“Lần đầu tiên nghe chương trình tiếng Việt do chính mình sản xuất trên Đài phát thanh tiếng nước ngoài Gwangju (GFN), tôi cảm thấy rất tự hào vì đã đóng góp một phần để đưa tiếng Việt đến với đất nước Hàn Quốc. Niềm tự hào lớn nhất với tôi là được nghe những giọng nói bằng tiếng Việt, bằng tiếng mẹ đẻ của mình tại một đất nước cách xa 4.000km”, anh Nguyễn Xuân Đạt - người gắn bó với “Xin chào Việt Nam” từ những ngày đầu lên format chia sẻ.
Xuân Đạt đã học tập và sinh sống tại Hàn Quốc gần 10 năm qua, trong đó, 5 năm tham gia tổ chức sản xuất chương trình “Xin chào Việt Nam” trên Đài GFN từ tháng 3/2017 đến nay.
Đạt cho biết, trong gần 6 năm vừa qua, cả ekip “Xin chào Việt Nam” không chỉ sản xuất chương trình phát thanh mà còn tổ chức các hoạt động, sự kiện cho cộng đồng người Việt tại Gwangju, với sức lan toả rất tốt. Trong đó, có những chương trình dành riêng cho sinh viên Việt Nam tại các trường đại học ở Jeonnam, Gwangju.
“Khi tham gia tổ chức sản xuất chương trình “Xin chào Việt Nam”, ban đầu tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ, bởi bản thân mình cũng là người “tay ngang” nên không hình dung ra được vị trí tổ chức sản xuất chính xác là như thế nào. Tuy nhiên, qua thời gian vừa làm vừa học hỏi, được đồng nghiệp hướng dẫn, sau gần 6 năm làm việc, tôi đã có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo Đài GFN giao cho”, Đạt chia sẻ.
Ekip của chương trình “Xin chào Việt Nam” hiện có 7 người, đều là những bạn trẻ người Việt nhiệt huyết và tài năng. Bên cạnh đó, là sự hỗ trợ kỹ thuật của các bạn đồng nghiệp người Hàn Quốc tại Đài GFN.
Đến năm 2023, “Xin chào Việt Nam” được phát sóng vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, trong khung giờ từ 22h - 24h, hướng tới các thính giả là tất cả người Việt Nam đang sinh sống học tập và làm việc tại Hàn Quốc, với 3 tần số phát sóng là 98.7MHZ tại Gwangju, 93.7MHZ tại Yeosu và 101.3MHZ tại Seoul. Chương trình được đăng tải trên Youtube để các thính giả có thể nghe lại.
Chương trình cũng là cầu nối giữa Đài GFN và VOV, khi được phát cả trên sóng VOV5 vào thứ Tư hàng tuần. Với đối tượng thính giả là người Việt, chương trình hướng tới các nội dung tiếng Việt nhiều hơn.
“Ngoài định hướng nội dung của đài GFN, chúng tôi cũng lựa chọn những chủ đề gần gũi nhất với cộng đồng người Việt Nam ở Gwangju, thông tin từ thành phố hay các thông tin hữu ích dành cho cộng đồng người Việt. Một chủ đề nữa có thể lựa chọn là việc dạy tiếng Việt và tiếng Hàn”, Xuân Đạt nói.
Đây cũng là số phát thanh mà Xuân Đạt và ekip “Xin chào Việt Nam” cảm thấy tâm huyết nhất trong gần 6 năm qua. Chương trình với chủ đề “Mẹ ơi, con yêu mẹ” - nói về những đứa trẻ trong gia đình đa văn hoá Việt - Hàn học nói câu “mẹ ơi, con yêu mẹ”.
Xuân Đạt chia sẻ rằng, những người Việt Nam sống nước ngoài luôn cảm thấy tiếng Việt của mình rất thiêng liêng và chỉ có ngôn ngữ mẹ đẻ mới truyền tải được hết những cảm xúc giữa con người với con người. Người mẹ Việt khi nghe con nói câu “mẹ ơi, con yêu mẹ” bằng tiếng Hàn cũng sẽ không thể cảm nhận được hết được tình cảm trong đó.
“Trong chương trình chúng đã dạy cho 2 bé con của khách mời là chị Tuyết Nhung nói câu “mẹ ơi, con yêu mẹ” bằng tiếng Việt và nói thật sõi nói giống như người Việt. Sau khi hai bé con nói câu đó, chị Tuyết Nhung đã rất xúc động và khóc rất lâu. Khi đó cả ekip cũng rất lúng túng, không biết phải làm thế nào cả vì chương trình đang phát trực tiếp”, Đạt kể lại.
Trải qua những giai đoạn khó khăn ban đầu, những lần “lố sóng” không bao giờ quên khi có đến 9 khách mời cho một chương trình 30 phút, với ekip “Xin chào Việt Nam” đây là những bài học kinh nghiệm để trưởng thành. Tổ trưởng người Hàn Quốc phụ trách chương trình khi đó (hiện là Phó Giám đốc Đài GFN) đã góp ý xây dựng để cả ekip tính toán lại kịch bản kỹ hơn, cân nhắc số lượng khách mời hợp lý để chương trình đạt hiệu quả và truyền tải được thông điệp tới thính giả.
