Tác phẩm của nhà báo Kiều Thanh Phượng (Ban Văn hóa - Xã hội VOV2) mở đầu bằng câu chuyện về cái chết của 3 bạn trẻ tự tử trong căn nhà 5 tầng ở Hà Nội, trong đó có vợ chưa cưới của Dương Quang Huy, nhưng cái kết lại mở ra những thanh âm yên bình trong cuộc sống của Huy và các bạn. Nhiều độc giả sau khi nghe tác phẩm này bình luận rằng, tác giả đã đưa người nghe đi từ những cảm xúc đau buồn, xót xa về những gì mà người trầm cảm phải trải qua, nhưng sau cùng lại gieo một niềm hy vọng, một niềm tin ở sự vững vàng, mạnh mẽ và thay đổi.
Đề tài về căn bệnh trầm cảm của xã hội hiện đại và cuộc sống của người trầm cảm không phải quá mới, nhưng với nhà báo Kiều Thanh Phượng, chị vẫn luôn đau đáu làm sao để xã hội hiểu và chia sẻ nhiều hơn với những người bị trầm cảm, cùng giúp họ vượt qua nỗi đau về tinh thần.
Tác giả Kiều Thanh Phượng cho biết, trước tác phẩm “Đừng từ bỏ”, chị và các đồng nghiệp tại VOV2 đã thực hiện talkshow về chủ đề này và Dương Quang Huy là một trong số những khách mời hôm đó. Nhưng một chương trình talkshow dường như chưa đủ để nói về cuộc sống và những tổn thương của những người bị trầm cảm. “Đừng từ bỏ” là một chương trình mà nữ nhà báo tiếp tục đi sâu khai thác với mong muốn lột tả nội tâm của những người trầm cảm, chạm đến nỗi niềm sâu kín nhất của họ.
Chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm, nhà báo Kiều Thanh Phượng cho biết, để thực hiện phóng sự này, bản thân chị đã phải tiếp cận với rất nhiều người mắc bệnh trầm cảm, tham gia vào các nhóm (group) của hơn 30.000 người mắc bệnh trầm cảm trên mạng xã hội.
“Khi tiếp xúc, tôi mới nhận ra không ngày nào họ không kêu cứu. Họ kêu cứu để ai đó cứu lấy họ, có những bà mẹ bỉm sữa bị trầm cảm sau sinh kêu cứu để ai đó ngăn họ làm hại chính con mình. Trong quá trình thực hiện tác phẩm có những câu nói tôi không thể nào quên: “Em thường xuyên lấy dao lam để tự rạch tay, chân của mình vì khi đó nỗi đau thể xác sẽ giúp em quên đi cơn đau trầm cảm”, “con gái tôi ước nó bị ung thư để khỏi phải chịu đựng những cơn trầm cảm hành hạ”, “trầm cảm là con quái vật”, “trầm cảm như một nhà tù giam hãm tâm hồn em”. Bản thân tôi cũng thật khó để bình tĩnh trước những lời thảng thốt như vậy. Có những chi tiết trong “Đừng từ bỏ” ám ảnh tôi mãi đến sau này, ám ảnh về nỗi đau, ám ảnh về cái chết, nhưng tôi nghĩ rằng đó là những gì chúng ta cần đối diện và nhận thức”, nhà báo Kiều Thanh Phượng kể.
Phản ánh hiện thực của nỗi đau, những dằn vặt đau khổ trong nội tâm của bệnh nhân trầm cảm, nhưng nữ nhà báo cho biết, đó không phải tất cả những gì chị mong muốn truyền tải qua tác phẩm.
“Đừng từ bỏ”, bản thân tên tác phẩm đã hàm chứa thông điệp của toàn bộ chương trình. Đó là khơi dậy tư duy sống tích cực, sức mạnh bên trong của những người trầm cảm. Câu chuyện của Dương Quang Huy – nhân vật chính với tất cả đau đớn khổ sở của cả một đời người, nhưng bằng công việc của một shipper, anh vẫn không ngừng nỗ lực, giúp đỡ những bạn trầm cảm khác. Huy đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau khi mất đi người vợ sắp cưới, để lạc quan hơn, sống tốt hơn và giúp đỡ những người xung quanh.
