Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã bầu ra 131 đại biểu Quốc hội trẻ (dưới 45 tuổi) - chiếm 26,5% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Người trẻ nhất mới 24 tuổi tại thời điểm trúng cử. Thực tế hoạt động của Quốc hội khóa XIV đã chứng minh năng lực làm việc của ĐBQH trẻ với nhiều gương mặt và phát ngôn nổi bật.
Theo tiêu chí của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Liên minh nghị viện thế giới - IPU, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trẻ là những người từ 45 tuổi trở xuống.
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV sắp tới, nhiều người kỳ vọng, sẽ có thêm những đại biểu trẻ. Cử tri hãy tin tưởng và trao cơ hội cho họ.
Bằng những màn tranh luận nóng bỏng và lập luận sắc sảo trên Nghị trường, nhiều gương mặt đại diện cho thế hệ đại biểu trẻ khóa XIV đã thể hiện một lối tư duy rất khoa học, góc cạnh, sát với thực tế cũng như một trái tim nhiệt huyết. Trên hết, họ cho cử tri thấy tinh thần “phản biện để phát triển” và khát khao cháy bỏng xây dựng đất nước ngày một văn minh và phát triển.
“Tôi bất ngờ về năng lực làm việc của người trẻ. Ở tuổi họ, thế hệ của tôi không giỏi được như vậy” – Bà Trần Lệ Thùy – Thạc sĩ ngành Khoa học Phát triển, Đại học Oxford thốt lên khi nói về chất lượng làm việc của người trẻ tại Việt Nam.
Thạc sỹ Trần Lệ Thùy từng làm giảng viên một khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho ĐBQH. Bà phân tích: “Người trẻ có rất nhiều ưu thế. Thứ nhất, họ được học hành bài bản và đồng đều. Với lợi thế về ngoại ngữ, người trẻ như đã có thêm bộ não thứ hai. Ví dụ, khi nghiên cứu tài liệu trước khi quyết định thông qua luật, nếu ĐBQH có ngoại ngữ có thể tham khảo và so sánh nguồn tài liệu của nhiều quốc gia khác nhau thay vì chỉ đọc tài liệu địa phương. Thứ hai, khi được hưởng một nền giáo dục toàn diện, người trẻ có môi trường và nền tảng để hình thành nên những phẩm chất đạo đức tốt.
“Cá nhân tôi có rất nhiều niềm tin vào người trẻ.” – Thạc sỹ Trần Lệ Thuỳ bày tỏ.
Yêu cầu và đòi hỏi đối với một ĐBQH là rất cao. ĐBQH phải là người am hiểu nhiều lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, xã hội, hiểu tình hình thế giới nhưng không xa rời tình hình Việt Nam và phải có tư chất, có tâm, có đức. Trên thực tế, yêu cầu của cử tri với ĐBQH không phải là những tiêu chuẩn bất động mà thay đổi theo thời gian, khóa sau phải cao hơn khóa trước.
“Người trẻ hoàn toàn có khả năng hòa nhập tốt với môi trường hoạt động của Quốc hội.” - Là người đã hoạt động trong Quốc hội liên tiếp 4 nhiệm kỳ, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi đã chứng kiến hoạt động và sự trưởng thành của nhiều lớp ĐBQH trẻ. Ông nhận xét: “Riêng nhiệm kỳ vừa rồi, rất nhiều gương mặt trẻ khiến tôi ấn tượng. Họ đều là những đại biểu có trí tuệ, được đào tạo bài bản và có khả năng tiếp cận nhanh.”
Được chọn là 1 trong 2 trường hợp đặc biệt để tái cử ở khóa XV nhưng ông Bùi Sỹ Lợi chỉ vui vẻ trả lời: “Đã già rồi nên lui, để lớp trẻ tiến lên.”
Trong khi có những ĐBQH không một lần phát ngôn trong suốt 5 năm nhiệm kỳ, nhiều ĐBQH trẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thách thức liên tục đóng góp cho Nghị trường nhiều phát ngôn sắc sảo, nóng bỏng. Họ đã thể hiện rất rõ ràng trách nghiệm của một đại biểu dân cử.
Ông Lê Quốc Phong (SN 1979), Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ đồng thời cũng là Bí thư Tỉnh uỷ trẻ nhất Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của người trẻ trong hoạt động lập pháp: “ĐBQH trẻ đã ra tạo một luồng sinh khí mới cho Quốc hội. Bởi họ có những góc nhìn, nhận thức mới mẻ. Cá nhân tôi đã chứng kiến nhiều ĐBQH trẻ bị lúng túng trong 2 – 3 kỳ đầu hoạt động, nhưng ngay sau đó họ trưởng thành rất nhanh. Bằng chính góc nhìn trẻ cùng độ chín nhất định trong quá trình hoạt động, ĐBQH trẻ đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cho Nghị trường. Thực tế khóa XIV đã chứng minh điều đó.”
Thông qua hoạt động lập pháp, ĐBQH trẻ đóng một vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chính quyền. Bởi diện mạo đất nước trong 5, 10 năm, 50 năm nữa như thế nào, phụ thuộc không ít vào quyết định và ý kiến của họ trong hôm nay. Hơn nữa, ĐBQH trẻ còn là “hạt giống”, là thế hệ ĐBQH tái cử kế cận. Chính những sai lầm và cọ sát thực tế sẽ giúp hoạt động của họ hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ dẫn dắt tiếp theo.
