“Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chứa đựng rất nhiều tư tưởng mới, sâu sắc và có thể coi đó là thông điệp mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước gửi tới chúng ta. Đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân để chọn cho được đội ngũ cán bộ cấp cao, nhất là đội ngũ cấp chiến lược phải là những người thực đức, thực tài” – GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh điều này khi nhắc đến bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng.
“Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chứa đựng rất nhiều tư tưởng mới, sâu sắc và có thể coi đó là thông điệp mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước gửi tới chúng ta. Đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân để chọn cho được đội ngũ cán bộ cấp cao, nhất là đội ngũ cấp chiến lược phải là những người thực đức, thực tài” – GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh điều này khi nhắc đến bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng.
Theo Giáo sư, những tiêu chuẩn, yêu cầu trong việc lựa chọn nhân sự mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã đặt ra cũng chính là ý chí của toàn Đảng, toàn dân. Những tiêu chuẩn này được cân nhắc rất kỹ lưỡng và đúc rút kinh nghiệm từ những bài học đắt giá, từ những sai lầm, khiếm khuyết trong công tác cán bộ thời gian qua, mà cụ thể nhất là Đại hội gần đây.
Có thể thấy, những tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cao được đặt ra rất rõ ràng: phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; bản thân không tham nhũng; có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện... Trong những tiêu chuẩn rất cụ thể đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa Đức và Tài cũng như vị trí, mối quan hệ giữa Đức và Tài trong nhân cách cán bộ. Ông nhấn mạnh: Cán bộ phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc ("chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài").
GS Hoàng Chí Bảo phân tích, Tài là cần thiết và rất quan trọng, bởi vì không có Tài thì cán bộ không thể làm việc được, nhất là trong yêu cầu đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa đất nước, hội nhập với thế giới như hiện nay. Tài năng ở đây không phải đo bằng bằng cấp, bởi có rất nhiều cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, tự học để có một lượng tri thức thực chất, những người này còn quý hơn rất nhiều so với những người “trang sức” bằng bằng này, cấp kia nhưng thực chất lại không làm được việc. Chưa kể điều tệ hại hơn là cán bộ dùng bằng giả, dối trá. Cho nên không nên xem xét tài năng cán bộ bằng chỉ số đơn thuần là bằng cấp mà đo bằng trình độ thực tế, đo bằng năng lực thực tiễn trong việc giải quyết công việc, có hiệu quả, có tác động tích cực đến đời sống nhân dân không và nhất là trong địa bàn, lĩnh vực cán bộ phụ trách hay không.
Tài cũng không đồng nhất với học vấn. Tài phải đạt đến trình độ sáng tạo, dũng cảm nhìn nhận sự việc để phát hiện cái mới và sẵn sàng đổi mới. Tài quan trọng như vậy nhưng vẫn do định hướng của đạo đức chi phối. Cho nên Đức là gốc, Tài là quan trọng. Đây cũng là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chủ trương nhất quán của Đảng ta trong lựa chọn cán bộ.
Có thể thấy rằng, Đức và Tài đều quan trọng. Đức không tách rời khỏi Tài và Tài cũng không tách rời khỏi Đức và càng tránh tình trạng tuyệt đối hóa Đức mà xem nhẹ Tài hoặc ngược lại. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Cho nên khi lựa chọn cán bộ phải rất tỉnh táo, tinh tường, đừng “nhìn gà hóa cuốc”, đừng “thấy đỏ tưởng là chín” mà phải nhìn vào những điều thực chất, mà thực chất thì bao giờ cũng giản dị, sâu sắc, trung thực. Cho nên không phải ngẫu nhiên Bác căn dặn cán bộ: Thật thà là tốt nhất, chân thành là quý nhất, không có cái gì che đậy được con mắt của nhân dân, nên không có gì tốt nhất là chân thành và thật thà.
“Đảng ta phải học tập Bác những tư duy rất sâu sắc như thế để cân nhắc lựa chọn, thiết kế một đội ngũ cán bộ sao cho xứng đáng, hợp với lòng dân, hợp với ý dân. Bởi vì cán bộ tốt hay xấu thì phong trào đều có sự ảnh hưởng. Cán bộ tốt thì cách mạng sẽ thắng lợi, còn cán bộ xấu thì cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Bác còn nói: Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn” – GS Hoàng Chí Bảo cho biết.
Theo vị Giáo sư, muốn tìm đúng cán bộ có đức, có tài thì không có gì tốt hơn là lắng nghe ý kiến của nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân cũng phải có cơ chế, như việc cần thiết công khai quy hoạch 200 nhân sự Trung ương dự kiến để toàn dân được biết và được đóng góp ý kiến.
Ông cho rằng, nhân dân rất sát cuộc sống, lại gần với cán bộ nên họ biết ai là người thật, người giả, ai là người tốt, người xấu, ai là người tận tụy vì dân, ai là người luôn miệng nói vì dân nhưng thực chất là vì mình. Dân giúp Đảng lựa chọn hiền tài thông qua thông tin, cho nên trong công tác cán bộ phải nghe dân, dựa vào dân mà xây dựng Đảng.
