Mỹ và Liên minh châu Âu đã cáo buộc Belarus đưa người di cư đến biên giới để gây áp lực với các nước láng giềng nhằm trả đũa lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Minsk. Tuy nhiên Belarus đã phủ nhận cáo buộc tạo ra khủng hoảng di cư đồng thời chỉ trích phương Tây gây ra tình trạng trên và đối xử tệ với người di cư. Trong khi đó, các nhân viên cứu trợ cảnh báo những người tị nạn dễ bị tổn thương bị mắc kẹt trong các khu rừng băng giá đang thiếu đồ ăn và chăm sóc y tế.

Khu vực biên giới Ba Lan và Belarus (Ảnh BBC)

Shwan Kurd, một người tị nạn Iraq cho biết: “Không ai cho chúng tôi vào, dù là Belarus hay Ba Lan. Không còn cách nào để đi. Chúng tôi rất đói. Không có thức ăn hoặc nước uống ở đây”.

Hoảng sợ trong cái giá lạnh tê tái, hàng trăm người di cư đã tụ tập quanh các đống lửa trại ở biên giới giữa hai nước khi Ba Lan nỗ lực gia cố các hàng rào dây thép gai và tăng cường triển khai lính biên phòng ngăn họ vào Liên minh châu Âu. Nhà chức trách Ba Lan cũng chuẩn bị ứng phó với nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ sau khi một số người di cư sử dụng gỗ, thuổng và các công cụ khác để cố gắng vượt qua các hàng rào. 

Hoảng sợ trong cái giá lạnh tê tái, hàng trăm người di cư đã tụ tập quanh các đống lửa trại (Ảnh 1: In1News - Ảnh 2,3: BBC)

Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người di cư tại vùng biên giới giữa hai nước. Lực lượng bảo vệ biên giới Belarus ước tính có khoảng 2.000 người trong khi nhà chức trách Ba Lan ước tính con số này lên đến 4.000 người. Các tổ chức nhân đạo cáo buộc Ba Lan vi phạm quyền quốc tế về tị nạn khi đẩy người di cư trở lại Belarus thay vì nhận đơn xin tị nạn của họ. Còn phía Ba Lan cho rằng hành động của mình là hợp pháp.

Nhận định làn sóng người di cư trái phép tràn vào Ba Lan ở mức chưa từng có và đe dọa an ninh toàn EU, chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp và điều động khoảng 12.000 nhân viên cảnh sát và quân đội tới hỗ trợ lực lượng biên phòng. Ba Lan đang có kế hoạch chi khoảng 410 triệu USD để xây dựng tường biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư.

Tranh cãi về vấn đề di cư ở rìa phía Đông châu Âu đã khiến những người tị nạn bị mắc kẹt dài ngày tại khu vực biên giới. Sau khi có thông tin về một số người tử vong, nhiều quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi 2 nước không sử dụng người tị nạn làm “con bài chính trị”.

Cuộc khủng hoảng di cư đã làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa  Belarus – một đồng minh của Nga và nước láng giềng Ba Lan – thành viên của NATO kể từ năm 1999. Các quan chức tại Warsaw cảnh báo rằng, Belarus có thể “kích động một cuộc xung đột vũ trang” ở biên giới để gây thêm sức ép đối với Ba Lan. Căng thẳng kéo dài nhiều tháng giữa 2 bên đã leo thang vào tuần trước, với việc Ba Lan cáo buộc lực lượng bảo vệ biên giới của Belarus xâm phạm biên giới và tiến sâu hàng trăm mét vào lãnh thổ Ba Lan trong đêm. Về phần mình Bộ ngoại giao Belarus cáo buộc Ba Lan tung thông tin sai sự thật để làm tổn hại Minsk.

Lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan gia cố hàng rào thép gai và ngăn người tị nạn phá rào biên giới. Nguồn: New York Times.

Ngay cả trước khi xuất hiện những cáo buộc này, quan hệ giữa Minsk và Warsaw đã nảy sinh một loạt mâu thuẫn khi Ba Lan tiếp nhận các nhà lập pháp đối lập của Belarus – những người phản đối kết quả bầu cử tổng thống ở quốc gia này vào tháng 8/2020. Tiếp đến là việc phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Belarus sau vụ nước này ép máy bay của Hãng Ryanair (Ireland) chuyển hướng để bắt một nhà báo đối lập hồi tháng 5/2021.

