Năm 2021, trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, VietinBank đã dành hơn 7.000 tỷ đồng thông qua cắt giảm lợi nhuận để chủ động triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất (LS) cho vay, phí dịch vụ (DV) nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho KH. VietinBank đã đưa ra các giải pháp phù hợp với từng khách hàng (KH), nhóm KH để duy trì hoạt động và phục hồi, phát triển, như: Gói giải pháp đồng hành cùng DN chiến thắng dịch, chiến dịch vùng xanh tài chính cùng VietinBank, gói tài chính tuyến đầu chống dịch... VietinBank đã cho vay mới hơn 940 nghìn tỷ đồng cho hơn 22 nghìn KH gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh; hỗ trợ hạ LS với mức hạ LS phổ biến 1% - 2%/năm cho khoảng 25 nghìn KH với dư nợ được miễn giảm LS hơn 400 nghìn tỷ đồng. Đồng thời VietinBank tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của NHNN cho khoảng 2.000 KH.
Thực hiện trách nhiệm xã hội, VietinBank dành kinh phí tài trợ công tác an sinh xã hội với tổng số tiền khoảng 500 tỷ đồng, trong đó dành hơn 166 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19... cùng nhiều hình thức tài trợ khác như: Trao tặng quà, động viên thăm hỏi đến các hộ nghèo, gia đình chính sách...
Lấy KH là trung tâm, VietinBank đã triển khai các chủ điểm kinh doanh theo hướng cung cấp giải pháp DV tài chính NH toàn diện cho KH, trở thành NH phục vụ chính và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ hệ sinh thái của KH với các quy trình xử lý đơn giản, thời gian xử lý giao dịch nhanh. Tăng cường khai thác nhóm KH có hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc cung cấp các sản phẩm (SP) tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ với mức phí cạnh tranh, mở rộng giải pháp kết nối về thanh toán, thu chi hộ, thực hiện số hóa kênh giao dịch với hạ tầng hiện đại và những tiện ích vượt trội, nâng cao trải nghiệm KH trên kênh số cũng như đa kênh liền mạch, giúp KH giao dịch nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí, an toàn bảo mật. Thúc đẩy hoạt động NH đầu tư với DV tài khoản (TK) vốn phục vụ các DN FDI và nhà đầu tư nước ngoài trong các giao dịch M&A, DV quản lý tài sản bảo đảm, lưu ký giám sát nhằm tăng thu phí và CASA. Phát triển phân khúc KH cá nhân ưu tiên thông qua cung cấp gói giải pháp cho KH, hoàn thiện nền tảng, phát triển khai thác bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ qua các kênh bán hàng đa dạng. Theo đó, tăng trưởng thu phí DV, lợi nhuận hoạt động kinh doanh (HĐKD) ngoại tệ của NH rất tích cực so với năm 2020, góp phần cải thiện cơ cấu thu nhập của VietinBank theo hướng bền vững; nguồn vốn CASA tăng 28%, tỷ trọng CASA trong tổng nguồn huy động cũng tăng lên khoảng 21% từ mức 19,6% năm 2020.
VietinBank tăng trưởng tín dụng vào các khu vực địa bàn trọng tâm, trọng điểm, các ngành, lĩnh vực có tiềm năng khai thác, có sự phục hồi nhanh sau dịch COVID-19, các lĩnh vực ngành nghề được Chính phủ ưu tiên khuyến khích như tín dụng xanh, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
VietinBank đã xây dựng các cơ chế, chính sách theo lĩnh vực (năng lượng, dược phẩm, bất động sản khu công nghiệp, xây lắp, thương mại...), theo địa bàn nhằm khai thác tối đa tiềm năng, gắn tăng trưởng của NH với các ngành kinh tế chủ lực, các vùng kinh tế trọng điểm là động lực tăng trưởng của đất nước, riêng hai khu vực trọng điểm là khu vực 3, khu vực 7 tập trung trên 50% tổng dư nợ tín dụng của VietinBank. Đối với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, VietinBank bổ sung gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với LS ưu đãi, góp phần tích cực vào sự hồi phục của DN và kinh tế khu vực giai đoạn cuối năm.
