Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, năm 2022 có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Trong đó, khoảng 4 - 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Cập nhật nhận định từ các cơ quan khí tượng quốc tế, chuẩn sai nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng, từ 0,97 độ C đến 1,21 độ C so với giá trị trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900). Năm 2022 có thể là năm thứ tám liên tiếp có nhiệt độ đã vượt quá 1 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo ông Mai Văn Khiêm, thống kê vừa qua cho thấy, năm 2022 cũng ghi nhận mùa bão đến sớm trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Khi trung bình ngày xuất hiện cơn bão đầu tiên năm 2022 trên Tây Bắc Thái Bình Dương là ngày 14/4. Nhưng vừa qua, ngày 6/4, Tây Bắc Thái Bình Dương đã ghi nhận xuất hiện cơn bão đầu tiên là bão Malaska và đến ngày 9/4 tiếp tục có bão Megi.

Năm 2022 ghi nhận mùa bão đến sớm trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.

Năm 2022, ở Tây Bắc Thái Bình Dương đã xuất hiện bão sớm hơn một tuần. Tại Việt Nam, mùa mưa năm nay bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa ở Bắc Bộ có xu hướng cao hơn, đặc biệt từ tháng 6-8 với đỉnh lũ báo động 1-2.

Tại Trung Bộ, tổng lượng mưa dự báo cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng 10-11, nhiều khả năng xuất hiện mưa lớn gây lũ, ngập lụt. Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận, Tây Nguyên đỉnh lũ cao hơn trung bình nhiều năm, phổ biến ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3.

Nam Bộ mùa lũ trên sông Me Kong khả năng đến sớm hơn, nhưng chưa có dấu hiệu lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long ở báo động 1, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,3-0,5 m.

Ông Mai Văn Khiêm cho rằng: “Năm 2022 diễn biến thiên tai sẽ cực đoan, bất thường và trái quy luật. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có thể ít hơn trung bình nhiều năm nhưng thường sẽ là bão mạnh tác động đến đất liền".

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nêu ví dụ, cuối tháng 3/2022 đã xuất hiện đợt mưa lớn ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ do tác động tổ hợp hình thái không khí lạnh và vùng áp thấp, hình thái này không xa lạ đối với khu vực Miền Trung xuất hiện vào đầu năm như thế này thì rất hiếm gặp. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu làm cho thiên tai cực đoan ngày càng bất thường và trái quy luật.

“Năm 2022, mưa lớn sẽ tập trung ở khu vực Bắc Bộ từ 6-8/2022, và xảy ra mưa lớn ở Trung Bộ trong tháng 10, 11/2022. Trên đất liền, mưa lớn được dự báo sẽ xảy nhiều vào cuối năm ở các tỉnh miền Trung, trong tháng 10, 11/2022 sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn, đặc biệt những nơi xung yếu và có địa hình dốc, nền đất đá yếu. Chúng ta sẽ phải lưu ý đối với mưa bão vào giai đoạn cuối mùa, ở đây dù bão lớn hay không lớn đều có thể gây những tác động nghiêm trọng do tính dễ bị tổn thương cao trước thiên tai, đặc biệt là các hoạt động tàu thuyền và nuôi trông thủy sản trên biển, ven biển; lũ quét sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt khu vực hạ du các sông,…”, ông Khiêm lưu ý.

Ông Khiêm cho rằng: “Thông thường, những năm ảnh hưởng của La Nina thì mưa cũng nhiều hơn và dễ xảy ra cực đoan hơn bình thường. Ở Bắc Bộ, cần đề phòng khả năng xuất hiện lũ để có phương án ứng phó. Sau nhiều năm ít xảy ra lũ dễ sinh tâm lý chủ quan”.

