DNNN được xác định là thành phần quan trọng và được kỳ vọng sẽ là những “con chim đầu đàn”, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác, tuy nhiên, thực tế, khu vực này lại đang mờ đi, nhỏ dần. Chỉ khi DNNN được hành động và ứng xử là doanh nghiệp thực sự, thì những mất mát, cả hữu hình và vô hình, trong khu vực này mới có thể chấm dứt.

Đánh giá về công tác triển khai thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch được phê duyệt, tổng giá trị dự kiến bán cổ phần nhà nước cho các nhà đầu tư là 104.726 tỷ đồng tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong giai đoạn này. Tổng giá trị thực tế bán được chỉ đạt 22.748 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng giá trị thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng, đạt 1,6 lần so với giá bán.

Cũng theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn tại 348 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách là khoảng 60.000 tỷ đồng. Nhưng trong 5 năm qua, mới triển khai thoái vốn được tại 106 doanh nghiệp, bằng 30% số doanh nghiệp phải thực hiện theo kế hoạch. Tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách thoái được là 6.493 tỷ đồng, bằng 11% tổng giá trị phải thoái theo kế hoạch.

Nhìn lại kết quả quá trình tái cơ cấu DNNN từ năm 2016 đến nay, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, đã đi được nửa chặng đường và đúng mục tiêu.

“Quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN vừa qua tuy chậm về tiến độ; nhưng là một quá trình thận trọng, chắc chắn, công khai, minh bạch đúng pháp luật, không để lại vấn đề xấu”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Theo đó, kết quả triển khai cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn 2016 - 2020 đã cho thấy tính hợp lý, chính xác trong công cuộc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Nhưng nhìn về kết quả thực hiện so với kế hoạch cho thấy, công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quan tâm nghiêm túc; chất lượng DNNN được cải thiện đáng kể, nhưng chưa như mong muốn.

Nhìn lại toàn bộ hệ thống DNNN vẫn thấy quản trị doanh nghiệp trong DNNN chưa được đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu biến động của thị trường, chưa thực sự theo cơ chế thị trường. Vẫn còn DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Cục trưởng Đặng Quyết Tiến chia sẻ, nhiều khi mọi người cứ nghĩ CPH xong là xong, ngồi vỗ tay. Nhưng việc sau cổ phần hóa CPH là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cơ cấu lại doanh nghiệp… Nếu chỉ CPH là xong mà không tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp thì lúc nào đó có thể doanh nghiệp sẽ lại nảy sinh ung nhọt.

"Cổ phần hóa cũng không phải là phương thức hữu hiệu để doanh nghiệp tốt hơn mà chỉ là giải pháp để xử lý các tồn tại cũ để có một doanh nghiệp đẹp hơn, khỏe hơn. Vì thế, sau cổ phần hóa là tái cơ cấu doanh nghiệp, là nâng cao quản trị doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa vẫn còn cao, chưa đạt mục tiêu đề ra là thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp", ông Tiến cho hay.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng thẳng thắn chỉ rõ, DNNN được xác định là thành phần quan trọng và được kỳ vọng sẽ là những “con chim đầu đàn”, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác, tuy nhiên, trên thực tế, khu vực này lại đang mờ đi, nhỏ dần.

“DNNN đang nắm giữ và sử dụng một nguồn lực lớn của đất nước (nắm giữ khoảng 28% tổng giá trị tài sản của tất cả các doanh nghiệp), nhưng mức đóng góp của họ vào phát triển kinh tế - xã hội còn thấp hơn tương đối so với số nguồn lực đang nắm giữ. DNNN không những không huy động được nguồn lực bên ngoài, mà còn không huy động hết và cũng chưa sử dụng đầy đủ, tối đa các nguồn lực mình đang nắm giữ. Như vậy, vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp và DNNN đang được sử dụng kém hiệu quả”, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Hiện Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025, sẽ sớm trình Chính phủ. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, đây là thời cơ để các DNNN thực hiện tái cơ cấu, vươn lên thành “sếu đầu đàn”, đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, lan tỏa tới doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, giúp nền kinh tế vững vàng và tăng trưởng.

“Đã qua 3 nhiệm kỳ tái cơ cấu, DNNN cũng đã có những chuyển biến tích cực. Đã đến lúc nên để quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp tự quyết định chứ không phải là Nhà nước cầm tay chỉ việc. Đó là đòi hỏi bắt buộc trong giai đoạn mới, doanh nghiệp phải thay đổi quản trị theo hướng thị trường, theo thông lệ quốc tế. Với vai trò là những “con sếu đầu đàn”, các DNNN phải khỏe, gương mẫu trong việc tuân thủ các quy định về công khai minh bạch, đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, với Đề án cơ cấu lại DNNN, khu vực DNNN sẽ có thay đổi rất lớn, rất đột phá. Trong Đề án này, DNNN hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty có sở hữu hỗn hợp. Doanh nghiệp quy mô lớn sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế. Các kế hoạch CPH, thoái vốn khỏi các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cơ bản hoàn tất. Thoái vốn, cổ phần hóa… sẽ là những hoạt động đầu tư để cơ cấu lại danh mục đầu tư của Nhà nước, không còn là một nhiệm vụ chính trị.

“Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Việt Nam có uy tín, vị thế thị trường, nhưng chưa được các nhà đầu tư thế giới đánh giá cao, nên kế hoạch thu hút vốn từ nước ngoài gặp khó khăn. Cách duy nhất để thuyết phục với thị trường rằng doanh nghiệp mạnh, là phải niêm yết trên sàn chứng khoán khu vực và quốc tế. Bắt đầu quy trình này là việc tuân thủ chuẩn mực về tài chính, quản trị doanh nghiệp”, ông Tiến vẽ rõ hơn diện mạo của DNNN trong tương lai gần.

Bộ Tài chính đã có những chuẩn bị cho sự thay đổi này. Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách để hoàn tất các kế hoạch cơ cấu lại DNNN, để không còn doanh nghiệp, dự án thuộc nhóm thua lỗ, kém hiệu quả kéo dài phải xử lý, thì các công cụ tài chính theo chuẩn mực cho doanh nghiệp lớn cũng được nghiên cứu hoàn thiện, đảm bảo thông lệ quốc tế.

Cơ chế tuyển dụng, ký hợp đồng thuê giám đốc, người quản lý doanh nghiệp nhà nước được đề xuất áp dụng rộng rãi. Trách nhiệm, quyền lợi của ông chủ Nhà nước và người làm thuê sẽ được minh bạch theo hợp đồng kinh tế, pháp luật dân sự trong tuyển dụng, sa thải, thưởng phạt… Có thể hình dung, khu vực DNNN sẽ gồm những doanh nghiệp thực sự, chịu cạnh tranh và được cạnh tranh bình đẳng. Ở đây, trách nhiệm, phận sự của từng vị trí được làm rõ theo hướng làm tốt sẽ được thưởng, làm không được sẽ bị xử lý theo hợp đồng kinh tế, mà không sợ bị hình sự hóa, bị ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị…

“Khi đó, DNNN sẽ thực sự là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế, mà không cần bất cứ cơ chế độc quyền, ưu đãi nào riêng biệt. Nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ là ‘sếu đầu đàn’ thông qua chiến lược đầu tư dẫn hướng, thiết lập hệ sinh thái bám theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. DNNN được tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận để lại nếu có nhu cầu...”, ông Tiến cho biết thêm.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ khi DNNN được hành động và ứng xử là doanh nghiệp thực sự, thì những mất mát, cả hữu hình và vô hình, trong khu vực này mới có thể chấm dứt.

“Cần đổi mới tư duy về DNNN, coi DNNN thực sự là công ty (cổ phần, trách nhiệm hữu hạn) trong kinh tế thị trường đầy đủ và có đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh tương tự như doanh nghiệp khác; hoạt động đầu tư kinh doanh thực sự theo nguyên tắc thị trường, chịu cạnh tranh bình đẳng và được cạnh tranh bình đẳng”, TS. Cung nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đổi mới toàn diện chế độ tài chính đối với đầu tư góp vốn, mua cổ phần của nhà nước tại doanh nghiệp và chế độ tài chính đối với DNNN về cơ bản tương tự như chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp khác. Tiếp tục đổi mới tư duy và đổi mới toàn diện tổ chức bộ máy, nhân sự, cách thức và công cụ, năng lực quản lý về thực hiện đầu tư của nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

“Đầu tư của nhà nước hướng tới phát triển một số công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chủ lực của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Góp phần củng cố tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế. Đặc biệt, đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp không phải là để có thêm DNNN, mà là tạo ra công nghệ, sản phẩm, dịch vụ (chủ lực, thiết yếu…) cho đất nước. Như vậy, hình thức đầu tư không nhất thiết phải là thành lập doanh nghiệp mới, không nhất thiết tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp phải cao...”, TS. Cung nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, vấn đề quan trọng, cần thiết trong quá trình CPH, thoái vốn nói riêng và tái cơ cấu DNNN nói chung là quy trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và DN. Một giải pháp khác đó là thuê người điều hành DN sau CPH để thay đổi cách thức quản lý. Những đề xuất này nhằm làm cho quá trình CPH được thực thi một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Với những giải pháp này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sẽ tạo ra sức bật mới cho quá trình CPH, tái cơ cấu DNNN với quyết tâm cao nhất trong một thời gian ngắn.

“Việc thực thi một loạt giải pháp sẽ đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho các DNNN CPH, đặc biệt là đối với những giải pháp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và DN với hoạt động CPH. Chúng tôi hy vọng với những giải pháp này, nếu chúng ta áp dụng một cách mạnh mẽ, ráo riết thì hoàn toàn có thể đem lại được lợi ích trong việc nâng cao hiệu quả của CPH, tái cơ cấu DNNN giai đoạn mới”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định./.


Thứ Bảy, 06:00, 22/05/2021