Nâng tầm ảnh hưởng – phát triển kinh tế – giữ vững an ninh được xem ba là mục tiêu quan trọng của đối ngoại Việt Nam trong thời đại mới, tạo nên thế chân kiềng vững chắc giúp Việt Nam tiến sâu, tiến xa hơn vào “kỷ nguyên vươn mình”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (20/9/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, sau 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đất nước ta hội tụ đủ thế và lực để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển; hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại; đồng thời cũng đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.
Bước vào kỷ nguyên vươn mình với bàn đạp vững chắc như vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Quế, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với đối nội, đây là “thời điểm vàng” để đối ngoại Việt Nam khẳng định vai trò. Theo đó, tiếp tục mở rộng và đưa các mối quan hệ đa phương, song phương đi vào chiều sâu; song song với nhiệm vụ giữ vững an ninh, chủ quyền, đảm bảo đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
PGS.TS Nguyễn Thị Quế cho rằng, dựa trên cơ sở thừa kế và phát huy những thành tựu rực rỡ đã đạt được của công tác đối ngoại, Việt Nam vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình; liên tục ghi dấu ấn lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc khu vực và thế giới. Trong đó, điển hình nhất là việc nâng cấp quan hệ với Mỹ và xác lập thêm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Pháp và Malaysia mới đây.
Pháp là quốc gia đầu tiên trong liên minh châu Âu (EU) trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của nước ta, đồng thời là quốc gia thứ 4 trong 5 quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Trong khi đó, Malaysia - một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững nhất châu Á, cùng với Việt Nam, chia sẻ nhiều quan điểm chung trong việc bảo đảm tự chủ chiến lược của mỗi nước, cũng như góp phần phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong năm 2025 tới đây, Malaysia sẽ giữ vai trò chủ tịch luân phiên của tổ chức này.
Hiện nay, Đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao ở Việt Nam. Theo PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện về sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực sẽ mở ra cơ hội hợp tác thực chất, hiệu quả trên tất cả các trụ cột trong quan hệ (chính trị, ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, khoa học, công nghệ và giao lưu nhân dân). Điều này sẽ góp phần tạo xung lực cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam thông qua hiệu ứng lan toả mạnh mẽ tới các đối tác quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.
Tính đến tháng 11/2024, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia. Đó là: Trung Quốc (năm 2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016), Hàn Quốc (năm 2022), Mỹ (tháng 9/2023), Nhật Bản (tháng 11/2023), Australia (tháng 3/2024), Pháp (tháng 10/2024) và Malaysia (tháng 11/2024).
Việc thiết lập các mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện kể trên thể hiện rõ quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về việc triển khai nền ngoại giao hiện đại, toàn diện, tự chủ, tự cường, đa dạng hoá, đa phương hóa. Đây cũng là thành tựu nổi bật, đáng tự hào của Việt Nam trong công tác đối ngoại thời kỳ mới, cho thấy sự coi trọng đặc biệt của các quốc gia đối với nước ta, đồng thời cũng mở ra những cơ hội hợp tác chưa từng có cho Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cũng nhấn mạnh, đây là một chiến lược ngoại giao khôn khéo và có chủ đích của Đảng và Nhà nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam xây dựng hình ảnh là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nước ta tiếp tục góp phần tích cực vào tiến trình hòa giải xung đột, giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh toàn cầu, kiến tạo môi trường hòa bình cho phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Những năm qua, việc tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi giúp Việt Nam huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội, bứt phá về khoa học công nghệ. Nếu cách đây gần 40 năm, Việt Nam mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ, thì ở thời điểm hiện tại, con số ấy đã chạm mốc 230. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tính từ đầu năm đến ngày 15/11/ 2024 đạt hơn 681 tỷ USD, tương đương con số của cả năm 2023.
Những thành tựu kinh tế kể trên là thành quả sau nhiều năm nỗ lực đổi mới về tư duy, không ngừng thay đổi để phù hợp với bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi nhanh chóng trong thời đại 4.0, dựa trên cơ sở quán triệt sâu sắc những nội dung của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII (tháng 1/2021). Nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Ông Hoàng Văn Nghĩa cho rằng, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đặc biệt về những thành tựu phát triển của nước bạn, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây chính là xu hướng và sức mạnh thời đại, hoà quyện cùng với sức mạnh nội tại của đất nước, sức mạnh về đại đoàn kết toàn đảng, toàn quân và toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, tạo nên đôi cánh lớn cho đối ngoại Việt Nam.
“Điều này sẽ giúp Việt Nam sớm đạt đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số liên tục trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, góp phần thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch: “phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” và “sánh vai với các cường quốc 5 châu” vào dịp kỷ niệm 100 thành lập nước Việt Nam mới”, PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa khẳng định.
Đất nước ta cần tiếp tục tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thúc đẩy thương mại với các quốc gia khác, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong kỷ nguyên mới. Từ đó, tiến tới thu hút đầu tư quốc tế nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế số.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế, mục tiêu đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là luôn dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời quan tâm đến nghĩa vụ quốc tế được thể hiện rõ trong Đại hội XIII: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”.
Lợi ích quốc gia - dân tộc, trong đó giữ vững an ninh và chủ quyền dân tộc là nhân tố trung tâm, nền tảng trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Định hướng đối ngoại giai đoạn 2021- 2030 được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
PGS.TS Nguyễn Thị Quế khẳng định công tác đối ngoại của Việt Nam luôn đi đôi với đảm bảo an ninh, giữ vững chủ quyền đất nước. Việt Nam duy trì thực hiện chính sách “4 không” trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Các nỗ lực ngoại giao kiên định, linh hoạt của Việt Nam đã góp phần kiểm soát, ngăn ngừa xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Việc hoàn thành phân giới, cắm mốc trên đất liền đối với Trung Quốc, Lào, Campuchia cũng là một trong những thành tựu nổi bật của công tác biên giới trong thời kỳ này. Ngoài ra, Việt Nam cũng ký hiệp định với các nước láng giềng về đường biên giới trên bộ; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến chuyển lớn, cơ hội và thách thức đan xen. Công tác đối ngoại của Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ tối đa và tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, dựa trên cơ sở đảm bảo an ninh và chủ quyền dân tộc. Thế “kiềng ba chân” vững chãi trong đối ngoại sẽ đưa đất nước vào dòng chảy của thời đại, tạo đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Đại hội XIII đã đề ra.