PV: Từ khi nào ‘nhịp phố” xuất hiện trong tranh của Nguyễn Minh?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Năm 2012, tôi vẽ tác phẩm Phố làm cho bài tốt nghiệp cao học. Lúc đó đi lang thang các con phố Hà Nội. Đúng thời điểm đó Hà Nội chặt cây xây cầu, tôi thấy những ngôi nhà cấp 4 thoi thóp, sắp mất đi, và làng trong phố cũng mất dần bởi đô thị hóa. Tôi muốn kể câu chuyện đô thị hóa phải lãng mạn, nhìn vào tranh là thấy yêu Hà Nội chứ không phải không khí ngột ngạt. Kể từ đó tác phẩm “Phố” ra đời. Lúc này, nhiều người nhìn phố trong tranh của tôi cảm nhận được sự lãng mạn, thi vị qua nhịp điệu, qua mái nhà, qua màu sắc.

Giai đoạn đầu 2012 - 2018 tôi gọi là định hình. Tôi trăn trở, băn khoăn làm cách nào để vượt qua những cái bóng lớn như thế, làm cách nào để biến một đề tài tưởng đã được “đóng đinh” bởi tên tuổi của các bậc tiền bối mà đến lượt mình làm là phải thành công. Tôi đã mất 6 năm cho những trăn trở và có chút may mắn đã được nhiều người nhắc đến với cái tên Minh “phố”.

PV: Vậy “Nhịp phố” trong tranh của Nguyễn Minh có thay đổi theo thời gian?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Kết thúc năm 2018, tôi được gọi bằng cái tên Minh Phố. Tôi nghĩ đó chỉ là thành công ban đầu, nếu đứng mãi trên thành công đó thì không được, tôi phải thay đổi, phải làm khác đi. Và lúc này, Phố của giai đoạn này bắt đầu có sự khác nhau về bút pháp, màu sắc, không còn như trước đó nữa.

Họa sĩ Lê Thiết Cương có nói về tôi như thế này: ‘Tôi tôn trọng và khâm phục Nguyễn Minh ở 2 điểm. Một là đã dám chọn một đề tài rất khó. Hai là bạn không sợ, dũng cảm để mà đi’. Hai yếu tố chọn đề tài và dũng cảm để đi nó gắn liền với tôi trong 10 năm trời và không phải ai cũng làm được. Tôi cho rằng đó là một ý kiến của một độc giả đối với mình, mình tôn trọng.

Giai đoạn 2012 - 2018, là thời điểm tôi tạo một chỗ đứng cho mình, nhưng nếu cứ đứng mãi một vị trí không thể được nên phải tìm cách làm mới. Từ năm 2018 - 2020, vẫn là phố của Minh, vẫn là ý tưởng đó, thông điệp đấy nhưng mà ngôn ngữ thể hiện hội họa phải khác đi và tôi tìm đến bán trừu tượng, vẫn là phố nhưng gắn thêm di sản vào. Và từ cuối 2020 đến bây giờ cũng là đề tài ấy, cũng là di sản ấy mình tạo hình trên các chất liệu khác nhau. Và đặc biệt là nhịp điệu của phố biến đổi đi để thấy thú vị. Và sau 2022 tôi cũng chưa biết sẽ làm thế nào nhưng chắc chắn cũng sẽ phải khác những giai đoạn trước.

PV: Danh họa Bùi Xuân Phái nổi danh với “Phố Phái”, anh cảm thấy áp lực và trách nhiệm như thế nào với biệt danh Minh “phố”?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Vẽ về phố thì có nhiều họa sĩ, trong đó có họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tôi cho rằng, ở các thế hệ họa sĩ nối tiếp sau này nếu vẽ phố, cần tạo ra một phố khác không lặp lại... Trong thời kỳ hiện đại, ở Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn đang có rất nhiều họa sĩ đang vẽ phố và họ cũng tạo được những cái tên riêng cho phong cách hay dòng tranh về phố mà họ đang theo đuổi. Tôi may mắn được các nhà sưu tập và bạn bè nghệ sĩ trong giới gọi là “Minh Phố”, điều đó đã đánh dấu một sự khác biệt đã có trong tranh của tôi chăng? Cái tên ấy cũng là một thử thách cho tôi bởi tôi nghĩ: “Làm thế nào để mình xứng đáng với tên khác biệt đó? Làm thế nào để khi xem tranh người xem thấy sự khác lạ về phố? Làm thế nào để tạo ra quá trình dài hơi khi nghiên cứu về phố?... Nhưng trên hết tôi nghĩ: “Là nghệ sĩ cứ chân thành, trung thực với chính mình và làm việc bằng năng lượng của nhiệt huyết với niềm khát khao lớn nhất, ắt sẽ thành công”.

