Tại hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã đánh giá từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, có vấn đề vượt dự báo, chưa có tiền lệ, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức rất lớn đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, đất nước tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực.
Như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp rất quan trọng của Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng. Hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với ba chức năng quan trọng, trong đó công tác hoàn thiện thể chế pháp luật được đặc biệt quan tâm, góp phần giải phóng nguồn lực phát triển đất nước. Luật pháp vừa tháo gỡ những khó khăn trước mắt, vừa kiến tạo phát triển qua quyết sách với tầm nhìn dài hạn.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng xem xét thông qua 15 dự luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật. Chiếu theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về lộ trình công tác xây dựng luật pháp trong cả nhiệm kỳ, có thể khẳng định Quốc hội khóa XV đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra, đó là chưa kể đến những quyết đáp cho những vấn đề cấp bách, cấp thiết trước yêu cầu của thực tế đất nước.
Nhấn mạnh không một quốc gia nào có thể vận hành mà không có luật pháp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho rằng, các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành, tùy vào mỗi lĩnh vực, chuyên ngành đều có tác động tích cực tới đời sống, kinh tế - xã hội, nhất là tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, kiến tạo sự phát triển.
“Đơn cử như Quốc hội quyết định Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn (1/8/2024 thay vì 1/1/2025), cùng sửa luật Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng góp phần “phá băng” thị trường bất động sản và ít nhất một “động mạch” của nền kinh tế được khơi thông. Từ tác động của thể chế và sự điều hành của Chính phủ đưa tăng trưởng Quý III năm 2024 tăng 8,2%, kéo theo cả năm có thể đạt 7%. Rõ ràng quyết sách đó rất tốt” – ông Huân phân tích.
Chính phủ cũng tiến hành rất quyết liệt, tập trung cao độ cho đổi mới thể chế khi tổ chức gần 30 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật. Chính phủ ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm. Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 7 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua hàng chục đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật.
Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, khẩn trương triển khai thi hành luật, nghị quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, trình, thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết nhằm tạo sự đồng thuận cao, thuận lợi cho công tác triển khai thi hành.
Đặc biệt, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét, xử lý và báo cáo kết quả vào Kỳ họp thứ 7, có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận công chức, viên chức…
Thực tiễn chứng minh Quốc hội và Chính phủ cùng hành động, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để giữ vững thời cơ, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, giúp Việt Nam liên tục được quốc tế đánh giá là “ngôi sao ngược gió”, là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu và là “ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á”.
Muốn pháp luật đi vào cuộc sống thì trước hết công tác lập pháp phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV được ban hành luôn dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách, tham vấn ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học và đặc biệt là đối tượng chịu tác động trực tiếp của các dự án luật.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, năm 2021, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng và để lại nhiều hậu quả nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và những hệ quả khôn lường, không đo, đong đếm được. Quốc hội chủ động ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả trước diễn biến phức tạp của đại dịch, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới” - đây được coi là sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp; qua đó, đã trao quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Trên cơ sở các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nhận diện rõ thực trạng, dự báo các nguy cơ và kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với các nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư hàng loạt dự án quan trọng quốc gia ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đã góp phần đưa Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong hơn 10 năm, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022.
Nhiều đề xuất, gợi mở chính sách tiếp tục được nghiên cứu, chọn lọc kịp thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Kết quả nền kinh tế Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn tăng trưởng với những con số vô cùng ấn tượng, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi đại dịch và các cuộc xung đột. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5% - mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khiến chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá là một năm kiên cường của kinh tế Việt Nam.
Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Quốc hội đặt ra yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Và đất nước cũng đang hướng đến kết quả cả năm với “nhiều điểm sáng tích cực” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm khi phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, khi có khả năng 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP “còn dư địa” để đạt 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
“Việt Nam nổi lên như một điểm sáng khi duy trì ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Nổi bật của sự ổn định là lạm phát kiểm soát ở mức thấp trong 10 năm qua, từ 2015 đến nay ở khoảng 3%, là điều tuyệt vời vì 10 năm trước đó lạm phát đều trên 9%; đảm bảo các cân đối lớn, xuất siêu liên tục mỗi năm khoảng 17 tỷ USD. Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, là thành quả đáng tự hào” – Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân bày tỏ. Kinh tế thế giới thời gian qua có dấu hiệu chững lại, tăng trưởng bình quân chung cả thế giới thấp hơn năm 2023, song cũng theo vị chuyên gia này, trong 9 tháng, Việt Nam đạt tăng trưởng tới 6,82% và ông tin cả năm trên 7%, là kết quả tốt đẹp. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng 15,4% là thành tựu trong thời điểm chi phí logictic lớn do ảnh hưởng từ xung đột trên thế giới.
Dẫn số liệu xếp hạng quốc tế, GS Nguyễn Thiện Nhân – nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cho biết có nhiều “chỉ số vui”, như quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 35; an toàn, an ninh mạng rất tốt (thứ 17), chỉ số sáng tạo thứ 44. Cộng với kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội những năm qua cho thấy sự nỗ lực rất lớn, nhất là trong bối cảnh khó khăn thách thức trong nước và thế giới. Có thể nói kết quả đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng từ những quyết sách kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, từ tinh thần lập pháp chủ động thể hiện qua chất lượng dự luật, nghị quyết đã thông qua và nhiều quyết sách tháo gỡ những điểm nghẽn, quyết đáp vấn đề cấp bách, xác lập tầm nhìn cho những mục tiêu chiến lược, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, kịp thời huy động nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế. Và như Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ: “Tạo nên kết quả ngày hôm nay cũng là nhờ thể chế” và “trong quá trình đổi mới thể chế, Chính phủ luôn nhận được sự đồng hành của Quốc hội”.