Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, loại hình, địa bàn và cả trên không gian mạng. Đặc biệt, nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Sendo...), các mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube...) và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), hàng hóa vi phạm đa dạng không chỉ được sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau như: nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại...

“Đặc biệt, nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết.

Tuyến biên giới phía Bắc, các cửa khẩu, khu vực đối diện các cửa khẩu của Việt Nam phía Trung Quốc đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, kho chứa hàng hóa có quy mô lớn với chủ trương hoạt động khuyến mại, giảm giá hàng hóa để khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tham quan du lịch và mua sắm. Do hàng hóa của Trung Quốc sản xuất đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, giá rẻ, nên nhiều đối tượng lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại, đường biên giới để thực hiện các hành vi vi phạm mua gom, mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trục lợi…

Tuyến biên giới miền Trung (tiếp giáp với Lào), hoạt động vi phạm chủ yếu là mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, động vật hoang dã, xăng dầu lậu, vận chuyển trái phép đường cát, rượu, bia, nước giải khát, hàng điện tử, các chất ma tuý. Các mặt hàng tiêu dùng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng.

“Đáng chú ý, các đối tượng kinh doanh hàng cấm, hàng lậu sử dụng các thủ đoạn như: xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe môtô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ; hoạt động vào các giờ, ngày nghỉ, dịp lễ, Tết…”, ông Đông cho biết.

Tuyến biên giới đất liền phía Nam (tiếp giáp với Campuchia), xảy ra tình trạng thẩm lậu các mặt hàng như: pháo nổ, thuốc lá điếu, đường kính, tiền, vàng, ngoại tệ, hàng dân dụng, điện tử, điện lạnh, tân dược, mỹ phẩm...

Các đối tượng lợi dụng địa hình bằng phẳng, dễ dàng vận chuyển, sử dụng các thủ đoạn như chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, lợi dụng thời điểm đêm tối, sáng sớm để vận chuyển trái phép hàng hóa gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý.

Cũng theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, bên kia biên giới thuộc Campuchia, các đối tượng cho xây dựng các địa điểm tập kết hàng lậu, lợi dụng sự sơ hở, lơ là của các lực lượng chức năng tại một số thời điểm để vận chuyển hàng lậu vào nội đia tiêu thụ.

Tuyến cảng biển tập trung vào các cảng lớn như: khu vực cảng Hải Phòng, cảng Cát Lái (TP.HCM), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) hàng hóa vi phạm với số lượng lớn, đa dạng về mặt hàng cũng như loại hình vi phạm, quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, nhập kinh doanh…; tuyến biển miền Trung nổi lên hiện tượng ma tuý gắn định vị trôi dạt trên biển.

Tuyến hàng không tập trung vào các sân bay quốc tế như: Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hoà). Mặt hàng vi phạm gọn nhẹ dễ vận chuyển, có giá trị cao như: tiền, ngoại tệ, vàng, kim cương, thuốc lá, xì gà, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử, điện lạnh, tiền chất, ma tuý, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng tiêu dùng khác...

“Các đối tượng thường lợi dụng loại hình bưu chính, chuyển phát nhanh, hàng xách tay, quà biếu, tặng, hành lý ký gửi… để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết.

Đặc biệt, trong năm 2024 nổi lên tình trạng buôn lậu các mặt hàng có giá trị cao, hàng xa xỉ như kim cương, vàng, ngoại tệ, hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như: HERMÈS, Apple…

Cụ thể là 2 vụ nhập lậu kim cương bị bắt giữ liên tiếp tại sân bay Tân Sơn Nhất với số lượng lên tới hơn 1.000 viên; 3 vụ buôn lậu vàng bị bắt giữ trong cao điểm biến động giá vàng với tổng khối lượng 13kg…

Trong đợt cao điểm tăng cường kiểm soát trong tháng 9/2024, Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã bắt giữ 19 vụ vi phạm. Trong đó, có nhiều lô hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như: HERMÈS và Apple.

Trong số các vụ việc bị phát hiện, bắt giữ, xử lý, nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều đường khác nhau như: nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại…

Năm 2024, nổi lên tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT) công khai trên các website thương mại điện tử tăng mạnh.

Theo ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng, Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nguyên nhân của tình trạng này là do việc buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn mang lại lợi nhuận cao và do thị hiếu tiêu dùng của một số người dân thích hàng hiệu nhưng giá rẻ. Chênh lệch về giá giữa hàng hoá trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài cũng là yếu tố để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT hướng tới. Lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh quốc tế phát triển rất nhanh chóng.

Ông Linh cho rằng, khó khăn thách thức có nhiều, song thách thức nổi lên đáng quan tâm nhất hiện nay là lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan rất khó sàng lọc đầy đủ các hoạt động di chuyển xuyên biên giới của hàng giả khi mà các hàng hóa này được vận chuyển trong các bưu kiện nhỏ và gói thư.

Đáng chú ý, hiện nay Trung Quốc đã và đang ồ ạt xây dựng các tổng kho quy mô lớn dọc biên giới nhờ nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ nước này đối với thương mại điện tử xuyên biên giới. Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN tại huyện Hà Khẩu (Vân Nam) với diện tích xây dựng lên tới 660.000m2 với mức đầu tư 3,68 tỷ nhân dân tệ (tương đương 525 triệu USD).

Khi đi vào hoạt động dự kiến có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, khoảng 800 tấn, khối lượng giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD). Một đơn hàng vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ mất 2 ngày.

Bên cạnh đó, quy định pháp luật nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam về chế tài xử lý và các biện pháp ngăn chặn hàng giả chưa đủ sức răn đe. Lỗ hổng thực thi và năng lực thể chế hạn chế đã và đang bị những đối tượng buôn lậu hàng giả và mạng lưới tội phạm lợi dụng triệt để. Quy định trách nhiệm của các nhà điều hành nền tảng đối với việc chống hàng giả chưa được cụ thể hóa.

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu chia sẻ thông tin và cộng tác giữa các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân.

“Các nhà khai thác nền tảng chưa đủ linh hoạt để đối phó với các mối đe dọa mới, đa dạng và phức tạp. Phạm vi trách nhiệm của các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại trực tuyến chưa rõ ràng. Việc giám sát và kiểm tra các nhà bán lẻ trung gian chưa đầy đủ. Cùng với đó, việc bảo vệ quyền riêng tư của các bên liên quan trong thương mại trực tuyến gặp nhiều thách thức”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu nêu thực tế.

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay và các giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo toàn ngành tập trung vào nhiều giải pháp.

Trong đó, giải pháp đối với lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tập trung công tác thu thập thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, xác định doanh nghiệp trọng điểm, mặt hàng trọng điểm có dấu hiệu nghi vấn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Về các giải pháp cụ thể, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, ngành Hải quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh.

“Tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu, chuyển cửa khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán; hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa, tập trung trọng tâm, trọng điểm theo các tuyến, mặt hàng, loại hình”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu nêu rõ.

Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma tuý trên tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn. Thông tin liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý phải được xử lý kịp thời, bí mật, chặt chẽ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ việc.

Ngoài ra, chủ động phối hợp chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển… trong công tác đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hoá vi phạm góp phần bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025...

Tác giả: Cẩm Tú - Trình bày: Kiều Anh

Thứ Sáu, 08:54, 27/12/2024