Tham dự giải thưởng quốc tế về phát thanh, nhà báo Kiều Thanh Phượng cho biết bản thân chị mong muốn được học hỏi về cách làm báo theo chuẩn mực quốc tế hơn là việc “rinh” về giải thưởng.
Ngoài đề tài, nội dung, trong quá trình thực hiện tác phẩm, nhà báo Kiều Thanh Phượng đã không ngừng tìm tòi, học hỏi những cách diễn dạt, truyền tải của phát thanh hiện đại mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Nếu như thông thường phóng viên sẽ thay mặt các nhân vật nói lên câu chuyện của mình, nhưng ở tác phẩm này, tác giả để nhân vật tự nói lên câu chuyện của chính mình.
“Đây là cách mà các đài phát sóng quốc gia trên thế giới vẫn làm, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa quen với cách thể hiện đó một cách thường xuyên. Ngay từ đầu khi thực hiện tác phẩm, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách thể hiện với tiêu chí chân thật là số 1, hạn chế can thiệp”, nhà báo Kiều Thanh Phượng chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở đây, nhà báo Kiều Thanh Phượng cho biết trong thời gian tới chị sẽ tiếp tục theo đuổi, thực hiện các chương trình, tuyến bài về căn bệnh trầm cảm với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. “Tôi hy vọng không chỉ bản thân tôi mà sẽ còn nhiều nhà báo, những người sẽ đào sâu hơn nữa vấn đề này để cùng lan tỏa những năng lượng tích cực để làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và những nhà chức trách”.
Bên cạnh “Đừng từ bỏ”, “Nước ơi” của tác giả Hoàng Ân (VOV1) là tác phẩm đoạt giải thưởng chính thức của Giải thưởng ABU năm 2021. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của VOV giành giải cao nhất ở thể loại “Phóng sự thời sự” (News reporting).
Phóng sự “Nước ơi” của nhà báo Hoàng Ân mở đầu bằng những tiếng sấm chớp, mưa rơi, một cơn mưa ập đến xã Lao Xà Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Cũng nhờ có cơn mưa này, mà Ly Thị Sênh – một học sinh lớp 9 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS của xã mới hoàn thành công việc vô cùng quan trọng là…gùi nước.
Với những đứa trẻ tại Lao Xà Phình như Sênh, gùi nước vốn là công việc hàng ngày, nước lấy về nếu bẩn quá thì phải lọc, còn không cứ để trong thùng cho lắng xuống rồi dùng.
Đến Lao Xà Phình, nhà báo Hoàng Ân cho biết, anh nhận ra nhiều đứa trẻ tại đây đều được sinh ra ở một trạm xá cách trường mầm non chừng hơn chục mét. Hóa ra không chỉ ở nhà, ở trường, chúng còn bị thiếu nước ngay ở nơi chúng chào đời.
“Một số người dân cho biết, lúc sinh ra đã thiếu nước nên không có cả nước để vệ sinh cho con, bà con ở đây hay lấy vải lau qua người trẻ sơ sinh sau đó mới đi lấy nước về đun tắm cho con. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu nhờ trời – nước mưa. Cũng bởi vậy mà những đứa trẻ tại đây hay bị những bệnh qua da, viêm da...”, nhà báo Hoàng Ân cho biết.
Hình ảnh những đứa trẻ gùi theo can nước to hơn thân hình của chúng là điều khiến nhà báo Hoàng Ân luôn trăn trở.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng “khát” nước là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng người ở thành phố hoặc đồng bằng sẽ khó cảm nhận được điều này. Chỉ khi nào bạn khát thực sự, bị khát kéo dài thì lúc đó mới thấm thía. Có nhiều cách để hết đói nhưng không có nhiều cách để cho mình hết khát. Vì thế giải quyết cơn khát của những đứa trẻ vùng cao là vấn đề cấp bách.
Ở đây nếu có mưa thì ở đầu nguồn mới có nước. Cô giáo mầm non sẽ có nước mang về nấu bữa cho đám trẻ mầm non. Các cô cũng có thêm nước để sinh hoạt. Ở trên này, nữ giáo viên chỉ có 3 ca nước vệ sinh mỗi ngày. Tắm gội hay làm gì cũng chỉ có 3 ca nước! Không hơn!
