Chuyến bay từ thủ đô New Delhi nhằm thẳng hướng Bắc của Ấn Độ, vượt qua dãy Himalaya. Mặt trời ngày mới chói loà trên những tầng mây trắng, chiếu rọi xuống trập trùng núi tuyết. Khách lao xao bên ô cửa máy bay, ai cũng muốn tận mắt chiêm ngưỡng dãy núi hùng vĩ nhất thế giới, lần đầu tiên trong đời.
Hành trình này đưa chúng tôi đến một vùng đất kỳ lạ - Ladakh. Là lãnh thổ liên bang ở cực bắc, nơi này không còn chút dấu vết gì của một bình nguyên Ấn Độ nóng ẩm và ngột ngạt. Ladakh là một phần của cao nguyên Thanh Tạng, “mái nhà thế giới” rộng hàng triệu cây số vuông, nơi mà những thung lũng thấp của nó đã cao trên 3.000m so với mực nước biển. Đặt chân xuống sân bay Leh Kushok Bakula Rimpochee ở độ cao 3.256m - một trong những sân bay có cao độ cao nhất trên thế giới, tôi thầm nghĩ, có lẽ đỉnh Fansipan chỉ tính là nằm đâu đó dưới …lòng đất.
Địa lý đặc biệt mang đến cho Ladakh những cảnh quan kỳ diệu. Bầu trời dường như gần hơn và mang một màu xanh thẫm khác hẳn thường thấy. Không khí trong vắt khiến mọi thứ đều sáng lên rực rỡ trong ánh nắng. Ở độ cao này, chúng tôi chỉ thấy màu xanh cây lá trong thung lũng thấp. Tới chân những sườn núi, màu xanh biến mất nhường chỗ cho những cây bụi cam đỏ, những hoang mạc cằn khô sỏi đá.
Kỳ diệu thay, tôi đang đứng dưới chân 2 dãy núi Himalaya và Karakoram, bao quanh bốn bề là dãy Ladakh và Zanskar. Trong tầm mắt cơ man là những ngọn núi trên 6.000m. Núi dựng lên như những bức tường thành mang đủ sắc màu nâu, cam, xanh dương, tím biếc, tuỳ độ xa gần và thời điểm trong ngày. Bình minh, hoàng hôn, mặt trời nhô lên lặn xuống sau những đỉnh núi trắng xoá tuyết phủ, nắng từ từ dát vàng lên vách núi. Bên mặt hồ phẳng lặng, núi soi bóng nước đẹp hơn tranh. Và dù đi tới đâu, núi tuyết vẫn sừng sững bên cạnh, vừa ngạo nghễ vừa thân quen.
Từng biết Ladakh được gọi là “tiểu Tây Tạng” (little Tibet) bởi nền văn hoá và lịch sử gắn bó chặt chẽ với vùng đất “cực thứ 3 của thế giới”, nên cũng chẳng ngạc nhiên khi nơi này sở hữu hàng trăm tu viện Phật giáo Tây Tạng. Các công trình kiến trúc đồ sộ này nếu không nằm trên đỉnh đồi thì cũng tựa lưng vào dốc núi, xếp tầng tầng lớp lớp bám theo vách đá cheo leo. Đối với người lữ hành, đây không chỉ là không gian thanh tịnh để chiêm bái tượng Phật, kinh Phật, tranh tường Mật tông huyền bí có tuổi đời đến cả nghìn năm, mà còn là địa điểm để ngắm nhìn cảnh quan vô cùng tuyệt vời.
Không gian hoang sơ, kỳ vĩ và diễm lệ khiến những kẻ từ đồng bằng lên như chúng tôi phải choáng ngợp. Mọi thứ đẹp đến nghẹt thở, theo đúng nghĩa đen, bởi áp suất giảm, không khí loãng và khô như rang dẫn đến thiếu oxi, đầu đau nhức, hơi thở dồn dập dù mới chỉ leo vài nhịp cầu thang.
