Ngay sau khi dịch bùng phát, hàng loạt chương trình âm nhạc lớn nhỏ trên thế giới đã phải hoãn hủy do e ngại mức độ lây lan của dịch Covid-19. Trang Billboard cập nhật một danh sách dài các liveshow, concert, tour diễn bị hủy trên phạm vi cả thế giới, tính từ cuối tháng 1.
Khởi đầu từ châu Á với 12 buổi biểu diễn tại Hong Kong của ca sĩ nhạc Pop Andy Lau (dự kiến tổ chức từ 15/2-28/2). Theo South China Morning Post, hơn 100.000 người hâm mộ sẽ bị ảnh hưởng bởi việc hủy bỏ. Tiếp theo là loạt chương trình dự định tổ chức trong tháng 2 tại Trung Quốc như của nhóm nhạc rock Nhật Bản Suchmos, ban nhạc rock Mỹ X Ambassadors, nhóm nhạc Hàn Quốc NCT Dream, dàn nhạc giao hưởng Boston (Anh)...
Nối tiếp Trung Quốc, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan... cũng bị ảnh hưởng. Điển hình như nhóm nhạc Twice đã hủy các buổi gặp gỡ người hâm mộ tại Nhật Bản, BTS hủy một số show diễn đã được lên kế hoạch từ trước tại Hàn Quốc, GOT7 hủy tour diễn tại Thái Lan, Singapore. Ca sĩ Khalid (Mỹ), rapper Stormzy (Anh), ca sĩ Ruel (Australia), ban nhạc rock Greenday, Avril Lavigne (Canada)... hủy tour diễn vòng quanh châu Á.
Sự bùng nổ nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 tại châu Âu và châu Mỹ ngay sau đó đã khiến hàng loạt những show diễn, lễ hội âm nhạc lớn nhất thế giới cũng phải tuyên bố hủy hoặc hoãn. Trong đó có lễ hội Coachella với dự kiến hàng chục nghìn khán giả, Lễ hội SXSW, MIPTV, Tomorrowland winter, Giải thưởng Âm nhạc Billboard 2020, Giải thưởng Kids' Choice, Lễ trao giải thưởng âm nhạc iHeartRadio... Các show diễn của loạt nghệ sĩ nổi tiếng như Madonna, Adam Lambert, Queen, Mariah Carey, Michael Bublé... tại 2 thị trường này cũng hủy.
Ca sĩ Cher đã hoãn phần còn lại của tour “Here We Go Again”. Cô chia sẻ: "Tôi rất đau lòng (vì việc hủy bỏ), nhưng sức khỏe của người hâm mộ và ekip là ưu tiên hàng đầu. Không có gì quan trọng hơn sự an toàn của mọi người”.
Các nhà tổ chức sự kiện âm nhạc không thể thống kê được chính xác những thiệt hại về kinh tế trong thời gian Covid-19 càn quét cả thế giới. Theo World Economy Forum, các tour lưu diễn chiếm hơn 50% tổng doanh thu của nền công nghiệp âm nhạc. Bởi vậy khi các tour diễn hoãn hủy, cả một nền kinh tế xoay xung quanh các concert này đều bị ảnh hưởng.
BTC lễ hội âm nhạc Knoxville nói: “Tác động của việc hủy bỏ không đơn thuần là với những người hâm mộ, với nghệ sĩ biểu diễn mà phía sau đó còn là một nền công nghiệp với hàng nghìn nhân viên, các nhà sản xuất, các đơn vị cung cấp thiết bị, các doanh nghiệp...”.
Chỉ riêng trong quý 2 của năm 2020, một trong những công ty tổ chức sự kiện lớn nhất thế giới Live Nation đã lỗ 588 triệu USD, so với mức lãi 176 triệu USD cùng kỳ năm 2019. Việc ngừng hoạt động 6 tháng ước tính khiến ngành công nghiệp âm nhạc thiệt hại hơn 10 tỷ USD và con số này sẽ tăng lên theo thời gian “đóng băng”.
Trong bối cảnh đó, doanh thu từ nhạc trực tuyến lại tăng một cách đáng kể. Tại Trung Quốc, Tencent Music Entertainment (TME) cho biết, trong quý 1 năm 2020, doanh thu từ nhạc trực tuyến tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng người dùng trả phí nghe nhạc trực tuyến đạt 42,7 triệu, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước.
Covid-19 đã làm thay đổi thói quen nghe nhạc của người dân. Đó là lúc, các nhà sản xuất hướng đến việc đẩy mạnh các nội dung trực tuyến, cụ thể là concert trực tuyến để phục vụ nhu cầu khán giả trong khoảng thời gian buộc phải ở nhà, tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội.
