Ngày 1/9/2018, chạy xe bon bon qua cầu Bạch Đằng và đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vừa mới cắt băng khánh thành, anh Trần Minh Quân, một người dân TP Hạ Long đã nghĩ “đây là giấc mơ trở thành hiện thực”. Từ phố biển Hạ Long, nay những tài xế như anh chỉ mất 1,5 giờ để tới thủ đô Hà Nội, thay vì từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ trên Quốc lộ 18A. Thèm 1 tô bánh đa cua Hải Phòng, chặng đường từ Hạ Long tới trung tâm thành phố cảng giảm từ 70km xuống còn 25km, mất vỏn vẹn 20 phút.
“Lúc ấy, tôi chưa hề biết rằng, đúng 4 năm sau, ngày 2/9/2022, Quảng Ninh đã thông toàn tuyến cao tốc xuyên tỉnh từ cầu Bạch Đằng giáp Hải Phòng ra đến tận cửa khẩu Móng Cái dài 176km, sở hữu số kilomet cao tốc nhiều nhất cả nước”.
Cầu Bạch Đằng bắc ngang dòng sông lịch sử và cao tốc Hạ Long - Hải Phòng giúp khu vực trung tâm của tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng chưa bao giờ gần nhau đến thế. 2 công trình trọng điểm này không chỉ phát huy thêm giá trị của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã hoàn thành trước đó, mà còn góp phần kết nối tam giác phát triển “3 chữ H” gồm Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian và cơ hội phát triển kinh tế mới cho toàn khu vực.
Ấn tượng hơn cả, Hạ Long - Hải Phòng chính là tuyến đường cao tốc đầu tiên Chính phủ giao cho địa phương tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, với sự chủ động đề xuất từ Quảng Ninh - một việc làm chưa từng có tiền lệ. Từ “cú nổ tiên phong” này, hàng loạt dự án giao thông đường cao tốc, sân bay, cảng biển “nghìn tỷ” xếp hàng về đích chỉ trong vài năm tiếp theo. Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có hệ thống giao thông đồng bộ bậc nhất cả nước, đứng đầu danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam (Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh PCI 2022).
Chìa khóa để Quảng Ninh tạo nên kỳ tích hạ tầng giao thông, chính là sự đột phá trong tư duy, tầm nhìn và khát vọng phát triển, kiên trì phương châm lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP: Public - Private Partnership).
“Lúc đó, Quảng Ninh còn chưa biết gọi tên đó là đầu tư PPP”, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhớ lại. Năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã nhận định rõ, phải tháo những “nút thắt” về hạ tầng cản trở sự phát triển của tỉnh nhà: “Giao thông phải đi trước một bước”.
Triển khai chủ trương quan trọng của Đảng tại Nghị quyết Trung ương Khóa XI về đầu tư đường cao tốc, để tự “cởi trói” cho mình trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và khung pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư còn chưa đầy đủ và đồng bộ, Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình nhằm kết hợp, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, nhất là sự tham gia của khối tư nhân vào đầu tư xây dựng hạ tầng, tập trung vào hạ tầng giao thông.
Phá bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, trên nền tảng 7 quy hoạch chiến lược công bố năm 2013, những mục tiêu chiến lược được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thực hiện bài bản với lộ trình và bước đi thích hợp. “Có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, có dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt”, từ đó Quảng Ninh định vị được tất cả các nguồn lực và chiến lược sử dụng tài nguyên, ưu tiên dành quỹ đất cho các dự án trọng điểm theo không gian phát triển“Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai mũi đột phá” (Tâm là thành phố Hạ Long. Tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, trong đó Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới. Tuyến phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới Đông Bắc Á. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá)
Phương châm xuyên suốt của Quảng Ninh là “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Ngân sách nhà nước được sử dụng như là “vốn mồi” để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân, kết hợp tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài. Từ năm 2016-2020, tổng nguồn vốn của 29 dự án đầu tư theo phương thức PPP trên địa bàn tỉnh là hơn 46 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia hơn 5 nghìn tỷ đồng (chiếm 11%), chủ yếu tập trung cho công tác GPMB. Trong đó, riêng 7 dự án giao thông đã chiếm tổng số vốn hơn 43 nghìn tỷ đồng, đều là các công trình huyết mạch, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. “Như vậy, cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được 8 đến 9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh”, ông Cao Tường Huy khẳng định.
Trở về quê hương trên chuyến bay thương mại đầu tiên đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn ngày 30/12/2018, ông Trần Văn Đức cùng gần 280 hành khách đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh không khỏi bồi hồi. Nhiều người trong số họ không có điều kiện về thăm quê nhà thường xuyên, khó có thể tưởng tượng rằng, những bãi sú vẹt mênh mông năm nào giờ đã là sân bay hiện đại nhất nhì cả nước. “Khi máy bay chạm vào đất Vân Đồn, nhiều người ứa nước mắt. Về thăm quê gần đây, bà con liên tục thấy diện mạo Quảng Ninh đổi thay đến chóng mặt. Thực sự quá vui mừng”, ông Đức xúc động.