EU một lần nữa phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới bên ngoài của khối này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Một số quan chức châu Âu đã gọi đây là “cuộc tấn công hỗn hợp” do Belarus dàn dựng.

Sau khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vào ngày 8/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nêu rõ: “Nhà chức trách Belarus phải hiểu rằng việc gây sức ép với EU theo cách này sẽ không giúp họ thực hiện được mục đích”.

Các nước thành viên của khối đã lựa chọn “cách tiếp cận từ từ”, cố gắng gây áp lực đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Belarus. Cho đến nay, EU đã áp đặt 4 vòng trừng phạt, nhằm vào 166 cá nhân và 15 tổ chức có liên hệ với chính phủ Belarus.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư không có dấu hiệu giảm nhiệt, nhiều nhà phê bình cho rằng, cách tiếp cận của EU đã không hiệu quả. Judy Dempsey, thành viên cấp cao của tổ chức nghiên cứu Carnegie Europe, nói với DW rằng: “Phản ứng của Liên minh châu Âu rất chậm chạm và thiếu kiên quyết. Belarus đã sử dụng vấn đề di cư để đáp trả biện pháp trừng phạt của EU. Cả Belarus và đồng minh của nước này là Nga đều biết rằng, những mâu thuẫn nội tại của EU khi xử lý vấn đề di cư là một trong những điểm yếu lớn nhất của khối”.

Cho đến nay, không quốc gia thành viên nào của EU, kể cả Đức muốn tiếp nhận thêm người di cư. Vấn đề di cư từ lâu đã gây chia rẽ và bất đồng giữa các nước thành viên trong khối.

EU đang xem xét áp đặt vòng trừng phạt mới đối với Belarus. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi các nước thành viên nhất trí về việc mở rộng lệnh trừng phạt hiện đang được hoạch định thông qua các thủ tục nội bộ của khối. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, gói trừng phạt mới nhằm vào những cá nhân hoặc tố chức đang hỗ trợ Belarus đưa người di cư tới khu vực biên giới EU, ngoài ra cũng có thể bao gồm các biện pháp chống lại hãng hàng không Belavia của Belarus và các công ty cho hãng này thuê máy bay.

Bên cạnh đó, EU có kế hoạch cử các phái đoàn ngoại giao và phụ trách vấn đề nhập cư tới các quốc gia là nơi xuất phát và quá cảnh của người di cư đang đổ về biên giới Belarus-Ba Lan, để đảm bảo có sự phối hợp tốt hơn trong việc hồi hương người di cư.

Nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo gia tăng và EU đau đầu giải quyết vấn đề nhập cư. (Ảnh: Reuters).

Nếu như các bên không tìm được cách giải quyết vấn đi trước khi mùa Đông tới thì tình trạng của những người di cư đang mắc kẹt tại khu vực biên giới Belarus-Ba Lan sẽ rất tồi tệ. Nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Eve Geddie – giám đốc của Tổ chức Ân xá quốc tế tại khu vực EU cho biết: “Tình hình ở khu vực biên giới giữa Ba Lan và Belarus ngày càng tồi tệ hơn. Chúng tôi thực sự lo ngại về việc các bên liên tục đổ trách nhiệm cho nhau mà không cố gắng tìm kiếm một giải pháp”.

Các tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi Ba Lan cho phép họ tiếp cận với khu vực biên giới để cung cấp nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế cho người nhập cư, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Nhiệt độ ngày càng giảm tại các khu rừng ở biên giới giữa hai nước đang khiến cuộc sống của những người tị nạn trở nên nguy hiểm hơn. Chưa kể hàng trămngười di cư khác tiếp tục đổ về Belarus mỗi tuần, khiến cuộc khủng hoảng càng thêm bế tắc./.

Khi mùa Đông tới thì tình trạng của những người di cư đang mắc kẹt tại khu vực biên giới Belarus-Ba Lan sẽ rất tồi tệ (Nguồn Reuters)

Thứ Sáu, 08:20, 12/11/2021