Đến xã Minh Khai vào những ngày nắng, không khỏi bất ngờ với không khí làm việc luôn tấp nập, khẩn trương của bà con trên những cánh đồng bún, miến. Trên các cánh đồng, đường đê, những giàn phơi bằng sắt, tre, nứa được người dân dựng lên vừa khít với khuôn các phên bánh, đảm bảo độ sạch, không bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn trong quá trình phơi.

Tại các lò chế biến miến, bún, từ tờ mờ sáng, hệ thống máy móc trong làng đã hoạt động hết công suất, người dân lục đục thức dậy tráng bánh, cắt miến, chuẩn bị cho ra những mẻ miến mới… Nhịp sản xuất nơi đây lúc nào cũng hối hả, ai nấy đều cố gắng làm ra nhiều thành phẩm nhất để kịp cho các đơn hàng.

Trước đây, từ làng nghề chuyên sản xuất tinh bột, những năm 1980, người dân Minh Khai bắt đầu phát triển nghề mới là chế biến bún phở khô từ gạo tẻ. Đến năm 1990, xuất hiện thêm nghề tách vỏ đỗ xanh. Cách đây hơn 10 năm, nhiều hộ trên địa bàn bắt tay vào sản xuất bánh kẹo.  Đến nay, toàn xã có gần 600 hộ sản xuất kinh doanh đa dạng các loại sản phẩm như bún phở khô, tinh bột sắn, tinh bột dong giềng, tách vỏ đỗ xanh, sản xuất bánh kẹo… Trong đó, miến dong và bún phở khô là những sản phẩm chính của làng nghề  Minh Khai.

Hiện, ngoài miến dong, người dân làng nghề Minh Khai còn sản xuất thêm các sản phẩm khác như mì, miến sắn dây, miến đỗ xanh, bánh đa nem, bún khô, bún gạo... miến khoai lang, khoai tây… các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Người dân cho biết, mỗi hộ đều có những bí quyết riêng để sản phẩm miến, bún của cơ sở mình có đặc trưng nhận diện thương hiệu riêng. Nhưng có một điểm chung là bà con đều hướng đến sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là giữ gìn truyền thống, thương hiệu của làng nghề.

Kể về nghề truyền thống của địa phương, người dân Minh Khai phấn khởi lắm, bởi từ nghề phụ thì nay, nghề làm bún, miến dong đã trở thành nghề chính, góp phần giải quyết quyết việc làm cho hàng nghìn người dân trong xã, giải quyết cho mỗi hộ gia đình từ 3-4 lao động, với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

Nghề làm miến dong có từ lâu đời ở xã Minh Khai và đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Minh Khai cũng là nơi làm miến đầu tiên của nước ta, sau này mới xuất hiện làng miến ở Cự Đà, làng So (Quốc Oai)…

Trước đây, nghề làm miến xã Minh Khai có tới hàng trăm hộ sản xuất. Thế nhưng, theo thời gian, trải qua bao thăng trầm, khó khăn và sự cạnh tranh của sản phẩm tương tự từ các làng nghề miến dong khác trên cả nước, đến nay, số hộ làm nghề đã giảm đi so với trước, chỉ còn khoảng 40 hộ gắn bó với nghề làm miến và 200 hộ sản xuất bún, mì.

Mặc dù luôn nhiệt huyết, gắn bó với nghề, thế nhưng người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc gìn giữ nghề truyền thống. Bởi hiện nay, phần lớn các hộ sản xuất bún, miến phải tự tìm thị trường, tự tìm đầu ra, giá cả chênh lệch, lợi nhuận thấp. Do đó, những người còn bám trụ với nghề mong muốn, chính quyền các cấp tạo điều kiện xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ để đầu ra của sản phẩm được ổn định hơn.

Một trong những vấn đề khiến nhiều người trăn trở, đó là trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, việc sản xuất miến dong, bún phở khô theo phương thức truyền thống được dự báo sẽ đứng trước sự cạnh tranh ngày một lớn. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết là cần xây dựng được những thương hiệu nông sản đặc trưng. Bên cạnh đó, quá trình phát triển làng nghề cũng đặt ra những thách thức về vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

Theo bà Đỗ Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai, để sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi, chất lượng vệ sinh ATTP phải được đặt lên hàng đầu. Điều này phụ thuộc nhiều vào điều kiện sản xuất. Do đó, nhu cầu đổi mới công nghệ, trang thiết bị phục vụ sản xuất là rất cấp thiết để chế biến miến, bún phở khô theo hướng sạch hơn.

Về bài toán môi trường làng nghề, bà Quyên cho hay, UBND TP Hà Nội rất quan tâm tới sự phát triển của cụm làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm thuộc các xã: Minh Khai, Dương Liễu và Cát Quế. Nếu như cách đây khoảng hơn 10 năm, quá trình sản xuất của người dân còn phát sinh nước thải, rác thải ảnh hưởng đến môi trường và làng nghề Minh Khai chưa chú trọng về vấn đề này, chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các hộ sản xuất thì hiện nay kênh, tiêu trên địa bàn xã 100% được bê tông hóa và có hệ thống thoát nước thải. Xã cũng tuyên truyền vận động các hộ sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải. Hầu hết các hộ sản xuất bánh kẹo, bún, miến dong đã có hệ thống xử lý nước thải cao cấp, đảm bảo an toàn vệ sinh và không gây ô nhiễm môi trường.

Trước kia, miến dong Minh Khai được làm thủ công, sản xuất với số lượng ít, hầu hết là các hộ gia đình làm nhỏ lẻ. Ngày nay, với số lượng sản xuất lớn, nhiều hộ gia đình đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để sản xuất đa dạng nhiều loại bún, miến, phở có hình thức, mẫu mã bắt mắt, không sử dụng các chất phụ gia, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng đủ sản lượng cung cấp ra thị trường.