PV: Vậy “nhịp điệu” khác biệt của phố trong tranh Nguyễn Minh ở đây được thể hiện như thế nào?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Nhịp điệu theo sự biến đổi và trạng thái của mỗi người xem và trạng thái của họa sĩ. Và đặc biệt là nhịp điệu thay đổi cung bậc của xã hội theo từng thời điểm. Tôi nghĩ nhịp điệu đó giống như hơi thở của cuộc sống, luôn luôn thay đổi. 

Từ những năm đầu cầm bút sáng tác, tôi đã trăn trở phải làm gì để tìm ra sự khác biệt, để tìm ra chính tôi. Trước những “hình tượng” đi trước - là những nghệ sĩ bậc thầy, những nghệ sĩ đàn anh, tôi nghĩ “mình phải làm gì để không là cái bóng của họ và không là cái bóng của chính mình”. Và cứ thế, mặc niệm trong suy nghĩ của tôi từ các bài vẽ hình họa, các ký họa đến các sáng tác sau này luôn có một ý thức “hãy làm khác”. Tôi tìm đọc tài liệu và xem tranh của các họa sĩ ở Việt Nam và trên thế giới, tôi học tập những người thành công đi trước và tôi đặt ra các câu hỏi khác nhau “điều gì khiến họ thành công?”, “những nghệ sĩ thành công có điểm gì chung nhau?”. Và tôi tự phân tích theo cách riêng của tôi. Đã có những lúc tôi cho rằng, một người họa sĩ cần có những điểm khác biệt để người khác nhận ra mình là “đề tài, màu sắc, bút lực và phong cách vẽ”. Và tôi lại tìm tòi, suy nghĩ để tìm ra cái riêng cho mình. Thật khó khi con đường nghệ thuật đã có hàng nghìn lối rẽ khác nhau, làm sao lách qua các lỗi rẽ ấy để không “bị đụng”. Tôi luôn đặt cho mình các giai đoạn để làm việc, để nghiên cứu và phát triển. Tôi nghĩ phong cách sẽ đến trong các giai đoạn đó. Đôi khi, phong cách ấy là chỉ là quan điểm của cá nhân nghệ sĩ tại thời điểm đó.

PV: Tại sao Nguyễn Minh lại lựa chọn chủ đề về Phố và nhịp phố?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Phố là một phần tuổi thơ của tôi. Tôi phát hiện trong phố có làng, đặc biệt là các làng ven đô và tôi sinh ra ở 1 làng ven đô như thế. Hiện ở Hà Nội vẫn còn các cổng làng, thời kỳ sinh viên tôi đi ký họa rất nhiều. Trong tâm trí tôi thời điểm đó Hà Nội là một thành phố lớn và chính những buổi ký họa đó cho tôi biết Hà Nội có nhiều làng đẹp.

Năm 2012 làm bài tốt nghiệp, tôi nhận thấy đô thị hóa làm mất đi những ngôi làng, những con phố. Và nói đến Hà Nội là nói đến làng trong phố, đó là điều tôi muốn truyền tải vào tranh. Năm 2018 tôi có tác phẩm “Duyên phố”, tức là cái duyên của mình với những con phố Hà Nội. Qua tác phẩm tôi muốn lưu giữ không chỉ cho riêng mình mà còn để nhiều người thấy con phố ở đâu đó vẫn có những nhịp điệu riêng. Và tôi muốn đưa nét đương đại vào trong tác phẩm của mình.  

PV: Vậy anh muốn truyền tải thông điệp gì qua tác phẩm của mình?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta đều có trách nhiệm đối với cuộc sống của mình. Là một nghệ sĩ, tôi muốn truyền tải hơi thở đương đại và để mọi người đó là câu chuyện đương thời. Và tôi muốn phố Hà Nội cũng như nét văn hóa truyền thống của Hà Nội không bao giờ mất đi. “Không thể mất nếu như chúng ta còn gìn giữ”. 

PV: Thời gian trải nghiệm thực tế của Nguyễn Minh như thế nào?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Tôi phải cảm ơn vợ hậu thuẫn phía sau, chăm lo con cái gia đình để mình yên tâm sáng tác. Nguồn nguyên liệu chính là tuổi thơ ở làng quê nơi tuổi thơ tôi gắn bó. Rồi 20 năm sống ở Hà Nội với một tình yêu mãnh liệt thành phố này nên tôi cũng tìm tòi và trở thành chất liệu quý để tôi sáng tác. Để có những tác phẩm về làng Cựu, tôi đã sống ở đó 1 tháng. Tôi vẽ ở đó, ăn ở đó, chơi ở đó để mình hiểu về cuộc sống của người dân thì mới cảm nhận được một cách sâu sắc chứ không tất cả chỉ là cái vỏ bề ngoài. 

