Theo tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), tổ chức của Liên Hợp Quốc (LHQ) mới đây đã đưa ra cảnh báo rất đáng lo ngại về biến đổi khí hậu khi số lượng các thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần trong nửa thế kỷ qua và gây thiệt hại gấp 7 lần so với những năm 1970.
Các hiện tượng như bão, lũ lụt và hạn hán là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong và thiệt hại nhất trong 50 năm qua. Đáng chú ý, hơn 90% trong số khoảng 2 triệu người thiệt mạng vì thiên tai được LHQ xác định là ở các nước đang phát triển trong khi 60% thiệt hại kinh tế lại được ghi nhận ở các nước giàu có hơn. Nửa thế kỷ trước, các thảm họa thời tiết gây thiệt hại toàn cầu khoảng 175 triệu USD mỗi năm. Con số này tăng lên trung bình 1,38 tỷ USD trong những năm 2010.
Theo thông tin từ Văn phòng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc (UNDDR), trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, ước tính các loại thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ dân, gây thiệt hại kinh tế gần 3 nghìn tỷ USD.
Biến đổi khí hậu khi số lượng các thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần trong nửa thế kỷ qua (Ảnh Getty Images)
Điều đáng nói là Việt Nam lại nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu mà nổi lên là các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng cao.
Chỉ tính riêng trong 20 năm trở lại đây ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm họa từ thiên tai.
Thực tế cho thấy thời tiết năm 2020 và những ngày đầu năm 2021 diễn biến đúng theo xu hướng trên. Bão, lũ, dông lốc, hạn hán, xâm nhập mặn... xảy ra khắp cả năm, từ đồng bằng đến miền núi.
Thống kê của của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trong năm 2020, ở nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể: 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22/10/2020 tại khu vực Trung bộ; 86 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Không chỉ xuất hiện với tần suất ngày càng cao, thiên tai năm 2020 được đánh giá là có nhiều yếu tố bất thường, thậm chí là dị thường, khó lường. Đầu năm là hình thái thời tiết chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhưng cuối năm lại chịu tác động của hiện tượng La Nina. Hệ quả là nắng nóng gay gắt ngay từ đầu năm, còn bão và mưa lớn dồn dập vào cuối năm. Đặc biệt, suốt nửa tháng 10/2020, gần như ngày nào ở miền Trung cũng xuất hiện mưa to đến rất to với lượng mưa vượt so mức trung bình từ 100 - 200%, thậm chí nhiều nơi vượt tới 300 - 400%.
Tính đến đầu tháng 12/2020, thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương ... (Ảnh PV)
Thiên tai khốc liệt, cực đoan, bất thường, tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Tính đến đầu tháng 12/2020, thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương; 3.424 nhà sập, 333.050 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 509.793 lượt nhà bị ngập. Ngoài ra, các loại hình thiên tai cũng làm thiệt hại 196.887 ha lúa và hoa màu; 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; hàng nghìn mét đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế lên đến khoảng gần 40.000 tỷ đồng.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế xã hội bền vững của quốc gia. Nhằm giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra, một trong các giải pháp chính hiện nay được chính phủ Việt Nam quan tâm và chú trọng đó là nâng cao năng lực quan trắc giám sát, dự báo cảnh báo sớm thiên tai KTTV và ứng phó với BĐKH.
Tuy nhiên, nguồn lực dành cho công tác khí tượng thủy văn còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; năng lực, trình độ của cán bộ chưa đồng đều, chưa làm chủ được một số công nghệ hiện đại; tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được quan tâm đúng mức…
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong thời gian tới, các đơn vị cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Các Bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh việc lắp đặt trạm theo dõi mưa, mực nước, camera giám sát hồ chứa, trọng điểm đê điều, khu vực dân cư nguy cơ sạt lở cao, thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền trên biển.
Các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai gây ra; khẩn trương thực hiện hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm chỉ đạo điều hành quốc gia phòng chống thiên tai.
Theo ông Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), hiện mạng lưới trạm KTTV đã có gần 1.500 trạm, điểm đo, trong đó có: 354 trạm thủy văn, 194 trạm khí tượng, 27 trạm khí tượng nông nghiệp, 24 trạm khí tượng thủy văn biển, 91 điểm quan trắc xâm nhập mặn vùng cửa sông, 7 trạm ra đa thời tiết, 6 trạm vô tuyến thám không hiện đại, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 2 trạm thu ảnh vệ tinh phân giải cao và 755 điểm đo mưa (trong đó có 475 trạm tự động).
Việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, mưa đá vẫn còn nhiều khó khăn và là thách thức đối với Việt Nam và Thế giới. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu các thông tin số liệu nền về: đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có; về thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất... không đủ độ chi tiết, không được cập nhật thực tế; sự tác động của con người hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê nghiên cứu đầy đủ.
Bên cạnh đó, lũ quét thường xảy ra ở quy mô nhỏ, liên tiếp, mang tính địa phương. Vì vậy, chỉ cảnh báo ở cấp trung ương là không thể đảm bảo kịp thời cho hoạt động phòng chống lũ quét, sạt lở đất nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương.
Khoa học công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo, cảnh báo chính xác mưa định lượng và nhận biết sự biến đổi của các nhân tố là nguyên nhân tác động, gây ra lũ quét sạt lở đất. Thực tế đã cho thấy, kể cả khi dự báo chính xác và chi tiết được lượng mưa thì vẫn chưa đủ để có thể dự báo chính xác được lũ quét và sạt lở đất, nếu thiếu và chưa xác định kịp thời được các thông tin chi tiết nền như đã nêu ở trên.
Dự báo, cảnh báo mưa lớn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các trường hợp mưa lớn kỷ lục, cục bộ và ở những nơi ít thông tin quan trắc như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên. Dự báo lũ, đặc biệt là lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên với thời gian tập trung nước nhanh nhưng công nghệ dự báo cực ngắn chưa được đầu tư xây dựng thỏa đáng.
Hạn chế về khoa học công nghệ của cả hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin và xử lý số liệu, phân tích dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Các thông tin, số liệu về vận hành hồ chứa chưa được đồng bộ hóa cùng hệ thống số liệu khí tượng thủy văn. Mạng lưới quan trắc phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn còn thưa, phần lớn chưa thực hiện tự động nên không đáp ứng được yêu cầu số liệu đầu vào của các mô hình dự báo, đặc biệt là các mô hình số trị. Trình độ của cán bộ chuyên môn kỹ thuật nói chung và của dự báo viên nói riêng còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp khu vực và cấp tỉnh.
Theo ông Thái, vẫn còn nhiều tồn tại trong dự báo và áp dụng công nghệ dự báo như: Việc áp dụng khoa học kĩ thuật trong dự báo KTTV vẫn còn nhiều tồn tại, công tác dự báo về cường độ bão vẫn còn rất khó khăn.
Dự báo mưa cụ thể cho từng điểm vẫn còn khó khăn; Công tác cảnh báo lũ quét sạt lở đất còn gặp nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp tốt hơn nữa ở các cấp, các ngành.
Ông Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) cho biết, để nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) trước tiên cần hiện đại hóa các lớp trong ngành KTTV, đó là: Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, hiện đại hóa thông tin dữ liệu và hiện đại hóa công nghệ dự báo.
“Trong lớp công nghệ dự báo có một phần quan trọng là chế biến sản phẩm dự báo giúp cho các ngành khác phát triển nhất có thể. Thông tin KTTV làm đầu vào cho các ngành khác nhau phát triển, giúp các tổ chức, cá nhân hoạch định chính sách, lên kế hoạch cho sự phát triển của từng ngành, từng vùng, từng địa phương”, ông Thái khẳng định.
Ông Thái nêu ví dụ, một địa phương có thể quy hoạch khu dân cư, khu vực sản xuất,…dựa vào thông tin dự báo, cảnh báo về khu vực sạt lở, đặc thù khí hậu, chất lượng không khí của từng khu vực sẽ hoạch định sát với thực tế, tạo điều kiện cho sự phát triển, và đóng vai trò rất quan trọng trong dự báo phân vùng.
Ông Thái khẳng định, tài nguyên số của ngành KTTV sẽ làm nền tảng cho các ngành phát triển.
Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều khâu sẽ có giá thành thấp hơn rất nhiều so với các trạm đo truyền thống (Báo Tài nguyên Môi trường)
“Sẽ không có thông tin về ô nhiễm môi trường nếu không có thông tin về mưa, gió và khí hậu thì ô nhiễm không khí không lan tỏa được. Sẽ không có thông tin về chất lượng nước nếu không có thông tin về dòng chảy trên các sông, đoạn sông và các nhánh sông,…không có dòng chảy không lan tỏa được nên phát triển, hiện đại hóa cho hệ thống cơ sở dữ liệu làm nền tảng cho các ngành khác nhau. Thông tin KTTV phải là thông tin đầu vào cho sự phát triển. Các ngành dựa vào dự báo tác động để tránh những khu có rủi ro thiên tai ra khỏi những vùng quy hoạch”, ông Thái nói.
Trong quá trình quy hoạch, hoạch định chính sách ở từng địa phương cần thiết phải xét đến thông tin KTTV ở: Các phân vùng thiên tai để tránh ra, giảm thiểu thiệt hại tối đa; căn cứ vào đánh giá khí hậu, bản đồ phân vùng khí hậu để xác định nơi nào tiềm năng khí hậu phát triển cho cây trồng vật nuôi,…thì phải có sự cơ cấu cho hợp lý.
Hiện đại hóa để nâng cao công tác dự báo bằng những việc như cần áp khoa học công nghệ, số hóa số liệu, thông tin nền… để tích hợp với phần mềm để điều hành. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều hành, nhất là dự báo thay cho nhiều khâu vẫn còn thủ công như hiện nay.
Ông Thái cho rằng: “Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều khâu sẽ có giá thành thấp hơn rất nhiều so với các trạm đo truyền thống nhưng đem lại hiệu quả rất lớn. Ở Việt Nam, tại các trạm thủy văn đo mực nước và lưu lượng nước trên các sông có độ chính xác khá hạn chế, nếu áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ cải thiện hơn rất nhiều”.
Cần có sự hợp tác giữa các bộ ngành để xây dựng ra mạng lưới số liệu chuyên dùng trong tài nguyên số, từ số liệu của phát triển kinh tế xã hội, khí tượng thủy văn, nông nghiệp,…số liệu phải được tập trung hóa, số hóa để tạo ra một cơ sở dữ liệu chung.
Xu hướng dự báo khí tượng thủy văn hiện nay có sự thay đổi, thay vì dự báo về hình thế thời tiết như cơn bão có cường độ, lượng mưa bao nhiêu sẽ chuyển sang dự báo tác động thì cơn bão đó sẽ tác động đến từng vùng, từng điểm như thế nào để có đánh giá nguy cơ tác động để đưa ra cảnh báo sao cho nhanh chóng, kịp thời.
Theo ông Thái, sau khi nâng cao chất lượng dự báo tiến tới sẽ nâng cao hơn nữa giá trị dự báo bằng việc chi tiết hóa tác động đến từng khu vực nơi, đáp ứng nhu cầu riêng của các tổ chức, cá nhân và các đối tượng đặc thù.
“Sau khi có thông tin dự báo, sẽ xử lý thông tin sao cho phù hợp nhất, từ đó sẽ tuyên truyền rộng rãi ra cộng đồng đế với các đối tượng khác nhau. Chúng tôi sẽ áp dụng khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu cho từng người dân. Hiện chúng tôi đang thực hiện thông qua APP trên các ứng dụng điện thoại thông minh, ipad, tiến tới đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng đặc thù như thích đi du lịch, chơi gold, thể thao ngoài trời,…”, ông Thái chia sẻ.
Ông Thái cho rằng, mục tiêu của ngành KTTV sẽ nâng cao năng lực và chất lượng dự báo để đáp ứng nhu cầu của thị trường dịch vụ về dự báo thời tiết trong tương lai.
“Nếu GDP đầu người trên 2.500 USD/1 người/1 năm thì thị trường dịch vụ KTTV sẽ bắt đầu phát triển dịch vụ dự báo thời tiết, lúc đó thông tin dự báo sẽ đáp ứng các nhu cầu khác nhau theo khung dịch vụ quốc tế. Các khu dân cư, khu du lịch, các công ty, những người yêu thích đi phượt,…, cần số liệu dự báo tác động đến những nơi quan tâm”, ông Thái cho hay.
Ngành KTTV là một ngành phải ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực giám sát hiện trường, công nghệ tính toán, xử lý thông tin, mô hình toán lý và những sản phẩm của công nghệ 4.0.