VietinBank thúc đẩy tăng trưởng dư nợ phân khúc KH có tỷ suất sinh lời cao SME và Bán lẻ, tỷ trọng dư nợ bình quân 2 phân khúc bán lẻ và SME tăng từ 54% lên khoảng 57% tổng dư nợ. Phát triển hệ sinh thái KH SME và bán lẻ dựa trên KH DN lớn và FDI làm trung tâm phát triển hệ sinh thái KH SME và KH cá nhân; phục vụ toàn diện chuỗi các dự án của các chủ đầu tư lớn, uy tín, có ưu thế và tiềm lực tài chính tốt.
VietinBank tiếp tục phát triển mạnh các giải pháp NH dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, an toàn, bảo mật, đẩy mạnh chuyển dịch kênh thông qua đa dạng hóa SPDV, nâng cao trải nghiệm KH từ quản lý TK, mở thẻ trực tuyến, cho vay thấu chi online, thanh toán với hệ sinh thái đa dạng cho tới các DV tiện ích như TK số đẹp, biệt danh TK (Alias)… Triển khai nền tảng NH số eFAST mới cho gần 70% KH tổ chức của VietinBank, tích hợp toàn bộ các SP NH giao dịch như thanh toán, quản lý khoản phải thu/phải trả, quản lý thanh khoản, tài trợ thương mại, tài trợ chuỗi cung ứng... Mở rộng hệ sinh thái, tiến tới NH mở, cung cấp DV kết nối ERP DN, mở TK, mở thẻ của VietinBank trên ứng dụng của Grab, Shopee, Sendo…
VietinBank triển khai phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo, học máy trong phân tích và xử lý dữ liệu, giúp ích cho công tác quản trị điều hành và hoạch định kinh doanh. Trong năm, VietinBank triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (e-Invoice) và ứng dụng các giải pháp số hóa trong công tác vận hành như Chatbox 4.0 - Trợ lý ảo thông minh LUNA, Sổ điện tử, Chữ ký số, tự động hóa quy trình... giúp tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao năng lực thực thi nhanh.
Sau gần 5 năm nỗ lực triển khai phương án tăng VĐL, tháng 7/2021, VietinBank đã hoàn tất việc tăng VĐL 10,8 nghìn tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, VĐL đạt hơn 48 nghìn tỷ đồng, tạo tiền đề nâng cao năng lực tài chính, tạo đà tăng trưởng của VietinBank.
Trong năm VietinBank đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản trị hiệu quả cân đối vốn, tăng trưởng nguồn vốn huy động, đặc biệt các nguồn vốn LS thấp từ thị trường liên NH, phát hành chứng chỉ tiền gửi và khai thác tối ưu nguồn vốn USD LS thấp vay nước ngoài nhằm tiết giảm chi phí vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Điều này góp phần cải thiện chi phí vốn, tạo cơ sở giảm LS cho vay hỗ trợ KH.
VietinBank đẩy mạnh công tác nhận diện sớm, xây dựng lộ trình đào tạo và phát triển toàn diện nguồn cán bộ cho các vị trí cán bộ quản lý (CBQL) cấp trung, cán bộ cấp chiến lược của VietinBank thông qua: (i) Đổi mới toàn diện công tác nhận diện, tạo nguồn cán bộ cho các vị trí CBQL cấp trung, tổ chức thi tuyển và đánh giá công khai, minh bạch ứng viên dự thi các vị trí Giám đốc/Phó Giám đốc chi nhánh, Trưởng phòng/Phó phòng Trụ sở chính; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ứng viên cân bằng 02 yếu tố về Năng lực và Chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo lựa chọn ứng viên phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhân sự của VietinBank; (ii) Tiếp tục triển khai Chương trình Top 500 tạo nguồn CBQL các cấp; (iii) Triển khai đào tạo Quản lý linh hoạt (Agile Management) cho đội ngũ CBQL cấp cao, cấp trung với mục tiêu thúc đẩy hiệu quả phối hợp giữa các cá nhân, đơn vị, trao quyền chủ động, gắn kết nhân viên, nâng cao năng suất lao động đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực với năng lực thực thi nhanh.