Ngoài ra, dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021, nhưng ở khu vực vùng núi Tây Bắc, khu vực vùng núi phía Tây của miền Trung, do ảnh hưởng của thấp nóng và gió phơn, nên có thể xảy ra tình trạng khô nóng gay gắt gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, cũng như nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Ông Khiêm lưu ý trong năm Na Lina thì cần cảnh giác, nguy cơ sẽ xuất hiện những cơn bão mạnh, nguy hiểm và diễn biến rất phức tạp.

“Nếu một cơn bão đơn thuần đi vào đất liền mà không có thêm sự tương tác bởi các hình thế thời tiết khác thì lượng mưa cũng không quá lớn và không kéo dài. Trên thực tế, lượng mưa lớn ở miền Trung thường gây ra bởi ảnh hưởng của các cơn bão hoặc ATNĐ kết hợp với các hình thế gây mưa khác như không khí lạnh, nhiễu động gió Đông... Điển hình nhất trong tháng 10 và tháng 11 của 2 năm gần đây, mưa lớn ở Trung Bộ do tác động liên tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới cũng các hình thế gây mưa kết hợp, làm cho tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ nhiều nơi vượt ngưỡng giá trị lịch sử đã từng quan trắc được”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, dự báo bão năm nay ít, tuy nhiên càng ngày bão, ATNĐ có xu hướng xảy ra bão mạnh trái với quy luật nên không được chủ quan và cần chủ động ứng phó.

Tổng lượng mưa năm nay dự báo nhiều hơn trung bình nhiều năm chứng tỏ mưa có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan (Mưa lũ xuất hiện sớm trước nửa tháng xảy ra từ ngày 30/3-2/4), nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và thượng lưu sông suối nhỏ; mưa lũ có khả năng mức trên báo động 3 tại khu vực miền Trung, bên cạnh đó mưa lớn kèm theo hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá.

 “Tổng lượng mưa năm nay dự báo nhiều hơn trung bình nhiều năm chứng tỏ mưa có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan, đồng thời lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan, đồng thời theo chu kỳ có thể diễn ra các đợt thiên tai lớn trong thời gian tới - Chu kỳ 60 năm ở khu vực miền Trung (Đại hồng thủy tại Quảng Nam – Đà Nẵng tháng 11 năm Giáp Thìn 1964 gây thiệt hại lớn về người, tài sản)”, ông Tiến chia sẻ.

Liên quan đến tình hình thiên tai năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, để chủ động ứng phó với thiên tai, trước hết phải đổi mới nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

“Chúng ta sẽ cùng cố gắng cao nhất với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phấn đấu năm 2022 thiệt hại về người, về tài sản thấp hơn năm 2021”, Phó Thủ tướng đặt quyết tâm.

Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) chia sẻ: “Trong năm 2022, Tổng cục PCTT sẽ tăng cường rà soát các phương án, xây dựng kịch bản cụ thể nhằm sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn, đặc biệt lớn để chủ động triển khai thực hiện, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, phấn đấu vừa đảm bảo an toàn thiên tai vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm bốn tại chỗ”.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, trong năm 2022, sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án,… của các địa phương. Đặc biệt là việc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất,... để thông tin kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo, cảnh báo, trong đó, cụ thể hóa bản tin dự báo khí tượng thủy văn nguy hiểm theo hướng dự báo chi tiết, bổ sung các thông tin dự báo tác động của bão và áp thấp nhiệt đới đến các ngành, lĩnh vực.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thuỷ điện nhỏ, công trình đang thi công; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống bão, mưa lũ.

“Chúng tôi cũng xác định phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp then chốt và hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Do vậy, sẽ ưu tiên cho nghiên cứu, sản xuất, trang bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát phục vụ chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai, đặc biệt đối với các loại thiên tai lớn, xảy ra trên diện rộng. Đồng thời, tập trung cho ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa, vật liệu mới trong quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu đầu tư cho khoa học công nghệ, hợp tác công – tư…”, ông Tiến nhấn mạnh./.


Thứ Ba, 06:09, 10/05/2022