Dạo đó để sang được Việt Nam, đầu tiên tôi phải đi bằng đường sắt từ Ulan Bato sang Mátxcơva, mất luôn 5 ngày. Sau đó tôi sẽ phải tìm cách mua vé máy bay để bay từ Mátxcơva sang Hà Nội. Thật sự là rất khó khăn. Đôi khi tôi phải thức suốt đêm ở sân bay để xếp hàng mua vé máy bay. Có vé rồi thì tôi sẽ được lên máy bay IL 86, loại máy bay lớn nhất và hiện đại nhất thời ấy. Chuyến bay kéo dài trong khoảng 14 giờ nhưng phải 3 lần chuyển máy bay ở Tasken (CH Uzbekistan), Karachi (Pakistan), Kolkata (Ấn Độ) rồi mới đến được Hà Nội.
Dù vật chất lúc đó còn thiếu thốn, nhưng quãng đời thanh xuân ở Việt Nam thật đẹp, mãi mãi không phai mờ trong tôi.
Ở trường ĐH Y Hà Nội, tôi có bạn thân tên thường gọi là anh Sơn, quê ở Thanh Hóa. Anh mời tôi về quê đón Tết hai lần cùng gia đình anh. Trong số các sinh viên nước ngoài, chỉ có tôi về quê anh Sơn thôi. Từ Hà Nội, chúng tôi bắt xe bus về quê. Đến nhà, mẹ anh Sơn vồn vã đón chúng tôi. Tết chẳng phải làm gì, “nhiệm vụ” chính là ăn với ngủ. Đối với các sinh viên nghèo, thường xuyên đói ăn thì như vậy quả là sung sướng.
Tôi nhớ sáng sớm hôm đó, một người bạn của gia đình Sơn đi xe đạp đến mời tôi sang nhà chơi. Người Việt nghĩ rằng khách xa đến thăm gia đình là điềm lành mang lại may mắn. Lợi thế của tôi là có thể nói được tiếng Việt.
Cái tin có một sinh viên nước ngoài nói tiếng Việt về chơi lan truyền rất nhanh trong ngôi làng nhỏ. Càng vui hơn khi người ta biết tôi đến từ Mông Cổ. Từ ngày đó, hai dân tộc chúng ta đã biết về nhau, đã thân thiết với nhau. Người Mông Cổ luôn sát cánh cùng các bạn Việt Nam trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, tìm cách giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Vì thế gia đình nào cũng chào đón tôi như người thân đi xa về. Họ mời tôi và anh Sơn ngồi vào vị trí trang trọng, và trước tiên sẽ bóc bánh chưng ra mời.
Hồi đó tôi còn chưa biết ăn nhiều loại rau, hạt và thủy hải sản. Anh Sơn giải thích với mọi người rằng Mông Cổ nuôi nhiều gia súc nên món ăn chính là thịt, như thịt cừu, thịt bò. Sau lời giải thích ấy, nhà nào cũng mời tôi ăn thịt chứ không mời rau. Thế rồi, đã xảy ra một chuyện buồn cười là tôi xin cơm trắng, mà cơm là đồ ăn của ngày thường chứ không phải Tết!.
Những người đàn ông mời tôi uống rượu “quốc lủi”. Đó là một loại vodka hơi mạnh. Mọi người đều chúc rượu tôi, mỗi người uống với tôi một ly. Đó là một kỷ niệm đẹp trong đời mà tôi nhớ mãi.
Lúc tôi mới về quê, nhà Sơn có khoảng chục con gà. Nhưng khi chúng tôi chuẩn bị về Hà Nội chỉ còn lại một con gà đen, vì mẹ Sơn đã thịt gần hết gà đãi tôi. Tôi cảm thấy hơi ái ngại nhưng mẹ và Sơn lại nói: không sao, họ rất vui khi tôi về ăn Tết. Trái tim của người Việt Nam rộng rãi vậy đó. Ở nơi này tôi hiểu được nghĩa của câu tục ngữ Việt Nam “của ít, lòng nhiều”.
Khi sang Việt Nam, ấn tượng đầu tiên của tôi là những nụ cười đôn hậu. Khi gặp ai đó lần đầu, mọi người thường bắt chuyện với tôi thế này. Câu hỏi thứ nhất: anh là người nước nào? anh từ đâu tới? Và tôi trả lời tôi là người Mông Cổ, từ Mông Cổ sang.
Sau đó khoảng một 1 năm, đã biết chút tiếng Việt nên tôi hay hỏi lại rằng: bạn thử đoán xem tôi là người nước nào?
