Dưới thời thuộc địa của thực dân Pháp, nhiều DN Việt Nam xuất hiện với những doanh nhân nổi tiếng như Bạch Thái Bưới, Bùi Huy Nhượng. Đây là những DN xác định rõ sứ mệnh yêu nước, phát huy nguồn lực quốc gia, sáng tạo giá trị, tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển và cải thiện hình ảnh dân tộc trên bản đồ thế giới.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954), DN Việt Nam tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến, kiến quốc, đóng góp nhiều tiền bạc, tài sản cho kháng chiến và ủng hộ sức người, sức của để cuộc kháng chiến thành công. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hầu hết nguồn lực DN đều được huy động phục vụ cuộc kháng chiến, DN hoạt động suốt ngày đêm dưới “mưa bom, bão đạn”, hy sinh nhiều sức người, sức của để cuối cùng giành chiến thắng huy hoàng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như lời hiệu triệu của Bác Hồ kính yêu.

Khi đất nước được hoàn toàn giải phóng (từ năm 1975), hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất trọn vẹn giang sơn, DN tích cực đóng góp mọi nguồn lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đưa đất nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.

Trong giai đoạn đổi mới (từ năm 1986), vị trí, vai trò của DN được cải thiện. Bên cạnh doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa quyết liệt để xứng đáng với nòng cốt của vai trò chủ đạo kinh tế nhà nước, DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cho phép và khuyến khích phát triển. Trải qua gần 40 năm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, DN Việt Nam trở thành lực lượng sáng tạo giá trị cho toàn bộ nền kinh tế, tạo tốc độ tăng trưởng bình quân 6-6,5% liên tục trong gần 40 năm liên tiếp.

Giai đoạn hội nhập chủ động, tích cực kể từ khi đổi mới thể hiện ở việc đất nước đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là động lực mở rộng không gian kinh tế quốc tế của đất nước và DN là lực lượng thực hiện các cam kết quốc tế, thu lợi ích từ mở rộng thương mại, đầu tư.

Với cơ hội mở ra đó, DN Việt Nam kịp thời và đồng thời đồng hành cùng đất nước, tận dụng triệt để cơ hội hiệu quả, tạo sức phát triển mới. Đồng thời, thách thức từ cạnh tranh gay gắt và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy định, tiêu chuẩn quốc tế ngày càng tinh vi về thương mại và đầu tư, tính bất định của bối cảnh quốc tế, khó khăn từ mô hình quản trị và phương thức tiếp cận nguồn lực càng tiếp thêm động lực cải thiện sức chống chịu, năng lực cạnh tranh DN.

Đổi mới sáng tạo trở thành triết lý phát triển mới của doanh nghiệp, theo đó, đầu tư đổi mới sáng tạo cần được đặt vị trí thỏa đáng trong các ưu tiên phát triển DN. Đây là cơ sở để đổi mới sáng tạo quản trị quốc gia - nhân tố cải thiện hiệu quả nhất vị thế, hình ảnh và tiềm lực dân tộc.

Thành công của DN khẳng định tính đúng đắn của đường lối và chủ trương hội nhập quốc tế đất nước. DN còn tạo thực tiễn tốt để hoàn thiện chính sách, điều chỉnh chiến lược và phát triển các sáng kiến mới trong mô hình phát triển.

Thực tế cho thấy, đến năm 2022 và 2023, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam bình quân đạt con số kỷ lục 700 tỷ USD và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt con số 230 tỷ USD. Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu và đầu tư nước ngoài lớn nhất toàn cầu.

Thương mại và đầu tư quốc tế với việc thực hiện của DN tạo động lực phát triển mạnh đất nước, cải thiện phúc lợi nhân dân, nâng tầm vị thế dân tộc. Đây là quá trình chuyển dịch cơ bản mô hình tăng trưởng từ hướng nội sang hướng ngoại, từ chiều rộng sang chiều sâu.

Việt Nam trở thành khâu trọng yếu trong chuỗi thương mại và đầu tư toàn cầu những mặt hàng quan trọng như hàng nông sản, điện thoại và linh kiện, hàng dệt may và DN Việt Nam là tác nhân đi đầu, lực lượng tiên phong và duy nhất đảm nhận sứ mệnh này. Theo đó, nhiều tiềm năng phát triển mới được tiếp tục nhận dạng và khai thác gắn với mô hình tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn, phát thải ròng bằng 0 năm 2050, chuyển dịch cơ cấu năng lượng, phân công lại lao động.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có lực lượng DN khá hùng hậu với con số khoảng 800.000 DN đang hoạt động và hàng chục ngàn DN thành lập mới mỗi năm. Con số này còn tăng lên và việc phấn đấu có hàng triệu DN không còn xa. Từ hầu hết (97%) DN đều có quy mô nhỏ và vừa khi tiến hành đổi mới, nhiều DN Việt Nam đã có quy mô vốn và tài sản hàng chục tỷ USD, với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn FPT…

Nhiều DN có quy mô nhỏ và vừa đang có xu hướng mở rộng quy mô hiệu quả nhờ tận dụng lợi thế quy mô thị trường 100 triệu dân trong nước và 8,1 tỷ người quốc tế, tận dụng ưu đãi các FTA được ký kết để tăng thị phần cả trong và ngoài nước. Đây là sự khẳng định DN đang phát triển cùng đất nước nhanh chóng và kịp thời.

Xu hướng phát triển từ DN nhỏ và vừa lên thành mô hình tập đoàn kinh tế đang trở thành hiện thực từ chủ trương từ 35 năm trước. Đây là bằng chứng cho thấy sự phát triển liên tục của quốc gia, dân tộc trong 40 năm qua, đã tạo được lực lượng DN phát triển hùng mạnh và chắc chắn đà phát triển này không còn dừng lại.

Giai đoạn mới đòi hỏi phải thay đổi vị thế quốc gia, dân tộc, phấn đấu đưa đất nước trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao năm 2030; là nước công nghiệp có thu nhập cao năm 2045. Hình ảnh dân tộc Việt Nam đang được cải thiện với tốc độ nhanh chóng. Nhiều yêu cầu mới trong phát triển đang đặt ra từ mô hình quản trị quốc gia như phát triển theo mô hình chiều sâu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu rất cao của phát triển quốc gia, đất nước. Những điều chỉnh quan trọng từ góc độ quốc gia là thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cải thiện môi trường kinh doanh và phân cấp quản trị địa phương, tách chức năng quản lý nhà nước và quản trị DN đang được cải thiện nhằm thúc đẩy DN huy động tối đa nguồn lực phát triển.

Đồng hành với sự phát triển quốc gia, dân tộc cùng với nỗ lực cải thiện kinh tế vĩ mô, DN cần coi trọng xây dựng mô hình phát triển tối ưu, lấy chuyển đổi số làm chỗ dựa cơ bản để phát triển mô hình tổ chức; lấy chuyển đổi xanh làm chuẩn mực điều chỉnh phương thức vận hành, chủ động, tích cực tham gia sâu vào chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi nghiệp, mở rộng quy mô DN dựa trên khai thác hiệu quả quy mô, đầu tư đổi mới sáng tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao.

DN cần coi trọng phát triển văn hóa DN phù hợp với hệ giá trị quốc gia và mạnh dạn kết nối rộng rãi với đối tác trong nước và quốc tế để lan tỏa văn hóa dân tộc. Mỗi DN Việt Nam cần là một đơn vị sáng tạo giá trị để tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, vừa là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa dân tộc để lan lan tỏa vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt trong khu vực và thế giới.  

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Trình bày: Kiều Anh

Chủ Nhật, 06:00, 13/10/2024