Và có mưa, những đứa trẻ cũng đỡ phải đi lấy nước xa. Chính vì thế, tôi đã chọn cách mở đầu và kết thúc tác phẩm của mình bằng tiếng mưa”, nhà báo Hoàng Ân nói.
Tác giả phóng sự “Nước ơi” cho rằng, đến nay việc khắc phục thiếu nước ở Tủa Chùa vẫn nan giải. Có nhiều lý do, trong đó có cả những lý do chủ quan và khách quan. Chính quyền tỉnh Điện Biên và huyện Tủa Chùa đã quan tâm và đầu tư cung cấp nước sạch từ lâu. Nhưng vì Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo và địa hình chia cắt, dân cư phân bổ thưa thớt nên mọi thứ vẫn không thấm vào đâu.
“Dẫu biết nắng mưa là chuyện của trời. Thế nhưng, người dân ở đây vẫn phải trông chờ vào tự nhiên để có thể tự đảm bảo cuộc sống của mình ở mức tối thiểu. Tức là…có đủ nước sinh hoạt. Ngày tôi đến Lao Xả Phình có một cơn mưa rất to. Mà mưa xong thì lại nắng gắt ngay được. Thế nên, tôi mong sẽ có thêm nhiều cơn mưa khác đến với người dân nơi đây trong khi họ vẫn mòn mỏi chờ những giải pháp đồng bộ để giải cơn khát dai dẳng vắt qua nhiều thế hệ”, tác giả Hoàng Ân nói.
Các tác phẩm dự thi đều được thể hiện bằng tiếng Việt, bởi vậy khi tham dự ABU, tất cả đều cần được chuyển ngữ sang tiếng Anh.
Nhà báo Nguyễn Thúy Hoa, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho biết, công việc không chỉ đơn thuần là dịch sang tiếng Anh, người chuyển ngữ phải làm sao trung thành với bản gốc, chuyển tải được cả phong cách của tác giả, tinh thần của tác phẩm, mặt khác lại phải dùng lối hành văn linh hoạt của người bản ngữ.
Ví dụ, tác phẩm “Hạnh phúc của người tý hon vĩ đại" của tác giả Bá Duy (VOV2), được giải Khuyến khích ở hạng mục “Giải quan điểm chủ đề” (Perspective Award) của Giải thưởng ABU năm 2020, ban đầu có tên là “Vâng, tôi lùn!”. Sau đó, chính Phó Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hùng đề chuyển tên tác phẩm là “Happiness of A great tiny man”.
Tác phẩm “Nước ơi!" của tác giả Hoàng Văn Ân (VOV1), đoạt giải chính thức thể loại Phóng sự Thời sự năm nay, có tên tiếng Anh là “Water for life" (tạm dịch: Nước cho cuộc sống). Tác phẩm "Đừng từ bỏ" của tác giả Kiều Thanh Phượng (VOV2), giành Giải đặc biệt của Ban Giám khảo - hạng mục “Giải quan điểm chủ đề” (Perspective Award), tên tác phẩm này được dịch ra tiếng Anh là "Never give in"…
Các chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế VOV là những người chuyển ngữ cho tác phẩm. Họ thường xuyên liên hệ với bạn bè, cộng tác viên là những nhà báo nói tiếng Anh bản ngữ, để tham vấn từng câu, từ trong tác phẩm. Sau khi dịch xong, khâu cuối cùng là hiệu đính do anh Edward Blackwell – chuyên gia hiệu đính tiếng Anh của Báo điện tử VOV đảm nhiệm. Edward là một chuyên gia rất có trình độ, một người tâm huyết với công việc, luôn tìm cách thảo luận với những người dịch, có khi thông qua họ với các tác giả, để tìm phương án tốt nhất, hay nhất cho tác phẩm.