Hai nước chúng ta có quan hệ hữu nghị từ rất lâu rồi. Ở Mông Cổ, đến trẻ con cũng biết tới Việt Nam. Khi tôi học ở trường phổ thông, có trò chơi như thế này: chúng tôi đặt tên cho năm ngón tay của mình theo năm đất nước khác nhau nhưng nhất định thế nào cũng có ngón Việt Nam. Rồi người chủ trò hỏi: Việt Nam ở đâu? Chúng tôi sẽ chỉ cái ngón tay có tên Việt Nam và hô to: quân xâm lược hãy cút khỏi Việt Nam! Đấy là sự ủng hộ Việt Nam từ những trái tim non nớt của những học sinh Mông Cổ.
Câu hỏi thứ hai là bạn bao nhiêu tuổi? Tôi trả lời là tôi 20 tuổi.
Câu hỏi thứ ba là: đã có vợ chưa? Câu trả lời là chưa.
Câu hỏi thứ tư là con gái Việt Nam có đẹp không? Câu trả lời là: “rất đẹp quá!”.
Câu hỏi thứ năm là: có muốn lấy vợ Việt Nam không?
Hồi đó còn trẻ nên tôi hơi xấu hổ khi được hỏi câu này. Khi tôi sang Việt Nam thì bạn gái của tôi là Amera sang học ở Mátxcơva, tại Viện ngôn ngữ Nga mang tên Pushkin. Cô ấy vốn là em của bạn tôi, tôi quen khi tới nhà bạn chơi. Khi một người sang Việt Nam, một người sang Nga thì chúng tôi bắt đầu yêu xa. Cách duy nhất chúng tôi giữ liên lạc với nhau là qua những lá thư viết tay. Thời đó thư từ Việt Nam sang Nga mất khoảng một tháng mà có khi hơn. Tôi kể cho cô ấy về cuộc sống sinh viên, chuyện học hành, bè bạn. Thường tôi gửi đi 4,5 lá thư thì mới nhận được lại 1 lá thư. Về sau thì cô ấy cũng gửi cho tôi nhiều thư hơn. Hồi đó tôi còn tỉ mỉ trang trí những lá thư của mình bằng hình vẽ và viết những đoạn tiếng Anh nữa. Đúng kiểu thư tình!
Sau khi tôi rời Hà Nội năm 1990, cũng vào năm đó Mông Cổ bắt đầu cuộc Cách mạng dân chủ hòa bình, đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Đời sống xã hội rất nhiều thay đổi. Cùng thời gian đó tôi kết hôn với mối tình đầu của mình. Đến nay chúng tôi đã bên nhau được 35 năm rồi, có 2 con gái và 1 con trai. Nhớ lại thời gian đó rất là khó khăn, tất cả mọi người đều phải chật vật lo kiếm sống, cho nên tôi không liên hệ gì với quê hương thứ hai của mình, nhưng tôi luôn nhớ và dành chỗ cho Việt Nam ở trong trái tim, trong tâm hồn mình.
Tôi mong ước giá bây giờ có thể tìm lại được cô giáo Hương, người đầu tiên dạy tiếng Việt cho tôi ở khoa tiếng Việt trường ĐH Bách Khoa. Cô giáo Hương lúc đó khoảng 38-40 tuổi, có dáng người hơi đậm, không cao, khuôn mặt xinh đẹp, sống mũi cao, đôi mắt to và mái tóc xoăn. Bây giờ hẳn cô đã phải trên 75 tuổi.
Khi còn học ĐH Y Hà Nội, tôi có rất nhiều bạn tốt. Người bạn thân nhất là anh Sơn, quê Thanh Hóa mà tôi kể ở trên. Tôi mong gặp lại được anh, rồi qua anh để hỏi thăm thầy cô giáo và các bạn bè khác.
Vì sao tôi học ngành Y mà lại không trở thành bác sĩ?
Năm 1990 tôi trở về Mông Cổ, tiếp tục học ở trường ĐH Ulaanbaatar cho tới 1994.
Trong gia đình tôi tất cả mọi người hầu hết đều làm bác sĩ, con số bác sĩ trong gia đình vẫn tiếp tục tăng lên. Cha mẹ tôi đều là bác sĩ, cha tôi là một nhà phẫu thuật ổ bụng nổi tiếng ở Mông Cổ, ông được phong Anh hùng Lao động và nhiều giải thưởng quốc gia. Mẹ tôi là bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Anh trai tôi và vợ anh ấy đều là bác sĩ.
Cuối cùng tôi quyết định làm việc trong lĩnh vực du lịch. Từ nhỏ tôi đã yêu động vật và thế giới tự nhiên. Khi còn là một đứa trẻ tôi ước mơ trở thành nhà động vật học. Gốc gác là dân du mục, tôi rất thích ngao du đó đây, đối mặt với nhiều thử thách và làm cho cuộc sống của mình phong phú hơn. Du lịch cũng là công việc cho phép tôi gần gũi với thiên nhiên hơn.