Hơn thế nữa, để chọn được nhân tài thì trong nội bộ Đảng phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu. Tư tưởng này có từ thời ông cha ta thời phong kiến. Ai giới thiệu cán bộ mà cán bộ đó mắc sai lầm, không xứng đáng thì người giới thiệu phải liên đới chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, trong lựa chọn nhân sự Đại hội 13 của Đảng, trong nội bộ Đảng phải liên đới chịu trách nhiệm về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Việc chọn lựa cán bộ phải công tâm, khách quan, không vì riêng tư, không vì yêu người này ghét người kia, càng không vì phe phái, lợi ích nhóm, “cánh hẩu” với nhau mà đưa người hợp với mình vào bộ máy, còn người thực đức, thực tài thì bị loại ra.
Thậm chí, có những cán bộ mà mình “không ưa” nhưng họ thực là người giỏi, người tốt, được dân tín nhiệm, có lợi cho cách mạng thì vẫn phải dùng và đã dùng thì phải tin dùng, tin cậy và tôn trọng họ. Dĩ nhiên kèm theo đó là cơ chế kiểm soát để bảo vệ họ, không để họ đi vào con đường sai lầm.
“Những điều này Bác nói cách đây đã 70 năm, từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, bây giờ vận dụng vào chúng ta thấy vẫn còn rất mới mẻ. Cho nên bây giờ phải dựa vào dân, dựa vào nội bộ Đảng, đề cao trách nhiệm để chọn cho được người thực đức, thực tài. Việc này cần phải rất tỉnh táo, thận trọng, sáng suốt, đặc biệt là phải công tâm, khách quan, luôn luôn lấy lợi ích của dân tộc, của nhân dân làm thước đo chứ không vì mục đích cá nhân” – GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Đề cập đến những điểm mới trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, GS Hoàng Chí Bảo cho biết, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã rất thẳng thắn nói rõ sự thật, yêu cầu rất cao và nghiêm túc, rành mạch về đức và tài, rành mạch về tiêu chuẩn lẫn phương pháp lựa chọn. Phương pháp lựa chọn ở đây là phải căn cứ vào hành động thực tế, vào việc làm, vào hiệu quả, vào uy tín trong dân, trong Đảng chứ không phải căn cứ vào tự đánh giá, càng không căn cứ vào bằng cấp.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một cách trực tiếp và gián tiếp đều có những lời cảnh báo và răn đe: “đừng nhìn đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong"... việc này không chỉ nâng cao suy nghĩ, nhận thức tư duy cho mọi người, mà trực tiếp tạo ra áp lực đối với những người có trọng trách thiết kế nhân sự của Đảng ở tất cả các cấp từ địa phương đến Trung ương.
Một điều được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã từng nhiều lần nhấn mạnh đó là tuyệt đối không để kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; những người không trong sáng về đạo đức, lợi dụng chức quyền để vụ lợi, để người nhà, người thân, vợ chồng, con cái lợi dụng chức quyền để trục lợi... lọt vào bộ máy.
Nhắc lại một việc đáng suy nghĩ đó là chưa có nhiệm kỳ nào mặc dù chưa hết 5 năm mà số lượng cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật nhiều như nhiệm kỳ XII, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, thực tiễn này tuy đau đớn và đắt giá nhưng cho chúng ta bài học đó là luôn luôn thường trực trong tư duy và hành động Đức là gốc, Tài là quan trọng, Đức và Tài không tách rời, Đức ở trong Tài và Tài ở trong Đức. Đạo đức đảm bảo cho tài năng phát triển, còn tài năng làm cho đạo đức được phát huy. Có Đức mà không có Tài thì cán bộ dễ hư hỏng, không có Đức thì tài năng cũng không sử dụng được, thậm chí biến dạng trở nên bất mãn, co cụm vào để lo vun vén cho gia đình, nhóm lợi ích.
“Bản thân Tổng Bí thư là một tấm gương về đạo đức, và ông cũng là một nhà khoa học, với kiến thức, kinh nghiệm, đời tư trong sáng là những điều làm nên uy tín lớn của ông trong dân, trong Đảng. Với tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, ông đã phải trù tính những bước đi cụ thể, thậm chí cả khoa học và nghệ thuật để lựa chọn được đội ngũ cán bộ tốt nhất. Nhưng nếu chỉ có sự nhiệt huyết, quyết tâm của Tổng Bí thư thì chưa đủ mà phải chuyển vào trong sự chuyển động đồng bộ của cả ban lãnh đạo cấp cao, mà cốt yếu nhất là trong tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập thể Trung ương. Chúng ta có cơ sở để tin rằng, Đại hội 13 với quyết tâm lớn như thế sẽ có những chuyển biến tích cực, để chọn cho được những người thành tâm, trong sáng, chính trực, là những người tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu so với những nhiệm kỳ trước đây” – GS Hoàng Chí Bảo cho biết./.