NSƯT Thu Trang sinh năm 1977 tại Hà Nội trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha chị là nghệ sĩ Trần Nhật Tân - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, mẹ là diễn viên cải lương Minh Nguyệt. Cả anh trai, chị dâu của Thu Trang đều nghệ sĩ cải lương. Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, Thu Trang đã theo cha mẹ đi lưu diễn khắp nơi. 

Nhìn những người thân trong gia đình được mặc những bộ quần áo “lung linh” dưới ánh đèn sân khấu, thể hiện muôn mặt những vai diễn khác nhau, hát lên số phận của nhân vật... Thu Trang dần trở nên yêu thích cải lương. 

Nữ diễn viên kể, tuổi thơ của cô là những buổi trưa không ngủ, tự nghĩ những vở diễn, khoác vỏ chăn, trùm áo mưa, cứ thế một mình vừa diễn vừa ca. Khi mới tiểu học, Thu Trang đã có vai diễn đầu tiên mang tên bé Tẹo trong vở diễn “Tiền và nghĩa”, vai bé Thơ trong vở “Cô gái Phù Tang”. 

Bước vào lứa tuổi thiếu niên, Thu Trang là cái tên quen thuộc trong nhiều cuộc thi Ca khúc măng non, Tiếng hát hay học sinh sinh viên. Năm 1994, Thu Trang tham gia dự tuyển Khóa trung cấp lớp diễn viên khoa Kịch hát dân tộc do Nhà hát Cải lương Việt Nam và trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội kết hợp đào tạo. 3 năm sau, chị tốt nghiệp loại xuất sắc và trở thành diễn viên của nhà hát Cải lương Trung ương. 

Dù sở hữu một chất giọng trong sáng, ngọt ngào cùng khả năng diễn suất được trau dồi từ nhỏ, lại là con nhà nòi, thế mà ít ai biết rằng Thu Trang phải đi lên từ những vai “chạy cờ” trên sân khấu. Những ngày đầu ở Nhà hát Cải lương Việt Nam, Thu Trang chỉ thường xuất hiện trong những vai đào con, đào phụ.

Chị ngày đêm tự rèn luyện và dành thời gian nghe những nghệ sĩ như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ để học cách gieo chữ, nhả chữ, ngừng lặng, luyến láy và xử lý bài hát sao cho mềm mại.

Những nỗ lực của Thu Trang đã được đền đáp. Chị dần gây ấn tượng với các vai diễn nhỏ như Kim Liên vở “Kiều Nguyệt Nga”, bé Hoài Nhi vở “Trái tim người chị”, bé Nhã vở “Thời con gái đã xa”, cung nữ Thanh Ngọc vở “Vằng vặc ánh sao khuê”. Theo nghệ sĩ Xuân Đáng – nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, ngần ấy năm đứng trên sân khấu, Thu Trang chưa bao giờ phân biệt vai phụ hay vai chính, chỉ hoàn thành xuất sắc những gì được giao.

“Trang hay nói đùa, mỗi lần lên sân khấu là mỗi lần được sống thực sự. Đó là cảm giác rất thiêng liêng, là cái nghiệp của con nhà nòi từ bé đã ngủ dưới gầm sân khấu. Sân khấu ngấm vào Trang, yêu cải lương lắm!” – Thu Trang chia sẻ.

Cái tên Thu Trang thực sự sáng bừng trên sân khấu cải lương qua vai diễn Tô Đát Kỉ trong tiểu phẩm “Khát vọng Đát Kỉ”. Thu Trang đã khiến khán giả bất ngờ về phong cách thể hiện của mình. Từ ánh mắt, lời ca, những bước đi dáng đứng đều được cô thể hiện đẹp mắt. 

Thu Trang tâm sự: “Khi mới ra trường tôi rất gầy, chỉ có 34kg nên rất khó để đảm nhiệm những vai chính. Lúc ấy chủ yếu tôi diễn những vai trẻ con. Tôi tự tin rằng, ở thời điểm đó, tôi là một trong những nghệ sĩ diễn vai trẻ con hay nhất sân khấu cải lương. Sau này, khi luyện tập, trau dồi thêm về nghề, cải thiện hình thể, tôi may mắn được giao cho vai diễn Đát Kỷ.

Đó là một vai diễn hội tụ đủ hết mọi yếu tố gây ấn tượng cho khán giả: từ vũ đạo, giọng hát, đến tâm lý phức tạp của nhân vật: khi thì hiền lành, lúc thì lẳng lơ, lại có nhiều giằng xé giữa ranh giới của con người và ác quỷ... Tôi nghĩ, bản thân vai diễn đã có đủ sức nặng. Dù chỉ có 20 phút, nhưng “Khát khao Đát Kỷ” là vở diễn thường xuyên mà tôi đảm nhậm và cũng là vai diễn ấn tượng nhất của tôi”. 

Vai diễn này đã mang về cho Thu Trang giải Nhất tại Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (2003). Sau thành công với vai Đát Kỷ, Thu Trang trở thành gương mặt đóng đinh cho những vai đào chính trên sân khấu cải lương. Từ vai người vợ trong “Bù nhìn rơm”, vai Kim Thông trong “Cánh hạc chiều đông”, Vương Ngọc Hoàn trong vở “Vì nghĩa quên mình”, nổi bật là vai Cung phi Điểm Bích - vai diễn đã làm nên tên tuổi của NSƯT Thanh Thanh Hiền. 