VietinBank tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức gắn với chiến lược kinh doanh, triển khai chủ động, đồng bộ các giải pháp về chính sách sử dụng lao động, định biên lao động và bố trí nhân sự đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu kinh doanh, chuẩn hóa, tinh gọn mô hình hoạt động các Khối nghiệp vụ để tối ưu hóa năng suất lao động và đơn giản hóa quy trình thủ tục. Triển khai linh hoạt chính sách sử dụng và bố trí lao động thông qua các hình thức thuê ngoài, thuê chuyên gia, lao động khoán gọn... để khai thác tối đa nguồn lao động chất lượng, hiệu quả, hợp lý.
Công tác hoạch định kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã được triển khai từ rất sớm, xây dựng kế hoạch và chủ động giao chỉ tiêu định hướng cho các đơn vị kinh doanh ngay từ tháng 11/2021, bảo đảm minh bạch, công bằng, có định hướng rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu chiến lược trung dài hạn, khai thác triệt để các cơ hội kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo và các ý tưởng kinh doanh đột phá.
Nâng cao tinh thần phối hợp, đoàn kết quyết tâm, tăng cường tương tác hai chiều và đảm bảo các yếu tố nguồn lực cần thiết để hỗ trợ HĐKD. Với tinh thần “KH và kinh doanh là trung tâm”, toàn hệ thống lan tỏa văn hóa gắn kết, đẩy nhanh quá trình ra quyết định kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ, an toàn, hiệu quả, bền vững.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát toàn diện hoạt động, giám sát trách nhiệm người đứng đầu về việc thực hiện định hướng kinh doanh, tuân thủ quy định và chỉ đạo của VietinBank. Theo đó, VietinBank đã tổ chức 37 Đoàn kiểm tra kiểm soát nội bộ, 26 Đoàn kiểm toán nội bộ và tổ chức 5 Tổ công tác, 15 chuyên đề và kiểm tra giám sát thường xuyên, kịp thời nhận diện phát hiện các điểm trọng yếu trong việc thiết lập và duy trì môi trường kiểm soát của người đứng đầu tại đơn vị và các cán bộ chủ chốt, từ đó có các giải pháp phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng cường nhận thức, ý thức về văn hóa tuân thủ, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong HĐKD, tuân thủ quy định của VietinBank, bảo đảm mục tiêu phát triển an toàn, hiệu quả. Trong năm 2021, VietinBank đã tiếp Đoàn Kiểm toán nhà nước đối với pháp nhân VietinBank. Nội dung kiểm toán không ghi nhận vấn đề tồn tại liên quan đến vi phạm quy định pháp luật.
Công tác quản trị rủi ro, giám sát hoạt động tiếp tục được tăng cường, đảm bảo nhận diện sớm tất cả các rủi ro trọng yếu. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng, chống gian lận bên trong và bên ngoài, đẩy mạnh quản lý an toàn và bảo mật thông tin. Tăng cường công tác dự báo, nhận diện các KH tiềm ẩn rủi ro, chủ động xây dựng các kịch bản chất lượng nợ, đồng thời triển khai sớm các biện pháp thu hồi, xử lý nợ, mang lại kết quả thu hồi tích cực nhất trong những năm gần đây.
Năm 2021 là năm đầu tiên VietinBank thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn 3 năm 2021 - 2023, công tác quản trị điều hành có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng chủ động, thúc đẩy tư duy quản lý linh hoạt, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, đồng thời bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương, có giám sát chặt chẽ. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ kinh doanh, sử dụng tối ưu hóa các nguồn lực, bám sát định hướng HĐKD của VietinBank, thực thi có kết quả các nhiệm vụ được giao, thúc đẩy tăng trưởng gắn với an toàn, hiệu quả.