Các khu dân cư, khu du lịch, các công ty, những người yêu thích đi phượt,…, cần số liệu dự báo tác động đến những nơi quan tâm (Ảnh: PV)
Để đưa ra những sản phẩm dự báo chính xác và kịp thời, sử dụng hiệu quả các thiết bị máy móc, công nghệ đã được đầu tư, nâng cấp thì vấn đề mấu chốt là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong những năm qua, ngành KTTV khi thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị hiện đại cho ngành đều có các nội dung đào tạo, chuyển giao công nghệ. Tổng cục đã thực hiện tốt việc này theo hướng chuyên gia quốc tế đào tạo chuyên sâu cho nhóm cán bộ chủ chốt sẽ tiếp nhận, vận hành chính trang thiết bị hiện đại và sau đó là những người thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho đội ngũ cán bộ liên quan, hỗ trợ.
Cùng với đó là cần phân định chức năng nhiệm vụ trong công tác phòng chống thiên tai chặt chẽ và phù hợp hơn; Đầu tư nguồn lực tài chính trong công tác dự báo KTTV và PCTT.
Cần hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, đầu tư hơn nữa ở những nơi còn thưa trạm, thường xuyên xảy ra thiên tai, vùng xa xôi hẻo lánh, hải đảo, khó khăn…bố trí kinh phí duy trì mạng lưới quan trắc đã được đầu tư.
Cần hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, đầu tư hơn nữa ở những nơi còn thưa trạm, thường xuyên xảy ra thiên tai, vùng xa xôi hẻo lánh, hải đảo, khó khăn… (Ảnh Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia)
Đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa, kiện toàn hê thống chính sách, tăng cường tính tập trung trong công tác quản lý nhà nước về KTTV, đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên áp dụng khoa học công nghệ 4.0 trong KTTV, là bài toán lớn nhất áp dụng khoa học công nghệ cùng với khoa học quân sự,…
Ông Thái cho rằng, công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, có tính đặc thù, liên vùng, liên ngành, xuyên biên giới, giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; thông tin, dữ liệu KTTV là đầu vào quan trọng để thực hiện mục tiêu, yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.
Phấn đấu đến năm 2030, phát triển Ngành KTTV của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành được thị trường dịch vụ, công nghệ KTTV phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.
Đến năm 2045, phát triển Ngành KTTV của Việt Nam có trình độ, năng lực tương đương các nước phát triển trên thế giới.
Các mục tiêu được dự thảo Chiến lược đặt ra phù hợp với năng lực thực tế, có tính đến dự báo nhu cầu phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực KTTV, đồng thời đồng bộ với mục tiêu phát triển tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Theo ông Thái, trong thời gian tới ngành KTTV tiếp tục phấn đấu, nâng cao năng lực hơn nữa để có thể “đong đếm từng hạt mưa”, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu qua việc kiểm đếm, đo đạc, quan trắc ở quy mô quốc gia. Với những dữ liệu thu được tập hợp thành cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu về nước để sử dụng chung cho quy mô toàn cầu. Vì vậy, chúng ta phải đong đếm từng hạt mưa ở quy mô toàn cầu.
Cũng với đó là “chắt chiu từng giọt nước”, phòng chống các tác hại do nước gây ra, chủ động, không để mọi người bị bất ngờ trước những cơn lũ lụt, phải biết trước thông tin về hạn hán... Cơ sở dữ liệu nguồn nước được sử dụng chung trong quy mô toàn cầu phục vụ cho mục tiêu an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2030, chúng ta phải hoàn thành gần 10.000 trạm quan trắc khác nhau, tuy vậy, đến nay chúng ta mới chỉ đạt được khoảng gần 30% so với quy hoạch. Mặt khác, các trạm quan trắc phân bố không đồng đều, chủ yếu là ở vùng đồng bằng, thuận tiện. Còn những vùng có điều kiện biến động bất thường về khí tượng thủy văn như vùng sâu, vùng xa, ngoài biển... rất thưa.
Mặt khác, đa số các trạm đo vẫn là trạm thủ công đã tạo nên áp lực về nguồn nhân lực ở những trạm này cũng như khó khăn trong truyền tin, thu thập đồng thời tất cả các nguồn tin trong cùng một thời điểm.
“Chúng tôi mong rằng, mỗi cơ quan, đơn vị và người dân hãy cùng chung tay với ngành Khí tượng thủy văn giám sát từng hạt mưa, sử dụng tối ưu và chắt chiu từng giọt nước”, ông Thái nhấn mạnh./.