Vai trò của tuyến hành lang vận tải Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau là rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, tuyến giao thông này đang bị quá tải, tạo thành điểm nghẽn, kìm hãm sựu phát triển.
Việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, trong đó có tuyến cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn phát triển mới lại càng cần thiết hơn bao giờ.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/3/2016, mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km. Trong đó, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau dài khoảng 2.063km, quy mô 4 - 6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8 - 10 làn xe. Đến nay đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn 756km đang chuẩn bị đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong tổng số 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (654km) đi qua 13 tỉnh, thành phố đang triển khai thi công, có dự án sắp đưa vào khai thác. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (15,2 km) dự kiến hoàn thành thông xe vào dịp Tết Nguyên đán 2022.
Trước đó, tháng 11/2017, Quốc hội thông qua nghị quyết xây dựng cao tốc Bắc Nam phía đông dài 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh, thành phố gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Tổng mức đầu tư toàn dự án trên 118.000 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư và hơn 63.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách; giải phóng mặt bằng đất trên 4.800 ha đất.
Giai đoạn 1 các dự án được thiết kế 4 làn xe, tốc độ 80 km/h (không phải tốc độ tối đa cho xe lưu thông) và nâng lên 120 km/h với quy mô 6 làn xe cho giai đoạn 2. Các dự án đều được giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe, riêng dự án Cam Lộ - La Sơn có quy mô 4 làn xe.
Khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ có 5 dự án gồm: Cao Bồ - Mai Sơn (Nam Định, Ninh Bình), Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ninh Bình, Thanh Hóa), Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghi Sơn - Diễn Châu (Nghệ An), Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An, Hà Tĩnh) dài 221km, sẽ kết nối với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp rút ngắn thời gian xe đi từ Hà Nội đến Vinh (Nghệ An) chỉ 3,5-4 giờ, thay vì mất 6 giờ như hiện nay; từ Hà Nội đến Hà Tĩnh còn khoảng 5 giờ (thay vì 7-8 giờ như hiện nay).
Miền Trung có một dự án là cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) sẽ kết nối với cao tốc La Sơn - Túy Loan (Huế - Đà Nẵng) đã hoàn thành, tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, nối tiếp với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực Đà Nẵng, giải tỏa phương tiện trên Quốc lộ 1 trong trường hợp tuyến đèo và hầm Hải Vân xảy ra sự cố, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh.
Ở duyên hải Nam Trung Bộ có 4 dự án cao tốc là Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận, Đồng Nai). 4 dự án sẽ nối thông từ Nha Trang đến Đồng Nai, kết nối với TP HCM qua cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Hiện phương tiện từ TP HCM đi Phan Thiết khoảng 5-6 giờ và đi Nha Trang mất 8-9 giờ. Sau khi tuyến cao tốc thông xe, phương tiện sẽ giảm được gần một nửa thời gian lưu thông.
Miền Tây Nam Bộ có một dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ kết nối với các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai, để tạo tuyến cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ, giải quyết tình trạng ùn tắc trên Quốc lộ 1.
Sau khi hoàn thành 11 dự án, cùng với hơn 300km cao tốc đã được khai thác, tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ có hơn 1.000 km có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn trên Quốc lộ 1.
Để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, cần đầu tư 729km cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025) còn lại, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa), từ Cần Thơ đến Cà Mau dài khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công.
Để bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải, hiệu quả đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn, dự án được phân kỳ theo quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17m), tốc độ thiết kế 80 - 120km/h. Giải phóng mặt bằng tất cả các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, các dự án thành phần trên đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được duyệt.
Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “Đại lộ - Đại phú” nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước đề cập khi phát lệnh khởi công triển khai 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công vào cuối tháng 9/2020.
Những tác động, hiệu ứng rất tích cực từ hàng loạt tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác như: Hà Nội - Hải Phòng, Vân Đồn - Hạ Long; Bắc Giang - Lạng Sơn; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây…tới hoạt động kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của các địa phương dọc các tuyến cao tốc đã khẳng định việc Đảng, Nhà nước coi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba mũi đột phá chiến lược, có vai trò đi trước mở đường là hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng đến thời điểm này, do hạn chế trong cân đối, huy động nguồn lực, nên một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 chưa thể hoàn thành theo yêu cầu.
“Sự chậm trễ này khiến giao thông vẫn đang là “điểm nghẽn” của nền kinh tế, chưa có sự bứt phá đủ lớn, làm thay đổi diện mạo và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông nước nhà”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.
Trong những kiến nghị về việc xây dựng các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được gửi tới Bộ GTVT và các cơ quan chức năng, cao tốc chính là công trình được đề xuất đầu tư nhiều nhất nhằm “tạo động lực” cho các địa phương cải thiện hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Bản thân ngành GTVT cũng nhận thức rất rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và quyết tâm thể hiện khát vọng rất lớn trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, quan điểm xuyên suốt của Bộ GTVT khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025 là phải xác định rõ dự án tạo ra “đột phá”, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia. Trong đó, đầu tư có “tầm nhìn” trong mỗi kỳ trung hạn và phải chuẩn bị danh mục cho tầm nhìn dài hạn. Cho đến thời điểm này, diện mạo hạ tầng giao thông trong 5 - 10 năm tới với kế hoạch đầu tư những dự án hạ tầng giao thông lớn đã được định hình tương đối rõ nét.
“Trong 5 năm tới, Bộ GTVT sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực cho 2 công trình đột phá là nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cần Thơ với chiều dài khoảng 1.301km và hoàn thành giai đoạn I - Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, ông Thể cho biết.
Người đứng đầu ngành GTVT cho biết thêm, cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT sẽ dồn nguồn lực để chuẩn bị đầu tư cho các công trình đột phá kỳ trung hạn 2026 - 2030, gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với 2 đoạn ưu tiên là Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang; 1.000 km đường cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn để giúp Việt Nam có 5.000 km cao tốc vào năm 2030; sân bay Long Thành giai đoạn 2 và đường cất hạ cánh số 3, nhà ga T3 sân bay Nội Bài.
Quyết tâm của Bộ GTVT là rất lớn khi xác định dùng vốn ngân sách dự kiến bố trí cho kế hoạch 2021 - 2025 để đầu tư dứt điểm, sau đó sẽ bán quyền thu phí hoặc tự tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc xã hội hóa đầu tư vẫn sẽ là ưu tiên số 1.
“Đại lộ sinh đại phú”, “Đường mở tới đâu dân giàu tới đó”, thực tế đã chứng minh nơi nào có hệ thống giao thông thuận lợi thì kinh tế ở đó phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Có thể khẳng định, đại lộ sinh đại phú, chứ không phải đại phú sinh đại lộ. Bởi thế, không chờ đến khi đất nước giàu có mới làm cao tốc, mà phải làm cao tốc mới giàu.
20 năm trước cả nước mới phát triển được gần 1.200km cao tốc, nay chỉ trong 10 năm chúng ta phải làm hơn 3.800km cao tốc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, không chỉ cần có một tham vọng lớn, một quyết tâm chính trị lớn, mà cần có thể chế đột phá, cụ thể và khả thi.
Việc hoàn thành 5.000km cao tốc vào năm 2030 sẽ là tiền đề, cơ sở vững chắc đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước./.