khu cửa khẩu, cụ thể là mở các đường thông quan chuyên dụng tại một số cửa khẩu, mở rộng kho bãi, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho bãi,… phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.

“Xác định Lạng Sơn là đầu mối lớn nhất trong việc xuất khẩu nông sản của cả nước, Hải quan Lạng Sơn đã cùng với các ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian mở cửa khẩu, làm thêm giờ, thường xuyên nắm bắt thông tin về quy định, chính sách để tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp trong hoạt động giao nhận hàng hóa qua biên giới”, ông Tường nêu rõ./.


Tác giả: Trần Ngọc – Huy Phương/VOV.VN - Trình bày: Quang Huy

Thứ Năm, 06:00, 24/12/2020