Biên dịch viên Nguyễn Thị Thu, người trực tiếp biên dịch tác phẩm đoạt giải nhất ABU “Đừng từ bỏ”, đồng thời cũng là người biên dịch tác phẩm đoạt giải Khuyến khích ABU năm 2020 của VOV “Hạnh phúc của người tý hon vĩ đại” chia sẻ, điều khó khăn nhất khi tham gia dịch các tác phẩm đi dự thi ABU là cần dịch sát để truyền tải đầy đủ thông điệp, giữ nguyên được tinh thần, cái hồn của tác phẩm, song cũng cần có cách diễn đạt sao cho gần gũi với văn hóa, ngôn ngữ của người nước ngoài.
“Thành viên ban giám khảo của ABU đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nếu dịch ở mức độ truyền đạt về mặt ngôn ngữ mà không truyền tải được hết tinh thần của tác phẩm thì thực sự không hiệu quả. Ngôn ngữ của các tác phẩm phát thanh thường đơn giản, gần gũi, nhưng nếu dịch sang tiếng Anh cũng dùng những từ đơn giản có thể không thể hiện được hết ý nghĩa của tác phẩm”, biên dịch viên Nguyễn Thị Thu cho biết.
“Nếu dịch ở mức độ tiếng Anh bình thường bản thân mình cũng sẽ cảm thấy không hài lòng. Hơn nữa, khi được giao nhiệm vụ dịch các tác phẩm này, tôi luôn xác định đây sẽ là những tác phẩm đoạt giải nên phải nỗ lực hết mình, nếu không truyền tải được hết thông điệp của tác phẩm sẽ làm mất đi công sức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Bởi vậy mỗi cụm từ dù đơn giản cũng cần tìm hiểu kỹ và chọn lọc sao cho hiệu quả nhất”, biên dịch viên Nguyễn Thị Thu cho biết.
Chia sẻ về giải thưởng này, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết: “Năm nay, khối lượng các tác phẩm và nhà báo quốc tế tham dự giải thưởng ABU rất đông đảo nhưng VOV vẫn giành được 2 giải thưởng chính thức. Đây là niềm tự hào chung của Đài Tiếng nói Việt Nam và của ngành phát thanh Việt Nam nói chung”.
Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay truyền thông đang có sự cạnh tranh gay gắt người làm báo không còn cách nào khác ngoài cải thiện chất lượng dịch vụ của chính mình. Thông qua các cuộc thi quốc tế là cách để đào tạo thêm nhiều phóng viên đạt trình độ quốc tế, cập nhật những xu hướng làm phát thanh, làm báo mới nhất, phát triển các kênh phát thanh của VOV ngày càng phong phú, lôi cuốn, thuyết phục công chúng hơn.
“Điều chúng tôi mong mỏi là tiêu chuẩn làm phát thanh đạt được ở ABU sẽ được thể hiện trên các kênh sóng, các chương trình phát thanh hàng ngày. Có vậy sự phát triển của VOV mới thực sự bền vững, định vị được VOV trong lòng công chúng Việt Nam và quốc tế”./.
Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia; hiện là tổ chức phát thanh – truyền hình uy tín, lớn nhất trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương với hơn 279 thành viên tại 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếp cận lượng khán thính giả lên đến trên 3 tỷ người.
ABU Prize là giải thưởng hằng năm của ABU nhằm vinh danh những tác phẩm phát thanh, truyền hình và nội dung số xuất sắc của các đài thành viên ABU gửi tới dự thi.
Năm nay, trong hơn 300 tác phẩm, chỉ có 17 giải thưởng được trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất (gồm 7 giải cho tác phẩm phát thanh, 7 giải cho tác phẩm truyền hình, 1 giải cho tác phẩm truyền thông số và 1 giải thưởng đặc biệt của Ban Giám khảo dành cho tác phẩm phát thanh và 1 giải đặc biệt của Ban Giám khảo dành cho tác phẩm truyền hình). Các tác phẩm dự thi Giải ABU phải trải qua 3 vòng chấm thi và xét duyệt của Hội đồng Ban giám khảo quốc tế, là các chuyên gia phát thanh - truyền hình đến từ nhiều quốc gia. Đây cũng là lần đầu tiên VOV giành được đồng thời 2 giải chính thức, cũng là lần đầu tiên VOV giành giải ở Thể loại “Phóng sự thời sự” (News reporting).