PV: Có khi nào, trong anh xuất hiện sự giằng co, đấu tranh trong việc sáng tác và làm kinh tế?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Đúng là như thế! Có rất nhiều đơn đặt hàng họ đặt tôi vẽ theo cái mà họ mong muốn, nhưng mình phải từ chối. Điều đó chỉ đúng với tranh bán thị trường, nhưng đây là tác phẩm nghệ thuật, bạn phải đến với tôi với tác phẩm tôi đang có, bạn nhìn nó, cảm nhận và bạn sở hữu. Chính vì điều ấy, trong 10 năm qua, tôi từ chối rất nhiều nhưng bù lại, tôi có thêm nhiều nhà sưu tập đã đồng hành cùng.

Trên thực tế, vẫn có những họa sĩ “sáng tác cho mình” hoặc “sáng tác theo sự đòi hỏi của thị trường hoặc cả hai. Để bán được tác phẩm, người nghệ sĩ ngoài tài năng thì cũng rất cần sự may mắn. Tôi luôn cảm ơn các nhà sưu tập, các nghệ sĩ đã luôn ủng hộ và đồng hành cùng tôi. Với tôi, khi đã “dấn thân” vào đề tài phố là một cánh cửa hẹp, lại luôn đặt ra cho mình sự thay đổi qua từng giai đoạn thì lại càng khó hơn. Nhưng tôi nghĩ “là nghệ sĩ trẻ cần phải trải nghiệm và sáng tạo hết các giai đoạn của tuổi thanh xuân, phải có ước mơ lớn, để nếu mình không vượt được Vũ Môn thì ít nhất mình cũng đã dám bơi ngược dòng”. Và khi bạn đã khẳng định được “thương hiệu” cho mình thì sẽ có “thị trường riêng” tìm đến bạn.

PV: Mỗi giai đoạn “phố” của Nguyễn Minh lại khác nhau, vậy còn việc sử dụng màu sắc được thể hiện như nào?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Màu sắc là tình cảm của người vẽ, điều này không thể nói dối được, bạn sống như nào, bạn nghĩ ra sao, tâm trạng thế nào nó thể hiện hết trên tranh. Rõ ràng là để thể hiện tình yêu “phố”, gam màu phải đủ nói lên tôi đang yêu và người khác xem cũng cảm nhận được điều đó. Màu sắc thiên về 2 màu sắc lớn là gam nóng và gam lạnh, mang sắc thái đối lập. Nhưng cái nóng bạn cảm nhận không quá rực rỡ mà cảm giác nó êm đềm, lãng mạn. Còn cái lạnh kia thì đâu đó chạm vào cảm xúc của chúng ta và rất thi vị. Tôi không muốn mọi người căng thẳng khi xem tranh mà đồng cảm về đề tài và cảm nhận được màu sắc nghệ thuật. 

PV: Quan điểm sáng tạo của anh có thay đổi theo thời gian?

Họa sĩ Nguyễn Minh: Mỗi người đã có một vân tay riêng. Tôi luôn tự nhủ hãy cứ là mình nhưng luôn làm mới và không ngại thay đổi, thay đổi trên dấu vân tay của chính mình, để vân tay ấy được mới hơn mỗi ngày nhưng vẫn là mình. Sự nỗ lực để tốt nhất mỗi ngày là một cách để tôi rèn luyện và làm mới vân tay của chính mình, bởi nếu tôi dừng lại tức là tôi đang thụt lùi. Tôi cũng đã sẵn sàng và đang háo hức chờ đón chính mình trong những chặng đường tiếp theo, hy vọng sẽ mang đến công chúng nhiều tác phẩm hay hơn nữa.

PV: Cảm ơn họa sĩ Nguyễn Minh./.


Họa sĩ Nguyễn Minh sinh năm 1982 tại Hà Nội, tốt nghiệp Thạc sĩ tạo hình tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam. Đã đoạt một số giải thưởng, tiêu biểu như Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội, Giải A triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, Giải thưởng Mỹ thuật Sông Hồng, Việt Nam – Hàn Quốc. Đã tham dự nhiều triển lãm như Triển lãm tranh Quốc tế “New Horizon” tại Malaysia – 2022, Triển lãm tranh Quốc tế (online) “Nghệ thuật trong nghich cảnh” Việt Nam – Philipines 2021, Triển lãm tranh – điêu khắc cá nhân “Nguyễn Minh & Phố” … Có tác phẩm được các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước sưu tập. Khởi xướng và đồng sáng lập các nhóm “Đa diện”, “33Art”, “Sketch+”, “Chuyện Phố”.

Thứ Hai, 12:00, 23/01/2023