“Vay niềm tin, trả lợi ích”, những năm qua, Quảng Ninh đã biến sự đồng thuận của người dân, sự đồng hành của doanh nghiệp thành những con đường, những công trình giao thông chiến lược, biến những vùng đất từng xa xôi, cách trở thành những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, logistics, dịch vụ…
“Rút ngắn đường xa”, “mở cửa bầu trời”, “khơi thông cửa biển”, hạ tầng giao thông là cơ sở để kích thích và thu hút các dự án đầu tư đến các KCN, KKT, KKT cửa khẩu. Những dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ triệu đô dần hình thành dọc theo các công trình giao thông huyết mạch, từ tuyến phía tây Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, tâm là TP Hạ Long, tuyến phía đông Cẩm Phả, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái… Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, 15 KCN đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, các tập đoàn lớn trong nước… Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước.
Đến Quảng Ninh nhờ nhìn nhận những lợi thế lớn trong vị trí địa lý, hạ tầng, nhưng điều giữ chân các nhà đầu tư chính là phương châm “cùng thắng”. Hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng nhiều kênh, nhiều phương tiện khác nhau, Quảng Ninh nổi lên như một hình mẫu trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thực chất và hiệu quả.
6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đạt tăng trưởng GRDP 9,46%, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 4 cả nước. Đây là sự tiếp nối của đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), được coi là kỳ tích của địa phương sau 35 năm đổi mới. Dù trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, Quảng Ninh đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp, dịch vụ hiện đại, giữ vững và phát huy vai trò cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc. Mỗi dịp cuối năm, nhìn lại kết quả phát triển KT-XH và đề ra mục tiêu cho năm tới, đột phá về kết cấu hạ tầng, về giao thông vẫn là trọng tâm được Quảng Ninh đặt ra.
Ngay trước khi đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thông xe, lãnh đạo 4 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên có “cú bắt tay” quan trọng. Đây là 1 thoả thuận hợp tác kết nối dựa trên trục cao tốc phía đông đi qua các địa phương, trong đó Quảng Ninh đóng vai trò trung tâm khi sở hữu gần 2/3 trục cao tốc kéo dài từ Hà Nội tới cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Liên kết này tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần so với Đà Nẵng; đặc biệt là liên kết cảng biển và sân bay quốc tế, cửa khẩu trên bộ và trên biển với Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới, nguồn nhân lực dồi dào cùng không gian phát triển kinh tế rộng lớn và giàu tiềm năng. “Muốn đi xa, phải đi cùng nhau ! Sáng kiến mới này không chỉ phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng mà còn có tầm nhìn về xây dựng một mô hình liên kết kinh tế năng động, có định hướng toàn cầu”, theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI.
Phá bỏ thế “độc đạo”, Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong vùng, xa hơn là trong khu vực Đông Á – Đông Nam Á, ASEAN – Trung Quốc, từng bước phát huy vai trò hạt nhân để đẩy mạnh liên kết trên mọi lĩnh vực. Ngày 14/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã có buổi làm việc có thể nói là lịch sử trong 20 năm qua, cởi mở, thẳng thắn cả về tư duy và tầm nhìn trên tinh thần liên kết và bổ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Tháng 1/2022, Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang ký thoả thuận hợp tác toàn diện. Tháng 3/2022, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng tổ chức hội nghị hợp tác giai đoạn 2022-2025, thống nhất nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”, tiếp tục khẳng định vị thế là các động lực tăng trưởng của vùng, của khu vực…
Điểm nhấn trong sự phối hợp của các địa phương vẫn là thúc đẩy liên kết vùng bằng hệ thống hạ tầng giao thông động lực. Các tuyến đường không chỉ “mở lối” tới cửa khẩu cho các tỉnh nội địa, mà còn khai thác không gian núi rừng, mở ra cơ hội phát triển du lịch, thương mại cho tất cả các địa phương. Bắc Giang, Lạng Sơn sẽ “có biển”. Đây cũng chính là một trong những “chìa khoá” quan trọng để tạo không gian, nguồn lực, giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, giúp vùng đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững và có cơ cấu kinh tế hợp lý.
Quảng Ninh hiện đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến vốn ngân sách tỉnh đầu tư hơn 21,6 nghìn tỷ đồng, ngoài tuyến cao tốc, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu đã hoàn thành sẽ thu hút đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, trọng tâm là Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục, cầu Cửa Lục 2,3, các hệ thống cầu, đường kết nối nội tỉnh và liên tỉnh...
“Chúng tôi tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để khi các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh có thể đáp ứng được ngay. Hoàn thiện nhanh hạ tầng, đặc biệt là các khu dịch vụ, bãi kiểm hoá, bãi thông quan, kho ngoại quan cũng như hệ thống cảng biển. Cùng với đó là chính sách đãi ngộ để phát triển doanh nghiệp khu vực Móng Cái, cùng liên kết chia sẻ lợi ích giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế”, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành uỷ Móng Cái - hạt nhân của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cho biết.
Còn anh Trần Văn Công, người dân huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) thì đã chuẩn bị mua chiếc xe tải mới, sẵn sàng chở những chuyến nông sản khi tuyến đường 342 nối TP Hạ Long qua huyện vùng cao Ba Chẽ, kết nối sang Lạng Sơn hoàn thành vào tháng 10 này, đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh. “Sớm thôi, tôi có thể chở hàng từ Lạng Sơn xuống thẳng Hạ Long, tắm biển, ăn hải sản rồi về”, anh cười khi thấy con đường mới đang thành hình giữa núi rừng Đông Bắc./.