Nhiều cán bộ bị xử lý đã thể hiện sự ân hận, có người hiện cũng đang lo sợ, nhưng tham nhũng là câu chuyện quyền lực và lòng tham của con người, nếu không có bản lĩnh, để bị cuốn vào thì khó tránh khỏi viêc trả giá.
“Một điều không khỏi băn khoăn, lo lắng là chúng ta đã kiểm tra, xử lý như thế nhưng vẫn còn nhiều vi phạm mới phát sinh, với tính chất và quy mô, mức độ nghiêm trọng lớn hơn. Những vi phạm trong phòng chống dịch bệnh, giải cứu công dân, lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực... rất bức xúc trong xã hội”.
Đó là băn khoăn của ông Trần Cẩm Tú – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Dưới góc độ cơ quan tố tụng, trước đó, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cũng chia sẻ, mặc dù đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ, nhiều cán bộ cấp cao, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn, “nhiều đối tượng chưa biết sợ”.
Không khó để chứng minh hay chia sẻ với các ý kiến trên. Chỉ đơn cử vụ Việt Á, từ việc lãnh đạo CDC Hà Nội bị các cơ quan tố tụng xử lý về hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, không ai nghĩ chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt lãnh đạo CDC nhiều địa phương trong cả nước, thậm chí cả cán bộ đang giữ vị trí rất quan trọng trong bộ máy có liên quan và bị khởi tố, kéo theo hệ lụy lớn mà chắc phải trong thời gian không ngắn, mới có thể khắc phục được.
Số liệu thống kê trong 10 năm qua cho thấy, cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ.
Theo ông Lê Xuân Lịch - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng, Nhà nước giai đoạn vừa qua đã xử lý rất tích cực, hiệu quả đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt từ sau Đại hội XII đến Đại hội XIII của Đảng. Công tác này được triển khai kiên quyết, kiên trì, liên tục. Rất nhiều cán bộ vi phạm đã phải chịu xử lý, kể cả cán bộ cao cấp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, và qua đó lấy lại niềm tin to lớn của nhân dân.
Trước thực tế nhiều vụ việc nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, ông Lê Xuân Lịch cho rằng không hẳn do “nhiều người không biết sợ” vì “nhiều cán bộ bị xử lý cũng đã thể hiện sự ân hận”, có người hiện cũng đang lo sợ, nhưng tham nhũng là câu chuyện quyền lực và lòng tham của con người, nó xảy ra thường xuyên, ở nhiều lĩnh vực và nhiều chế độ.
“Một khi đã bị cuốn hút vào vòng xoáy lợi ích vật chất thì họ không còn nghĩ được gì. Chỉ đến khi bị xử lý trước pháp luật thì họ mới bừng tỉnh, mới ân hận, thì đã quá muộn” – ông Lê Xuân Lịch nói, đồng thời nhấn mạnh nếu cán bộ không tự rèn luyện bản thân, không thắng được sự cám dỗ của đồng tiền, không vượt qua được tham vọng cá nhân thì tham nhũng sẽ còn xảy ra, nhất là trong “những nhóm lợi ích, với nhiều người tham gia”.
Phải thừa nhận rằng, chỉ người có chức có quyền mới có điều kiện để tham nhũng và cũng không phải người có hành vi tham nhũng, tiêu cực có điều kiện sống khó khăn, nhiều người thậm chí rất giàu. Theo ông Lê Xuân Lịch, yếu tố quan trọng là bản chất con người; lòng tham sẵn có, nếu không rèn luyện, giáo dục thường xuyên thì nó sẽ trỗi dậy. Hoặc có giáo dục nhưng trong môi trường làm việc, có điều kiện dễ dàng để tham nhũng, mà không thắng được bản thân thì dễ dàng sai phạm.
Thực tế trong thời gian công tác ở Vụ Địa phương (Ban Tổ chức Trung ương), khi tới nhiều tỉnh thành, ông Lê Xuân Lịch chứng kiến nhiều cán bộ được rèn luyện qua nhiều môi trường công tác, nhiều lĩnh vực khác nhau và “nghiêm túc”, nhưng khi được quản lý lĩnh vực đầu tư, xây dựng, với nhiều dự án lớn, tiếp xúc nhiều nhà thầu có “kinh nghiệm chạy chọt”, “bôi trơn”, “lại quả”, trong lúc không làm chủ được bản thân, đã bị cuốn hút vào sai phạm.
“Một khi đã bị cuốn hút vào vòng xoáy tham nhũng thì không gỡ ra được” - vị cựu cán bộ Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh. Nhiều trường hợp ông thấy thực sự đáng tiếc, vì “không hẳn họ thiếu tiền; bản chất, chuyên môn, năng lực rất tốt, nhưng họ bị cuốn vào, mà đã “dính” là mắc tội, bị xử lý”.
Nói thế không có nghĩa ai cũng dễ dàng sa ngã. Bởi cán bộ giữ được phẩm chất thì đã không có chuyện. Dẫn câu chuyện tuyệt thực để đấu tranh với cai ngục qua bài thơ của nhà thơ Tố Hữu, ông Lê Xuân Lịch nhấn mạnh, người chiến sĩ cộng sản đã phải “đấu tranh” với chính mình. Mặc dù biết “Ăn đi vài con cá/Dăm bảy cái chột nưa/Có ai biết ai ngờ/Thế vẫn tròn danh dự”, nhưng người cán bộ quyết không ăn, để giữ vững khí tiết chân chính.
Còn khi những người tham nhũng có chủ ý, bắt tay nhau hình thành một hệ thống hay nhóm lợi ích, những con người trong đó phải tính toán, phải có kế hoạch, thậm chí có phương án rất tinh vi. Mà đã tham nhũng theo nhóm thì số lượng người vi phạm càng lớn. Một khi họ đã có chủ ý, câu kết với nhau sẽ rất khó để phát hiện.
Vì thế, một trong những giải pháp quan trọng là một mặt phải giáo dục chính trị, phẩm chất đạo đức, nhưng kèm theo đó cần đảm bảo cho cán bộ sống được và sống tốt bằng lương, để họ không cần phải tham nhũng.
“Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là làm sao để người có hành vi đó phải tự thấy nhục nhã vì việc làm của mình. Chừng nào xã hội vẫn suy nghĩ “tham nhũng là bình thường” thì rất khó để phòng, chống tham nhũng”, ông Lê Xuân Lịch nói./.
Bài: Thanh Hà
Ảnh, Clip: Minh Anh
Thiết kế: Thi Uyên