Hoạt động đối ngoại của Quốc hội với đặc thù vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, đã được triển khai cụ thể thông qua thực hiện các chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng. Các quyết sách nơi nghị trường góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh và hiệu quả hơn của đất nước.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới với những nội dung cốt lõi, trong đó về phương hướng đối ngoại nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng các doanh nghiệp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV đã khẳng định, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng, trên trường quốc tế.
Song, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, trước yêu cầu mới, Quốc hội với vai trò, vị trí, chức năng của mình cần tập trung nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản của Nhà nước về đối ngoại; tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; xây dựng các đề án mang tính chiến lược, toàn khóa và kế hoạch hằng năm về ngoại giao nghị viện.
Và như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn từng nhấn mạnh, bên cạnh thể chế hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại và giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật về đối ngoại và các cam kết quốc tế của Việt Nam; tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện
Quốc hội khóa XV khởi đầu nhiệm kỳ ở thời điểm khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và để lại hậu quả nề. Song với tinh thần chủ động, đổi mới, Đảng Đoàn Quốc hội đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 107 nội dung, đề án cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đối ngoại của Quốc hội.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, Đảng đoàn Quốc hội xây dựng kế hoạch hành động rất chi tiết, trong đó có nhiều nội dung liên quan công tác đối ngoại của Quốc hội. Một trong những yêu cầu trong kế hoạch là phải xây dựng một định hướng về công tác đối ngoại của Quốc hội trong khóa XV và đến năm 2030, tức không chỉ trong nhiệm kỳ mà có tầm nhìn dài hơn, qua đó nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác đối ngoại.
Thực tiễn hoạt động thể hiện rõ Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đã triển khai công tác đối ngoại một cách linh hoạt, hiệu quả, với các phương thức và cách làm mới, ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu; góp phần xây dựng môi trường hòa bình ở khu vực, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước.
“Dịch bệnh Covid -19 tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt kinh tế - xã hội, trong đó có việc triển khai các hoạt động đối ngoại nói chung và đối ngoại Quốc hội nói riêng. Các hoạt động đối ngoại trực tiếp bị chi phối, hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, các hoạt động vẫn được triển khai đồng bộ và quyết liệt”, ông Đôn Tuấn Phong khẳng định. Điều đó thể hiện trong thực hiện đường lối đối ngoại chung, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã phát huy vai trò tiên phong.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội không chỉ dừng lại ở việc tham gia các hoạt động đối ngoại tại các diễn đàn song phương, đa phương mà điều quan trọng hơn cả chính là việc tham gia xây dựng, hoạch định chính sách đối ngoại. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, hoạt động đối ngoại trước hết được triển khai cụ thể thông qua việc thực hiện các chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại, phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực các điều ước quốc tế.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội tiếp tục dành ưu tiên cho việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Và tính đến hết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh, trong đó thảo luận, cho ý kiến, xem xét thông qua nhiều luật quan trọng trực tiếp và gián tiếp liên quan đến đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, Quốc hội chú trọng việc nội luật hóa, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia tương thích với các điều ước quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giao dịch điện tử; Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Đất đai; Luật Nhà ở…
“Qua chức năng lập pháp của Quốc hội, quy định liên quan công tác đối ngoại luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt để cố gắng làm sao có được quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Đây là cơ sở cơ bản. Quốc hội khi xem xét luật luôn dành sự ưu tiên cao nhất để nâng tầm công tác đối ngoại, qua đó nâng cao vị thế Việt Nam trong quan hệ quốc tế”, ông Đôn Tuấn Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy an Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã đẩy mạnh giám sát việc triển khai chính sách, pháp luật về đối ngoại và hội nhập quốc tế; phối hợp với nghị viện một số nước triển khai các cơ chế giám sát, khảo sát. Theo ông Đôn Tuấn Phong, giám sát không chỉ đánh giá ta đã thực hiện thế nào, mà Quốc hội cũng đặt mục tiêu phối hợp với nghị viện các nước cùng giám sát việc thực hiện ở cả phía bạn, qua đó phát huy cao nhất lợi ích cam kết quốc tế mang lại.
Dấu ấn về giám sát có thể kể đến chuyên đề “Việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia”, lần đầu tiên được triển khai với quy mô toàn tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với ba nước có chung đường biên giới. Qua đó cập nhật tình hình, đánh giá kết quả, hạn chế trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ và công tác quản lý biên giới trên đất liền.
Qua chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, nhiều ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài được ghi nhận, làm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng dự thảo và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, góp phần thu hút nguồn lực tri thức và kinh tế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hay tổ chức phiên giải trình về việc bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chế độ cho cán bộ công tác tại cơ quan đại diện thể hiện sự quan tâm tổng kết, nghiên cứu xây dựng những quy định cũng như đưa ra các quyết sách thuộc thẩm quyền đáp ứng yêu cầu công tác ngoại giao, tương xứng với tiềm lực và vị thế Việt Nam như lãnh đạo Quốc hội từng nhấn mạnh.
Thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại, Quốc hội tập trung xem xét, thảo luận và thông qua với tỷ lệ cao hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); khẳng định trách nhiệm và quyết tâm của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam.
Ngay trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, việc triển khai đồng bộ toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế gắn với phát huy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương, cụ thể hóa các khuôn khổ đã được nâng cấp, góp phần thực hiện các mục tiêu phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.
Với tinh thần chủ động, đổi mới, trách nhiệm cũng như tầm nhìn dài hạn, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia về công tác đối ngoại, bảo đảm đúng đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế, góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh và hiệu quả hơn của đất nước.