Với Minh Nguyệt, trước khi đảm nhận vai trò người dẫn chương trình cho “Xin chào Việt Nam”, chị từng là một trong những khách mời đầu tiên tham gia chương trình.
“Tôi cũng có chút ít kinh nghiệm làm radio từ thời học phổ thông. Sau khi đến làm khách mời của chương trình, ekip đã gợi ý tôi làm cộng tác viên cho một vài chuyên mục và sau 3 tháng, tôi được tin tưởng giao nhiệm vụ làm biên tập viên và phát thanh viên chính của chương trình từ tháng 9/2017”, Minh Nguyệt kể lại.
Tại GFN, cứ 6 tháng, chương trình sẽ được cải biên và lãnh đạo Đài GFN luôn luôn mong muốn, chương trình “Xin chào Việt Nam” tiếp cận được nhiều hơn nữa với các thính giả, đặc biệt, là chuyên mục Khách mời cuối tuần. Đây là một phần lý do mà chuyên mục Khách mời cuối tuần được duy trì xuyên suốt gần 6 năm qua trong chương trình. Đây cũng là chuyên mục duy nhất được phát live trên Youtube và thính giả có thể tương tác trực tiếp với các khách mời.
Đánh giá cao sự chuyên nghiệp của ekip làm chương trình, ông Kim Hui - Giám đốc Đài GFN, nhấn mạnh “Xin chào Việt Nam” là một chương trình tiêu biểu đã phát sóng trong suốt 6 năm qua. Thông qua chương trình, nhận thức về Việt Nam đã tăng lên. Các gia đình đa văn hóa, sinh viên và người Hàn Quốc đang thể hiện sự hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động của người Việt.
“Hiện tại, ekip và người dẫn chương trình “Xin chào Việt Nam” đều là người Việt Nam. Người dân chương trình cũng trở thành một người dẫn chương trình được yêu mến tại Hàn Quốc. Ngoài việc dẫn chương trình đơn thuần, bạn ấy cũng đã trở thành người đóng vai trò là sứ giả của cuộc sống và văn hóa”, ông Kim Hui nói.
Cùng những nội dung, thông tin bổ ích, kinh nghiệm sống, học tập tại Hàn Quốc, “Xin chào Việt Nam” còn mang giá trị thần to lớn tới các thính giả. Lượng thư phản hồi chương trình nhận được có cả từ thính giả trong cộng đồng người Việt và có cả thính giả là người Hàn, phần lớn họ mong muốn nhờ chương trình chuyển đi những tâm sự của mình.
Xuân Đạt chia sẻ mong muốn “Xin chào Việt Nam” có thể trở thành một cầu nối hạnh phúc cho các gia đình đa văn hóa Việt-Hàn: “Những lời tâm sự gửi đến chương trình chủ yếu là những lời yêu thương của người chồng Hàn gửi tới người vợ Việt. Họ thường rất tâm lý và thương vợ. Họ tâm sự về khoảng thời gian sống cùng với nhau, do bất đồng ngôn ngữ, nhiều khi muốn chia sẻ nhiều hơn nhưng giải thích vợ không hiểu. Thông qua chương trình, họ muốn gửi lời tâm sự bằng tiếng Việt để vợ hiểu mình hơn. Những người chồng gửi lời tâm sự đến vợ thông qua chương trình cũng rất tinh tế trong việc sử dụng câu từ để làm sao có thể chuyển tải hết ý của mình tới vợ”.
Với những người làm chương trình, lời gửi gắm tâm sự này không chỉ minh chứng có sự lan toả hiệu quả của “Xin chào Việt Nam”, nó cũng thể hiện sự tin tưởng và là món quà của thính giả tới ekip làm chương trình.
“Những người làm chương trình nhận được nhiều nhất là món quà tinh thần. Đó chính là những lời động viên những bức thư mà các bạn gọi tên mình. Thay vì chào chương chình, chào các anh chị làm chương trình thì các bạn lại gửi lời chào MC Minh Nguyệt trước tiên. Hay là những phản hồi vui mừng từ thính giả khi lá thư của bạn đó được lựa chọn cho chương trình hôm nay. Những niềm vui nhỏ đó có sức lan toả rất lớn, nhất là với những người con xa xứ”, Minh Nguyệt nói.
Hiện nay, xu hướng nghe radio và podcast đang quay trở lại. Ekip “Xin chào Việt Nam” đang không ngừng nỗ lực để đưa chương trình tiếp cận với thính giả, không chỉ thông qua sóng FM mà còn qua các kênh Youtube hay Facebook.
Cộng đồng người Việt Nam ở TP. Gwangju hiện là lớn nhất so với cộng đồng người nói tiếng Anh hay người nói tiếng Trung. Do đó, Đài GFN dự định tăng thời lượng để chương trình “Xin chào Việt Nam” sẽ phát sóng hằng ngày. Mỗi ngày đều được nghe tiếng Việt, các thính giả người Việt sẽ tìm được những hương vị quê hương trong cuộc sống tại Hàn Quốc./.
Thực hiện: Lê Linh | Trình bày: Kiều Anh