Ngày chúng tôi đến, Ladakh đang độ thu chín. Nắng chan hoà khắp nơi, nhuộm cây cỏ trong sắc vàng. Thu sang dường như là thời điểm dành riêng cho những loài cây họ dương liễu khoe sắc. Ai đó bảo “mùa thu là mùa xuân thứ hai bởi mỗi chiếc lá đều là một bông hoa”, nhưng khác với hoa, lá ở đây chỉ rặt một màu vàng đủ sắc độ. Đứng dưới tán lá, ngước lên thấy cả không gian rực sáng trong ánh vàng tươi tắn. Gió thổi qua, lá đón gió khiến cả cây như đang rung rinh.
Từ Leh - thị trấn trung tâm ở Ladakh, chúng tôi cứ thế rong ruổi, ngắm mùa thu đẹp đến mơ màng. Chiếc xe lóc cóc trên con đường kẻ ngang qua hoang mạc, loa phát những bài hát nhạc Ấn vui nhộn khiến cả người và xe đều như muốn nhún nhảy. Xe theo đường 3 xuôi dòng sông Ấn về hướng Đông Nam, hai bên đường lá vàng trùm mát rượi, con đường sâu thẳm dài bất tận. Xa xa, những hàng liễu vàng nổi bật trên nền núi xanh xám, thấp thoáng như xa như gần. Xe ngược Quốc lộ 1 đi Srinagar, cứ vài km lại bắt gặp một hàng dương thắng tắp, soi sắc vàng xuống dòng sông uốn quanh, nước xanh lơ lấp lánh. Anh chàng tài xế dường như đã chán cảnh cứ chốc lát khách lại muốn dừng xe, nên chỉ cần nghe thấy tiếng cảm thán ồ à là tự động đạp phanh, để chúng tôi tạt xuống chụp ảnh và ngắm nghía cho đã con mắt.
Nhưng kỳ diệu nhất phải kể đến thung lũng bao quanh những dòng sông, Shyok, Nubra và Indus (sông Ấn). Từ trên những con đèo hay đỉnh của một tu viện cao ngất, khi chưa kịp lấy lại nhịp thở thì trái tim tôi đã vội hẫng một nhịp vì cảnh tượng bày ra trước mắt. Cả một lòng chảo khổng lồ rộng lớn chìm trong sắc màu của thước phim điện ảnh. Dưới là những hàng cây, lớp lớp nối nhau phủ sắc vàng óng ả tựa như tranh của Levitan. Sau tán cây thấp thoáng vài ba ngôi nhà tường trắng, kiến trúc bản địa vuông vức đặc trưng, bao quanh là hàng rào đá. Trong vườn, táo chín đỏ lịm, chen nhau nặng trĩu cả cành. Lúa mì trên đồng đã gặt hết, chỉ còn trơ lại những đụn rơm nâu vàng. Dòng sông xanh uốn lượn nước chảy êm đềm, điểm vào bên bờ vài chú ngựa, đàn bò lơ thơ tìm cỏ.
Sáng hôm ấy, chúng tôi đến tu viện Matho sâu trong chân núi, ngẩn ngơ ngắm nhìn ngôi làng cổ tích. Tôi xuống thung lũng, đứng ở đấy, giữa núi tuyết lặng im, giữa dòng nước cuộn chảy và thảm lá vàng rì rào, tưởng như mình đang trong giấc mộng. Trưa hôm ấy, sân thượng tu viện Thiksey lặng im như tờ, chỉ còn tiếng gió cuộn theo hơi lạnh từ triền núi tuyết. Nắng chiều vàng như mật dưới chân tu viện Hemis – tu viện đồ sộ bậc nhất có tuổi đời từ thế kỷ 11. Và kia, bên vách tường đất của tu viện cổ Lamayuru, mấy chú tiểu đang trò chuyện vui đùa, cười khúc khích khi thấy khách lạ ghé thăm. Bóng áo choàng nâu đỏ của các nhà sư phấp phới, người hành hương từ tốn, chậm rãi vừa bước đi vừa xoay những trụ kinh luân vô tận. Những dải cờ 5 màu vàng, xanh lá, đỏ, trắng, xanh lam rực rỡ có ở khắp nơi, chăng ngang giữa quảng trường đông đúc, phủ dày kín những thành cầu bắc qua sông, trên con đèo hun hút hay lẻ loi trên tán cây sườn núi khuất. Đó là lungta (tiếng Tạng: ngựa gió), lá cờ chép kinh cầu bình an, may mắn, chuyển hoá ác thành thiện… Gió thổi qua, cờ bay phấp phới, những lời cầu nguyện nương theo gió mà đi khắp không gian.