Thời tôi ở Hà Nội, Việt Nam còn rất nhiều khó khăn. Ngoài đường hầu như chỉ thấy xe đạp, hiếm khi thấy một chiếc xe máy. Xe đạp là hàng nội địa, chất lượng còn chưa được tốt. Hồi đó ai có xe máy là giàu lắm.
Ở Khoa tiếng Việt của ĐH Bách khoa không có nhiều sinh viên nước ngoài. Tôi nhớ hồi đó có vài sinh viên Nhật Bản, 4 bạn Triều Tiên, 1 sinh viên Úc, 1 sinh viên Đức và 1 người Ireland. Tôi sang du học theo Thỏa thuận hợp tác của hai Chính phủ. Ngoài được ăn ở miễn phí, chúng tôi còn được cấp 40.000 đồng học bổng, trong đó phải nộp 26.000 tiền ăn, về sau do lạm phát thì phải trả 39.000 đồng nên còn đúng 1000 đồng. Với 1000 đồng tôi có thể mua tem gửi hai lá thư về nước! Tuy nhiên học bổng đó đã cao hơn mức lương trung bình của một người lao động.
Thời gian đó kinh tế của Việt Nam rất khó khăn, mức sống thấp. Vì vậy nên sau 25 năm, có dịp trở lại, tôi thực sự vui mừng được chứng kiến Việt Nam phát triển hơn rất nhiều nhờ những chính sách đúng đắn của Chính phủ và sự cần cù của người dân. Tôi được Đại sứ Mông Cổ tại Hà Nội và phu nhân dẫn đi thăm phố xá, tôi rất bất ngờ khi thấy những tòa nhà đẹp đẽ, những con đường rộng rãi, nhiều ô tô hiện đại. Có lẽ tôi chỉ còn nhận ra được Hà Nội trong trí nhớ của mình khi thăm lại những khu phố cũ ở quận Hoàn Kiếm.
Khi sang Việt Nam mọi thứ đều khiến tôi rất ngạc nhiên, bởi nơi tôi sinh ra có những thảo nguyên mênh mông và rất ít người, nhưng ở Việt Nam thì thật sự đông đúc. Điều thú vị nữa là cuộc sống trên xe đạp. Người Mông Cổ chúng tôi sinh ra và chết đi trên lưng ngựa. Còn người Việt Nam thì luôn cưỡi xe đạp. Hồi ở Việt Nam tôi đã nhìn thấy một cái đám cưới đón dâu bằng xe đạp và đám ma cũng dùng xe đạp!
Hiện tôi là người đồng sáng lập, Giám đốc điều hành của một công ty du lịch Mông Cổ, thành lập từ 2002. Chúng tôi có các khách hàng trong nước và các khách hàng từ Thụy Sỹ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Nga. Vì luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, tôi cũng mong muốn được làm việc với Việt Nam. Lần này sang Việt Nam tôi may mắn tìm được một vài đối tác tin cậy và đã ký hợp đồng với nhau. Năm 2024, hai nước đều miễn visa 30 ngày cho công dân của nhau. Sắp tới sẽ có các chuyến bay thẳng Hà Nội- Ulaanbaatar. Những điều đó sẽ thúc đẩy du lịch giữa hai nước phát triển.
Gia đình tôi sang thăm Việt Nam lần đầu năm 2015, tròn 25 năm sau khi tôi rời Việt Nam. Quả thật tôi đã lập kế hoạch từ rất lâu để trở lại quê hương thứ hai của mình cùng với gia đình. Chúng tôi thăm TP. HCM, Nha Trang và Hà Nội. Cả nhà đều thích món ăn và đồ uống của Việt Nam: phở bò, phở gà, mì xào, nước chanh muối và hoa quả…
Mấy người phụ nữ trong gia đình tôi rất thích đi mua sắm ở Việt Nam bởi có nhiều đồ chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Sau đó, tôi và vợ tôi sang Việt Nam hằng năm. Tôi luôn thích ngồi đâu đó ở Hàng Đào, Hàng Thùng, Hàng Bạc, uống bia hơi và ngắm phố…
Trong TP. HCM tôi đã đưa các con đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh cho chúng có thể hiểu được người Việt Nam đã dũng cảm thế nào, đánh thắng những kẻ thù hùng mạnh để giành độc lập tự do cho quê hương.
Cuối cùng tất cả gia đình tôi đều yêu thích nụ cười của người Việt Nam, sự tốt bụng và ấm áp của những trái tim Việt Nam!