Cơ sở sản xuất miến dong Trung Kiên của gia đình ông Phí Công Kiệt ở xã Minh Khai luôn hoạt động hết công suất. Trung bình mỗi ngày, cơ sở này cung ứng ra thị trường hơn 1 tấn miến. Để chủ động sản xuất và không phải phụ thuộc vào thời tiết, gia đình ông đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền máy móc tự động từ khâu tráng bánh, cắt miến, phơi sấy, bảo đảm nguồn hàng trong năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. 

Theo ông Kiệt, từ khi sản phẩm miến dong của gia đình ông được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Mỗi năm, cơ sở có thể cung cấp ra thị trường hơn 150 tấn sản phẩm, trong đó tập trung nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán.

Không chỉ cơ sở của ông Kiệt, nhiều hộ gia đình kinh doanh quy mô vừa và nhỏ khác cũng hối hả sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường dịp Tết. 

Bà Đỗ Thị Đông Hải, Chủ cơ sở sản xuất bún khô Lợi Hải cho hay, cơ sở sản xuất miến từ năm 1985 đến năm 1996 thì mở đại lý. Theo bà Hải, khi ấy, nghề làm bún, phở khô khá bấp bênh, có thời điểm hàng sản xuất ra nhưng bán không chạy, nguyên nhân có thể do kỹ thuật làm chưa tốt nên sản phẩm chất lượng chưa cao. Còn hiện nay, công nghệ chế biến của người dân đã được nâng cao, sản phẩm bún, miến có chất lượng tốt hơn, ngon hơn và được nhiều khách hàng ưa chuộng.

“Trước kia, việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thiên nhiên nhưng hiện nay, nhiều nhà đã đầu tư lò sấy, máy sấy, nên dù trời mưa, thời tiết không thuận lợi thì cũng vẫn sản xuất được miến, bún. Do có máy sấy nên sản phẩm khá thơm ngon. Để hút khách, cơ sở sản xuất và các đại lý của chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; mẫu mã, bao bì và nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo, có như vậy thì thị trường và người tiêu dùng mới chấp nhận”, bà Hải nói.

Ngoài sản xuất bún, phở khô, cơ sở Nhà bà Hải còn là đại lý cung cấp gạo cho các cơ sở khác, đồng thời bao tiêu sản phẩm, đầu vào, đầu ra và nguyên liệu cho các hộ. Cùng với đó, 15-16 hộ liên kết với nhau, mỗi ngày sản xuất 4-5 tạ bún khô, nhà nào nhiều thì sản xuất gần 1 tấn. Để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, hàng từ các hộ sản xuất khi nhập về sẽ phải kiểm định chất lượng, nếu phát hiện sản phẩm bị ẩm, có tạp chất hay bị lỗi thì sẽ loại bỏ.

Những ngày cận Tết, lượng hàng sản xuất tại cơ sở sản xuất bún khô Lợi Hải tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Nghề sản xuất bún, miến từng được coi là nghề phụ, đến nay đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân trong xã. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng, mà đã xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất.

Người làm nghề sản xuất bún, miến, gạo, phở… của làng Minh Khai có một tố chất là dẻo dai và chịu khó. Sự chuyên cần lao động họ đã được ghi nhận bằng thành quả ngọt. Nhờ sự sáng tạo không ngừng với chất lượng sản phẩm đặc biệt, an toàn đã đưa sản phẩm của làng nghề Minh Khai đến với thị trường trong nước và thậm chí là thị trường nhiều quốc gia trên thế giới, như Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Hungary… Làng quê Minh Khai cũng ngày một đổi mới và khang trang hơn. 

Để nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, bảo vệ thương hiệu làng nghề, xã Minh Khai đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bún, miến, phở khô Minh Khai” nhằm nâng cao vị thế cho sản phẩm làng nghề đồng thời lan tỏa thương hiệu làng nghề đến bạn bè quốc tế.

Bà Đỗ Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm và ngành nghề của xã có từ thập kỷ 60 và duy trì phát triển đến nay. Hiện có khoảng 200 hộ sản xuất bún, phở khô và 40 hộ sản xuất miến dong. Quy mô sản xuất hộ gia đình, sản lượng của các hộ sản xuất lớn khoảng 1 tấn/ngày, các hộ sản xuất nhỏ lẻ khoảng 5-7 tạ/ngày. Toàn xã hiện có 24 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 16 sản phẩm miến dong, bún khô các loại và 8 sản phẩm thuộc loại gia vị.

Theo bà Quyên, để tiếp tục duy trì, phát triển làng nghề, xã đã tham mưu với các cấp để làm thương hiệu cho sản phẩm miến dong trên địa bàn xã Minh khai. Đồng thời, đề xuất với các sở, ban, ngành và UBND huyện để thành lập thương hiệu, khi đã có thương hiệu rồi thì làng nghề sẽ phát triển mạnh hơn.

“Để bảo tồn và phát triển làng nghề, trước mắt, xã kiến nghị với các cấp quy hoạch điểm phát triển làng nghề để làm sao các hộ có mặt bằng sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với trung tâm xúc tiến làng nghề thành phố, đề nghị có hướng đầu ra, đầu vào để các sản phẩm của làng nghề Minh Khai xuất khẩu nhiều hơn ra nước ngoài. Có như vậy mới xây dựng được thương hiệu, phát triển và giữ gìn bản sắc của làng nghề. Chúng tôi mong các cấp quan tâm, sớm quy hoạch điểm làng nghề, có chính sách hỗ trợ với các hộ sản xuất miến và sớm được công nhận thương hiệu miến Minh Khai”, bà Đỗ Thị Quyên bày tỏ.


Chủ Nhật, 06:28, 28/01/2024