Nhưng chúng tôi cũng biết, mùa thu chẳng ở lâu với Ladakh. Nắng đầy trên vai nhưng khi chạm tay xuống sông Ấn, nước đã lạnh buốt. Khúc cua tay áo liên tiếp đưa khách lên những con đèo cao hơn 5.000m Khardung La, Chang La, nơi tuyết đã phủ trắng đường. Ở đó, mặt nước xanh như biển của những hồ thiêng Tso Pangong, Tso Moriri đã sắp sửa đóng thành băng. Khi mùa đông đến, băng tuyết khiến những con đường tê liệt, Ladakh sẽ thực sự biệt lập với phần còn lại của thế giới.
Những ngày ở đây, chúng tôi luôn sống trong sự đối nghịch. Một bên là tâm trí hào hứng nhìn ngắm trải nghiệm, một bên là cơ thể mệt nhoài khó thích ứng với độ cao và thời tiết. Và dường như đối với người Ladakh, sự đối lập cũng là điều tất yếu.
Thiên nhiên càng khắc nghiệt, càng dữ dội thì con người càng an nhiên và tự tại. Bên ngoài là thế giới đầy biến động, mùa đông lạnh giá, mùa hè thiêu đốt, vật chất thiếu thốn đủ điều nhưng bên trong lại là một thế giới tinh thần tĩnh tại với văn hoá truyền thống và niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Ngày thường, người Ladakh sống bình lặng và giản đơn, nhưng trong các lễ hội, họ nhảy múa, ca hát trong một bầu không khí sôi động và tưng bừng đến không ngờ.
Sống trong không gian bao la, người Ladakh cũng rộng lòng với mọi điều. Trong tiếng Ladakh có một từ thần kỳ là Julley, vừa có nghĩa như lời chào, sự chào đón, vừa là lời cảm ơn, tạm biệt. Những người tôi gặp trên đường, chỉ cần nói Julley, họ sẽ đáp lại bạn bằng sự chân tình và nhiệt thành. Cậu tài xế trông râu ria dữ dằn nhưng lại hay ngân nga những bài hát vui nhộn, và ngại ngùng khi tôi muốn cậu hát cho mọi người cùng nghe. Mấy anh bạn phục vụ trong khách sạn biết khách không quen đồ ăn Ấn nên luôn chuẩn bị riêng vài món. Một cụ già phúc hậu gặp bên hiên tu viện, dù chẳng hiểu ngôn ngữ, nhưng bàn tay xoa nhẹ trên đầu, dường như là lời chúc tôi bình an và khoẻ mạnh. Người bạn mới quen mời chúng tôi về nhà mình, đó là một gia đình đạo Hồi đang tổ chức 2 đám cưới liên tiếp cho con cháu. Tạm dừng việc trang hoàng, cả nhà mời khách lạ ngồi trong gian phòng ấm cúng giữa những tấm thảm rực rỡ. Ly trà chai đậm đà, sự tiếp đãi nồng hậu và nụ cười duyên dáng của cô gái chủ nhà đã khiến tôi giữ Ladakh ở mãi trong ký ức của mình.
“Đi để mà đi chứ không phải để mà đến”. Hôm ấy chúng tôi rủ nhau leo lên một ngọn đồi trên đường dài hoang vu. Ở đó, tôi đứng giữa hàng trăm, hàng nghìn những tháp đá nhỏ chênh vênh, từng viên từng viên xếp chồng lên nhau nhưng không hề nghiêng ngả đổ sụp. Đó không chỉ là cách để đánh dấu đường đi, đó còn là lời nhắn gửi, lời cổ vũ của những người đã có duyên đến trước. Chúng tôi cùng xếp một tháp đá, gửi vào đó lời cầu chúc cho những người đến sau, hãy cứ đi và sẽ đến cùng nhau, trên những chặng đường này./.