Trên thực tế, việc tổ chức các concert và phát hành trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số đã có từ khá lâu. Song phải đến bây giờ, các concert trực tuyến mới thực sự bùng nổ và được đầu tư kỹ càng về mặt nội dung. Nhiều nghệ sĩ trên thế giới đã chuyển sang hình thức giao lưu trực tuyến như “BTS Online Concert Weekend” của BTS hay chương trình từ thiện “One World: Together At Home” với sự tham gia của Lady Gaga, Elton John, Taylor Swift, Billie Eilish... Hầu hết chương trình miễn phí.
Tại Hàn Quốc, SM Entertainment là đơn vị đầu tiên tổ chức concert trực tuyến thu phí với chương trình “Beyond the Future” của SuperM. Sự kiện thu hút hơn 75.000 người đến từ 109 quốc gia trên thế giới. Với giá vé 26 USD (hơn 600.000 đồng) một người, tổng số tiền thu được lên tới hơn 2,4 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng).
Đại diện SM Entertainment cho biết: "Thông qua chương trình Beyond Future, chúng tôi thấy tiềm năng phát triển to lớn của các sự kiện trực tuyến trong thời buổi hiện nay". Từ cuối tháng 4, SM Entertainment tổ chức loạt concert trực tuyến cho các nghệ sĩ như Super Junior, TVXQ, WayV, NCT 127, NCT Dream...
Bắt kịp xu hướng, BTS tổ chức concert trực tuyến "Map of the Soul On:E" trong 2 ngày 10-11/10. Có khoảng 993.000 khán giả từ 191 quốc gia và vùng lãnh thổ trả phí cho chương trình và ước tính BTS đã thu về khoảng 50 tỷ won (xấp xỉ 995 tỷ đồng). Kéo theo đó, hàng loạt các chương trình lớn nhỏ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đều được thực hiện trực tuyến (có trả phí hoặc không, tùy vào tính chất chương trình).
Với sự hỗ trợ của công nghệ, các concert trực tuyến không chỉ là cơ hội để người hâm mộ đến gần với các thần tượng, được thưởng thức âm nhạc chất lượng cao ngay trong ngôi nhà của mình mà cũng là cách để các nhà sản xuất giảm thiểu tổn thất, nâng cao thu nhập của nghệ sĩ.
Sau những hậu quả của đại dịch, nhiều người tự hỏi, liệu ngành công nghiệp âm nhạc có thể tiếp tục vững mạnh hay không? Có rất nhiều vấn đề mà ngành công nghiệp này vẫn đang phải đối phó.
Ví dụ như: nhiều công ty nhỏ đang rất khó khăn để duy trì hoạt động kinh doanh. Các nghệ sĩ phải cạnh tranh với những ngôi sao internet - những người giỏi hơn trong việc duy trì lượng người hâm mộ ảo trên môi trường mạng. Không có cơ hội biểu diễn các show nhỏ, các nghệ sĩ mới vào nghề sẽ phải tìm cách khác để thu hút người hâm mộ với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ngày càng có nhiều nghệ sĩ trì hoãn việc phát hành vào album do không thể đi tour để quảng bá album.
Bên cạnh đó, không phải khán giả nào cũng vui lòng trả mức tiền khá cao cho concert trực tuyến chỉ để xem một buổi biểu diễn mà ngày hôm sau có thể phát tán lậu tràn lan trên mạng. Chưa kể tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn. Trừ khi có vaccine được chứng minh là hiệu quả để tiêu diệt virus SARS-CoV-2 thì có đến hơn 1 nửa người dân Mỹ sẽ không đến các buổi hòa nhạc, đi xem phim hay tham gia các hoạt động có đông người khác. Thách thức với việc tổ chức lại concert là rất lớn. Chưa kể, sẽ phải mất nhiều tháng để lên lịch và kế hoạch tổ chức concert. Điều đó có nghĩa, phải mất vài tháng sau khi có vaccine, các concert mới có thể được diễn ra.
Tuy nhiên, âm nhạc luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Như nhà báo Donna Westmoreland đến từ tờ Washingtonian nhận định: “Ngay cả trong thời kỳ kinh tế suy thoái, mọi người vẫn tìm đến âm nhạc để cảm thấy tốt hơn”, ngành công nghiệp âm nhạc có khả năng sẽ phục hồi một cách đáng kinh ngạc trong một thời gian ngắn ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Khoảng thời gian vừa qua mang nhiều nghĩa tiêu cực, nhưng cũng có thể là nguồn cảm hứng sáng tạo, là thời gian dưỡng sức cần thiết cho các nghệ sĩ trong vòng quay không ngừng nghỉ để có thể tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng hơn, với những dự án mang tính bùng nổ hơn.
Kể cả khi dịch bệnh chấm dứt, nhiều nhà tổ chức sản xuất nhận định, xu hướng nhạc trực tuyến cũng vẫn sẽ tiếp tục phát triển do cách thưởng thức âm nhạc của đại chúng đã thay đổi. Và khán giả có thể mong chờ vào những sáng tạo nội dung trực tuyến hấp dẫn sẽ khiến họ phải thỏa mãn trong tương lai./.