Quốc hội khóa XIV đã bầu được 496 ĐBQH, trong đó có 131 ĐBQH dưới 45 tuổi, chiếm 26,5% tổng số ĐBQH. “Quốc hội Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có tỷ lệ người trẻ tham gia vào hoạt động nghị viện đông đảo như vậy.” – trích lời Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (SN 1978) là một trong 131 ĐBQH trẻ được bầu trong khóa XIV. Tên tuổi của đại biểu Hiền gắn liền với những màn tranh luận thẳng thắn với các Bộ trưởng và cơ quan chức năng xoay quanh các vấn đề thời sự như: Dự án Thép Cà Ná, các chính sách giáo dục, đào tạo,… “Kinh nghiệm hoạt động và áp lực tâm lý là hai thách thức lớn nhất mà ĐBQH trẻ phải đối mặt. Có thể nói, nếu so với các ĐBQH lão làng thì đây là hai điểm yếu lớn nhất của ĐBQH trẻ.” – ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ sau 1 nhiệm kỳ làm việc trên Nghị trường.
Cùng với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, ĐBQH trẻ Ksor Phước Hà (SN 1982) cũng ghi đậm dấu ấn với cử tri bằng nhiều phát ngôn mạnh mẽ. Từ chính trải nghiệm cá nhân, đại biểu Ksor Phước Hà có nhiều đóng góp trong chính sách giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường,… Những màn tranh luận giữa chị và các Bộ trưởng đã trở thành màn đối thoại không thể nào quên với nhiều cử tri cả nước.
ĐB Ksor Phước Hà cho rằng, vốn kiến thức tích luỹ là thử thách lớn nhất đối với ĐBQH trẻ: “Hoạt động Quốc hội xoay quanh rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này đòi hỏi ĐBQH phải có kiến thức toàn diện. Khi chưa có nhiều kinh nghiệm và thời gian tích luỹ, khó khăn này trở lên lớn hơn với ĐBQH trẻ.”
Đồng tình với quan điểm của 2 ĐBQH trẻ trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, để khắc phục những nhược điểm đó, ĐBQH trẻ cần phải có thời gian học hỏi, va vấp và tham vấn từ những ĐBQH có kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, ĐBQH trẻ có thể hoàn thiện khả năng, điểm mạnh thế hệ với hoạt động Quốc hội. “Như thế, là thành công thôi.” - Ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, muốn ĐBQH trẻ thực sự phát huy khả năng, bày tỏ chính kiến thì cần phải bảo vệ tiếng nói của họ: “Phát ngôn là quyền bất khả xâm phạm của đại biểu dân cử. Do đó, càng phải bảo vệ quyền lên tiếng của ĐBQH trẻ, phải cho họ nói, cho họ được bày tỏ. Không phải cứ thấy trái chiều, thấy sai là có ý kiến. Bởi không có cái sai thì làm sao có cái đúng. Chỉ khi được tranh luận, được phản biện trên nhiều khía cạnh, chân lý mới được tìm ra.”
“Đại biểu trẻ cũng không phải bơi một mình đâu” - ĐBQH Ksor Phước Hà cho biết sự đồng hành của Quốc hội với các ĐBQH trẻ đang ngày càng chất lượng hơn với nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thực tế.
Để hỗ trợ các ĐBQH trẻ tốt hơn, Thạc sĩ Trần Lệ Thùy, Đại học Oxford cho rằng, có thể có thêm các hỗ trợ tư vấn về chuyên môn, và các biện pháp hỗ trợ tâm lý khi cần thiết. Bà phân tích “ĐBQH là những người luôn phải đưa ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Do đó, họ phải xử lý khối lượng và chịu sức căng tâm lý không hề nhỏ. Do đó ĐBQH xứng đáng có sự hỗ trợ về mặt tâm lý bởi một cơ quan chuyên môn chứ không phải người thân hay bạn bè.”
Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch nhóm ĐBQH trẻ khóa XIV nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH trẻ, trước hết cần xử lý vấn đề đầu vào. Trong đó, mấu chốt là chính sách thu hút người trẻ tài năng và quy trình chọn lọc kỹ càng qua các vòng tuyển chọn hồ sơ cũng như làm hiệp thương.
“Tôi tin rằng, không có nhiều môi trường mang lại nhiều trải nghiệm, cơ hội tích lũy và trưởng thành cho người trẻ như diễn đàn Quốc hội. Từ trải nghiệm cá nhân, tôi đã chứng kiến nhiều ĐBQH trẻ đã trưởng thành rất nhanh sau khóa XIV. Việc cần làm tiếp theo là phải truyền tải làm sao để khơi gợi khát khao tham gia vào hoạt động lập pháp và trách nghiệm xây dựng đất nước của người trẻ, để họ hiểu sự thú vị và ý nghĩa của hoạt động Quốc hội.”
Sau 5 năm làm việc trực tiếp với 131 ĐHQH trẻ với cương vị Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ, ông Lê Quốc Phong hy vọng: “Tỷ lệ ĐBQH trẻ khoá XV sẽ cao hơn khoá XIV.”
Ông mong muốn rằng cử tri, Quốc hội có thể tiếp tục tin tưởng giao quyền cho người trẻ trong nhiệm kỳ tới./.