Nguyễn Sơn Lâm, diễn giả về nghị lực sống, có chiều cao chưa đến 90cm, không còn xa lạ với nhiều người. Lâm được ví là “Nick Vujicic của Việt Nam”, được xác lập kỷ lục “Người đầu tiên chinh phục đỉnh Fansipan bằng nạng gỗ”
Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm sinh năm 1982 trong một gia đình nghèo ở Uông Bí, Quảng Ninh. Do bị ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam, khi tròn 1 tuổi, cơ thể Sơn Lâm ngày càng yếu và 2 chân teo lại. Hiện anh chỉ cao 83cm, nặng chưa đến 30kg, chủ yếu đi lại bằng đôi nạng gỗ.
Sơn Lâm từng đỗ 2 trường đại học, biết 3 ngoại ngữ: Anh, Nhật, Pháp. Anh từng làm biên tập viên thể thao của các tờ báo Vietnamnet, Thể thao Văn hóa, Bongda24h. Đến năm 2011, anh đã thành lập Công ty Cổ phần Đào tạo Tỏa Sáng và quyết định chinh phục đỉnh Fansipan, được xác lập kỷ lục “Người đầu tiên chinh phục đỉnh Fansipan bằng nạng gỗ”.
Mặc dù đối mặt với nhiều khiếm khuyết trên cơ thể nhưng Sơn Lâm chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống, anh luôn cháy bỏng và khát khao được sống, được làm việc và luôn lạc quan vào “sự an bài của số phận”.
Năm 2011, một quyết định táo bạo của Nguyễn Sơn Lâm đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi chinh phục đỉnh núi Fansiphan với độ cao 3.143m, nơi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Đây được xem là một kỳ tích và thể hiện được nghị lực kiên cường không chịu khuất phục trước số phận của anh.
Chia sẻ về quyết định chinh phục đỉnh núi Fansiphan, Sơn Lâm cho biết, mình càng chinh phục nhiều thử thách thì mình càng tự tin hơn.
Sơn Lâm cho biết, mình càng chinh phục nhiều thử thách thì mình càng tự tin hơn (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Tôi từng nghe rất nhiều người nói tôi quá ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, khi tôi có hình hài khác biệt và không may mắn như mọi người. Tôi cũng từng khóc, từng nghe không ít lời dè bỉu, ánh mắt soi mói về một người chỉ cao chưa đầy 90cm như tôi. Nhưng tôi may mắn hơn nhiều người vì biết ước mơ và có năng lượng để biến ước mơ đó thành sự thực”, Lâm bày tỏ.
Với Lâm, quan trọng nhất “Sinh ra trên đời này đã là một điều kỳ diệu”. Sinh ra trong hoàn cảnh nào không quan trọng bằng sống như nào. Tất cả chúng ta ai cũng là một điều kỳ diệu vì vậy đừng lãng phí điều kỳ diệu ấy!!!
Theo Lâm nghĩ, sứ mệnh của con người đơn giản là hoàn thiện bản thân mình từng ngày để làm sao “nâng cấp” bản thân mình ngày sau tốt hơn ngày trước.
Nếu như cách đây 12 năm, Sơn Lâm cảm thấy mình bị tự ti và tổn thương khi bị coi là người khuyết tật, thì đến thời điểm này, Lâm chỉ còn sự biết ơn là chủ yếu.
“Bây giờ mình còn sự biết ơn là chủ yếu. Nếu trước đây có lúc nghĩ, mình thiệt thòi như thế này mà làm được như vậy là cái gì kinh khủng lắm. Nhưng đến giờ mình lại thấy được số phận ưu ái, có được may mắn rất lớn khi được làm công việc yêu thích, gặp gỡ rất nhiều người và có một cô con gái 5 tuổi rất đáng yêu. Vì vậy, mình muốn đóng góp sức lực cho xã hội được từng nào tốt chừng đó”, Sơn Lâm bày tỏ.
Chia sẻ về dự định sắp tới trong tương lai, Sơn Lâm cho biết vừa nhận lời hợp tác cùng phát triển một dự án xây dựng một ứng dụng về kết nối cộng đồng, với một góc độ rất nhân văn là kết nối mọi người với nhau thay vì thế giới ảo. Ứng dụng có tên là G-Store.
Dự án có mục tiêu giúp mọi người tiếp xúc với nhau nhiều hơn, chia sẻ những giá trị nhân văn hơn. Một trong những mục tiêu trước mắt của dự án là tận dụng những nguồn lực dư thừa của xã hội.
“Theo thống kê, Việt Nam mỗi năm lãng phí gần 4 tỷ USD thức ăn thừa, đồ dùng dư thừa như quần áo của trẻ con mặc rồi nhưng vẫn sạch sẽ, còn mới rồi đồ chơi, đồ dùng trong nhà… Với dự án này, mọi người có cơ hội tự nhiên hơn để kết nối với nhau”, Sơn Lâm cho hay.
“Thông thường, mỗi nhà có quần áo không mặc nữa nhưng vẫn còn tốt, thậm chí sách vở, đồ dùng, đồ đạc không muốn dùng nữa. Thay vì tích lại mỗi năm gửi đội từ thiện mang lên trên vùng cao thì có thể qua ứng dụng chia sẻ lại cho những người xung quanh mình có nhu cầu. Bởi lẽ mang lên vùng cao từ thiện cũng tốt, tuy nhiên nếu không đúng nơi, đúng lúc, những đồ vật đó có thể vứt lăn lóc đâu đấy. Đấy cũng là một sự lãng phí. Một trong những cách tạo ra của cải cho xã hội không chỉ là làm mới mà tận dụng những cái đang bị lãng phí”, Sơn Lâm lý giải.
Đôi khi có thể bản thân người ta không thừa nhưng họ muốn chia sẻ để kết nối tình làng nghĩa xóm. Đấy cũng là một nguyên do mình thích dự án này.
“Một thực tế hiện nay là mọi người đang quá tập trung vào thế giới trên điện thoại, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi có nhiều chung cư, thường là nhà ai biết nhà ấy. Giả sử một nhà có nồi canh cua ngon, họ có thể múc riêng một bát và đăng lên ứng dụng để mọi người xung quanh theo định vị biết để họ đến lấy. Và tự nhiên có một sự tiếp xúc, một kết nối hàng xóm với nhau. Các cụ ngày xưa có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, vì khi có việc đột ngột xảy ra, chỉ có những người hàng xóm láng giềng ở bên cạnh có thể giúp đỡ nhanh nhất”, Lâm cho hay.
“Mình không phủ nhận những tác dụng tốt đẹp, tích cực từ Internet và thế giới di động nhưng khi chứng kiến có những gia đình đi cà phê cuối tuần với nhau nhưng bố, mẹ mỗi người ôm một điện thoại, con cầm Ipad chơi mà chả có sự tương tác gì cả. Thậm chí có đôi yêu nhau cũng mỗi người một cái điện thoại chụp lại đăng lên mạng xã hội, để rồi trò chuyện qua tin nhắn điện thoại. Chúng ta cần phải thay đổi cần phải tương tác với nhau nhiều hơn”.
Sơn Lâm cho biết, dự kiến đầu tháng 11 này, ứng dụng G-Store sẽ được chính thức giới thiệu nhưng trước mắt là tập trung vào đối tượng người Việt ở nước ngoài. Kỳ vọng trong năm 2022 này sẽ đạt mốc 1 triệu người dùng và sang năm 2023 là 5 triệu người dùng./.