“Khi nhận bất kỳ vai nào, người nghệ sĩ cũng phải làm cho vai diễn của mình có một lý lịch, từ đó mới tạo ra được tâm lý của nhân vật trong từng cảnh, từng phân đoạn. Cùng một nhân vật nhưng mỗi người diễn lại có những cách hiểu khác nhau. Điểm Bích của chị Thanh Thanh Hiền thực sự rất lung linh, thu hút mà Thu Trang không diễn được. Tôi diễn theo cách của mình và rất may mắn dược khán giả yêu mến, đón nhận”. 

Gần đây nhất, cô đảm nhận vai nữ chính – nàng Tô Thị trong vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” kết hợp 4 loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, ca Huế và hát xẩm. Thu Trang phải tỉ mỉ nghiên cứu kịch để hóa thân thành người phụ nữ mong ngóng người chồng đến hóa đá. Cô đã tạo sự mới mẻ trong lối diễn cũng như cách ca cho nhân vật để nhận được Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm Quốc tế - 2019. 

Khi đã có một vị trí nhất định trên sân khấu cải lương nước nhà, năm 2011, Thu Trang bất ngờ đầu quân về Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam với vai trò nghệ sĩ hát cải lương trên những cánh sóng. 

Giọng hát của Thu Trang nhanh chóng để lại ấn tượng trong lòng thính giả yêu nhạc với những bài ca như: “Mùa hoa phượng tin yêu”, “Lời ru của mẹ”, “Tiếng đàn của cha”... Tiếng hát Thu Trang vẫn đầy cảm xúc, vẫn mang cả không khí nghệ thuật tràn đầy đến thính giả.

Là một nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu lớn trước khi làm nghệ sĩ biểu diễn trên cánh sóng, thế nên khi về Đài, Thu Trang luôn mong tạo được độ “sung” cho thính giả. Mỗi một tác phẩm thu thanh, Thu Trang phải biến hóa cho phù hợp để thính giả hiểu được nỗi lòng của nhân vật, tác giả muốn nói đến. Những năm tháng đam mê cùng nhân vật, “khóc cười” trên sân khấu cải lương đã cho Thu Trang kinh nghiệm quý báu để cô ca trong phòng thu tốt hơn. 

Nói về bước ngoặt của mình, Thu Trang cho biết: “Tôi chính thức công tác tại Đoàn Dân tộc - Nhà hát Đài TNVN từ đầu năm 2011 nhưng trước đó, từ năm 1999, tôi đã là cộng tác viên tích cực và thân thiết của Nhà hát qua các chương trình thu thanh về dân ca và nhạc cổ truyền. Tôi nghĩ về VOV là một cái duyên, cũng bởi tôi rất yêu thích môi trường làm việc ở Nhà hát VOV: thân thiện, hoà đồng và rất nghiêm túc trong công việc.

Chúng tôi luôn tự đòi hỏi mỗi cá nhân mình rất lớn trong việc tuân thủ mọi nguyên tắc trong công việc, từ tác phong, ý thức trong giờ giấc cũng như chất lượng chuyên môn qua các tác phẩm thu thanh phát sóng và biểu diễn…

Đội ngũ nhạc công, ca sĩ của Nhà hát đều là những nghệ sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, từng đạt nhiều thành tích xuất sắc, các giải thưởng cao quý qua các cuộc thi lớn cấp Quốc gia và Quốc tế, được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Ban Giám đốc Nhà hát và lãnh đạo các Đoàn luôn tạo điều kiện về thời gian cho nghệ sĩ trau dồi năng lực, nâng cao trình độ. Trong quá trình làm việc ở đây, Thu Trang luôn được nhận những lời khen ngợi hoặc những lời góp ý động viên rất kịp thời, thẳng thắn và chân thành”.

Tháng 9/2020, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi cô công tác vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ Trang. Mỗi thành viên của Nhà hát, trong đó có Thu Trang cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào. Đó là thành quả, là phần thưởng xứng đáng của một tập thể với bề dầy hoạt động hơn 70 năm - một bề dầy truyền thống của sự xây dựng, gìn giữ, phát huy truyền thống, sự cống hiến không nhỏ của các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ qua từng thời kỳ… để thế hệ sau như Thu Trang có cơ hội được tiếp nối, được truyền trao ngọn lửa truyền thống. 

Dịp này, NSƯT Thu Trang cũng bày tỏ mong muốn, trong tương lai, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ được đầu tư cải thiện lại cơ sở vật chất để phù hợp và thuận lợi hơn với công việc luyện tập của nghệ sĩ. Các đoàn được đầu tư về nhân lực, trang thiết bị như nhạc cụ, trang phục biểu diễn... đầu tư và tổ chức dàn dựng các chương trình nghệ thuật tham gia các cuộc thi, hội diễn, liên hoan chuyên nghiệp để qua đó có cơ sở xét tặng danh hiệu tập thể và cá nhân cho các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công./.


Thứ Ba, 07:00, 08/09/2020